Cuối cùng Microsoft đã tung ra vũ khí bí mật của mình cho cuộc chiến trên mây

    Nguyễn Hải,  

    Với Azure Stack, khách hàng có được hầu hết mọi công cụ hữu hiệu của đám mây Azure ngay trên trung tâm dữ liệu của mình.

    Từ lâu Microsoft đã duy trì một vũ khí bí mật để chuẩn bị cho cuộc chiến trên đám mây chống lại gã khổng lồ Amazon Web Services.

    Vũ khí đó của Microsoft chính là sự hiện diện của công ty trên thị trường phần mềm doanh nghiệp. Và chiến lược này đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi vào tháng Năm 2015, công ty giới thiệu Azure Stack, một bộ sản phẩm cho phép bạn xây dựng nên một phiên bản đám mây Microsoft Azure ngay trong chính cơ sở dữ liệu của riêng bạn.

    Cuối cùng, sau nhiều lần trì hoãn, vũ khí bí mật này đã được tiết lộ: vào thứ Hai vừa qua, Microsoft thông báo rằng, các hệ thống do những công ty như Dell EMC, Lenovo, và HP Enterprise sản xuất và được Azure Stack hỗ trợ đã sẵn sàng để giao hàng vào tháng Chín tới đây. Ngoài ra, Microsoft cũng cho biết, Cisco và Huawei dự kiến cũng sớm các hệ thống của riêng mình.

     Scott Guthrie, phó chủ tịch về điện toán đám mây và doanh nghiệp của Microsoft.

    Scott Guthrie, phó chủ tịch về điện toán đám mây và doanh nghiệp của Microsoft.

    Azure là một dịch vụ nền Internet cho phép bạn truy cập vào sức mạnh điện toán không giới hạn, nhờ vào các trung tâm dữ liệu trên toàn cầu của Microsoft, và bạn chỉ cần thanh toán cho những gì bạn sử dụng (pay-as-you-go). Nhưng nếu bạn mua một hay nhiều hệ thống Azure Stack này và cắm nó vào trung tâm dữ liệu của bạn, nó sẽ trở thành một hệ thống hoạt động tương tự như một nền tảng Azure “thực sự”.

    Việc thanh toán dựa trên thời lượng sử dụng Azure Stack của bạn, hoặc dung lượng điện toán mà bạn sử dụng, phụ thuộc vào model và gói dịch vụ mà bạn chọn sử dụng.

    Đây là một dịch vụ rất quan trọng cho những công ty vốn vẫn chưa sẵn sàng để di chuyển toàn bộ cơ sở hạ tầng của mình lên các nền tảng đám mây công cộng như Microsoft Azure, Amazon Web Services hay Google Cloud.

     Andy Jassy, CEO của Amazon Web Services.

    Andy Jassy, CEO của Amazon Web Services.

    Mô hình đám mây lai

    Trong ngành công nghiệp điện toán đám mây này, khái niệm cơ bản đằng sau Azure Stack còn được gọi là “đám mây lai”, một điều từ lâu đã được Microsoft đề cập đến.

    Với những nỗ lực triển khai của Amazon Web Services và Microsoft Azure, điện toán đám mây đã mang lại nhiều lợi ích hơn hẳn so với cách tiếp cận của một trung tâm dữ liệu truyền thống. Trong những trung tâm dữ liệu kiểu cũ, thông thường bạn sẽ không sử dụng toàn bộ công suất của từng bộ phận phần cứng, dẫn đến lãng phí rất nhiều tài nguyên.

    Nhưng các nền tảng đám mây có khả năng quản lý tài nguyên vượt trội hơn hẳn so với các trung tâm dữ liệu truyền thống. Các tài nguyên được tập trung thành một khối lớn, và từ đây các phần mềm ứng dụng có thể sử dụng tùy theo nhu cầu, làm cho mỗi bộ phận đều được sử dụng hiệu quả hơn.

    Đó là cách tiếp cận cực kỳ hiệu quả đến mức nó cho phép cả Amazon Web Services và Microsoft Azure có thể đưa ra các dịch vụ siêu điện toán cho khách hàng với mức giá thấp nhất từ trước đến nay, thường chưa đến 10 cent cho mỗi giờ sử dụng. Amazon gọi đó là vòng tròn phát triển (virtuous cycle): họ càng có nhiều khách hàng, họ càng có nhiều tiền mặt để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và họ càng có thể giảm giá xuống thấp và tăng cường thêm nhiều tính năng hơn nữa.

    Cho dù vậy, không phải mọi khách hàng đều có thể tận dụng lợi thế điều này. Các ngành công nghiệp có mức độ giám sát cao như ngành ngân hàng hoặc dược phẩm đều có các quy định chặt chẽ về việc upload các loại dữ liệu lên đám mây công cộng. Ngoài ra, đối với những phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở tương tự như vậy, việc upload hàng tetrabyte dữ liệu về gen lên Azure qua internet là hoàn toàn không thực tế.

    Hơn nữa, trên thực tế, rất nhiều khách hàng không sẵn sàng hoặc không thể loại bỏ các máy chủ và trung tâm dữ liệu mà họ đã đầu tư chỉ để đi lên đám mây công cộng, một mô hình mà nhiều chuyên gia IT vẫn cho rằng nó chưa được kiểm chứng. Thay vào đó, phần lớn tìm đến các giải pháp chuyển tiếp từng phần, từng ứng dụng một.

    Vì vậy, Azure Stack chính là cách tiếp cận mà những khách hàng này cần, một giải pháp để đưa tất cả các tính năng của Azure, bao gồm cả các công cụ phát triển và việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, vào trong các máy chủ của riêng bạn.

     Bà Diane Greene, người đứng đầu Google Cloud.

    Bà Diane Greene, người đứng đầu Google Cloud.

    Microsoft Azure Stack

    Theo Microsoft, vì giải pháp này có cùng các công cụ và cơ sở hạ tầng với Azure, việc lựa chọn và dịch chuyển một ứng dụng hay một phần cơ sở hạ tầng của hệ thống, từ bộ cài đặt Azure Stack vào trong một trung tâm dữ liệu và đám mây công cộng Azure trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

    Sự khác biệt duy nhất giữa Microsoft Azure và Azure Stack là sức mạnh điện toán và khả năng lưu trữ sẵn có của bạn.

    Vì vậy, trong khi Amazon và Google cũng đang đầu tư vào các đám mây lai, chủ yếu bằng cách hợp tác với các startup và các công ty bên ngoài, những người đã xây dựng các công cụ của riêng mình để thực hiện cách tiếp cận trên, không ai trong số các đối thủ này có được giải pháp giống như Microsoft Azure Stack.

    Mặc dù hiện tại Microsoft Azure vẫn đang ở vị trí số 2 trên thị trường điện toán đám mây, ngay sau Amazon, nhưng giải pháp này là một hy vọng rõ ràng cho họ để tạo ra bước đột phá nhằm đuổi kịp đối thủ của mình.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ