Bí kíp lựa chọn tai nghe, tấm di chuột cho game thủ

    PV, Vân Hương 

    Dù chỉ là những phụ kiện nhỏ, tai nghe và tấm di chuột cũng cần lựa chọn đúng loại. Không chỉ nâng cao chất lượng chơi game, sản phẩm còn góp phần làm nên thắng lợi trong các trận quyết đấu.

    1. Tai nghe
     
    Khi chơi game, người chơi thường chú ý nâng cấp chip xử lý, card đồ hoạ, màn hình… Thậm chí, chiếc quạt tản nhiệt cũng được quan tâm. Tuy nhiên, còn một phụ kiện rất quan trọng. Đó là tai nghe - cầu nối người chơi với thế giới âm thanh sống động.
     
    Để chọn một chiếc tai nghe tốt, không chỉ cần nhiều tiền. Trước tiên, bạn cần có “tai nhạc”. Bạn nên đề nghị cửa hàng cho nghe thử để trải nghiệm cảm giác âm thanh có chân thực hay không hoặc thiết kế thoải mái nhất. 
     
    Một sản phẩm chất lượng phải đạt được các tiêu chuẩn: âm thanh trong trẻo, khi tái hiện âm cao không bị vỡ, tiếng bass ấm, khả năng lọc ồn tốt, và không gây cảm giác đau đầu khi đeo nhiều.
     
     
    Hiện nay, những thế hệ tai nghe đời mới đã có thể tái hiện âm thanh vòm ảo 7.1 (tương đương âm thanh của 8 chiếc loa). Phần mềm điều khiển hoặc hộp kĩ thuật trong headphone sẽ nhận thông tin và xử lý để tái tạo âm thanh. Những tai nghe loại này thường kết nối với cáp USB và không sử dụng card âm thanh onboard.
     
    Một cách làm khác là nhà sản xuất sẽ bố trí khéo léo những chiếc loa nhỏ trong tai nghe để tạo ra âm thanh vòm. Tai nghe loại này sẽ lấy âm thanh trực tiếp từ card âm thanh. Hai đại diện tiêu biểu là Roccat Kave Speedlink Medusa. Có lưu ý nhỏ, game thủ cần trang bị một cỗ máy cấu hình mạnh, đặc biệt là card âm thanh xịn.
     
     
    Yếu tố thoải mái cũng được đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy không ít game thủ cảm thấy đau đầu khi thường xuyên sử dụng tai nghe. Ở đây không chỉ do chất lượng âm thanh mà có thể xuất phát từ cách thiết kế. Các model truyền thống có thiết kế headband trên cao, tạo áp lực lên đỉnh đầu. Những thiết kế mới đã loại bỏ “vòng kim cô” này và chuyển ra phần sau đầu, giảm bớt áp lực.
     
    Lời khuyên cho bạn là nên lựa chọn những tai nghe có kích thước lớn. Một tai nghe tốt phải ôm trọn tai bạn và đặt chắc chắn lên vòng đầu. Những tai nghe chỉ ôm một phần tai sẽ tạo cảm giác khó chịu, đau tai, thậm chí nếu dùng lâu còn gây sưng tấy.
     
    Một phụ kiện đi kèm headphone là microphone. Sẽ thật bất tiện nếu bạn gặp phải một microphone tậm tịt và không liên hệ được với team của mình. Tố nhất hãy tìm đến headphone kèm theo microphone, loại có chức năng noise-cancelling (lọc tạp âm, tiếng ồn) và uni-directional (chỉ nhận âm thanh từ một hướng).
     
     
    Vấn đề cuối cùng, nhưng không kém phần thú vị là giá cả. So với các loại chuột game, keyboard thì tai nghe cũng có giá tương đương. Nếu kinh tế rủng rỉnh, bạn nên chọn mua những thương hiệu lớn như Razer, SteelSeries, Genius.
     
    Như đã nói, loại tai nghe 7.1 cho âm thanh tuyệt hảo nhất, nhưng giá cả không dưới 100$ (khoảng 2 triệu). Một số lựa chọn là Razer Megalodon, Logitech G35 hay Steelseries Siberia. Khiêm tốn hơn, tai nghe 5.1 có giá khoảng 60$ - 90$ (tầm 1,1 triệu đến 1,7 triệu). Những sản phẩm trong phân khúc này là Roccat Kave, Razer Barracuda hoặc Cyber Snipa Sonar. Nếu chưa đủ điều kiện, bạn vẫn có thể hài lòng với tai nghe 2.1, có ưu điểm mẫu mã đa dạng, giá rẻ (khoảng 200k – 500k).
     
    2. Tấm di chuột
     
    Cũng giống như tai nghe, tấm di chuột (mousepad) được xếp vào nhóm phụ kiện nhỏ. Nhiều game thủ sẵn sàng bỏ nhiều tiền cho cả dàn máy tính mạnh mẽ nhưng hài lòng với một tấm mousepad khuyến mại! Tất nhiên, mousepad bình dân thì vẫn dùng tạm, dù chuột là loại đắt tiền hay thông thường. Tuy vậy, chỉ đến khi tham gia những game bắn súng hoặc chiến thuật bom tấn, bạn mới cảm nhận rõ sự cần thiết của tốc độ và độ nhạy. Chính lúc ấy cần viện đến mousepad - trợ thủ của chuột game!
     
     
    Một số lời khuyên khi lựa chọn mousepad:
     
    - Hãy chắc chắn rằng pad bạn mua tương thích với mouse. Một số tấm lót chuột có thể làm việc tốt với cả chuột laser, chuột quang LED hay thậm chí chuột bi.
     
    - Pad phải có thiết kế và kích cỡ phù hợp với kiểu di của bạn. Bạn là dân FPS, quen với việc di chuyển chuột nhanh và rộng khắp cả bàn di, một chiếc pad có kích thước lớn sẽ là lựa chọn sáng suốt. Còn bạn là người chơi RTS, chỉ cần di chuột trong phạm vi nhỏ thì một chiếc mousepad nho nhỏ lại vô cùng thích hợp.
     
    - Thử pad cẩn thận trước khi mua, nếu nó vừa vặn thì sẽ không gây ra tình trạng khó khăn hay vất vả khi làm việc.
     
    - Kiểm tra sự ổn định của mousepad. Chú ý đến bề mặt tiếp xúc giữa chuột và bàn di. Nếu việc di chuyển chuột có vẻ dễ dàng, hãy tìm hiểu tiếp liệu pad có tính chất chống tĩnh (khi chuột nằm yên thì con trỏ cũng không tự động di chuyển).
     
    - Nếu bạn dùng chung chuột với một ai đó thì hãy chọn loại pad có bề mặt chống bụi. Kiểu bàn di này sẽ giúp bạn bớt lo ngại về những vết bẩn và bụi sẽ bám vào chuột.
     
     
    Về giá cả:
     
    Chuột nào mousepad đấy - đó là "lời vàng" dành cho game thủ. Nếu đang sở hữu một siêu phẩm của Razer hay Logitech, đừng tiếc tiền sắm mousepad chính hãng. Tuy vậy, với một chú chuột thường thì bạn chẳng cần lãng phí sắm về tấm di chuột xịn làm gì.
     
    Có thể chia mousepad làm 3 mức: từ 100k – 200k, 200k – 400k, trên 400k. Với phân khúc đầu tiên, bạn có rất nhiều lựa chọn, kiểu dáng đẹp, độc đáo. Hãy chọn những mousepad có lớp mút dày, không phai màu khi giặt, rửa. Phân khúc thứ hai bắt đầu có sự xuất hiện của những hãng sản xuất tên tuổi. Bạn có thể tìm thấy những loại mousepad chuyên dụng cho game RTS, FPS hoặc Racing.
     
    Phân khúc cuối cùng dành cho các "đại gia". Lúc này, bạn đã có thể sở hữu những mousepad lung linh như Razer Vespula, Razer Sphex. Đặc điểm của dòng sản phẩm này là thiết kế đẹp, mỏng, nhẹ, không bám bụi. Razer Vespula còn có hai bề mặt khác nhau phục vụ nhu cầu di chuột nhanh hay chậm.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ