Đã tìm ra lý do vì sao cử nhân, thạc sĩ Việt Nam rủ nhau đi học Trung cấp

    PV,  

    Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của bậc cao đẳng, đại học và sau đại học Việt Nam đang ở mức báo động. Tình trạng kéo dài khiến nhiều "ông Cử bà Thạc" vì thất nghiệp mà phải liên thông xuống... trung cấp.

    Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không còn là chuyện quá mới mẻ gì với dư luận mấy năm gần đây. Điều đáng nói là dù lên tiếng báo động từ nhiều năm nay, số lượng ông cử bà thạc "ra đường" vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

    Báo cáo từ Tổng cục Thống kê về thị trường lao động quý I/2016 cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có trình độ đại học trở lên là 192,5 nghìn người, chiếm 18,1% tổng số người thất nghiệp. Tức là, cứ 5 người thất nghiệp ở Việt Nam có 1 người có bằng Cử nhân, Thạc sĩ.

    Trong một bài viết đăng trên báo Người lao động 2 năm trước, đã từng nhắc đến hiện tượng "liên thông ngược". Tức là hiện tượng các cử nhân, thạc sĩ theo học các trường Trung cấp ngày càng tăng.

    Theo ý kiến của hiệu trưởng của một trường Trung Cấp, hầu như những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại họctrung cấp đều đang thất nghiệp và không thiếu ngành nghề nào.

    30% liên thông ngược

    Theo thông tin từ bài viết trên báo Người lao động, tháng 3/2014, tại Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng ĐH, CĐ, thậm chí thạc sĩ - chiếm khoảng 30%.

    Trường Trung cấp Đại Việt - cho biết năm 2011 có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ.

    Trường Trung cấp Ánh Sáng cũng cho hay, mỗi năm, trường chỉ tuyển 1.000 học sinh nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ. Họ đã tốt nghiệp ở đủ ngành nghề và rất nhiều học viên tốt nghiệp các trường ĐH công lập...

    Bên cạnh đó, nhiều trường trung cấp Dược tại địa phương cũng là lựa chọn số 1 của cử nhân, thạc sĩ đang "đứng đường".

    Đối chiếu thời điểm bài viết được đăng tải, số người thất nghiệp có trình độ Đại học - Cao đẳng thời điểm quý IV/2013 chỉ vào khoảng 72 ngàn người, tức chưa bằng 1/2 con số tương ứng của quý I năm nay (192,5 ngàn người).

    Tức là so với 2 năm trước, tình trạng lao động trình độ cao thất nghiệp đã tăng ở cấp số nhân. Vậy số cử nhân, thạc sĩ "phải" chuyển xuống theo học các trường Trung cấp hẳn cũng tăng theo cấp số nhân tương ứng?

    Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở trường ồ ạt và tăng quy mô đào tạo trình độ CĐ, ĐH vài năm trước là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất nghiệp hôm nay.

    Đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm cao đẳng và đại học là hệ lụy của những chính sách liên quan cách đây vài năm. Thường những ảnh hưởng về chính sách đào tạo có độ trễ rất lớn: 5 năm ở bậc đại học và 3 năm ở bậc cao đẳng.

    Ngoài ra, rõ ràng hai bộ phận đào tạo và tuyển dụng ở Việt Nam vẫn đang tách rời nhau, đào tạo một nơi, sử dụng một nẻo.

    Ở nhiều quốc gia, muốn xây dựng một nhà máy hay phát triển một ngành sản xuất, họ phải có kế hoạch phát triển nhân lực từ trước đó ba bốn năm, để tự đào tạo hoặc đặt hàng cho các cơ sở đào tạo.

    Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhân lực của cả nước, của từng địa phương cũng như các doanh nghiệp chưa đưa ra được kế hoạch phát triển nhân lực theo các ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm, nên đào tạo không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng nhân lực.

    Nếu các cơ quan quản lý nhân lực và doanh nghiệp không sớm xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu các ngành nghề, loại hình để Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, thì tỷ lệ "liên thông ngược" ở Việt Nam thời gian tới chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở con số 30%.

    Tô Mạn/CafeBiz/Theo Trí Thức Trẻ​

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ