Cổ phiếu AMD tăng mạnh sau khi lỗ hổng bảo mật của Intel bị phát hiện

    Kuroe,  

    Trong khi đó, cổ phiếu của Intel đã sụt giảm tới 5,5%, mức sâu nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

    Vừa qua, Intel đã phải đối diện với một vấn đề vô cùng nghiêm trọng về bảo mật, khi mà một lỗ hổng mới được phát hiện ra, cho phép các phần mềm có thể truy cập vào phân vùng bộ nhớ bảo vệ những dữ liệu quan trọng (chẳng hạn như mật khẩu) của người dùng. Lỗ hổng này ảnh hưởng đến tất cả máy tính sử dụng CPU của Intel trong vòng 10 năm trở lại đây, và cách duy nhất để xử lý lỗ hổng này là thiết kế lại hệ điều hành Windows hay OS X. Tuy nhiên, việc thiết kế lại hệ điều hành sẽ khiến hiệu suất của máy giảm đi đáng kể, thậm chí mức độ giảm có thể lên tới 30%.

    Thông thường, lỗi trong thiết kế của bộ vi xử lý sẽ được giải quyết bằng cách cập nhật vi mã, là phần mã mà CPU sử dụng để giao tiếp với các thành phần khác bên trong máy tính. Tuy nhiên, nếu như không thể giải quyết vấn đề bằng phần mềm, thì trong trường hợp xấu nhất, hãng sản xuất sẽ buộc lòng phải thiết kế lại CPU từ đầu, và đây là một quá trình cực kỳ tốn kém và mất thời gian.

    Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, Intel vẫn đang im lặng không bình luận gì về vấn đề này. Theo như lời của ông Dan Ives, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ của GBH Insights, thì đây nhiều khả năng sẽ trở thành "thảm họa PR của Intel, nếu như họ không tìm cách kiểm soát và xử lý khủng hoảng này một cách khôn ngoan."

    Sau khi thông tin về lỗ hổng được công bố, cổ phiếu của Intel sụt giảm 5,5%, sâu nhất kể từ tháng 10 năm 2016. Đồng thời, cổ phiếu của các hãng đối thủ của Intel tăng mạnh sau vụ việc này, đặc biệt là AMD, với giá trị cổ phiếu tăng 8,8%. Cổ phiếu của NVIDIA cũng tiếp tục tăng thêm 6,3%.

    Lỗ hổng này nhiều khả năng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng và kéo dài, không chỉ với máy tính mà còn với nhiều thiết bị công nghệ khác nữa, bao gồm có cả smartphone. Đây là "lỗ hổng bảo mật trong thiết kế cơ bản" của Intel, xuất hiện từ khi thiết kế các bộ vi xử lý ở cấp độ thấp nhất.

    Trên thực tế, những trường hợp "lỗi ngay từ thiết kế cơ bản" là vô cùng hiếm gặp. Thế nhưng, đây lại không phải là lần đầu tiên Intel gặp phải vấn đề như vậy. 20 năm trước, một giảng viên đại học đã phát hiện ra vấn đề trong cách mà chip Pentium của Intel tính toán các con số. Nắm bắt được cơ hội này, ngay lập tức đối thủ khi ấy của Intel là IBM đã lên tiếng cho biết, các sản phẩm của Intel sẽ gây ra những vấn đề ảnh hưởng tới máy tính của người sử dụng. Hậu quả là Intel đã phải thu hồi lại một lượng lớn CPU, đồng thời phải chịu phạt hơn 400 triệu USD.

    Ảnh hưởng tiềm tàng của lỗ hổng nói trên là vô cùng nghiêm trọng, khi xét đến mức độ phổ biến của CPU Intel trên thị trường hiện tại. Theo thống kê, Intel đang chiếm tới 80% thị phần trên thế giới khi xét đến máy tính cá nhân, và con số này là 90% trên thị trường Laptop và máy trạm.

    Và có vẻ như, Intel đang chuẩn bị phải đối đầu với giai đoạn khó khăn bậc nhất trong lịch sử phát triển của mình.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ