Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc

    Đ.L, Theo Helino 

    Mì ăn liền thì ai cũng biết, nhưng bạn đã từng nghe về vai trò quan trọng của phát kiến này? Nó thật sự đã thay đổi cả thế giới!

    Tính riêng trong năm 2017, trên toàn cầu có hơn 100 tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ. Con số đó gấp 13 lần dân cư của Trái Đất.

    Trung Quốc hiện là nước ăn mì gói nhiều nhất thế giới, đứng thứ nhì là Indonesia , theo sau là Nhật Bản - nơi khai sinh của sản phẩm này.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

    Phụ nữ Nhật ăn mì truyền thống vào khoảng năm 1905

    Đã qua rồi thời hoàng kim vào thập niên 70 - 80 khi mì gói là "món ăn quốc dân", làm mưa làm gió ở thị trường Nhật Bản. Hiện giờ, tổng lượng tiêu thụ mì gói ở xứ sở mặt trời mọc chỉ chiếm 5% của thế giới.

    Tuy vậy, hơn cả số lượng mì bán ra, món ăn này là niềm tự hào của Nhật Bản. Nó từng được bầu chọn là phát minh thành công nhất đất nước, vượt qua cả tàu điện cao tốc, laptop và karaoke.

    Mì gói - Món ăn bất diệt khai sinh từ Nhật Bản

    Hầu hết các giả thiết cho rằng mì ăn liền xuất thân từ mì ramen . Còn mì ramen lại do các đầu bếp Trung Hoa đem đến Nhật vào những năm 1880. Qua thời gian, mì ramen định hình rõ thành phần chính làm từ lúa mì, chan nước dùng, sau đó có thêm vài lát thịt hay đậu hũ xắt lên trên.

    Mì Ramen - Tiền thân của món mì ăn liền

    Tuy vậy, 3 yếu tố cốt lõi đó được các đầu bếp Nhật phù phép biến đổi không ngừng. Kết cấu sợi mì ngày càng đa dạng, nước dùng được nấu phức tạp cho ra mùi vị đặc trưng và topping đặt lên trên cũng trở nên phong phú hơn.

    Nhờ đó, mì ramen dần có chỗ đứng vững chắc trong lòng mọi người dân Nhật Bản, nhất là tầng lớp lao động. Một tô mì nóng hổi đầy ắp, giòn dai xừng xực - đó là tất cả những gì họ cần sau một ngày làm lụng cực khổ.

    Nhưng rồi Thế chiến Thứ II nổ ra và thay đổi tất cả. Sau khi gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ sau năm 1945, những người Nhật sống sót lại phải đối mặt ngay với nạn đói. Đó cũng là lúc một vị anh hùng bất đắc dĩ xuất hiện - ông Momofuku Ando đến từ Đài Loan.

    Ando là thương nhân từng trải qua nhiều thăng trầm trên thương trường cả ở Đài Loan lẫn Nhật Bản. Ông kiếm được hàng triệu yên trong ngành công nghiệp thời chiến rồi lại đánh mất mọi thứ, sau đó còn vào tù vì tội gian lận. Ông thành lập một ngân hàng và phá sản. Nhưng Ando vẫn kiên trì, quyết tâm gầy dựng lại danh tiếng của mình.

    Một thập kỉ sau khi chiến tranh chấm dứt, một người quen từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản nói với Ando rằng nước Mỹ đã tài trợ rất nhiều bột lúa mì. Và Bộ muốn làm sao thúc đẩy người Nhật tiêu thụ loại tinh bột này.

    Người ta nói "Thời thế tạo anh hùng", câu nói đó hoàn toàn đúng với Momofuku Ando. Ông biết cách kết hợp hoàn hảo những tài nguyên có sẵn lúc bấy giờ. Chẳng phải người Nhật luôn mê đắm món mì ramen hay sao? Và giờ chúng ta đang có rất nhiều bột lúa mì từ Hoa Kỳ, cùng với lũ lượt người đói xếp hàng dài cho miếng ăn thời hậu chiến!

    Việc phải làm là bắc cầu nối giữa 3 yếu tố này. Câu trả lời sẽ phải là một món ăn - một phiên bản hiện đại, tinh giản của mì ramen mà mọi người lao động đều có thể tiếp cận được.

    Và thế là ở tuổi 48, Ando rẽ hướng chuyển thành nhà nghiên cứu thực phẩm. Ông nhốt mình suốt một năm trời sau vườn nhà. Khi trở lại, Ando đã trở thành một nhà sáng chế với phát minh gây chấn động.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 2.
    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 3.

    Mô phỏng lại căn nhà nơi ông Momofuku Ando (ảnh phải) đã nghiên cứu ra phiên bản mì ăn liền đầu tiên (ảnh: Nissin)

    Ông trình làng món ăn tiện lợi với những sợi mì khô xếp dính chặt vào nhau như cục gạch. Nó được gọi là "mì ăn liền". Và như chúng ta đã biết, món ăn này sẽ xuất hiện ở khắp các siêu thị trên toàn cầu suốt hàng chục năm sau.

    Nhưng con đường phát triển của mì gói không hề dễ dàng. Quy mô càng nhân rộng, vấn đề càng phát sinh. Người tiêu dùng mỗi địa phương đều có khẩu vị riêng và đôi khi thật khó để chiều lòng các "thượng đế".

    Công ty sản xuất mì gói Nissin do ông Ando thành lập từng cho biết rằng: "Mỗi năm riêng ở Nhật Bản, chúng tôi tung ra hơn 300 sản phẩm mới. Chỉ 1% trong số đó sống sót qua sự thẩm định gắt gao của người tiêu dùng. Dần dần, các sản phẩm trở nên có vòng đời quá ngắn. Người dùng cả thèm chóng chán và chỉ chờ đợi một hương vị mới. Vì thế, chúng tôi phải sáng tạo rồi lại sáng tạo không ngừng".

    Nhưng công sức ấy đã được đền đáp xứng đáng. Một món ăn vốn đã tiện lợi nay còn đa dạng như thế, chẳng bất ngờ khi nó được ưa chuộng trên toàn thế giới. Còn ở quê nhà Nhật Bản, người ta lập nên đến 3 bảo tàng trưng bày mì gói.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 4.

    Bảo tàng mì gói ở Yokohama (ảnh: Nissin)

    Bảo tàng mì gói lớn nhất và hiện đại nhất nằm tại thành phố biển Yokohama, thuộc sở hữu của công ty thực phẩm Nissin. Khi phóng viên BBC tới thăm nơi này, họ được dẫn đến căn phòng cuối cùng.

    Nữ hướng dẫn viên Kasura thông báo: "Đây là nơi trưng bày Space Ramen - phát minh cuối cùng của ông Momofuku Ando, nhà sáng lập đáng kính của chúng tôi. Sản phẩm này được phát triển đặc biệt cho các nhà du hành vũ trụ".

    Vị phóng viên người Anh chần chừ, nhưng hướng dẫn viên người Nhật không hề nao núng.

    "Cô nói rằng ở tuổi 95, ông Ando vẫn sáng tạo ra sản phẩm mới?" - anh hỏi.

    "Đúng vậy, ông ấy muốn đem mì gói ra ngoài vũ trụ" - cô ấy đáp.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 5.

    Ông Ando và món mì Space Ramen

    Viện bảo tàng mì gói là nơi mà bạn dễ dàng thấy được niềm tự hào của người Nhật đối với món ăn này. Nó là phát minh ra đời ngay sau khói lửa chiến tranh, giúp người đói được no bụng. Sau đó, cả nước bắt đầu vực dậy tái thiết.

    Đến thập niên 70 - 80, các món đồ gia dụng trở nên phổ biến với mọi hộ gia đình, ví dụ như ấm đun nước để chế mì. Truyền hình cũng phát triển nhanh chóng, giúp quảng bá sự tiện lợi của mì gói - lúc này không còn là món ăn "cứu đói" nữa nhưng vẫn là cứu cánh tuyệt vời khi bận rộn.

    Như vậy, mì gói đã ra đời và đồng hành cùng với sự vươn lên của xứ sở Phù Tang, từ thời hậu chiến khó khăn đến lúc trở thành nước công nghiệp hiện đại.

    Tuy nhiên, muốn biết mì ăn liền phản ánh sự phát triển của một nền kinh tế như thế nào, hãy đến với đất nước tiêu thụ nó nhiều nhất thế giới. Đó chính là Trung Quốc.

    Món ăn hòa cùng mồ hôi của người lao động nghèo, chứng kiến bao cuộc đời thăng trầm ở Trung Quốc

    Năm 2017 có 100 tỷ gói mì được bán ra và người Trung Quốc chiếm tới 38 tỷ trong số đó! Tuy vậy, ở Trung Quốc chẳng có viện bảo tàng mì gói hay niềm yêu thích, tự hào gì về món ăn này.

    Trên chuyến tàu đông đúc ở thủ đô Bắc Kinh, các hành khách chuẩn bị tinh thần cho một chặng đường mệt nhọc mà họ phải trải qua hàng ngày. Rất nhiều người tranh thủ nấu mì gói.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 6.

    Chuyến tàu đông đúc những người lao động, họ ăn vội mì gói cho bữa sáng

    "Ba cái món vớ vẩn", một phụ nữ trẻ cho biết ý kiến về ly mì cô đang dùng. "Ai cũng biết mì ăn liền không tốt cho sức khỏe. Tôi cũng chả muốn ăn nhưng đơn giản là nó quá tiện lợi".

    "Nếu không có gì để ăn thì chắc chắn phải nấu mì rồi" - đó là ý kiến bà Vương Lệ, cũng là quan điểm chung của các hành khách đi tàu đến chỗ làm hàng ngày. Họ chạy đua với thời gian vào mỗi sáng và tranh thủ lót dạ bằng mì gói trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.

    Hàng dài người xếp hàng đến bình nước nóng ở đuôi các toa tàu, đồng thời trao đổi nhau vài chuyện phiếm buổi sáng. Trong đó có ông Hoàng Trác Minh làm bảo vệ và bà Vương Lệ quét dọn vệ sinh. Họ đã kết hôn nhiều năm nhưng không còn sống chung dưới một mái nhà.

    Ông Hoàng ngủ ở chung cư mà mình làm việc. Sau giờ làm, bà Vương cũng nghỉ ngơi tại phòng kí túc xá với các nữ đồng nghiệp. Con gái của họ - một y tá - ngủ ở một kí túc xá khác vào những đêm không trực tại bệnh viện. Cả gia đình 3 người trú lại 3 nơi khác nhau, rải rác quanh thủ đô Bắc Kinh rộng lớn.

    Khi phóng viên hỏi về đời sống tại các khu kí túc xá, họ chỉ nhún vai. Tờ BBC nhận định rằng, chính những người lao động xa nhà và bắt chuyến tàu đi làm mỗi ngày như vậy đã giúp kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng!

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 7.

    Ông Hoàng Trác Minh và bà Vương Lệ - những người lao động nghèo sống xa nhà, thường phải ăn mì gói thay cơm

    Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng thần kì 9,5% mỗi năm trong suốt 3 thập kỉ. Đó là tốc độ phát triển nhanh nhất của một nền kinh tế trong lịch sử. Nó giống như một cỗ xe lăn bánh mạnh mẽ nhờ lực đẩy của những người lao động nghèo, xa nhà, gắn liền với lối sống "làm việc xoay ca". Chính họ là những người tiêu thụ mì gói nhiều nhất Trung Quốc, và đất nước này có hàng trăm triệu người lao động như thế.

    Thử tưởng tượng bạn là người lao động có thu nhập ít ỏi ở đất nước tỷ dân, ngủ trong phòng kí túc xá và ăn cơm căn tin mỗi tối, nếu bạn muốn đổi món một chút thì phải làm thế nào? Mì gói, đó chính là câu trả lời!

    Tuy vậy, lối sống gắn liền với mì ăn liền cũng đang lùi về quá khứ. Doanh số mặt hàng này chạm nóc 50 tỷ gói mì vào năm 2010, sau đó giảm dần qua từng năm. Riêng năm 2017 đã sụt giảm đến 16%.

    "Mỗi loại thực phẩm đều có một thời huy hoàng của nó" - giáo sư Mạnh Tố Hà, chuyên gia nghiên cứu về sản phẩm mì ăn liền cho biết. Đằng sau cặp kính dày, bà rà soát những con số về sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc cũng như số lượng tiêu thụ mì gói suốt 40 năm nay.

    Quả thật chúng có mối liên quan với nhau. "Mỗi lần tăng và giảm doanh số mì ăn liền cũng phản ánh một giai đoạn khác biệt trong lịch sử hiện đại Trung Quốc", giáo sư Tố Hà kết luận.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 8.

    Giáo sư Mạnh Tố Hà, chuyên gia về mì ăn liền

    Số liệu từ chính phủ cho thấy 50% công nhân Trung Quốc sống tại các kí túc xá vào năm 2011. Đến năm 2016, tỷ lệ này chỉ còn 13%. Nhiều người đã dọn đến các khu nhà trọ, nơi họ có thể nấu thức ăn mình mong muốn, không cần lệ thuộc quá nhiều vào cơm căn tin, hàng quán hay mì gói.

    Hiện giờ, công nhân Trung Quốc đã bắt đầu lo ngại việc dùng quá nhiều mì ăn liền. "Họ muốn dành thời gian quay về bữa cơm gia đình truyền thống và bớt lệ thuộc vào thực phẩm đóng gói", giáo sư Tố Hà cho biết.

    Tuy vậy, mì gói cũng không thể nào biến mất khỏi các kệ hàng trong tương lai gần. Theo giáo sư Tố Hà, ngày nay vẫn có rất nhiều người trẻ thế hệ 9x, 10x không thể nấu cho mình một bữa ăn tử tế. Và như vậy, họ vẫn có nhu cầu tích trữ mình ăn liền.

    Chuyện chưa kể về mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản sau chiến tranh và lớn lên cùng nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh 9.

    Thế hệ Millennials: Bên cạnh những người từ chối mì và các thực phẩm ăn liền thì vẫn còn rất nhiều người chọn dùng nó!

    Tạm kết

    Dù yêu hay ghét, có lẽ ai cũng biết đến mì gói. Chúng ta làm quen với nó khi còn nhỏ, dùng hàng tuần, thậm chí hàng ngày vào thời sinh viên; rồi sau này làm phải ca đêm hay đôi lúc nhớ nhớ thèm thèm, ta lại tìm mì gói để nấu ngay một bát nóng hổi ngon lành.

    Mì gói đã hiện diện như một điều hiển nhiên, nên chắc bạn hơi bất ngờ một chút khi biết rằng món ăn này đang ít được ưa chuộng hơn. Liệu nó có mãi trường tồn trong niềm tự hào của người Nhật? Hay có tiếp tục phủ sóng và được tiêu dùng hàng ngày bởi hàng triệu người dân Trung Quốc? Đó vẫn là những câu hỏi chưa thể trả lời, nhưng dù sao, mì gói đã âm thầm thay đổi cả thế giới theo cách mà chúng ta chưa từng nghĩ đến.

    (Theo BBC)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày