Có thể bạn chưa nhận ra máy ảnh số cao cấp đang đi vào vết xe đổ của PC!

    L.H.C,  

    Không ai phủ nhận rằng DSLR của năm 2016 có chất lượng ảnh chụp tốt hơn hẳn DSLR của 2, 3 năm trước. Đáng tiếc, chúng không đủ tốt để thuyết phục người dùng thay thế các mẫu máy đã có nhiều năm tuổi đời.

    Cũng giống như mọi năm, Photokina 2016 vẫn là sân khấu lớn nhất để các nhà sản xuất trình diễn tương lai của ngành công nghệ nhiếp ảnh. Thế nhưng, sân khấu lớn ấy lại đang một thu hẹp dần: khi doanh số máy ảnh càng ngày càng thảm hại và Samsung thầm lặng rút lui dần khỏi thị trường máy ảnh toàn cầu, những công nghệ mới ra mắt tại Photokina năm nay không còn ý nghĩa to lớn như mọi năm. Lý do, theo nhiều người, có thể là bởi công nghệ ảnh hiện nay đã không còn phát triển với tốc độ thần kỳ như những năm trước.

    Các vấn đề tương tự đã từng xảy đến với nhiều thị trường khác. Các nhà sản xuất PC vẫn liên tục phải tìm cách khuyến khích người dùng thay thế những chiếc PC vẫn còn đang hoạt động tốt; Apple và Samsung vẫn chưa tìm ra cách thuyết phục người hâm mộ từ bỏ những chiếc iPad hay Galaxy Tab cũ kỹ. Cái bóng của smartphone vẫn còn quá lớn và vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các thị trường liên quan.

    Ấy vậy mà vào 5 năm trước, trong lúc cuộc cách mạng smartphone đang vào giai đoạn "nóng" nhất thì thị trường DSLR vẫn liên tục lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Những chiếc máy ảnh không gương lật (MILC) bùng nổ về doanh số và cũng ngày một thuyết phục hơn về chất lượng.

     Photokina 2016.

    Photokina 2016.

    Không khí hối thúc, khẩn trương đó đã không còn xuất hiện tại Photokina năm nay: bạn sẽ không tìm được một chiếc máy ảnh nào để thay thế cho những chiếc DSLR hay MILC mua từ 5 năm trước. Thị trường máy ảnh năm nay có rất nhiều các sản phẩm bạn muốn, nhưng không có thứ bạn thực sự cần – một chiếc máy ảnh có thể thuyết phục bạn từ bỏ chiếc Sony NEX hay Canon D cũ kỹ.

    Hãy cùng điểm qua những tên tuổi đáng chú ý. Mặc dù có cảm biến nhỏ hơn kích cỡ APS-C khá phổ biến, những chiếc Micro Four Thirds của Olympus vẫn tạo ra được chất lượng ảnh chụp rất đáng nể ngay cả trong điều kiện thiếu sáng. Đáng tiếc rằng đó lại là một thành tựu đã có từ tận 2013, khi Olympus ra mắt thế hệ đầu tiên của mẫu đầu bảng E-M1.

    Phiên bản E-M1 của năm nay cũng mang đến nhiều cải tiến, song về bản chất thì Olympus đã không thể "đè bẹp" cái bóng của những thành tựu xưa cũ. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với những chiếc M5 và M10 có giá dễ chịu hơn: trong khi những sản phẩm mới nhất vẫn sẽ mang đến chất lượng ảnh chụp tốt nhất, người dùng không thực sự cần phải bỏ tiền nâng cấp vì họ đã được tận hưởng chất lượng tuyệt hảo từ tận 3, 4 năm trước rồi.

    Tại Photokina năm nay, Sony trình làng 2 model khá ấn tượng là Alpha 6300 và Alpha 7R II. Với hàng trăm điểm lấy nét trên A6300, Sony có lẽ đã không quá lời khi khẳng định rằng đây là chiếc máy ảnh lấy nét nhanh nhất trong phân khúc tương đương (máy ảnh dưới 2.000 USD). Về phần mình, Alpha 7R II có khả năng tái tạo chi tiết tốt tới mức bạn có thể phân biệt từng sợi tóc hay các nếp nhăn trên khuôn mặt. Dù vậy nhưng tại thời điểm này, lựa chọn hợp lý nhất cho fan của Sony có lẽ vẫn là chiếc 7R thế hệ đầu hoặc thậm chí là chiếc Alpha 7 ra mắt từ 2013. Dù đã có tuổi đời đã khá cao nhưng chúng vẫn có thể mang lại chất lượng ảnh chụp đáng kinh ngạc, và với sự ra đời của những đàn em như A6300 và 7R II, giá của những chiếc Sony cũ cũng đã được cắt giảm khá nhiều.

    Năm 2016 có lẽ là thời điểm tuyệt vời nhất để bắt đầu thú vui nhiếp ảnh. Số lượng lựa chọn trên thị trường là quá nhiều, gần như bất kỳ một sản phẩm nào đến từ Nikon, Canon, Olympus, Panasonic, Sony hay Fujifilm đều mang lại chất lượng thừa đủ để mỉm cười. Bạn thậm chí còn không thể đưa ra một lựa chọn sai lầm nào cả.

    Nhưng vấn đề là những người yêu nhiếp ảnh như bạn có lẽ đều đã sở hữu sẵn một chiếc DSLR chất lượng. Nếu vẫn muốn "nạp" tiền cho các nhà sản xuất, bạn có lẽ nên để dành tiền mua ống, flash, filter thay vì mua mới body. Kịch bản tương tự đã từng xảy ra với PC: thay vì phải lắp thùng case mới, các game thủ chỉ cần mua card màn hình mới mà thôi. PC và DSLR có cùng một bản chất: dù chiếc máy của bạn không phải là tốt nhất có thể, bạn vẫn có thể thay thế một phần linh kiện để tạo ra trải nghiệm đủ tốt cho hiện tại.

    Tốc độ phát triển vượt bậc của máy ảnh số trong những năm đầu thập niên 2010 thực sự là một con dao hai lưỡi. Khi công nghệ trưởng thành cũng là lúc các đột phá ngừng xuất hiện. Thị trường hiện nay chỉ còn 2 công ty trực tiếp sản xuất cảm biến: Sony và Canon. Cả Nikon và Fujifilm đều sử dụng cảm biến từ Sony – nói cách khác, camera của họ sẽ chỉ được cải tiến khi Sony tạo ra đột phá nào đó. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao Fujifilm lại vừa ra mắt dòng GFX sử dụng cảm biến kích cỡ lên tới 43,8 x 32,9mm.

    Rõ ràng là thị trường máy ảnh số năm nay không choáng ngợp như 2010, 2011.

    Những vết xe đổ được PC để lại là quá nhiều. Trong thế giới PC, nếu bạn muốn chạy đua sức mạnh phần cứng, bạn sẽ chọn CPU Intel và card màn hình của NVIDIA hoặc AMD. Các nhà sản xuất PC vẫn có thể thành công hơn đối thủ bằng cách theo đuổi một hệ sinh thái sản phẩm hấp dẫn, nhưng về bản chất thì toàn bộ các linh kiện PC chất lượng đều không phải là của riêng của bất kỳ một tên tuổi nào cả. Thị trường máy ảnh cũng tương tự như vậy: ở cùng một mức giá, thông số và hiệu năng của các sản phẩm cạnh tranh sẽ là tương đồng nhau – cuối cùng thì người mua chỉ cần thực sự cân nhắc về các khía cạnh thiết kế, công thái học và hệ sinh thái sản phẩm mà thôi.

    Những chiếc máy ảnh cao cấp xuất hiện tại Photokina 2016 sẽ không chỉ phải đối mặt với smartphone mà còn phải vượt qua cái bóng quá lớn của những người tiền nhiệm. Các tính năng như kết nối smartphone, màn hình LCD cảm ứng giờ đều đã trở nên bình thường. Nikon, Canon, Olympus, Panasonic, Sony hay Fujifilm giờ đang tranh đấu bằng video 4K hay tốc độ lấy nét chóng mặt – song tất cả có lẽ đều là không đủ. Ngay từ vài năm trước, phần đông các tín đồ nhiếp ảnh đều đã sở hữu một chiếc DSLR hoặc MILC đủ tuyệt vời cho năm nay rồi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ