Chứng trường đang "vùi dập" tầm nhìn 300 năm với tham vọng thay đổi ngành công nghệ của "gã điên giàu nhất Nhật Bản" Masayoshi Son

    Thu Hương, Theo Trí thức trẻ 

    Tầm nhìn dài hạn của Son đang đụng độ với những kỳ vọng mang tính ngắn hạn của phố Wall.

    Quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD Vision Fund của SoftBank đang gặp phải trở ngại lớn nhất trong quá trình đi tìm thành công: thị trường niêm yết. Đó là nơi mà tầm nhìn dài hạn của nhà sáng lập kiêm CEO Masayoshi Son đụng độ với những kỳ vọng mang tính ngắn hạn của phố Wall.

    Quan điểm của Son trong quá trình tạo ra và giải ngân các khoản đầu tư của Vision Fund - quỹ cho đến nay đã rót hơn 70 tỷ USD vào hàng chục công ty tư nhân - là đặt cược lớn và hành động thật nhanh chóng. Trong một trong những thông cáo báo chí đầu tiên, SoftBank giải thích rằng mục tiêu của quỹ này là xây dựng những doanh nghiệp giúp cho giai đoạn tiếp theo của cuộc Cách mạng công nghiệp mới trở nên dễ dàng hơn, yêu cầu những khoản đầu tư dài hạn "lớn chưa từng thấy".

     Chứng trường đang vùi dập tầm nhìn 300 năm với tham vọng thay đổi ngành công nghệ của gã điên giàu nhất Nhật Bản Masayoshi Son - Ảnh 1.

    Những nhà sáng lập của các startup cũng nhất trí với khẩu hiệu liên tục mở rộng và chiếm lĩnh vị trí số 1 trong ngành dù chi phí lớn đến đâu. Son khuyến khích các công ty chiếm được càng nhiều thị phần càng tốt, lấy quy mô làm lợi thế cạnh tranh.

    Tuy nhiên, những khoản đầu tư dài hạn vào các công ty công nghệ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu họ không bị áp lực từ những con số dự báo lợi nhuận hàng quý và từ những cổ đông luôn mong muốn sự tăng trưởng liên tục.

    Sự kiện các nhà đầu tư đại chúng hạ mức định giá của WeWork xuống còn 25 tỷ USD, giảm gần một nửa so với mức 47 tỷ USD khi SoftBank rót vốn vào đây hồi tháng 1, có thể khiến Son phải suy nghĩ. Có lẽ niêm yết cổ phiếu không phù hợp với các mục tiêu của Vision Fund.

    Tất nhiên, Vision Fund không phải là 1 quỹ từ thiện. Đó là 1 dạng quỹ đầu tư mạo hiểm hay quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân ở giai đoạn muộn. Son đã thuyết phục được những cái tên sừng sỏ đầu tư vào đây như quỹ quốc gia của Saudi Arabia và UAE cùng các ông lớn công nghệ gồm Apple, Qualcomm, Foxconn và Sharp. Tất cả các nhà đầu tư đều ở đó để kiếm tiền, vì mục đích kiềm tiền và các khoản đầu tư cần có thanh khoản. Niêm yết vẫn là lựa chọn tốt nhất để phục vụ các mục tiêu đó.

    Tuy nhiên, kiếm tiền từ việc niêm yết cổ phiếu dường như đang trở thành rào cản lớn nhất đối với chiến lược dài hạn của SoftBank. Cổ phiếu Uber, một khoản đầu tư lớn khác của SoftBank (7,6 tỷ USD), đã liên tục lao dốc sau khi niêm yết. Hiện SoftBank đang lỗ hơn 600 triệu USD tại ứng dụng chia sẻ xe nổi tiếng nhất thế giới.

    Khoản đầu tư vào Slack sáng sủa hơn: số tiền 335 triệu USD mà SoftBank rót vào Slack từ năm 2017 đến 2018 (tương đương 8,7 – 11,91 USD/cổ phiếu) tính đến mức giá đóng cửa hôm thứ 6 tuần trước đã có trị giá hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên kể từ khi Slack lên sàn thì giá trị của số cổ phần này đã giảm gần 30% với cổ phiếu Slack giảm 8,8% chỉ riêng phiên cuối tuần trước.

    Dẫu vậy, có thể SoftBank vẫn đúng.

    Kể cả một số ông lớn công nghệ hiện nay như Amazon và Netflix cũng từng bị các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vùi dập khi có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm trước khi họ chứng minh được mô hình kinh doanh của mình là hiệu quả. Có lẽ Uber, Slack và WeWork cần thời gian và sẽ trở thành những câu chuyện thành công nổi bật trong vài năm nữa. Và họ đều mới chỉ ở giai đoạn đầu mà thôi.

    Tuy nhiên, không thể chối bỏ sự thực là có sự xung đột rõ ràng về mục tiêu giữa việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ thay đổi thế giới với chuyện làm các cổ đông hài lòng. CEO Elon Musk của Tesla thường xuyên khiến các nhà đầu tư cổ phiếu tức giận và năm ngoái đã có hẳn 1 vụ scandal trên Twitter. Cả bản thân Twitter cũng là 1 phát minh khiến lịch sử thay đổi nhưng cổ phiếu của ứng dụng mạng xã hội này đã ì ạch trong suốt nhiều năm.

    Xung đột càng tăng lên khi các công ty cần đến hàng tỷ USD vốn để đạt được những lợi thế cạnh tranh mà Son mong muốn. Nói theo cách đơn giản hơn thì các công ty sẽ dễ xoay xở hơn rất nhiều khi họ chưa niêm yết.

    Giờ đây phần thú vị nằm ở chỗ trong thời gian tới liệu Son có chuyển sang lựa chọn những công ty không có dự định lên sàn trong tương lai gần hay không. Nếu Vision Fund quyết định chuyển sang đầu tư vào những startup ở giai đoạn non trẻ hơn, sự lựa chọn cũng sẽ ít hơn nếu vẫn muốn tìm kiếm những cái tên thống lĩnh thị trường. Đổi lại giá trị của các khoản đầu tư sẽ ít biến động hơn và SoftBank cũng có thể làm hài lòng một số nhà đầu tư bằng cách bán cổ phiếu trên thị trường vốn tư nhân thứ cấp.

    Cũng có thể SoftBank sẽ đưa ra yêu cầu buộc các công ty nhận đầu tư chỉ được lên sàn khi đã chắc chắn về việc đạt được mục tiêu giá trị nhất định. Hoặc Son sẽ mềm mỏng hơn về chuyện tăng trưởng bằng mọi giá nếu như nhu cầu tăng trưởng đó đòi hỏi nguồn vốn quá lớn.

    Đầu tư vào các công ty công nghệ dẫn đầu thị trường đã được chứng minh là một trong những chiến lược đầu tư hiệu quả nhất trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này không phải là những công ty đòi hỏi nguồn vốn lớn và có nghĩa vụ tài chính phức tạp như WeWork và Uber.

    Có lẽ Son sẽ thay đổi bằng cách tập trung vào những sản phẩm sẽ xuất hiện trên cơ sở hạ tầng mới chứ không phải vào những công ty có công thay đổi thế giới. Nếu điều đó xảy ra thì tầm nhìn của "gã điên giàu nhất Nhật Bản" cũng bị thay đổi và xã hội có thể tiến chậm lại một chút. Tuy nhiên, điều đó là tốt cho ví tiền của các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư quan trọng nhất - Masayoshi Son.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ