Cùng bóc mẽ sự thật về những con quái vật "đáng sợ" trong Kong: Skull Island (Phần 1)

    Minh Lết,  

    Nếu có thật, King Kong có nguy cơ... nằm liệt chiếu vì gãy xương, nhện khổng lồ sẽ phải thở oxy...

    Kong : Skull Island đang làm mưa làm gió trên khắp các rạp chiếu phim tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Cũng như những người dân Việt Nam khác, tôi cũng phải bò ra rạp chiếu ngay từ những ngày đầu tiên phim ra mắt. Tôi ra rạp chiếu chủ yếu vì tâm lý tò mò, không đặt kỳ vọng về nội dung vì thể loại phim quái vật nói đi nói lại cũng chỉ là 2 cục thịt lao vào đấm đá. Trở về nhà trong đầu tôi cứ trở đi trở lại câu hỏi: "Liệu trên trái đất có thể tồn tại những loại sinh vật như trên Skull Island hay không? Và nếu không thể thì tại sao?"

    Bài viết này có thể sẽ spoil một vài tình tiết nhỏ trong phim nhưng hãy yên tâm vì tôi sẽ cố giữ những chi tiết bị spoil ít nhất có thể.

    King Kong

    Mô típ tạo ra quái vật bằng cách phóng to 1 sinh vật vốn có là một cách làm được Hollywood rất ưa chuộng. Kong là 1 sản phẩm ra đời từ công thức "mì ăn liền" như thế. Lần đầu tiên xuất hiện năm 1993, đến 2017, Kong vẫn giữ nguyên bản chất là 1 con khỉ đột phóng đại n lần. Nếu như ở phiên bản King Kong 2005, Kong chỉ cao có 8m thì năm 2017, Kong ăn thuốc tăng trọng cao lên tới gần 30m mà vẫn đang trong "tuổi ăn tuổi lớn" theo tiết lộ của nhân vật trong phim.

    Vậy nếu vì lý do gì đó (ăn nhầm thuốc tăng trọng lợn, bị chiếu tia phóng xạ, biến thái...) mà tồn tại 1 con khỉ đột cao như Kong (30 m, gấp 20 lần chiều cao trung bình của 1 con gorilla trưởng thành) thì liệu nó có thể sống và chạy nhảy, đấm đá tưng bừng như Kong được hay không?

    Câu trả lời là không. Các nhà làm phim Hollywood thường khắc họa King Kong leo trèo thoăn thoắt, nhảy chuyền qua những vách núi hàng vài chục mét giống như những con khỉ thông thường. Và đây chính là vấn đề: King Kong quá nhanh nhẹn so với 1 con vật có kích thước khủng như vậy.

    Trong vật lý có 1 nguyên tắc cơ bản khá thú vị: vật thể trong không gian được thể hiện bằng 3 chiều: cao, dài, sâu. Lấy bất kỳ vật nào chẳng hạn như 1 hình trụ, 1 hình lập phương hay 1 con khỉ và tăng mỗi chiều lên n lần bạn sẽ được 1 vật mới về tương quan to gấp n lần vật thể cũ. Tuy nhiên ở đây lại nảy sinh vấn đề: Trọng lượng của vật tỉ lệ thuận với thể tích của nó và khi nhân kích thước con khỉ đó lên n lần thể tích của nó sẽ tăng n * n * n = n^3 lần. Nói như vậy có nghĩa là nếu 1 con Gorrila cao 1.5 mét nặng 100kg, thì King Kong cao gấp 20 lần (30m) sẽ có trọng lượng gấp 20 * 20 * 20 = 8000 lần tương đương với...800 tấn.

    Kích thước tăng gấp 3 nhưng trọng lượng tăng gấp 27 lần
    Kích thước tăng gấp 3 nhưng trọng lượng tăng gấp 27 lần

    Đồng thời, chân và tay của King Kong sẽ cũng sẽ to lên theo cơ thể. Khả năng chịu lực của 1 chân sẽ tỉ lệ thuận với diện tích mặt cắt ngang qua cái chân đó. Điều ấy có nghĩa là khi chiều cao tăng lên 8 lần, diện tích mặt cắt ngang qua tay hoặc chân của King Kong sẽ tăng lên 20 * 20= 400 lần. Trọng lượng tăng 8000 lần nhưng tay chân lại chỉ "bền" hơn có 400 lần. Điều này khiến 1 con khỉ với kích thước của Kong sẽ khó lòng cất bước đi chứ đừng nói tới chuyện nhảy nhót. Mỗi bước đi, dù là nhẹ nhất của Kong cũng sẽ ẩn chứa nguy cơ... gãy chân. Đây là nói với giả thuyết rằng King Kong cũng là 1 con vật "bằng xương bằng thịt" chứ không phải là 1 con vật có bộ xương... titan. Có lẽ điều này giải thích vì sao King Kong luôn tỏ ra bực bội, cau có như vậy: Mỗi bước đi bình thường đều khiến xương chân của con vật bị dồn nén tới gần giới hạn bền và chắc chắn là sẽ gây ra rất nhiều đau đớn.

    Kong lúc nào cũng bực bội, cáu bẳn có lẽ phần nào vì bệnh đau xương khớp hành hạ.
    Kong lúc nào cũng bực bội, cáu bẳn có lẽ phần nào vì bệnh đau xương khớp hành hạ.

    Việc có sự "vênh" nhau giữa kích thước với trọng lượng dẫn tới 1 xu thế tương đối phổ biến trong thế giới động vật: Khi chiều cao cơ thể tăng gấp 2 lần thì kích thước chi sẽ phải tăng nhiều hơn 2 lần để đảm bảo khả năng di động, chạy nhảy của con vật. Hãy nhìn vào ví dụ về 1 chú hổ và 1 con mèo để thấy rõ điều này. Trong khi 1 con hổ Đông Á trưởng thành chỉ cao hơn 1 con mèo mướp 6-8 lần khi đứng thẳng thì xương cẳng chân của hổ lại lớn hơn mèo tới 12 lần. Điều này giúp con hổ có thể đi lại chạy nhảy dễ dàng như 1 chú mèo. King Kong là 1 "phiên bản" cỡ lớn của Gorilla nhưng có tương quan kích thước chân và cơ thể hoàn toàn "đồng dạng" với 1 con Gorilla bình thường.

    So sánh xương mèo và xương hổ để thấy chỉ cần to hơn vài lần kích thước xương đã phải biến đổi nhiều lần để đảm bảo sự nhanh nhẹn. Vì vậy King Kong giữ được "dáng chuẩn" như 1 con gorilla bình thường là điều không thể.

    Những con vật có kích cỡ của Kong chắc chắn là sẽ đi lại rất rón rén, ngại va chạm vì nếu ngã ra chắc chắn là chỉ có nằm... liệt giường. Hãy nhớ lại lần gần nhất bạn ra vườn bách thú.

    Bạn sẽ thấy các chú voi được nhốt trong chuồng với hàng rào bao quanh trông rất mỏng manh? Có lúc nào bạn nghĩ rằng nếu muốn, chú voi đó có thể dễ dàng dùng vòi cuốn vào và nhổ phăng cả hàng rào đó ra? Sự thực thì hàng rào bao quanh chuồng voi là phương án phòng hờ để ngăn cản khách tham quan... nhảy vào chuồng voi. Thứ ngăn cản chú voi trong chuồng không xổng ra ngoài chính là cái hào khô bao quanh chuồng.

    Hàng rào là để bảo vệ voi khỏi... khách thăm quan chứ không phải ngược lại.
    Hàng rào là để bảo vệ voi khỏi... khách thăm quan chứ không phải ngược lại.

    Hầu hết các chuồng voi đều có 1 cái hào được đào sâu khoảng gần 2m và không đổ nước. Với trọng lượng của 1 con voi, chỉ 1 cú ngã từ độ cao 1 mét rưỡi đủ sức bẻ vụn hết tất cả các xương ống chân của nó. Con voi biết điều đó rất rõ và nó sẽ nằm ngoan ngoãn trong chuồng. Thử tưởng tượng 1 con voi be bé mà đã phải rón rén như vậy mà Kong có thể lăn từ trên vách núi xuống xong đứng bật dậy chạy như điên được thì thật là phí lý.

    Một kết luận chung, luôn đúng đó là con vật càng nhỏ thì sẽ càng nhanh nhẹn. Hãy so sánh độ linh hoạt của 1 chú chuột nhắt với 1 con voi ta sẽ thấy rõ điều này. Và chính hệ quả này lại khiến vấn đề tỷ lệ sinh học ảnh hưởng tới 1 mặt khác của thế giới động vật: Kích thước của các loài ăn thịt. Gấu trắng bắc cực là loài thú săn mồi lớn nhất trên cạn,với trọng lượng 700kg, chắc chắn 1 con gấu Bắc cực sẽ là nỗi kinh hoàng cho bất kỳ nhà thám hiểm xấu số nào chạm trán nó giữa vùng băng giá. Tuy nhiên nếu so sánh gấu trắng bắc cực với loài thú ăn cỏ trên cạn lớn nhất là voi châu Phi với trọng lượng khoảng 4 tấn gấu bắc cực có vẻ khá "mi nhon". 1 ví dụ nữa là các loài săn mồi đáng sợ nhất như sư tử, hổ, báo đều có kích thước khiêm tốn so với tê giác hay hươu cao cổ.

    Gấu bắc cực, loài thú ăn thịt lớn nhất hành tinh con trưởng thành chỉ nặng tối đa 700kg.
    Gấu bắc cực, loài thú ăn thịt lớn nhất hành tinh con trưởng thành chỉ nặng tối đa 700kg.

    Vậy điều gì đã giới hạn kích thước của các loài thú săn mồi? Để có thể là 1 loài săn mồi, yếu tố quyết định là phải nhanh, dẻo dai, linh hoạt. Và cách duy nhất để có được 1 cơ thể nhanh nhẹn đó là... giữ gìn vóc dáng. Nếu 1 con báo có kích thước của 1 chú voi, chạy bộ với tốc độ 40km/h thì coi như cầm chắc nó sẽ chết đói trên thảo nguyên trong khi cả đàn linh dương tung tăng xung quanh. Chọn lọc tự nhiên đã "đẽo gọt" và giới hạn khiến các loài săn mồi không thể vượt quá một kích thước nhất định, khi 1 loài thú vượt qua kích cỡ của 1 con gấu bắc cực, nó sẽ chỉ có duy nhất 1 lựa chọn để sống sót: tìm ăn ở những nguồn thực phẩm "nhàn hạ" hơn và không cần đuổi bắt. Điều này giải thích vì sao các loài thú trên cạn to lớn nhất luôn là những con vật... ăn chay.

    Tuy nhiên Kong: Skull Island đã làm 1 việc rất tốt, tốt hơn bộ phim King Kong (2005) của Peter Jackson rất nhiều. Ở King Kong 2005, nhân vật chính của chúng ta chỉ biết gặm tre trúc y như 1 con Gorilla thực thụ. Rõ ràng là với lối sống "tăng động" chạy nhảy đấm đá suốt ngày của Kong, chế độ ăn như vậy mang lại quá ít năng lượng. Để đủ sức chạy nhảy mà chỉ ăn tre nứa, Kong có lẽ phải nhai 24/24 kể cả trong lúc ngủ. Nhưng chắc là vì khắc hoạ 1 King Kong vừa nhai nhồm nhoàm vừa choảng nhau với T-Rex thì không được đẹp mắt cho lắm nên Peter Jackson cho Kong bản 2005 ăn uống khá đạm bạc.

    Ăn uống thế này thì lấy đâu ra sức mà nện nhau với T-Rex hả Kong?(King Kong 2005)
    Ăn uống thế này thì lấy đâu ra sức mà nện nhau với T-Rex hả Kong?(King Kong 2005)

    Như chúng ta thấy ở trong Kong: Skull Island, Kong 2017 đã khá khôn ngoan khi biết điều chỉnh chế độ ăn của mình 1 cách hợp lý. Thay vì chỉ gặm lá cây, rễ cây vốn cung cấp quá ít calo cho 1 "lối sống"... năng động, Kong đã biết cân bằng, bổ sung thêm... hải sản tươi sống vào thực đơn để bù đạm.

    Nhìn chung vẫn biết là đi xem phim quái vật cần cất não ở nhà nhưng nếu được chấm điểm tôi chỉ có thể cho Kong: Skull Island được 4 điểm về mặt...cơ sở khoa học.

    Trong kỳ sau chúng ta sẽ cùng đi mổ xẻ những con quái vật khác xuất hiện trong Kong: Skull Island như nhện khổng lồ, thằn lằn sọ người... Mời các bạn đón đọc.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ