Cơ hội có nhà máy iPhone tại Việt Nam và câu chuyện làn sóng "di doanh nghiệp" Trung Quốc sang Việt Nam lần thứ 3

    N.Dương, Theo Trí Thức Trẻ 

    Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội muốn đưa dây chuyền sản xuất iPhone từ một tập đoàn Trung Quốc về Hà Nội là thông tin được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tiết lộ gần đây.

    Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất iPhone? 

    "Trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hiện đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

    Việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam cũng là dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam" - ông Vũ Tiến Lộc cho biết tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với UBND TP. Hà Nội

    Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Lộc nói rằng Việt Nam đang trong quá trình vận động, tìm nhiều cách đưa dây chuyền sản xuất iPhone về nước.

    Dù mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi, nhưng nếu thành công, đây sẽ là một tin tốt lành đối với ngành công nghiệp trong nước nói chung.

    iPhone là thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, nhưng những chiếc điện thoại thông minh này được sản xuất, lắp ráp chủ yếu tại Trung Quốc.

    Hầu hết các nhà máy trọng yếu hợp tác với Apple tại Trung Quốc là của Foxconn. Tháng 5/2018, tờ Business Insider đã đăng tải những hình ảnh về nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu, Hà Nam.

    Cơ hội có nhà máy iPhone tại Việt Nam và câu chuyện làn sóng di doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam lần thứ 3 - Ảnh 1.

    Khu tổ hợp nhà máy iPhone Foxconn này được xây dựng vào năm 2010, bao gồm hàng chục tòa nhà, có nhiều cây xanh và nhân viên an ninh canh gác.

    Tại đây sản xuất ra gần một nửa lượng iPhone trên toàn thế giới. Vào thời kỳ cao điểm, lượng công nhân tại đây lên đến 350.000 người. Nói với Business Insider, công nhân ở đây cho biết mức lương khởi điểm của họ khoảng 300 USD/tháng. Nếu làm thêm ít nhất 60h/tuần, họ sẽ nâng lương của mình lên khoảng 676 USD/tháng.

    Số lượng công nhân khổng lồ cùng mức lương rẻ là lý do tại sao nhà máy tại Trung Quốc được chọn để sản xuất, lắp ráp iPhone chứ không phải Mỹ. Tờ The New York Times từng khẳng định điều này sau khi phỏng vấn nhiều nhân viên cấp cao của Apple.

    Ở Mỹ, việc huy động nguồn nhân lực lên đến khoảng 230.000 công nhân – con số thông thường tại nhà máy Trung Quốc để lắp ráp là điều bất khả thi. Nhưng tại Foxconn, 1/4 của con số này (vào khoảng 60.000 người) sống ở khu ký túc xá gần sát. Một ngày họ làm việc 12 tiếng, liên tục 6 ngày/tuần với mức lương thấp.

    Cơ hội có nhà máy iPhone tại Việt Nam và câu chuyện làn sóng di doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam lần thứ 3 - Ảnh 2.

    Một chuỗi cung ứng khác cho Apple là Pegatron. Năm 2016, tờ Bloomberg khi được mời đến thăm nhà máy đặt tại ngoại ô Thượng Hải cho biết tổng diện tích nhà xưởng gần bằng 90 sân bóng đá cộng lại, là nơi làm việc của khoảng 50.000 công nhân. Nhà máy cũng bố trí không gian sân vườn gồm bãi cỏ, hồ cá koi, khu vực phục vụ ăn uống tự động ngoài trời hay như trạm xe bus đưa đón công nhân.

    Trong bối cảnh đó, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc, tuy nhiên, giá nhân công và các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đang được đánh giá phần nào tốt hơn.

    Làn sóng di doanh nghiệp lần 3

    Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I đã có 3 làn sóng dịch chuyển doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.

    Làn sóng thứ nhất bắt đầu cách đây khoảng 8 năm khi tiền công cho lao động của đất nước tỷ dân này tăng dần, mất đi lợi thế cạnh tranh về giá.

    Làn sóng thứ hai xuất hiện khi Trung Quốc siết chặt các quy định về môi trường. Theo đó, nhiều nhà máy không đảm bảo chất lượng, đa phần thuộc ngành sản xuất giấy, nhựa buộc phải đóng cửa và di dời.

    Thời điểm hiện tại chính là làn sóng thứ ba với nguyên nhân do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển nhằm né tránh những đòn thuế mà Tổng thống Trump đang áp đặt lên hàng hoá Trung Quốc.

    Không chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc mà các nhà đầu tư quốc tế đang có cơ sở sản xuất ở nước này cũng bắt đầu tính toán. Những nước lân cận trong khu vực, hẳn nhiên có Việt Nam, được dự báo là nơi "trú bão" cho các doanh nghiệp này.

    Ví dụ như GoerTek, công ty chuyên lắp ráp tai nghe AirPods của Apple tại Trung Quốc đã thông báo cho các nhà cung cấp về dự định chuyển việc sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam, theo thông tin của Nikkei.

    Tuy nhiên, để trở tranh thủ thời cơ và tiến bước dài hơn thay vì chỉ là nơi neo đậu tạm thời, Việt Nam cần có những hành động cụ thể mà như nhiều lãnh đạo Bộ, ngành chỉ ra là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, loại bỏ những thể chế, thủ tục phiền hà, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ