Chuyện người đàn ông rơi từ tầng 47 vẫn sống sót và khoa học về mọi cú ngã

    zknight,  

    Một cú ngã có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai và rồi thay đổi cả cuộc đời họ.

    Alcides Moreno và Edgar Moreno là hai anh em người nhập cư sinh sống tại Mỹ. Sau khi rời Ecuador để đến New York, cả hai kiếm được một công việc. Họ làm nhân viên lau cửa kính cho công ty City Wide Window Cleaning.

    Mỗi ngày, Alcides và Edgar đều treo mình bên ngoài những tòa nhà chọc trời, lơ lửng phía trên những con phố đông đúc. Công việc thì hết sức đơn giản, kéo một cây chổi ướt xà phòng qua lại giữa những ô cửa kính.

     Chuyện người đàn ông rơi từ tầng 47 vẫn sống sót và khoa học về mọi cú ngã

    Chuyện người đàn ông rơi từ tầng 47 vẫn sống sót và khoa học về mọi cú ngã

    Đường chân trời của Manhattan khi đó được lấp đầy bởi những tòa nhà chọc trời. Khoảng 10 năm về trước, Alcides và Edgar, hai người đàn ông hàng ngày vẫn cần mẫn làm đẹp cho "biểu tượng Manhattan".

    Cho đến một ngày tháng 12 năm 2007, họ bắt thang máy lên nóc tòa Solow Tower, một tháp cao 47 tầng ở khu đông. Vẫn công việc quen thuộc, Alcides và Edgar bước lên chiếc giàn nhôm dài 5 mét, hạ dần nó xuống phía bên ngoài tòa Solow Tower, sát với các ô cửa kính.

    Chẳng có gì báo hiệu hôm nay sẽ là ngày làm việc cuối cùng của hai người. Alcides và Edgar đều còn khỏe mạnh ở độ tuổi ngoài 30. Nhưng có một thứ quan trọng nữa đã mệt mỏi: Một chiếc đinh neo đã không còn chịu thêm được sức nặng gần 600kg đặt lên nó mỗi ngày.

    Alcides và Edgar bị thả rơi tự do từ độ cao 144 mét. Cú ngã kéo dài tới 6 giây.

    Edgar, người em trai bị văng khỏi giàn treo, rơi xuống một hàng rào bằng gỗ và chết ngay lập tức. Những phần thi thể anh được tìm thấy trong một con hẻm kế bên tòa nhà.

    Nhưng các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy Alcides còn sống. anh ngồi giữa đống đổ nát, thở và vẫn còn ý thức khi các nhân viên y tế thực hiện cấp cứu. Alcides được đưa ngay vào một bệnh viện, NewYork-Presbyterian chỉ cách đó 4 dãy nhà.

     Alcides Moreno(bên trái) sống sót sau tai nạn. Nhưng em trai anh Edgar Moreno (bên phải) đã vĩnh viễn ra đi

    Alcides Moreno(bên trái) sống sót sau tai nạn. Nhưng em trai anh Edgar Moreno (bên phải) đã vĩnh viễn ra đi

    Trên thực tế, ngã là một trong những mối nguy hiểm rình rập lớn nhất trong cuộc sống con người.

    Chúng ta vẫn luôn lo sợ những cuộc tấn công khủng bố, cá mập cắn hoặc những dịch bệnh như Ebola. Nhưng ít người biết những cú ngã mỗi năm đang giết chết 420.000 người trên thế giới. Ngã là nguyên nhân gây chấn thương dẫn đến tử vong đứng thứ hai, chỉ sau tai nạn giao thông.

    Số liệu của Hoa Kỳ cho thấy số người tử vong do ngã ở quốc gia này là 32.000 người mỗi năm, gấp 4 lần số ca tử vong do đuối nước và hỏa hoạn cộng lại. Số người chết ở Mỹ vì tự ngã cũng nhiều gấp 3 lần số người chết vì bị tấn công bởi vũ khí.

    Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), số người đến các phòng cấp cứu vì bị ngã nhiều hơn bất kể một hình thức tai nạn nào khác. Con số này gần gấp 3 lần số người bị thương vì tai nạn xe hơi.

    Chi phí mà chúng ta mất cho những cú ngã là rất lớn.

    Một phần 3 ngân sách cho hoạt động cứu thương ở các phòng khám là dành cho những cú ngã. Thương tật gây ra bởi chúng cũng liên quan đến nhiều khiếu nại tốn kém. Trong một trường hợp ở Ai Len, một người phụ nữ đã đòi được khoản bồi thường tới 1,4 triệu Euro, sau khi đạp trúng một quả nho trong siêu thị và ngã.

    Điều này cũng nói lên một điều, rằng nguy cơ của những cú ngã là rất lớn. Để bị bắn hoặc tai nạn xe hơi, bạn phải ở nơi có súng và xe hơi. Nhưng ngã thì có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và bới vất kì ai.

    Những cú ngã khủng khiếp, từ nóc của một tòa nhà như anh em nhà Moreno là cực kỳ hiếm. Nhưng nơi nguy hiểm nhất xảy ra những cú ngã không phải mái nhà hay vách đá, mà đó lại là trên những trang bị nội thất thấp xinh của cuộc sống hàng ngày: phòng tắm, lối đi siêu thị và cầu thang.

    Thành thật mà nói, con người ngày nay đã trở thành một loài động vật sống trong nhà. Người Mỹ chi tiêu chỉ khoảng 7% thời gian mỗi ngày ở bên ngoài. 87% còn lại họ sống trong các tòa nhà và 6% trong các phương tiện như ô tô, tàu điện…

    Bất kể một cú ngã nào, thậm chí chỉ là từ trên giường xuống đất, cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của ai đó, biến họ từ khỏe mạnh trở thành tàn tật trong vòng chưa đầy 1 giây. Ngã có thể gây gãy xương, và thỉnh thoảng tổn hại đến cả nội tạng, não và tủy sống.

    Những cú ngã không chừa bất kỳ ai, Elliot J Roth, giám đốc y tế đơn vị phục hồi chức năng của Shirley Ryan AbilityLab, Chicago cho biết. Những người gặp chấn thương não và cột sống vì bị ngã trước đây đều là những người rất khỏe mạnh.

     Bất kể một cú ngã nào cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của ai đó

    Bất kể một cú ngã nào cũng có thể thay đổi cả cuộc đời của ai đó

    Trong hai thập kỷ gần đây, số lượng nghiên cứu về vận động di chuyển, bao gồm sự cân bằng và ngã đã tăng lên đáng kể. Nhưng cả thế giới không có một tạp chí chuyên khảo nào về vấn đề này.

    Tiến bộ công nghệ đã giúp chúng ta hiểu hơn về những cú ngã, lí do chúng xảy ra, cách thức giảm thiểu tổn thương và y học đã làm tốt hơn để giúp những người ngã bình phục.

    Bây giờ, khoa học đang khuyến khích con người đi tìm câu trả lời cho việc ngã thế nào để giảm thương tích nhất có thể. Thay vì phòng tránh những cú ngã một cách tuyệt đối, tại sao không chuẩn bị sẵn sàng cho chúng?

    Gần 10 năm về trước, kịch bản về cú ngã của anh em nhà Moreno có lẽ đã thay đổi, nếu mọi người được đào tạo trước cho tình huống không may ấy.

    Khi tiếp nhận Alcides Moreno tại sảnh cấp cứu, các bác sĩ đã không dám mạo hiểm chuyển anh vào phòng phẫu thuật. Họ sợ rằng một chuyển động, dù là nhỏ nhất, cũng có thể giết chết Alcides. Cuộc phẫu thuật được tiến hành ngay trong phòng cấp cứu.

    Alcides có hai chân, một cánh tay và thêm một loạt xương sườn bị gãy. Một đốt cột sống bị chẹn có thể khiến anh bị liệt sau này. Hai lá phổi đã hoàn toàn dập nát, não Alcides sưng phồng và một số nội tạng đã vỡ.

    Anh được truyền tổng cộng 11 lít máu và 9 lít huyết tương trước khi các bác sĩ cầm được máu. Họ ngạc nhiên vì anh vẫn còn sống. Trong trường hợp này, y khoa sẽ giải thích chỉ bằng một từ: phép lạ.

    Những cú ngã từ độ cao trên 30 mét gần như luôn kết thúc bằng một cái chết, ngoại trừ những trường hợp kỳ cục.

    Devin Stratton, một vận động viện trượt tuyết mạo hiểm, vô tình băng xuống một vách núi sâu hơn 45 mét hồi tháng 1 năm 2017 mà không hề hấn gì. Cú ngã được ghi lại bởi camera hành trình cho thấy Devin đã được đỡ bởi một vài cành cây và phía dưới là một lớp tuyết dày.

    Trong một cú ngã, giảm tốc là một chìa khóa quan trọng liên quan đến cơ hội sống sót và độ nặng thương tích. Độ dài của cú ngã và cao điểm không có ý nghĩa, mà đó phải là cách bạn tiếp đất.

    Điều này đã được chứng minh một cách không thể thuyết phục hơn bởi Luke Aikens, một chuyên gia an toàn đồng thời là người chơi dù chuyên nghiệp.

    Luke đã nhảy khỏi máy bay từ độ cao 25.000 feet (7,62 km), thẳng xuống một mảnh lưới được căng sẵn trên sa mạc mà không bung dù. Anh còn chẳng mang chiếc dù nào nhưng nghiễm nhiên còn sống sót, không một vết trầy xước.

    Cú nhảy không dù của Luke Aikens từ độ cao 7,62 km

    Có một giả thuyết giải thích cho sự sống sót kỳ diệu của Alcides. Đó là khi giàn treo bị bung, anh đã kịp nằm nhoài người và bám vào nó. Đó là điều mà một công nhân lau kính chuyên nghiệp được huấn luyện.

    Giàn treo không rơi giữa một con phố, mà là trong một con hẻm nhỏ - lực cản của không khí có lẽ đã tác dụng đáng kể và làm chậm cú rơi. Nó cũng có thể đã vướng vào các tòa nhà lân cận để giảm tốc.

    Nhôm đã chịu lực và bị nghiền nát ở mỗi cú va chạm, nó đáp trên một đống dây cáp và cả hai đều thấp thụ lực tạo nên một dạng đệm cản.

    Những ghi chú y khoa đầu tiên về ngã mang dấu ấn của Hippocrates. Trong một tác phẩm quan sát và đúc kết những gì liên quan đến chấn thương đầu, ông viết: “Người ngã từ một nơi rất cao xuống một vật rất cứng và duy nhất có nguy cơ lớn nhất bị rạn nứt sọ. Trong khi nếu ngã trên một bề mặt nhiều lớp và mềm, thương tật sẽ ít hơn”.

    Tài liệu y khoa hiện đại đầu tiên về một cú ngã là bài báo khoa học của Philp Turner trên tạp chí Guy's Hospital Gazettem, năm 1919: “Một cú ngã từ vách đá 320 feet mà không gây chấn thương chết người”. Nó nói về trường hợp một binh nhì phục vụ quân đội Canada, sảy chân từ một vách đá cao gần 100 mét ở Pháp năm 1916 mà vẫn sống sót.

    Năm 1917, Hugh DeHaven, một phi công tập sự Mỹ đang bay huấn luyện thì va chạm với một máy bay khác ở độ cao hơn 200 mét. Có tổng cộng 4 người trên 2 chiếc máy bay, nhưng DeHaven là người duy nhất sống sót sau khi liều mình lao ra ngoài.

    Ông đã dành cả phần đời còn lại để giải thích sự sống sót của chính mình.

    Năm 1942, DeHaven công bố một bài báo khoa học có tiêu đề: “Phân tích cơ chế sống sót của những cú ngã từ độ cao 50-150 feet”. Trong đó, liệt kê 8 trường hợp sống sót kì diệu, không tính của DeHaven nhưng có cả trường hợp người lính Canada năm 1916.

    DeHaven kết luận: “Tốc độ hoặc độ cao của cú ngã, tự nó không gây ra được những tổn thương”. Quan trọng vẫn là giai đoạn tiếp đất. Nghiên cứu trọn đời đã giúp ông có một phát minh quan trọng, chính là những chiếc đai an toàn mà chúng ta thắt trong ô tô ngày hôm nay.

    Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 1960-1970, nghiên cứu khoa học về ngã chủ yếu tập trung trong lĩnh vực pháp lý. Chủ thể của các cú ngã thường sẽ chết, và các câu hỏi tập trung xung quanh việc giải thích điều gì đã thực sự xảy ra với họ?

    Điều này rất quan trọng, chẳng hạn như trong đánh giá chấn thương ở trẻ em – câu hỏi là liệu đứa trẻ đã bị thương do tự ngã như đối tượng liên đới khai hay đã bị lạm dụng và đánh đập?

    Các nhà khoa học chỉ bắt đầu chú ý lại ngã, coi nó như một vấn đề y học kinh điển trong khoảng một phần tư thể kỷ trở lại đây. Một tạp chí được thành lập vào năm 1986 mang tên Rối loạn vận động (Movement Disorders) đăng tải các nghiên cứu trong chủ đề này.

    Nhưng cũng phải tới sau năm 2000, các nghiên cứu liên quan gần gũi hơn tới sự cân bằng của chuyển động, đi lại và những cú ngã mới xuất hiện nhiều hẳn lên.

     Nghiên cứu về ngã vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết

    Nghiên cứu về ngã vẫn chưa nhận được sự quan tâm cần thiết

    Bạn có thể vấp hoặc trượt chân khi đang đi bộ, nhưng một người nào đó đang đứng yên cũng có thể bị ngã – khi mất ý thức, chóng mặt hoặc như trong trương hợp của anh em nhà Moreno.

    Dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, trọng lực là yếu tố then chốt trong bộ phim ngắn, nhưng cực kỳ bạo lực ấy. Cũng giống như một bộ phim, cú ngã có màn mở đầu, diễn biến và kết thúc.

    Giáo sư Stephen Robinovitch đến từ khoa Chuyển động và sinh lý cơ thể Đại học Simon Fraser, Canada cho biết: “Chúng ta có thể nghĩ về những cú ngã với 3 giai đoạn: khởi đầu, sự rơi và cú chạm”.

    Hầu hết các nghiên cứu về những cú ngã liên qian đến việc “duy trì cân bằng” – làm thế nào chúng ta thực hiện các hoạt động như đứng tại chỗ, đi bộ và "chuyển đổi" mà không mất thăng bằng?

    Các hoạt động chuyển đổi, có nghĩa là quá trình thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác: từ đi bộ đến lúc dừng lại, từ nằm trên giường đến lúc đứng dậy, hoặc đang đứng rồi ngồi xuống ghế.

    Trong một nghiên cứu dài hạn, giáo sư Robinovitch đã đặt camera để theo dõi những người già sống trong một viện dưỡng lão tại Canada suốt 3 năm. Ông bắt được tổng cộng 227 cú ngã để phân tích. “Chúng tôi phát hiện ra rằng những cú ngã của người già gần như chỉ xảy ra trong khoảng thời gian họ đang đứng một chỗ rồi chuyển sang trạng thái đi lại”.

    Chỉ có 3% số cú ngã vì nguyên nhân trượt chân, 21% do vấp so với 41% vì vấn đề quán tính trọng lượng – ví dụ sự không vững chãi của tư thế đứng và lỗi kỹ thuật khi đi bộ.

    Chẳng hạn, một người phụ nữ lớn tuổi quyết định đi bộ, bà đổ thân trên về phía trước nhưng bàn chân thì không nhấc lên khỏi mặt đất được. Hiển nhiên, người phụ nữ này ngã lăn ra. Nguyên nhân được ghi là triệu chứng “đóng băng” phổ biến trong bệnh Parkinson.

     Ngã ở người cao tuổi là một vấn đề thực sự

    Ngã ở người cao tuổi là một vấn đề thực sự

    Nhìn chung, người cao tuổi dễ bị ngã bởi họ bị bệnh tật ảnh hưởng đến nhận thức, sự phối hợp vận động, sức lực và sự phối hợp linh hoạt của cơ bắp. Fay Horak, một giáo sư thần kinh học tại Đại học Y Oregon cho biết: “Bất cứ điều gì không ổn với não, cơ bắp hoặc các khớp sẽ ảnh hưởng đến thăng bằng của bạn”.

    Ông cũng cho biết chấn thương gây do ngã là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trên 60 tuổi. 30% số người trên 65 tuổi bị ngã ít nhất một lần mỗi năm và con số sẽ tăng lên 50% khi họ trên 80 tuổi. Theo CDC, cứ 3 cú ngã thì có một trong đó dẫn đến thương tật. 5% gây ra thương tích nghiêm trọng.

    Theo số liệu năm 2012, chi phí nằm viện trung bình sau một cú ngã là 34.000 USD. Nó là một cái giá rất đắt đỏ.

    Làm thế nào để bạn chuẩn bị trước cho một cú ngã có thể xảy đến bất cứ khi nào? Bạn sẽ làm gì trong khi rơi xuống? Cú tiếp đất của bạn sẽ diễn ra ở đâu? Tất cả những yếu tố này sẽ quyết định bạn có bị tổn thương hay không và tổn thương đó nghiêm trọng cỡ nào. Và nó cũng phụ thuộc vào điều kiện hiện tại của bạn.

    Một nghiên cứu của trường Y Yale thực hiện với 754 người trên 70 tuổi đăng trên tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm 2013. Các nhà khoa học phát hiện ra khi ai đó đã có một khuyết tật sẵn, cú ngã sẽ càng gây tổn thương nhiều hơn.

    Nghe không có gì đặc biệt ở kết luận trên. Nhưng nghiên cứu với sự tham gia của hơn 6.000 người cao tuổi ở Pháp năm 2015 tìm thấy cả mối quan hệ giữa chế độ dinh dưỡng, ngã và tổn thương sau khi ngã. Điều này tiếp tục nói lên rằng nghiên cứu về ngã hẳn rất phức tạp.

     Alcides phải trải qua tổng cộng 15 ca phẫu thuật và tỉnh lại ở ngày thứ 18 sau tai nạn

    Alcides phải trải qua tổng cộng 15 ca phẫu thuật và tỉnh lại ở ngày thứ 18 sau tai nạn

    Alcides phải trải qua tổng cộng 15 ca phẫu thuật và hôn mê trong nhiều tuần. Ba đứa con vẫn thường đến thăm anh: Michael 14 tuổi, Moriah 8 tuổi, và Andrew 6 tuổi.

    Vợ anh, Rosario túc trực bên cạnh giường bệnh, nói chuyện với anh. Cô thường nắm lấy tay anh, vuốt ve bàn tay lên khuôn mặt và mái tóc mình, với hy vọng việc chạm vào cô sẽ mang anh trở lại.

    Ngày Giáng Sinh năm ấy, Alcides vươn tay của mình ra nhưng không phải để vuốt vào khuôn mặt của Rosario, anh chạm vào mặt của một nữ y tá. “Anh không nên làm thế”, Rosario mắng. “Em là vợ anh. Anh chỉ được chạm vào vợ của anh mà thôi”.

    Tôi đã vừa làm gì vậy?”, Alcides ngẩn ngơ hỏi. Đó là lần đầu tiên anh mở lời trở lại kể từ vụ tai nạn 18 ngày trước. Các bác sĩ dự đoán rằng anh hoàn toàn có thể bình phục để bước đi trở lại. Có điều, quá trình hồi phục sẽ khá dài, bao gồm cả những thử thách về mặt thể chất cũng như tinh thần.

    Những người vực dậy từ một tai nạn phải chịu những tổn thương thể chất trên cơ thể. Nhưng cú ngã cũng sẽ để lại một gánh nặng tâm lý, khiến quá trình hồi phục khó khăn hơn. Nhiều khi, vấn đề tâm lý còn là nguyên nhân của những cú ngã mới sau này.

    Những đứa trẻ bắt đầu học đi lúc 1 tuổi. Đến tháng thứ 14, chúng cơ bản có thể tự đi được một mình. Những bước đi đầu đời và cả sau này của chúng ta phụ thuộc vào 3 hệ thống chính trên cơ thể:

    Thứ nhất, hệ nhận cảm – có đầu vào là các dây thần kinh ở cơ bắp. Đó là một dạng cảm giác cho phép bạn xác định các chi của mình đang ở đâu và chúng đang làm gì. Đôi lúc, sự nhận cảm bị mất khi chân tay chúng ta bị tê. Vào lúc đó, bạn gặp khó khăn trong việc đi lại, ngay cả khi hệ thống cơ bắp hoàn toàn ổn.

    Yếu tố thứ hai là thị giác. Thị giác không chỉ giúp bạn biết mình đang đi đâu. Nó còn giúp xử lý thông tin từ các giác quan khác.

    Và cuối cùng, rất quan trọng là hệ thống tiền đình. Nó là một kênh rạch chất lỏng nằm phía sâu trong lòng tai, làm công việc như một người thợ mộc. Hệ thống tiền đình thực hiện các phép đo 3 chiều, và cơ thể bạn sẽ sử dụng dữ liệu từ nó để định phương hướng trong thế giới.

    Khi bộ ba hệ thống thực hiện đủ chức năng của chúng, bạn có thể bắt đầu bước đi về phía trước. Giống như Laurie Anderson từng miêu tả một cách rất khoa học mà xúc tích trong một bài hát: “Bạn đang bước đi mà không nhận ra rằng mình đang bước đi. Với mỗi bước chân, bạn đang ngã về phía trước một chút. Và rồi bạn vực được mình dậy để không ngã hẳn xuống. Cứ thế và cứ thế”.

    Nhưng cũng có lúc bạn không vực được mình dậy. Chúng ta ngã, khi mà sự nhịp nhàng của động tác đi bộ bị cắt đứt. Dường như luôn có một thứ gì đó đã chờ sẵn. Khi bước chân của bạn bị chặn lại: bạn vấp, bởi một bàn chân của kẻ chơi khăm chìa ra.

    Hoặc cũng có thể chân bạn không bám được xuống sàn vì một vật trơn trượt nào đó – vỏ chuối trong những bộ phim không lời cổ điển chẳng hạn. Đó là những gì mà các nhà nghiên cứu sự ngã gọi là “nhiễu loạn”.

     Hệ nhận cảm, thị giác và tiền đình là 3 yếu tố tham gia điều khiển chuyển động của bạn

    Hệ nhận cảm, thị giác và tiền đình là 3 yếu tố tham gia điều khiển chuyển động của bạn

    Christine Bowers 18 tuổi. Cô bé đến từ New York và là một học sinh tại Viện Moody Bible, Chicago. Ước mơ của Bowers là trở thành một giáo viên tiếng Anh ở nước ngoài. Tháng 1 năm 2016, cô bé phải phẫu thuật để loại bỏ một dị tật mạch máu trong não.

    Nó đã khiến toàn thân bên trái em bị liệt”, Bowers nói trong lúc bác sĩ vật lý trị liệu giúp cô bé thắt những vòng đai từ thiết bị tập luyện. Họ đang trong một phòng chứa đầy thiết bị phục hồi chức năng tại Shirley Ryan AbilityLab. “Em đang tập để tìm cách phòng tránh một cú ngã”, Bowers nói.

    Dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa Ashley Bobick, Bowers đang đi bộ trên KineAssist MX, một thiết bị tập đi bộ được kết nối máy tính, với một cách tay robot và các đai nịt phía sau.

    Cánh tay kim loại cho phép bệnh nhân có thể tự do di chuyển, nhưng sẽ ngay lập tức bắt họ lại khi chẳng may, một cú ngã. Phiên bản của thiết bị này rất mới – AbilityLab chỉ vừa đưa nó vào hoạt động từ cuối năm 2016 và Bowers là bệnh nhân thứ hai của Bobick thử thiết bị.

    Những ngày đi học ở trường, Bowers thường phải băng qua một hành lang đông đúc. Cô dựa giơ gậy để thông báo cho những người xung quanh biết rằng mình có vấn đề trong di chuyển. Nhìn thấy cây gậy, các bạn của cô sẽ rẽ ra và nhường cho Bowers một khoảng không gian.

    Tuy nhiên, cô bé vẫn bị ngã một vài lần. Những cú ngã đã khiến cô cảm thấy bực bội mỗi khi phải bước đi trở lại, điều không một bác sĩ nào muốn bệnh nhân của mình cảm thấy trong quá trình phục hồi chức năng. “Đó là một vấn đề nghiêm trọng”, Bobick nói. “Nỗi sợ hãi bị ngã sẽ đặt chính bạn vào một nguy cơ bị ngã”.

    Elliot Roth đồng ý với điều đó. “Những cú ngã thường được gây ra từ nỗi sợ bị ngã và nỗi sợ bị ngã gây ra sự ám ảnh trong việc bước đi trở lại, nỗi ám ảnh này lại gây ra khuyết tật dáng đi”. Một thách thức trong việc phục hồi chức năng, đó là không chỉ giúp bệnh nhân tăng cường thể chất, mà còn xây dựng cho họ sự tự tin.

    Chúng tôi đang làm một việc được gọi là ‘huấn luyện nhiễu loạn. Tôi thay đổi tốc độ của máy đi bộ”, Bobick nói. “Cô bé đang đi dọc theo đó, tôi nhấn nút và chiếc máy sẽ tăng tốc, cô bé sẽ phải phản ứng lại … Nỗi sợ hãi lớn nhất của cô là bị trượt ngã, nên tôi nói ‘Em biết không? Tôi có một cách thực sự tuyệt vời để huấn luyện cho em hết sợ hãi”.

    Cỗ máy ậm ì trong khi Bobick tăng tốc rồi lại giảm tốc độ của nó. Và Bowers, bàn tay phải của em chiết chặt lấy cánh tay trái đã tê liệt, chiến đấu để duy trì sự thăng bằng của mình. “Em đang tiến bộ rồi đấy”, Bobick nói. “Em đang làm tốt hơn rồi”.

     KineAssist MX, thiết bị phục hồi chức năng cho những nạn nhân khuyết tật chuyển động

    KineAssist MX, thiết bị phục hồi chức năng cho những nạn nhân khuyết tật chuyển động

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG CÚ NGÃ?

    1. Hạn chế mọi yếu tố nguy cơ

    Nếu thảm chùi chân dễ trơn trượt, hãy cố định nó lại hoặc bỏ đi. Chắc chắn rằng cầu thang nhà bạn đủ sáng. Nếu có nước đổ ra sàn, dọn ngay lập tức. Thiết kế tay nắm an toàn trong buồng tắm. Phủ chống trượt cho các bề mặt trơn như đá hoa…

    2. Sửa những thói quen xấu

    Đừng vừa đi vừa đọc sách hoặc dùng điện thoại. Luôn sử dụng tay vịn cầu thang – điều mà hầu hết mọi người đều không làm. Đừng có thói quen đút tay túi quần trong khi đi lại, bởi nó sẽ hạn chế khả năng xử lý tình huống khi bạn vấp ngã. Hãy nhớ rằng vali, balo, túi xách nặng đều ảnh hưởng đến thăng bằng của bạn.

    Roth đã hỏi các bệnh nhân của ông mô tả lại tình huống họ bị ngã. Điều ông rút ra: “Đôi khi mọi người không có sự chú ý cần thiết. Đa tác vụ chỉ là một huyền thoại và mọi người nên cố gắng tránh đa tác vụ nhiều nhất có thể. Đừng nhắn tin trong khi đang đi bộ”.

    Trong các tình huống càng khó để giữ được thăng bằng, bạn càng cần phải tập trung, Horak nói. “Nếu bạn đang đeo một balo lớn, bạn sẽ không muốn ai đó bên cạnh hỏi mình tối nay ăn gì”.

    3. Trang bị tốt

    Hãy sắm một đôi giày tốt. Đừng mang giày cao gót khi di chuyển nhiều. Đeo máy trợ thính nếu bạn có vấn đề về tai. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp và chơi thể thao mạo hiểm. Sử dụng gậy khi cần thiết. Người bình thường cũng cần gậy, trong khi leo núi chẳng hạn.

    4. Luyện tập và chuẩn bị cho cơ thể

    Sức mạnh phần dưới cơ thể là quan trọng trong quá trình phục hồi từ những cú ngã. Sức mạnh của phần trên cơ thể tăng cơ hội sống sót. Võ thuật sẽ dạy bạn cách để ngã. Ma túy và rượu, ngược lại là yếu tố nguy cơ. Hơn một nửa số cú ngã ở người trưởng thành liên quan đến rượu.

    Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng sẽ giúp bạn có xương chắc khỏe và cơ bắp mạnh mẽ. Trong trường hợp cảm thấy đầu óc mình không tốt, hãy ngồi xuống.

    5. Khoa học của những cú ngã

    Chuyện gì xảy ra khi bạn ngã? Các nhà khoa học đang muốn lập một chỉ dẫn “phản xạ đáp đất an toàn”, giúp hạn chế tổn thương từ bất kể một cú ngã nào.

    Nếu bạn ngã, điều đầu tiên là hãy bảo vệ đầu. 37% số cú ngã trong nghiên cứu của Robinovitch có tác động mạnh đến đầu, đặc biệt là các cú ngã về phía trước.

    Các võ sĩ và huấn luyện viên nhảy dù khuyến cáo không nên tiếp đất bằng cả mặt trước và mặt lưng cơ thể, đừng ngã như những nhân vật hoạt hình mà bạn xem trên TV. Chìa khóa là bạn phải lăn được, cố gắng cho các phần thịt dày trên cơ thể va chạm để hấp thụ lực.

    Hãy phân phối trọng lượng của bạn trên bắp chân, đùi vào mông, lăn mình thay vì ngã đập thẳng lưng xuống đất. Hãy xem video dưới đây, mô tả cú tiếp đất của một người nhảy dù:

    Làm thế nào để ngã đúng cách?

    Theo phản xạ tự nhiên, bạn hay dùng tay để đỡ cú ngã cho mình. Nhưng hãy chú ý, người trẻ hay ngã rồi bị trẹo tay bởi họ đưa tay ra đỡ cú ngã quá nhanh. Người già bị tổn thương nhiều hơn ở hông, bởi họ đưa tay đỡ quá chậm.

    Một điều cuối cùng nữa, hãy thả lỏng người hết sức có thể trong cú ngã. Cơ thể càng căng cứng, cú ngã càng gây ra tổn thương nghiêm trọng. Đó là lý do bạn sẽ thấy người say rượu gặp tai nạn xe hơi, nhưng lại ít bị tổn thương hơn so với người bình thường. Điểm khác biệt là lúc say, người họ đã mềm nhũn ra rồi.

     Alcides Moreno chụp ảnh kỷ niệm cùng đội cứu hộ anh trong tai nạn để đời

    Alcides Moreno chụp ảnh kỷ niệm cùng đội cứu hộ anh trong tai nạn để đời

    Alcides Moreno cũng đã phải trải qua một thời gian trị liệu rất dài tại Trung tâm Phục hồi chức năng Kessler, New Jersey. Thứ mà anh phải chiến đấu để giành lại là sức mạnh của đôi chân, khả năng giữ thăng bằng tại chỗ và làm thế nào để bước đi trở lại.

    Các hoạt động trị liệu diễn ra liên tục, cả ở trung tâm và tại nhà, cả về thể chất lẫn tâm lý. Sự ra đi của người em trai Edgar cũng khiến Alcides rơi vào trầm cảm.

    Anh đã không thể làm việc trở lại, nhưng vụ kiện với công ty sản xuất giàn giáo, Tractel, đã mang về cho Alcides một khoản bồi thường triệu đô. Tòa án ở Manhattan tuyên bố rằng Tractel phải chịu trách nhiệm cho sự cố của Alcides và Edgar, bởi lỗi kỹ thuật trên giàn treo của họ khiến nó mất an toàn.

    Số tiền bồi thường chính xác từ vụ kiện không được tiết lộ, nhưng một nguồn tin cho biết gia đình Edgar đã nhận được hơn 2,5 triệu USD.

    Sau khi tương đối bình phục, Alcides và gia đình chuyển đến sống tại ngoại ô Phoenix, thủ phủ bang Arizona. “Thời tiết ở đây tốt cho xương của tôi”, Alcides nói. Cuộc sống của anh bây giờ quay xung quanh việc đưa những đứa trẻ tới trường, đón chúng và thời gian còn lại vẫn tiếp tục luyện tập trong phòng tập.

    Năm ngoái, Alcides và Rosario sinh đứa con thứ tư. Đó lại là một bé trai.

    Tôi vẫn tự hỏi rằng tại sao mình còn sống”, Alcides nói. “Và rồi bây giờ tôi có thêm một đứa con – thằng bé chính là lý do. Tôi sống để nó được chào đời, để nuôi con tôi lớn lên và kể cho nó biết về cuộc đời mình”.

    Tham khảo Mosaicscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ