Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới

    Băng Băng, Nhịp sống thị trường 

    Công ty này đang kiểm soát thị phần chủ chốt với Selenium, Tellurium, Indium và Bismuth vốn được dùng trong công nghệ tấm năng lượng mặt trời, màn hình ti vi phẳng...

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 1.

    Germanium

    Theo hãng tin Bloomberg, khi hãng Vital Materials Co của Trung Quốc chi 600 triệu USD mua hàng tồn kho kim loại hiếm của một hãng phá sản vào đầu năm 2020 thì hầu như chẳng thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

    Vậy nhưng trôi qua vài năm, công ty ít danh tiếng này lại đang ngày càng quan trọng hơn với nhiều ngành công nghiệp khi kiểm soát việc khai thác và tinh chế kim loại hiếm, vốn là nguyên liệu được dùng trong vô số mảng, từ thiết bị điện tử, xe điện đến chất bán dẫn.

    Trong khi Mỹ và Châu Âu đang gấp rút kiểm soát nguồn cung nguyên liệu cho các ngành công nghệ trọng điểm thì Trung Quốc đã kiểm soát hầu hết các mảng, từ Lithium và Cobalt dùng cho ắc quy điện đến các kim loại hiếm cho tua bin điện gió.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 2.

    Với Vital, hãng Trung Quốc này đang kiểm soát thị phần chủ chốt với Selenium, Tellurium, Indium và Bismuth vốn được dùng chủ yếu trong công nghệ tấm năng lượng mặt trời, màn hình ti vi phẳng và dược phẩm. Công ty này cũng đứng trong top 3 hãng cung ứng Gallium và Germanium cho màn hình cảm ứng smartphone, vệ tinh và chất bán dẫn.

    Bên cạnh những kim loại hiếm thì các nguyên liệu khác như đồng hay kẽm cũng được nhiều công ty khai thác để rồi bán lại cho doanh nghiệp Trung Quốc tinh chế.

    Số liệu của Liên minh Châu Âu (EU) cho thấy Trung Quốc tinh chế đến 94% Gallium trên thế giới, 83% Germanium, chiếm 60% sản lượng Lithium và Cobalt trên toàn cầu.

    Với Vital, hãng không cần phải khai thác mọi loại tài nguyên mà chỉ cần tinh chế để cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới là cũng đủ kiểm soát thị trường.

    Điều đáng ngạc nhiên hơn là dù đóng vai trò quan trọng như vậy trong nền kinh tế toàn cầu nhưng Vital lại âm thầm bành trướng trong thời gian dài mà chẳng thu hút sự chú ý nào từ Phương Tây.

    “Nếu nhìn vào mảng kim loại hiếm thì bạn sẽ thấy những tập đoàn như Vital đã hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Phương Tây trong một thời gian dài. Nếu chúng ta còn chẳng biết đối thủ là ai thì làm sao có thể xây dựng được một chính sách hỗ trợ cho chuỗi cung ứng công nghiệp đang theo đuổi được”, COO Olimpia Pilch của Liên hiệp kim loại hiếm quốc tế (CMLA) nhận định.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 3.

    Nhà sáng lập Zhu Shihui của Vital

    Hiện nay, mối quan tâm về khả năng kiểm soát nguồn cung kim loại hiếm của Trung Quốc đang tăng cao hơn bao giờ hết khi chính quyền Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu Gallium và Germanium vào tháng 7/2023 khiến giá tăng cao.

    Canh bạc mạo hiểm

    Hãng tin Bloomberg nhận định con đường thành công của Vital để thống trị ngành kim loại hiếm suốt 30 năm qua có thể được Phương Tây lặp lại, nhưng chúng cũng cho thấy cần sự phối hợp chặt chẽ của cả doanh nghiệp, nhà nước cho đến sự phát triển công nghệ trong thời gian dài mới có được chỗ đứng trên thị trường.

    Nguồn tin thân cận của Bloomberg cũng như các khách hàng và đối thủ của Vital đều cho rằng thành công của hãng phải bắt đầu từ nhà sáng lập Zhu Shihui, hay còn gọi là George Zhu. Nhà khởi nghiệp này đã có những quyết định cực kỳ mạo hiểm trên thị trường đầy biến động để đi đến thành công hôm nay, đó là điều mà các đối thủ Phương Tây khó lòng lặp lại.

    Trong khoảng tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, Vital đã mua lại lượng lớn hàng tồn kho kim loại hiếm của Fanya, một công ty đã phá sản vì bê bối tài chính tại Trung Quốc.

    Bước đi đầy táo bạo này của Vital là nhằm ngăn chặn một đợt cung thừa ra thị trường gây sốc cho giá cả của Fanya khi hãng sẽ phải thanh lý tài sản trả nợ. Tuy nhiên động thái này bị đánh giá là chẳng khác gì “đặt cược” bởi trong khi toàn thị trường chấn động vì bê bối lừa đảo của hãng này, đồng thời lo sợ sự sụp đổ dây chuyền khi lượng lớn sản phẩm bị bán tháo làm thừa cung thì Vital lại mạnh dạn mua vào để rồi đây trở thành một trong những canh bạc thắng lớn cho nhà sáng lập Zhu.

    Trên thực tế, đây không phải lần đầu ông Zhu có máu “đặt cược”.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 4.

    Quay ngược dòng thời gian, nhà sáng lập Zhu xây dựng nên Vital vào năm 1995 sau khi phát hiện một cơ hội kinh doanh béo bở. Trước đó ông Zhu đang làm việc cho tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản tại Guangdong với vị trí chuyên giao dịch Selenium, vốn là sản phẩm phụ ít giá trị thời đó khi tinh chế đồng.

    Tại thời điểm đó, Selenium chưa được ứng dụng rộng rãi mà chỉ được dùng để làm kính hay cho công nghiệp luyện kim. Thế nhưng chính ông Zhu đã “đánh hơi” được sự bùng nổ nhu cầu kim loại hiếm này khi Trung Quốc dần mở cửa hơn nữa ngành công nghiệp của mình.

    Đúng như những gì ông Zhu dự đoán, giá Selenium thường biến động trong nhiều thập niên nhưng đến đầu thập niên 2000 thì tăng vọt do nguồn cung không theo kịp nhu cầu như vũ bão của nền kinh tế Trung Quốc.

    Ngoài ra, những ứng dụng của các sản phẩm phụ ngành luyện kim như Selenium, Indium, Gallium trong ngành công nghệ màn hình phẳng tivi hay đèn LED càng thúc đẩy nhu cầu thị trường. Trong khi các nhà máy luyện kim đua nhau tăng sản lượng những chế phẩm phụ này thì Vital đã bắt đầu vươn ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn cung mới.

    “Ông ấy chắc chắn là người có chút máu cờ bạc trong người”, giám đốc Matthias Rueth của hãng giao dịch kim loại hiếm Tradium nói đùa về nhà sáng lập Zhu của Vital.

    Nhận định của giám đốc Rueth là hoàn toàn có cơ sở vì sự biến động về giá kim loại hiếm trên thị trường là điều hiển nhiên nên những bước đi mua lại lượng lớn hàng tồn kho từ Fanya năm 2020 được cho là canh bạc cực kỳ mạo hiểm.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 5.

    Tinh luyện đồng tại Trung Quốc

    Tuy nhiên chính điều này lại khiến Vital thành công khi đặt cược đúng, nhờ mua giá rẻ rồi bán cao khi cuộc chạy đua ngành công nghệ, chất bán dẫn, tấm năng lượng mặt trời và đặc biệt là xe điện hiện nay ngày càng trở nên nóng bỏng, qua đó thúc đẩy nhu cầu về kim loại hiếm.

    Khó lặp lại

    Theo Bloomberg, thành công của Vital cho thấy con đường sáng đến thành công với các tập đoàn Phương Tây vốn đang muốn chạy đua công nghệ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng để lặp lại được thành công tương tự là điều không hề dễ.

    Mặc dù việc Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm khiến Phương Tây tích cực tìm kiếm giải pháp nhưng theo giám đốc Sarah Gordon của Satarla tại London, câu chuyện không hề đơn giản chút nào.

    “Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến sự biến động cực kỳ đột ngột của thị trường kim loại hiếm và hậu quả là các doanh nghiệp, nhà đầu tư khá hoảng sợ với thị trường này. Để có thể thành công như Trung Quốc thì người chơi sẽ cần sự can đảm rất lớn nhằm mạo hiểm đặt cược, đồng thời cũng khá tốn kém hoặc rủi ro để củng cố vị thế chuỗi cung ứng với sự biến động mạnh về giá như vậy”, bà Gordon thừa nhận.

    Đồng quan điểm, cựu giám đốc Todd Malan của một trong những hãng khai khoáng lớn nhất thế giới Rio Tinto Group, nhận định thách thức đầu tiên là khả năng gia tăng sản lượng. Rất nhiều tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới nhận thấy việc tăng cường sản lượng các kim loại hiếm, vốn là sản phẩm phụ của khai thác đồng hay sắt, chẳng có nhiều lợi ích bằng việc đổ thêm tiền khai thác các sản phẩm chính.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 6.

    Sản phẩm chip có sử dụng Gallium

    “Nếu nhìn vào tỷ lệ hoàn vốn của mỏ sắt Pilbara tại Australia chẳng hạn, bạn sẽ thấy việc tốn thêm chi phí tăng cường các sản phẩm phụ quá tốn kém mà chẳng đáng là bao so với lợi nhuận từ khai thác sắt”, ông Malan nhận định.

    Tiếp đó, công nghệ đảm bảo độ tinh khiết tinh chế nguyên liệu thô cũng là vấn đề bởi những kim loại hiếm này chủ yếu được dùng cho công nghiệp công nghệ cao, nơi một sự ô nhiễm nhỏ nhất cũng có thể hủy hoại quy trình sản xuất. Đây là điều mà Vital có ưu thế cực lớn nhờ đi trước, dành nhiều năm nghiên cứu phát triển, hợp tác chặt chẽ với khách hàng để phát triển bộ kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng cho tinh chế.

    Hiện Vital đã phát triển được khoảng 80 hóa chất và khoáng chất có độ tinh khiết cao, cũng như các loại khí hóa học, chất nền bán dẫn, thấu kính quang học và gốm sứ được sử dụng trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp quốc phòng.

    Hiểu được lợi thế của mình, nhà sáng lập Zhu của Vital đã cho xây dựng hàng loạt phòng thí nghiệm, tuyển dụng các chuyên gia đầu ngành kể từ năm 2012 để duy trì ưu thế kỹ thuật.

    “Vậy là các hãng Phương Tây sẽ phải tiếp cận với một ngành có độ rủi ro cao, cùng với khoảng thời gian đầu tư dài hạn cho phát triển công nghệ nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng ổn định để rồi kỳ vọng thị trường sẽ không có ai bắt chiếc”, bà Gordon của Satarla cảnh báo về những thách thức khi Phương Tây muốn hạn chế phụ thuộc kim loại hiếm từ Trung Quốc.

    Điều trớ trêu hơn là Phương Tây có nhiều hãng tinh chế kim loại có thể cạnh tranh với Vital về kỹ thuật nhưng hầu hết đều sụp đổ do biến động giá quá lớn của thị trường, để rồi cuối cùng bị Vital hưởng lợi bằng cách thu mua hoặc xâm chiếm thị phần, qua đó tiếp tục bành trướng.

    Công ty Trung Quốc vô danh sở hữu kho kim loại hiếm khổng lồ, Mỹ và châu Âu bất lực nhìn đối thủ bành trướng ra toàn thế giới - Ảnh 7.

    Nhà máy của Vital tại Guangdong

    Ngày nay, Vital đang có hơn 6.000 nhân viên ở 16 nhà máy tại Trung Quốc cùng nhiều cơ sở khác tại nước ngoài. Hãng hiện đang có một nửa doanh thu của mình là từ thị trường quốc tế, cho thấy sức mạnh của Vital với chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Hiện công ty đang xây dựng thêm 8 dự án nhà máy tại Trung Quốc và sẽ tuyển dụng thêm khoảng 2.000 lao động nữa. Tổng doanh thu của Vital năm 2022 đạt 2,3 tỷ USD và đã tăng trưởng bình quân 10-30% trong suốt 10 năm qua.

    *Nguồn: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ