Đằng sau Fluent Design là tầm nhìn về tương lai giao diện của Microsoft

    Le Min Kop,  

    Fluent Design thể hiện tư duy ngôn ngữ thiết kế mới của Microsoft khi đề cao tính linh hoạt và yếu tố nghệ thuật.

    Bojana Ostojic hiện là Giám đốc thiết kế công ty, đã có những trải nghiệm thú vị với kính thực tế ảo HoloLens của Microsoft. Nơi đó, cô như nhìn thấy tương lai rộng mở cho ý tưởng thiết kế mới của công ty.

    Tôi phải thừa nhận, bước vào không gian đó thực sự trở thành thách thức lớn với tôi trên cương vị một nhà thiết kế phải suy tính tới nhiều thứ”, cô nhớ lại khoảng thời gian 2 năm xây dựng HoloLens. Mô phỏng không gian ba chiều từ thực tế đòi hỏi bạn phải có kiến thức như một kiến trúc sư, nhà quay phim và nhà phát triển. Bạn sẽ phải lấy mẫu 3D của vật thể bằng công nghệ Holographic, đồng thời thao tác chuột điều khiển CAD trên PC. “Đó là khoảnh khắc trải nghiệm khác hẳn so với trước đây”, Ostojic thổ lộ.

    HoloLens đã và đang trở thành sản phẩm chiến lược của Microsoft. Và theo Ostojic, đây là nguồn cảm hứng cho Fluent Design, bộ hướng dẫn thiết kế được giới thiệu tại hội nghị Build 2017. Fluent Design tập hợp những mô phỏng thực tế tốt nhất và vẫn đang phát triển để phục vụ thiết kế trên điện thoại, máy tính, cử chỉ, AI, VR và các giao diện ba nhiều khác.

    Nhìn chung, đó là bước thay đổi hoàn diện so với triết lý Metro đưa ra gần thập kỷ trước, đồng thời cho ta cái nhìn về những nỗ lực của Microsoft trong việc làm mới bản thân.

    Hai năm qua, công ty bắt đầu thay đổi tư duy thiết kế theo hướng tổng thể, cách tiếp cận trở thành xu thế của toàn ngành. Trong đó, mọi thứ đều tập trung vào ứng dụng thế giới thực của máy học và AI.

    Đồng thời, thiết bị đang ngày càng đa dạng và không ngừng biến đổi đòi hỏi một công cụ đủ mạnh hỗ trợ tất cả. Giao diện 2D từ lâu trở thành điểm tựa cho các hệ điều hành, nhưng giờ là lúc thế giới bước vào thời kỳ 3D sống động.

    Không một công ty nào, dù đó là Facebook, Apple hay Google có thể tìm ra giải pháp tích hợp thế giới 2D cũ vào thế giới 3D.

    Với HoloLens, bạn đang tương tác với các hình thể 3 chiều và đây là trải nghiệm hoàn toàn mới”, Albert Shum, Phó chủ tịch thiết kế của công ty cho biết. “Đồng thời, trong vai trò một nhà sáng tạo, khó nằm ở chỗ làm thế nào để dễ dàng chuyển đối tượng từ máy tính đến thiết bị 3D như HoloLens và ngược lại?”

    Đó là lý do Fluent Design xuất hiện. Nó trở thành ngôn ngữ tương tác gắn kết tất cả thiết bị và hệ thống của Microsoft lại với nhau: Windows 10, HoloLens, Surface, Xbox, Cortana và nhiều hơn nữa.

    Chúng tôi nhận thấy nhiều trải nghiệm ngày nay không cần tới màn hình. Công ty đang tìm kiếm những công nghệ không chỉ mang tới trải nghiệm mới mà còn hướng tới phục vụ cho đông đảo người dùng”, Shum chia sẻ.

    Đây chỉ mới là bước khởi đầu của Fluent Design, vẫn còn nhiều điều thú vị phía trước đang chờ đón chúng ta. Một trong số ấn tượng đầu tiên công ty chia sẻ được mô tả như “hình động kết nối”, loại đồ họa chuyển động khi điều hướng giữa hai ứng dụng, nội dung hoặc giữa các thiết bị với nhau.

    Story Remix trở thành sản phẩm tiên phong khi cho phép người dùng kể câu chuyện sinh động từ loạt video và hình ảnh trong bộ sưu tập. Người dùng có thể tùy ý thêm đối tượng 3D vào hình ảnh hoặc video 2D mà vẫn giữ sự liền mạch. Đây là minh chứng rõ nét cho tính sáng tạo của đội ngũ thiết kế Microsoft.

    Ostojic còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ánh sáng. Ở thế giới 2D, con mắt của chúng ta thường tập trung vào trỏ chuột. Nhưng giao diện 3D đòi hỏi tới ánh sáng để tạo hiệu ứng và thu hút sự chú ý. “Nếu không có ánh sáng, rất khó để định hướng mình trong không gian ảo VR hay holographic. Ánh sáng trở thành nhu cầu cơ bản trong mô hình thiết kế như thế. Vậy nếu điều đó có hiệu quả trong không gian ba chiều, làm thế nào chúng ta chuyển nó qua những thiết bị khác?”, Ostojic nói.

    Giải pháp được công ty đưa ra mang tên “Reveal”, giúp làm nổi bật các phần không nhìn thấy của giao diện khi bạn chạm hay nhìn vào, giống như trải nghiệm trên HoloLens nhưng áp dụng được cho nhiều thiết bị. Ánh sáng chứ không phải bảng màu hay phông chữ, trở thành sợi dây liên kết trong Fluent Design.

    Mọi thứ đang đi theo hướng biến hệ điều hành trở nên nhạy cảm hơn với dấu chỉ thời gian và những thứ phù du. Nó không còn cứng nhắc như trước. Chúng tôi để mọi thứ đến và đi. Chúng tôi tìm kiếm những thứ đó, nhưng không nhất thiết phải gắn chặt vào một cấu trúc cứng nhắc nào hết”, Ostojic chia sẻ.

    Ostojic và Shum giải thích, Fluent Design là một thư viện các tương tác, các mẫu hành vi và các thành phần giao diện được liên tục phát triển chứ không phải một sản phẩm hoàn chỉnh cố định. Mỗi ba đến bốn tháng một lần, hệ thống sẽ cập nhật dựa vào phản hồi từ công chúng. Đó là thay đổi lớn so với các tiêu chuẩn thiết kế trước đây.

    Fluent Design đại diện cho tư duy và cách tiếp cận mới dưới thời Satya Nadella. Một Microsoft đầy sáng tạo, cởi mở và không kém phần tinh quái. Hãy chờ đón những gì hãng đang tạo dựng, có thể là một kỷ nguyên mới “hậu Smartphone”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ