Có quá nhiều ý tưởng nhưng chẳng làm gì ra hồn? Đây là 5 giải pháp dành cho bạn

    Chíp,  

    Bạn nên làm gì khi bị quá tải, xuất hiện quá nhiều ý tưởng trong đầu? Bạn từ bỏ chúng hay hoàn thành những gì bạn đã bắt đầu?

    Có đôi lúc chúng ta đưa ra quá nhiều ý tưởng và mục tiêu cho chính bản thân mình. Chúng ta tự động viên, tự hứa rằng sẽ viết lách, tập thể dục, đọc nhiều sách hơn và thức dậy sớm hơn. Chúng ta bắt đầu thực hiện các ý tưởng và theo đuổi mục tiêu đã đề ra bằng sự phấn khích nhưng thường kết thúc trong trì hoãn rồi cuối cùng chẳng hoàn thành bất cứ điều gì.

    Dưới đây là 5 giải pháp để bạn khắc phục tình trạng có quá nhiều ý tưởng nhưng lại chẳng thực hiện được gì.

    Tại sao chúng ta luôn thất bại khi theo đuổi những ý tưởng của mình?

    "Tôi có rất nhiều ý tưởng cho cuộc đời của mình", Taylor Wilson, cậu thanh niên mới đã tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân vào năm 2008 khi mới 14 tuổi chia sẻ.

    Năm 2003, Sheena Iyengar, Nhà tâm lý học và Giáo sư Trường Kinh doanh Columbia, đã thực hiện một nghiên cứu trên quy mô lớn nhằm điều tra những hiệu ứng phát sinh khi thêm nhiều lựa chọn đầu tư vào kế hoạch tiết kiệm hưu trí của 800.000 nhân viên. 

    Có quá nhiều ý tưởng nhưng chẳng làm gì ra hồn? Đây là 5 giải pháp dành cho bạn - Ảnh 1.

    Cứ 10 quỹ đầu tư được thêm vào, tỷ lệ nhân viên gửi tiết kiệm hưu trí lại giảm đi 2%

    Ở giai đoạn cuối của nghiên cứu, các chuyên gia đã thu thập dữ liệu và phác thảo biểu đồ kết quả để xem có bao nhiêu nhân viên thay đổi kế hoạch tiết kiệm hưu trí nếu có nhiều lựa chọn đầu tư dành cho họ. Như đã được dự đoán từ trước, khi càng có nhiều lựa chọn đầu tư, càng ít nhân viên gửi tiết kiệm hưu trí.

    Theo sơ đồ ở trên, cứ 10 quỹ đầu tư được thêm vào, tỷ lệ nhân viên gửi tiết kiệm hưu trí lại giảm đi 2%. Trên thực tế, với những nhân viên chọn đầu tư thay vì tiết kiệm, càng thêm nhiều tùy chọn đầu tư thì họ càng có xu hướng đầu tư vào các quỹ có rủi ro thấp.

    Có quá nhiều ý tưởng nhưng chẳng làm gì ra hồn? Đây là 5 giải pháp dành cho bạn - Ảnh 2.

    Đây là nghịch lý của sự lựa chọn. Càng nhiều lựa chọn thì con người càng có ít hành động. Càng theo đuổi nhiều ý tưởng và mục tiêu thì chúng ta càng ít có khả năng hoàn thành tới cùng bất kỳ mục tiêu nào và ngược lại.

    Có những lý do khác giải thích tại sao chúng ta không hoàn thành những gì chúng ta khởi xướng. Những lý do như thiếu thời gian, sợ thất bại, bị áp đảo bởi nhiều lựa chọn khiến năng lượng bị hao tổn và giảm hứng thú sau khi bắt đầu một dự án mới có thể khiến chúng ta trì hoãn những gì mình đề ra hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí không bao giờ thực hiện được.

    Khi có quá nhiều ý tưởng, thời gian và năng lượng của chúng ta thường bị lãng phí vào những nỗ lực tạo ra kết quả yếu kém.

    Dưới đây là 5 giải pháp để bạn tránh bị choáng ngợp trước một loạt ý tưởng, mục tiêu trong cuộc đời và từ đó thực hiện triệt để những gì mình đã đề ra.

    1. Tạo ra những deadline nhỏ

    Càng mất nhiều thời gian để hoàn thành một công việc, chúng ta càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của Định luật Parkinson. Đây là định luật dùng để chỉ việc kéo dài một nhiệm vụ để lấp đầy khoảng thời gian hoàn thành nó.

    Ví dụ, nếu bạn có 1 tuần để hoàn thành một công việc chỉ cần 3 tiếng, theo Định luật Parkinson, công việc ấy sẽ tăng mức độ phức tạp sao cho phù hợp với thời gian 1 tuần. Cách tốt nhất để bạn chống lại vấn đề này là tạo ra các deadline nhỏ và buộc bản thân phải hoàn thành những mục tiêu ấy trong khung thời gian ngắn.

    Việc nên làm: Tạo ra một danh sách các công việc hàng ngày của bạn và khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành mỗi công việc. Sau đó, cắt giảm khoảng thời gian cần thiết cho mỗi công việc đi một nửa và cố gắng hoàn thành đúng thời hạn.

    2. Sử dụng quy tắc 80/20

    Theo quy tắc 80/20, 20% những gì bạn làm đóng góp vào 80% kết quả bạn nhận được. Nói cách khác, mỗi nhiệm vụ có thể được chia thành các công việc nhỏ thuộc các nhóm 20% và 80%.

    Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là tập thể dục nhiều hơn và giảm cân thì có một số bài tập khác nhau cho bạn chọn. Nhóm sẽ 20% gồm các bài tập cường độ cao đóng góp đáng kể vào việc giảm cân. Trong khi đó nhóm 80% sẽ là các bài tập nhẹ, thả lỏng cơ thể.

    Điều quan trọng là bạn cần thực nghiệm, khám phá và tập trung thời gian, năng lượng cho các hoạt động 20% vốn mang lại nhiều hiệu quả nhất. Bằng cách này, bạn có thể làm được nhiều việc hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn.

    3. Tin vào bản năng của mình

    Thông thường chúng ta hay thận trọng khi bắt đầu thực hiện các ý tưởng vì sợ thất bại. Chúng ta hay dành nhiều thời gian để nghiên cứu và lập kế hoạch nhưng cuối cùng khi bắt tay vào làm vẫn không thể hoàn thành được công việc.

    Trong một số trường hợp, những phán đoán nhanh chóng, được đưa ra trong vài giây lại hay có kết quả tốt hơn là các kế hoạch thận trọng, tiếp cận vấn đề một cách cẩn thận.

    Lần tới, nếu không biết phải làm gì hoặc làm thế nào tiếp theo, bạn hãy tin vào bản năng của mình và làm theo ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn. 

    4. Phát triển thói quen "chốt hạ"

    Nhiều người đã thuần thục việc khởi đầu một công việc nhưng rất ít người xây dựng thói quen hoàn thành công việc. Bắt đầu luôn dễ dàng hơn kết thúc nhưng phải tới vạch đích bạn mới nhận được thành quả của mình.

    Quá trình xây dựng thói quen "chốt hạ" một vấn đề cũng giống như các thói quen khác. Đầu tiên, bạn bắt đầu bằng những điều nhỏ bé rồi từ từ xây dựng lên. 

    Khi đã có thói quen ấy, bạn sẽ luôn có xu hướng hoàn thành những gì mình đặt ra cho dù xung quanh có bao nhiêu ý tưởng khác bủa vây.

    Có quá nhiều ý tưởng nhưng chẳng làm gì ra hồn? Đây là 5 giải pháp dành cho bạn - Ảnh 3.

    5. Làm quen với việc phải từ bỏ

    Không phải ai cũng hoàn thành được tất cả những gì đã đề ra. Thực tế, những người làm việc hiệu quả nhất thế giới là những người thường xuyên từ bỏ mục tiêu của mình nhưng điểm khác là họ biết nên từ bỏ cái gì và vào thời điểm nào.

    Ưu điểm của việc từ bỏ là bạn có thể chuyển hướng thời gian và năng lượng đang lãng phí vào một mục tiêu không phù hợp sang một mục tiêu khác có ích hơn.

    Đánh giá mục tiêu, công việc nào cần từ bỏ không hề dễ. Tuy nhiên, có một mẹo cơ bản mà các bạn có thể áp dụng đó là: Bạn nên xem xét việc từ bỏ nếu chi phí cho việc theo đuổi một ý tưởng/mục tiêu vượt quá lợi ích mà nó mang lại. Mặc dù có thể gây tác động tới tâm lý nhưng biết từ bỏ một cách hợp lý sẽ giúp bạn có nhiều thời gian và công sức cho những ý tưởng tốt hơn.

    Hãy kết thúc những gì bạn bắt đầu

    Chúng ta luôn phấn khích khi bắt đầu những ý tưởng và mục tiêu mới. Nhưng nếu chúng ta không hoàn thành những gì chúng ta bắt đầu thì thời gian và năng lượng quý báu mà chúng ta bỏ ra sẽ đổ sông đổ bể, không thể phục hồi.

    Quá dễ để yêu thích việc khởi đầu những ý tưởng mới. Rất khó để yêu thích việc hoàn thành những ý tưởng, mục đích đã đề ra. Nhưng nếu bạn có thể nắm được nghệ thuật "chốt hạ" vấn đề và vượt qua nghịch cảnh, thất bại, tìm ra cách giải quyết những trở ngại, bạn sẽ thành công khi theo đuổi những ý tưởng của mình.

    Theo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ