Computex 2016 cho thấy chẳng ai tin dùng Intel Core M nữa

    MinK,  

    Core M từng là dòng vi xử lý chiến lược của Intel nhắm tới các thiết bị siêu mỏng nhưng dần bị thị trường "đào thải" và đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất.

    Asus mở đầu triển lãm máy tính Computex 2016 với việc công bố mẫu laptop Zenbook 3. Thiết bị được so sánh với Macbook 12 inch cả về độ mỏng, hiệu năng lẫn giá cả. Nhưng thay vì dùng vi xử lý Core M siêu tiết kiệm điện năng như Apple, Asus lại tin dùng chipset Core i5 và Core i7. Nhờ thế, Zenbook 3 nhanh hơn tới 30% so với đối thủ.

    Asus đã nói không với Core M trên Zenbook 3.
    Asus đã nói không với Core M trên Zenbook 3.

    Các nhà sản xuất khác, trong đó có HP cũng làm điều tương tự. Hãng tích hợp con chip Core i7 vào chiếc máy tính Spectre được cho là “notebook mỏng nhất thế giới”. Và trên thực tế, hầu hết thị trường laptop năm 2016 tỏ ra thờ ơ với Core M, vi xử lý chiến lược của Intel trên nền kiến trúc 14 nm.

    Chậm hơn và không hề rẻ

    Intel ấp ủ những kế hoạch to lớn khi công bố thế hệ vi xử lý Core M năm 2014. Nó được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của thị trường với các dòng máy tính 2 trong 1 đòi hỏi con chip xử lý nhanh, nhỏ và tiết kiệm điện năng.

    Thời điểm đó, các nhà sản xuất PC phải chọn lựa giữa Atom, dòng chip hiệu suất thấp và thế hệ Core mạnh mẽ nhưng làm tăng kích thước hệ thống và xả nhiệt khá lớn.

    Core M không hề rẻ hơn so với các thế hệ chip Core.
    Core M không hề rẻ hơn so với các thế hệ chip Core.

    Core M cân bằng được hai yếu tố tiết kiệm năng lượng và kích thước. Nhưng Intel đã “dáng cú tát” mạnh vào thị trường bằng mức giá quá cao duy trì cho tới tận bây giờ. Ví dụ như thế hệ Core M3-6Y30, khách hàng sẽ phải trả thêm 281 USD (khoảng 6,3 triệu đồng) trong khi Intel Core i5-6200U có giá tương đương nhưng cho tốc độ nhanh hơn.

    Tuy nhiên, người tiêu dùng không phải trả trực tiếp số tiền đó mà nó được các nhà sản xuất máy tính như Asus và HP cân đối, khấu hao vào sản phẩm. Vì thế, các dòng máy sử dụng chipset Core và Core M gần như có giá ngang nhau.

    Giới hạn của tính linh động

    Thật tồi tệ, Core M không thể hiện được ưu thế trước đó Intel từng hết lời ca tụng, đó là tính di động cho các thiết bị. Hệ thống sử dụng thế hệ vi xử lý này có độ bền ở mức trung mình. Các mẫu notebook tuổi thọ cao lại thuộc về sản phẩm được trang bị Core i5 và Core i7.

    Core M góp phần tạo ra những sản phẩm mỏng như Spectre nhưng lại hạn chế về pin.
    Core M góp phần tạo ra những sản phẩm mỏng như Spectre nhưng lại hạn chế về pin.

    Kích thước mạch chip Core M nhỏ hơn, góp phần tạo ra những thiết bị mỏng như Macbook của Apple. Nhưng về tổng thể điều này lại ảnh hưởng tới pin. Máy tính nhỏ đồng nghĩa pin bé và tích được ít năng lượng hơn. Bởi vậy, dù Core M tiết kiệm điện nhưng cũng không cải thiện thời lượng sử dụng đáng kể vì thường đi kèm với pin hạn chế.

    Việc tiêu thụ sản phẩm vì thế trở nên khó khăn. Đột phá về thiết kế của Core M từng trở thành điểm sáng cho ngành công nghiệp chip, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không tạo được sức thu hút đủ lớn đối với người dùng. Các nhà sản xuất máy tính xách tay ngày càng thờ ơ khiến Core M tuột mất cơ hội chiếm lĩnh thị trường.

    Chính sách xây dựng thương hiệu tồi

    Intel chọn Computex làm nơi công bố 2 nền tảng vi xử lý tiếp theo gồm Apollo Lake (Celeron và Pentium) và Kaby Lake (Intel Core thế hệ thứ 7) nhưng tuyệt nhiên không nhắc tới Core M.

    Nhiều người dùng không biết rõ ưu điểm của Core M.
    Nhiều người dùng không biết rõ ưu điểm của Core M.

    Về mặt kiến trúc cơ bản, Core M sử dụng vật liệu silicon tương tự dòng Core nhưng phục vụ cho những thiết bị khác nhau. Thương hiệu Core i3, Core i5 và Core i7 được quảng bá rộng rãi giúp người dùng dễ phân biệt ưu nhược điểm của chúng. Trong khi đó, họ chỉ biết Core M là một dòng chip riêng nhưng không hiểu lợi ích cốt lõi khiến Intel tạo ra nó.

    Khách hàng chỉ chú ý tới việc, Core M có hiệu suất thấp hơn Core i3 và Core i5 mà không để ý tới những ưu điểm của nó. Intel cần một cái tên khác cho Core M không liên quan tới Core để người dùng dễ dàng phân biệt giữa chúng và tránh tạo cảm giác yếu thế. Đáng tiếc, hãng vẫn đang duy trì chính sách đặt tên cũ.

    Core M có thể không nằm trong chiến lược của Intel

    Intel sẽ khó tìm thấy cơ hội để cứu vớt dòng Core M. Những nhà sản xuất máy tính lớn không chấp nhận thế hệ chipset này trên quy mô rộng, trong khi các tên tuổi từng sử dụng lại dần tỏ thái độ “ghẻ lạnh”. Asus quyết định không mang Core M lên Zenbook 3 dù trước đó hãng đã tin dùng sản phẩm này trên Zenbook UX305CA.

    Core M có thể sẽ không nằm trong chiến lược phát triển của Intel.
    Core M có thể sẽ không nằm trong chiến lược phát triển của Intel.

    Thời gian không còn đứng về phía Core M. Bộ vi xử lý của Intel có xu hướng cải tiến mạnh mẽ, trong đó dòng Core đã thể hiện tốt điều đó và ngày càng khẳng định được thương hiệu. Rất có thể, 2017 là năm kết thúc cho những sai lầm.

    Core M chỉ như cú trượt nhẹ của Intel. Nhưng chính vết trượt đó cho chúng ta thấy điều khách hàng muốn ở một chiếc máy tính xách tay. Năm 2014, xu hướng máy tính lai nở rộ với mong muốn biến tablet thành thiết bị thay thế laptop. Giờ đây, thế giới nhận ra rằng thiết kế siêu mỏng chưa hẳn đã thành công vì phải hi sinh thời lượng pin, tốc độ và tính linh hoạt trong xử lý công việc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ