Đánh giá AMD Ryzen 5 1600: Chơi game như i5, làm việc như i7

    Master Dùi,  

    Ryzen ra đời đã đập tan định kiến "nóng, tốn điện" của AMD từ xưa đến nay. Nhiệt độ của CPU ở mức khá tốt, thấp nhất chỉ 31,5 độ trong khi cao nhất cũng chỉ 72,3 độ C.

    Sau nhiều năm bị Intel độc bá, phân khúc CPU tầm trung bỗng dưng trở nên sôi động nhờ AMD Ryzen 5. Với số lượng nhân/luồng vượt trội so với đối thủ cùng tầm giá, Ryzen 5 trở thành những lựa chọn văn võ song toàn hơn so với i5 vốn chỉ hợp với việc chơi game. Sau bộ đôi 4 nhân 8 luồng R5 1400 và R5 1500X, hôm nay tôi lại được tạo điều kiện để trải nghiệm một CPU Ryzen 5 khác, R5 1600.

    R5 1600 là CPU đứng thứ 2/4 trong dòng Ryzen 5 của AMD. Trong khi R5 1600X cạnh tranh trực tiếp với i5-7600K, đối thủ của R5 1600 là i5-7600, ngay sát dưới. Bộ đôi tới từ AMD có lợi thế hơn hẳn đối thủ khi có cấu hình 6 nhân 12 luồng, giúp tăng khả năng xử lý các tác vụ thiên về tính toán. 6 nhân vật lý này được chia đều trên 2 tổ hợp nhân CCX, kết nối với nhau thông qua Infinity Fabric. Bởi vậy, xung nhịp RAM đóng vai trò cực kì quan trọng để tận dụng được hết hiệu năng của các CPU Ryzen từ R5 1500X trở lên.

    Nắm bắt được yêu cầu này, công ty Khải Thiên KTC đã hỗ trợ chúng tôi không chỉ 1 mà tới 4 kit RAM Corsair Vengance RGB cao cấp với dung lượng và các mức xung nhịp khác nhau để thử nghiệm. Đây là dòng RAM được trang bị LED RGB đầu tiên của Corsair. Trong khi đó, về hiệu năng, dòng RAM này chỉ thua kém mỗi Dominator Platinum.

    Khi RGB là xu hướng của cuối 2016, đầu 2017, Corsair chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc chơi. Về khả năng điều chỉnh màu sắc và hiệu ứng, Corsair hiện đang đi đầu nhờ phần mềm Corsair Link trực quan và ổn định hơn khá nhiều so với đối thủ trực tiếp, Trident Z RGB vốn có phần mềm tùy chỉnh vẫn còn ở giai đoạn Beta. Một điểm cần lưu ý của Vengance RGB là vì dải đèn LED, các thanh RAM này có chiều cao khá lớn nên bạn sẽ cần phải tìm hiểu kĩ thông số hơn khi lựa chọn tản nhiệt CPU dạng tháp để tránh bị cấn RAM.

    Trong bài đánh giá hôm nay, thay vì so sánh trực tiếp hiệu năng của R5 1600 với đối thủ trực tiếp i5-7600 hay so sánh hiệu năng chênh lệch ở các xung nhịp RAM như các bài đánh giá trước, tôi sẽ so sánh trực tiếp CPU này với đàn anh của nó R5 1600X. Mục đích là để đạt được các điều kiện so sánh tương quan hơn cũng như tìm ra đâu là CPU có p/p tốt nhất của Ryzen 5.

    Về thông tin chi tiết, R5 1600 và R5 1600X có khá nhiều điểm tương đồng. Sở hữu cấu hình 6 nhân 12 luồng trên 2 tổ hợp CCX, bộ đôi R5 này có dung lượng bộ nhớ đệm L3 cache lên tới 16MB. Tuy nhiên, xung nhịp là một trong những yếu tố khác biệt của 2 CPU này. R5 1600 có xung nhịp 3,2/3,6GHz trong khi R5 1600X là 3,6/4,0GHz. Dù khác nhau về hậu tố X, tượng trưng cho công nghệ XFR giúp CPU hoạt động vượt mức xung gốc, cả 2 đều có mức vượt 100 MHz, đưa xung nhịp cao nhất lên mức 3,7 GHz và 4,1 GHz tương ứng.

    Điện năng tiêu thụ cũng chênh lệch khá nhiều khi R5 1600 chỉ ngốn 65W trong khi R5 1600X có thể lên tới 95W. Vì thuộc nhóm 95W, R5 1600X không được trang bị quạt tản nhiệt Wraith Spire (không LED) như R5 1600. Đây cũng là một yếu tố đẩy sự chênh lệch về giá thành giữa 2 CPU lên khá cao. Rất tiếc phiên bản tôi được cho mượn là bản mẫu thương mại nên không có quạt tản nhiệt đi kèm.

    Dàn test bench được cho lên nhẵn mặt ở các bài đánh giá Ryzen của tôi lại được đưa lên tiếp, tuy nhiên hiệu ứng thẩm mỹ (độ lòe loẹt) được thêm một chút với 4 thanh RAM Vengance RGB.

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: AMD Ryzen 5 1600 / Ryzen 5 1600X

    -Bo mạch chủ: MSI X370 Gaming Pro Carbon

    -RAM: Corsair Vengance RGB 4x8GB @ 2993 MHz

    -GPU: Gigabyte GTX 1070 G1 Gaming

    -NVMe: Samsung SM961 256 GB cài Windows 10 Pro

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -Nguồn: CoolerMaster Silent Pro 1000

    -Tản nhiệt: DeepCool Gammaxx 400

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Hiệu năng làm việc và đa phương tiện:

    Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc tới hiệu năng làm việc của một CPU 6 nhân 12 luồng như Ryzen 5 1600. Với số nhân/luồng vượt trội cùng chỉ số IPC đáng gờm, R5 1600 có sức mạnh tính toán ngang ngửa với các CPU i7, kể cả các dòng HEDT X79 hay X99.

    Cinebench R15 có lẽ là bài thử quá quen thuộc để đo sức mạnh thuần túy của CPU. Với mức xung nhịp thấp hơn khoảng 10% so với đàn anh R5 1600X, không có gì lạ khi hiệu năng đơn luồng lẫn đa luồng của R5 1600 cũng thua kém khoảng tương đương.

    Tiếp theo là công cụ bench tích hợp ngay trên CPU-Z. Đây là một công cụ thử nghiệm khá trực quan khi có thể lựa chọn so sánh trực tiếp với các CPU khác trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng. Kịch bản chênh lệch hiệu năng cũng khá tương đồng với Cinebench R15.

    3DMark TimeSpy cũng là một công cụ nổi danh trong làng benchmark. Với khả năng tính điểm CPU riêng, GPU riêng, TimeSpy cung cấp cho người dùng điểm số phù hợp với từng nhu cầu.

    Ở một bài thử mang tính thực tế hơn, nén và giải nén của 7-Zip, hiệu năng chênh lệch của nhân vật chính và nhân vật phụ cũng ở mức khoảng 10%, có thể đoán trước bởi khi cùng vi kiến trúc, cùng số nhân/luồng thì khác biệt sẽ nằm ở xung nhịp.

    Có thể thấy, R5 1600 và R5 1600X có hiệu năng làm việc đa phương tiện chênh lệch ở mức 10%, tương đương với 10% chênh lệch xung nhịp. Mức chênh lệch giá thành khoảng 15% chưa kể tiền mua tản nhiệt có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của nhiều người.

    Hiệu năng chơi game:

    Nằm ở phân khúc hơn 5 triệu đồng, Ryzen 5 1600 là một lựa chọn vô cùng hấp dẫn cho các cấu hình chơi game tầm trung/cao. Với số luồng gấp 3 lần đối thủ i5-7600 Kaby Lake, R5 1600 sẽ là một lựa chọn hướng tới tương lai khi các engine game sẽ dần hỗ trợ số luồng lớn của các CPU tân tiến. Một lưu ý là trong các bài thử nghiệm của mình, đặc biệt là các tựa game offline với đồ họa khủng, ưu tiên thiết lập của tôi sẽ luôn là chất lượng hình ảnh bởi khi không thực sự phải "try hard" hay thi đấu chuyên nghiệp, hiệu ứng thẩm mỹ là quan trọng hơn.

    Escalation là bản mở rộng mới nhất của tựa game chiến thuật thời gian thực Ashes of the Singularity. Đây là một trong những tựa game đi đầu trong phong trào tối ưu hóa để cải thiện hiệu năng chơi game trên Ryzen. Có thể thấy, khác biệt rõ nhất thể hiện ở bài thử thiên về CPU. Trong khi đó, ở bài thử thiên về GPU, phần việc nặng đã được đẩy sang cho card đồ họa nên khác biệt là gần như không tồn tại.

    Với Doom sử dụng thư viện đồ họa Vulkan, R5 1600 và R5 1600X đều cho số khung hình cực kì cao. Không có gì lạ khi đây được coi là sân nhà của AMD. Mức chênh lệch của 2 CPU là gần như không có và để nhận biết được, có lẽ mắt của bạn phải trên tầm các game thủ chuyên nghiệp.

    Trong khi đó, Battlefile 1 chạy bằng thư viện đồ họa DirectX 12 cũng là một bài thử ưa thích để đo hiệu năng CPU. Với màn chơi Mud and Blood, game có thể dễ dàng vắt kiệt sức mạnh của CPU lẫn GPU thông qua số lượng cảnh vật cực kì nhiều trên bản đồ rộng lớn cùng hàng loạt cảnh cháy nổ liên tục. Chênh lệch 10% ở một tựa game ăn CPU như BF1 là một điều khá dễ hiểu.

    Wildlands ra mắt tháng 3 vừa qua đã chứng minh rằng tuy được viết trên thư viện đồ họa DirectX 11, game vẫn có thể trở thành một sát thủ phần cứng nhờ thế giới mở cực kì rộng lớn. Quả thật, dù chỉ thiết lập Very High, mức khung hình tối thiểu của game chỉ nhỉnh hơn mức "chơi tốt" 60FPS một chút. Đấy là với điều kiện được đá cặp với GPU tầm trung-cao trở lên.

    Tựa game kết hợp FPS và MOBA Overwatch của Blizzard cũng là một lựa chọn tốt để thử nghiệm hiệu năng của CPU bởi nó sẽ cần một CPU đủ mạnh để gánh được số khung hình lớn, giúp tận dụng được màn hình tần số quét cao. Chênh lệch giữa 2 CPU tầm trên của Ryzen 5 là không đáng kể.

    Hitman cũng được lựa chọn để thử nghiệm nhờ khả năng hỗ trợ DirectX 12, giúp tận dụng tốt hơn tài nguyên của máy. Kết quả không có mấy bất ngờ bởi Hitman không phải là một game thế giới mở cũng như các khung cảnh trong bài thử nghiệm không có quá nhiều NPC để cần nhiều sức mạnh xử lý.

    For Honor, tựa game đối kháng với lối chơi độc đáo của Ubioft cũng là một tựa game cần FPS cao để giảm thiểu input lag hết mức có thể. Dù không phải game thủ chuyên nghiệp, ranh giới một vài mili giây đôi khi sẽ tạo khác biệt giữa đỡ được một đòn đánh và không. Với đồ họa DirectX 11, tựa game gần như không tận dụng được nhiều sức mạnh của CPU, khiến cho chênh lệch hiệu năng là gần như tối thiểu.

    Cuối cùng là Deus Ex: Mankind Divided. Đây là tựa game tôi thậm chí còn chưa chơi bao giờ nhưng vẫn tận dụng để benchmark nhờ khả năng hỗ trợ DirectX 12. Trong những bài thử cũng như môi trường thực tế của game, dù chạy trên DirectX 12, game khó có điều kiện vắt kiệt được sức mạnh của CPU bởi thiếu vắng những khung cảnh tính toán vật lý nhiều. Chênh lệch một lần nữa ở mức không đáng kể.

    Qua các bài thử, có thể thấy các tựa game chưa thực sự tận dụng được mức chênh lệch về sức mạnh giữa R5 1600X và R5 1600. Khi đá cặp với những chiếc card đồ họa yếu hơn, GPU sẽ trở thành yếu tố kìm hãm khả năng của CPU khiến chênh lệch sẽ càng bị rút ngắn lại. Một điều đáng chú ý của R5 1600 và R5 1600X là số lượng nhân/luồng lớn giúp nó có khá nhiều tài nguyên dư thừa khi chơi game. Nếu định xây dựng cấu hình stream game, R5 1600 sẽ là một lựa chọn cực kì hoàn hảo.

    Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

    Ryzen ra đời đã đập tan định kiến "nóng, tốn điện" của AMD từ xưa đến nay. Nhiệt độ của CPU ở mức khá tốt, thấp nhất chỉ 31,5 độ trong khi cao nhất cũng chỉ 72,3 độ C. Đây là thông số ghi nhận khi chạy Prime95, công cụ "củ hành" CPU bậc nhất hiện nay trong hơn 10 phút. Khi hoạt động không tải, điện năng tiêu thụ của R5 1600 là cực thấp, chỉ 17W nhưng khi bị ép phải làm việc hết công suất, điện năng tiêu thụ có thể bị đẩy lên 87W, khá cao so với thông số của nhà sản xuất. Tuy nhiên, với tản nhiệt Wraith Spire đi kèm, hiệu năng tản nhiệt sẽ vẫn ở mức khá tốt nhờ hiệu số thoát nhiệt lên tới 95W của chiếc tản stock này. Chắc hẳn các CPU Intel i5 sẽ thèm thuồng một chiếc tản stock thế này lắm.

    Kết luận, R5 1600 và R5 1600X gần như có thể coi là anh em song sinh khi chênh lệch thực sự không khác biệt. Chỉ khi làm việc, khác biệt về sức mạnh mới có thể nhận thấy rõ bởi các ứng dụng đa phương tiện có xu hướng tận dụng tốt sức mạnh của CPU hơn là chơi game. Nếu chỉ định chơi game, R5 1600 là một lựa chọn cực kì ngon bổ rẻ, chưa kể hiệu năng dư thừa có thể được tận dụng để stream game. Tất nhiên, nếu bạn cần một CPU có xung nhịp cao để đạt hiệu năng tốt nhất, R5 1600X vẫn là lựa chọn tối ưu hơn. Nhưng khi xem xét đến mức chênh lệch về giá hơn 15% chưa kể chi phí sắm tản nhiệt rời, R5 1600 có lẽ vẫn là lựa chọn kinh tế hơn, đáng mặt CPU p/p cao nhất của Ryzen 5.

    Hiện R5 1600 đang được bán ra ở mức giá 5,5 triệu đồng, ngang ngửa với i5-7600.

    Xin cảm ơn công ty Máy tính An Phát (AnphatPC) đã hỗ trợ CPU, công ty TNHH Khải Thiên (KTC) hỗ trợ RAM giúp chúng tôi hoàn thành bài viết!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày