Đánh giá AMD Ryzen 5 1400: sức mạnh không còn bị kìm hãm bởi xung nhịp RAM

    Master Dùi,  

    Tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy, quá hợp lý cho phân khúc giá rẻ mà R5 1400 hướng tới.

    Trong khi Ryzen 7 được nhắm tới phân khúc cao cấp với số nhân/luồng khủng, Ryzen 5 lại được chú ý nhiều hơn với nhiều lựa chọn dành cho phân khúc bình dân, hợp túi tiền của phần lớn người dùng. Tuần trước, tôi đã mang đến bài đánh giá về R5 1500X, CPU ngang phân với i5-7500. Hôm nay, tôi lại có may mắn có trong tay một CPU R5 1400.

    Ở hầu hết các bài thử trước, tôi thường mang 1 CPU Ryzen để so với một CPU bằng giá tiền từ phía bên kia chiến tuyến, Kaby Lake. Tuy nhiên hôm nay dù mặt dày tôi cũng không thể mượn đâu ra được một chiếc Intel Core i5-7400 để so sánh trực tiếp. Thay vào đó, nhờ sự hỗ trợ của công ty Máy tính Khải Thiên, tôi đã mượn được một kit RAM Corsair Venganace LPX 2x8GB 2667 MHz để tiến hành thử nghiệm về độ phụ thuộc vào xung nhịp RAM của R5 1400.

     Điểm sáng giá của dòng RAM Corsair Vengance LPX: tản nhiệt RAM thấp không lo cấn tản tháp của CPU.

    Điểm sáng giá của dòng RAM Corsair Vengance LPX: tản nhiệt RAM thấp không lo cấn tản tháp của CPU.

    Lí do tôi muốn viết về độ phụ thuộc vào xung nhịp RAM của R5 1400 bởi đây là CPU duy nhất chỉ được trang bị một tổ hợp nhân CCX ở thời điểm hiện tại của gia đình Ryzen. Như ở những bài đánh giá trước, tôi luôn nhấn mạnh sự quan trọng của xung nhịp RAM trên các hệ thống Ryzen bởi kết nối Infinity Fabric giữa 2 tổ hợp nhân CCX hoạt động ở xung nhịp của RAM. Bởi vậy các CPU Ryzen 7 và thậm chí Ryzen 5 đều rất khát băng thông RAM. Vậy em út R5 1400 thì sao, hãy cùng tôi tìm hiểu nhé.

    Đầu tiên vẫn phải là thông tin sơ bộ về nhân vật chính. Ryzen 5 1400 sở hữu 4 nhân 8 luồng đặt trên một tổ hợp nhân CPU được AMD đặt tên là CCX. Với cấu hình một CCX duy nhất, R5 1400 có dung lượng bộ nhớ đệm L3 cache chỉ 8MB thay vì 16MB như các đàn anh đắt tiền hơn. Với việc không có hậu tố X, R5 1400 không được hưởng lợi từ tính năng XFR, tự động tăng dải xung nhịp. Bởi vậy, kể cả với tản nhiệt tốt, mức xung nhịp mà R5 1400 hoạt động mặc định là 3,2/3,4GHz. Điện năng tiêu thụ của CPU này ở mức 65W.

     Cấu hình RAM 2133 MHz: quá đà RGB

    Cấu hình RAM 2133 MHz: quá đà RGB

     Cấu hình 2667 MHz: RAM bớt màu bớt nhức mắt

    Cấu hình 2667 MHz: RAM bớt màu bớt nhức mắt

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: AMD Ryzen 5 1400

    -Bo mạch chủ: MSI X370 Gaming Pro Carbon

    -RAM: Corsair Vengance LPX 2x8GB @ 2667 MHz
    G.Skill Trident Z RGB 2x8GB @ 2133 MHz.

    -GPU: Gigabyte GTX 1070 G1 Gaming

    -NVMe: Samsung SM961 256 GB cài Windows 10 Pro

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -Nguồn: CoolerMaster Silent Pro 1000

    -Tản nhiệt: DeepCool Gammaxx 400

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Hiệu năng đa phương tiện

    Là một CPU hướng tới phân khúc bình dân giá rẻ, chúng ta sẽ không thể yêu cầu R5 1400 có hiệu năng render khủng khiếp như các dòng R5 đắt tiền hơn hay R7. Tuy nhiên, với 4 nhân 8 luồng, sức mạnh của R5 1400 vẫn khá đáng kể.

    Cinebench R15, công cụ thử nghiệm dựng 3D cực kì quen thuộc để đo sức mạnh đơn luồng cũng như đa luồng của các CPU. Mức chênh lệch của 2 mức xung nhịp là khoảng 4%, gần như không đáng kể ở phân khúc thấp. Tuy nhiên điểm số Cinenbench R15 của R5 1400 khá ấn tượng, ngang ngửa với i7-3770 của Intel. Một điểm kì lạ là hiệu năng đơn luồng ở xung nhịp 2133 MHz cao hơn 2 so với 2667 MHz, tôi nhận định đây chỉ là sai số khi chạy phần mềm.

    7-Zip là trình quản lý nén và giải nén file miễn phí được khá nhiều người dùng ưa chuộng để không phải nhìn màn hình đòi mua bản quyền của WinRAR. Với công cụ benchmark được tích hợp sẵn, 7-Zip cũng là một lựa chọn ưa dùng để đo sức mạnh CPU. Các thông số được tính bằng MB/giây cho thấy chênh lệch gần như không đáng kể, 10% trở xuống.

    Tạm thời, hiệu năng làm việc và đa phương tiện của R5 1400 không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xung nhịp RAM. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi CPU không còn phải dựa vào xung nhịp RAM để vận hành kết nối Infinity Fabric, thứ không hiện diện trên R5 1400.

    Hiệu năng chơi game

    Với tầm CPU hơn 4 triệu đồng, tôi tin chắc rằng R5 1400 sẽ được đưa vào các cấu hình thiên về chơi game hơn là làm việc. Chưa kể, các cấu hình này sẽ nằm trong phân khúc giá rẻ nên việc tiết kiệm vài trăm nghìn tiền RAM sẽ vô cùng quan trọng, nhất là trong thời buổi giá RAM leo thang từng ngày như hiện nay. Hãy cùng tôi phân tích hiệu năng chơi game để đưa ra nhận định liệu đầu tư RAM xung nhịp cao cho R5 1400 có phải là lựa chọn đúng đắn.

    Mở đầu với Battlefield 1, tựa game chiến trường siêu rộng lớn của EA chạy bằng thư viện đồ hoạ DirectX 12. Vốn nổi danh với hệ thống vật lý cực kì chi tiết, tựa game này có khả năng vắt kiệt sức mạnh của CPU ở những trường đoạn cháy nổ kèm tường gạch, đất cát vỡ vụn bắn tung toé. Với sức mạnh tầm trung-thấp, R5 1400 gặp đôi chút khó khăn ở những cảnh cháy nổ phức tạp khiến khung hình bị sụt có phần thê thảm. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, game vẫn hoạt động khá mượt mà ở mức FPS an toàn. Chênh lệch về hiệu năng giữa 2 mức xung nhịp RAM là gần như không thể nhận ra bằng mắt thường.

    Tiếp tục chủ đề chiến trường, For Honor đưa người chơi về thời kì trung cổ với cốt truyện hơi hư cấu kết hợp giữa 3 khối chiến binh Samurai, hiệp sĩ và Viking. Tuy nhiên điểm đặc biệt của trò chơi này là phong cách chiến đấu dạng bao-búa-kéo yêu cầu người chơi phải nhanh tay nhanh mắt cũng như bắt bài được đối phương trong những trận đấu tay đôi - tâm điểm của trò chơi. Về chênh lệch hiệu năng giữa 2 mức xung nhịp RAM, R5 1400 một lần nữa cho thấy "em xinh em đứng một mình cũng xinh".

    Ra mắt cùng đợt với For Honor là Ghost Recon: Wildlands, tuy chỉ chạy trên thư viện đồ hoạ DirectX 11 nhưng vẫn được coi là chuẩn mực "sát phần cứng" mới. Nhờ khả năng vắt kiệt sức mạnh phần cứng, Wildlands đã cho thấy được sự chênh lệch giữa 2133 MHz và 2667 MHz khi mức FPS tối thiểu đã ở 2 phía của ngưỡng 60 FPS. Với R5 1400, thiết lập High thay vì Very High của game sẽ phù hợp hơn cho CPU.

    Tựa game bắn súng hành động con cưng của Blizzard cũng là một bài thử đáng để quan tâm. Phần lớn thời gian, đứa con lai giữa FPS và MOBA này cho thấy chênh lệch về hiệu năng giữa 2 mức xung nhịp là rất khó nhận biết, đặc biệt là khi mức FPS tối thiểu và trung bình là không có nhiều khác biệt.

    Deus Ex: Mankind Divided tới từ Square Enix có thể coi là tựa game chơi thì ít mà bench thì nhiều. Điểm số của 2 mức xung nhịp RAM chênh nhau dưới 10% có thể được coi là mức không đáng kể, nhất là khi các thông số không tạo ra mức chênh lệch khó có thể nhận ra bằng mắt thường.

    Khi được quẩy ở sân nhà - thư viện đồ hoạ Vulkan, R5 1400 cho số khung hình rất đáng khen khi chạy Doom. Và chủ đề chính: chênh lệch hiệu năng của 2 mức xung nhịp là dưới 5%, đã không đáng kể lại còn khó nhận ra bằng mắt thường hay thậm chí là màn hình 144Hz bởi FPS trung bình luôn được giữ ở mức khá cao.

    Sau khi chán càn lướt giữa muôn trùng vây của quân địch trong các tựa game ở trên, Hitman 2016 sẽ cho người chơi hoà mình vào phong cách hành động lén lút, đặt bẫy hay dàn dựng nhưng phi vụ ám sát ảo diệu. Dù xung nhịp 2667 MHz có nhỉn hơn đôi chút về FPS tối đa, chỉ số FPS tối thiểu và trung bình mới là thứ mà người ta quan tâm khi nói tới sự mượt mà của game. Nhờ thư viện đồ hoạ DirectX 12, game đã có thể tận dụng hết sức mạnh phần cứng của máy, giúp bật ra được sự chênh lệch giữa 2 mức xung nhịp.

    Nếu mục tiêu xây dựng cấu hình của bạn là giữ FPS ở mức cao trong combat hiệu ứng, khói lửa mịt mù ở những trận đấu DotA 2, RAM xung nhịp cao có lẽ là thứ bạn nên cân nhắc. Bản chất ăn CPU và RAM của engine Source 2 khiến chênh lệch hiệu năng giữa 2 mức xung nhịp trở nên khá rõ ràng. Một điều lưu ý là mức FPS tối thiểu ghi nhận được thấp như vậy là do tôi dùng Invoker với cheat -wtf để spam Deafening Blast và Meteor. Trong những combat bình thường, mức FPS được giữ ở mức khá ổn định 65-70 FPS.

    Một tựa game đẻ trứng vàng khác của Valve, CS:GO. Tương tự DotA 2, tựa game này cũng hưởng lợi khá lớn từ RAM xung nhịp cao. Với một tựa game FPS eSport như thế này, từng khung hình cũng là quý giá bởi chúng sẽ giúp giảm thiểu input lag, đem lại lợi thế cho những game thủ "try hard go pro".

    Hiệu năng game của R5 1400 cho thấy chênh lệch của RAM 2133 MHz và 2667 MHz là gần như không thể nhận biết được bằng mắt thường. Về số liệu, phần lớn chênh lệch chỉ ở mức 5% trở xuống. Trừ khi bạn muốn try hard game thể thao điện tử như DotA 2 và CS:GO, RAM xung nhịp cao tạm thời chưa đem lại hiệu năng tương xứng với mức đầu tư thêm. Điều này sẽ càng đúng với các CPU Intel khi chúng hoạt động độc lập và không mấy quan tâm đến xung nhịp của RAM.

    Xung nhịp, nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

    Vì hạn chế của bản thử nghiệm không đưa kèm quạt tản nhiệt Wraith Stealth 65W, tôi phải sử dụng tạm chiếc tản nhiệt cây DeepCool Gammaxx 400. Khả năng làm mát có thể chênh lệch đôi chút nhưng nói chung là sẽ không chênh lệch quá nhiều bởi mức điện năng tiêu thụ và nhiệt lượng sản sinh ra từ R5 1400 là khá nhỏ.

    Thông số nhiệt độ được ghi nhận ở nhiệt độ phòng 24 độ C khi CPU ở trạng thái nghỉ và sau khi chạy Prime95 trong 10 phút. Khi chạy không tải, mức nhiệt độ của R5 1400 là rất ấn tượng, chỉ gần 29 độ, gần bằng nhiệt độ phòng. Trong khi đó, lúc phải chạy hết công suất, nhiệt độ của CPU này cũng chỉ là 48 độ, quá mát mẻ cho một CPU 4 nhân 8 luồng. Điện năng tiêu thụ ghi nhận được cũng chỉ 52W, còn khá xa so với mức thoát nhiệt 65W của tản nhiệt stock. Bởi vậy nếu có ý định ép xung nhẹ, R5 1400 và tản Wraith Stealth đi kèm vẫn thừa sức phục vụ nhu cầu của bạn.

    Một điểm cộng nữa của R5 1400 là dù không được trang bị công nghệ XFR, CPU này vẫn tự động đẩy xung nhịp ở cả 4 nhân lên mức 3,45 GHz, cao hơn 50 MHz so với mức thiết lập của nhà sản xuất. Dù có thể không nhiều và không thực sự mang lại hiệu năng rõ rệt, khả năng ép xung tự động vẫn là một thứ miễn phí mà người dùng nào cũng sẽ đón nhận.

    Kết luận:

    AMD Ryzen 5 1400 một lần nữa lại chứng minh được sức mạnh đáng gờm của đại gia đình Ryzen. Dù không có mức hiệu năng siêu khủng, R5 1400 vẫn là một CPU thú vị nhờ không phụ thuộc vào xung nhịp RAM như các đàn anh. Bởi vậy, những ai có ý định xây dựng cấu hình xoay quanh R5 1400 sẽ có thể tiết kiệm được vài trăm nghìn vì không phải đầu tư RAM có xung nhịp cao để đạt hiệu năng tối đa với CPU của mình. Dù đôi khi có chút chênh lệch, mức hiệu năng đó thực sự không đáng kể và không đáng với mức chênh lệch giá thành. Trong bối cảnh giá bộ nhớ flash nói chung và RAM nói riêng tăng giá từng ngày, tiết kiệm một chút để đắp vào các linh kiện khác cũng là một ý tưởng không tồi.

    Xin cảm ơn công ty Máy tính Hà Nội (HanoiComputer) đã hỗ trợ CPU, công ty TNHH Khải Thiên (KTC) hỗ trợ RAM giúp chúng tôi hoàn thành bài viết!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ