Có thật là Amazon không có “cửa” tại Việt Nam?

    PV,  

    Trong lúc Amazon đang thử nghiệm máy bay vận tải không người lái có khả năng giao hàng trong vòng 30 phút thì các nhà bán lẻ B2C Việt Nam vẫn quẩn quanh với các phương thức vận chuyển nhỏ nhặt, chậm trễ, thậm chí là thuê một cuốc xe ôm để chuyển hàng cho khách.

    Sẽ không lâu nữa, các đại gia thương mại điện tử bán lẻ quốc tế như Amazon, Alibaba, eBay... sẽ tấn công ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp nội địa không có sự liên kết mạnh mẽ và triệt để thì việc bị đánh bại ngay tại sân nhà sẽ chẳng phải bàn cãi nhiều.

    Có thật là Amazon không có “cửa” tại Việt Nam?

    Ông Nguyễn Tuấn Hà, CEO Vinalink từng cho rằng, Amazon không có "cửa" vào Việt Nam, vì muốn vào được Việt Nam thì phải "bước qua" 1 triệu người đang bán hàng trên Facebook. Phải chăng chúng ta đang đánh giá quá thấp gã bán lẻ trực tuyến B2C lớn nhất Hoa Kỳ này?

    Nói về mô hình hoạt động của Amazon, chúng ta không khỏi “phát thèm” trước sự chuyên nghiệp của họ. Quy mô kinh doanh của gã khổng lồ này không ngừng mở rộng nhờ đa dạng hoá sản phẩm phục vụ với cơ sở nhà xưởng riêng biệt. Amazon có phương thức mua sắm chuyên nghiệp, nhiều phạm vi thông tin lựa chọn, độ chính xác cao, khâu thanh toán và giao nhận rất nhanh chóng.

    Trong khi đó, các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn mãi nhàu nhĩ với câu chuyện “niềm tin” và “chất lượng”. Không nói đâu xa, trong ngày mua sắm trực tuyến 2016, rất nhiều sản phẩm được giảm giá “sốc” nhưng vẫn bị khách hàng "tố" là cao hơn cả giá thị trường. Hàng hóa khó kiểm định chất lượng, bởi hầu như các nhà bán lẻ B2C đều không có nhà xưởng chuyên biệt, nguồn hàng hóa vẫn phụ thuộc vào bên thứ ba cung cấp là điểm yếu của hầu hết DN Việt.

    Theo thống kê về kết quả kinh doanh 2015 của hơn 20.000 chủ shop bán lẻ Bizweb cho thấy, gần 40% shop online không tăng trưởng, tức là cứ 100 shop thì có tới 40 shop có kết quả kinh doanh bằng hoặc tệ hơn so với năm 2014.

    CEO Bizweb cho rằng, đây là điều hiển nhiên, bởi các DN vẫn đang “bập bẹ” làm thương mại điện tử nhưng chưa biết cách tận dụng sức mạnh của nó. Việc liên kết cộng sinh với các DN khác cũng chưa được chú trọng. Mọi thứ dường như đang luẩn quẩn với tư duy “có gì dùng đấy”.

    Cách thức làm việc "tiểu nông" của DN Việt sẽ khó có thể chống trả một khi những gã khổng lồ bước vào. Ảnh minh họa.

    Một ví dụ đơn giản là việc bán hàng đa kênh hiện nay chưa được các doanh nghiệp tận dụng triệt để. Các shop online hiện nay chủ yếu vẫn chỉ sử dụng 2 kênh tiếp thị chính là website và Facebook. Trong khi các kênh còn lại như Zalo, sàn TMĐT... lại ít được quan tâm.

    Trong lúc Amazon đang thử nghiệm máy bay vận tải không người lái có khả năng giao hàng trong vòng 30 phút thì các nhà bán lẻ B2C Việt Nam vẫn quẩn quanh với các phương thức vận chuyển nhỏ nhặt, chậm trễ, thậm chí là thuê một "cuốc" xe ôm để chuyển hàng cho khách.

    Cùng khảo sát trên, 75% vẫn đang giao hàng bằng phương thức gửi qua tàu xe, chỉ 48% là có thuê đối tác vận chuyển chuyên nghiệp bên thứ ba.

    Điểm yếu của DN Việt hiện nay là những điểm sau: sản phẩm đầu vào phụ thuộc vào bên thứ ba, việc tận dụng các kênh tiếp thị online chưa triệt để, khâu hậu kỳ chưa chuyên nghiệp và niềm tin của người tiêu dùng với mua hàng online chưa cao.

    Vậy nếu có một DN nước ngoài tấn công vào thị trường Việt Nam và làm tốt mọi khâu trên thì thị trường người tiêu dùng Việt có “mở cửa” đón nhận trong khi "sính ngoại" vốn đang là xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam bấy lâu nay?

    Ánh sáng nơi cuối con đường cho DN Việt?

    Thời gian gần đây, không chỉ quốc tế mà ngay thị trường Việt Nam cũng đang chứng kiến một xu thế "hội nhập". TMĐT Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi những cái bắt tay nhau ngày càng nhiều hơn, chẳng hạn như sự hợp tác của các nền tảng bán hàng với các kênh khác nhau như Zalo, Sendo, Lazada, Adayroi, Viettel,...

    Sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong phát triển. Nhất là khi chúng ta đang chịu ảnh hưởng sâu sắc của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu và sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến Việt Nam không thể không liên kết, bằng nhiều phương thức, để tồn tại và phát triển.

    Nói một cách đơn giản, khi không thể đầu tư nguồn lực, chi phí và chất xám để làm tốt một khâu nào đó trong kinh doanh thì phương án cuối cùng là nên liên kết với một đơn vị có thể làm tốt và chuyên nghiệp khâu đó. Khi mọi thứ đều chuyên nghiệp, thì cỗ máy vận hành tổng thể mới chuyên nghiệp và đủ mạnh để tạo bức bình phong kiên cố ngăn chặn sự chèn ép từ các DN ngoại khi họ đang trong tư thế há miệng để ngoạm miếng bánh thị trường.

    Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị chủ quản Bizweb) – Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện từ Việt Nam, cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng tối đa các kênh bán hàng online, một mặt liên kết sử dụng các giải pháp công nghệ sẵn có từ các DN khác như vận chuyển, quản lý bán hàng… Sự kết nối này là cả 2 bên đều win - điều mà DN nào cũng mong muốn.

    Ông Tuyến cũng cho rằng, chỉ khi các DN có sự liên kết mạnh mẽ và triệt để, TMĐT Việt Nam mới có cơ hội phát triển tại “sân nhà” trước khi nghĩ đến cơ hội mở rộng thị trường ra quốc tế.

    Theo Trí thức trẻ/Cafebiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ