Đánh giá Asus GTX 1050 Dual: Hổ trắng cân hết game eSports ở độ phân giải Full HD

    Durian,  

    Nếu hầu bao có hạn mà bạn vẫn muốn tận hưởng eSports theo đúng nghĩa? Còn suy nghĩ gì nữa mà không chọn hổ trắng của Asus.

    Những game eSports hiện hay đang dần được cải tiến về chất lượng hình ảnh nhân vật, giao diện cũng như những cải thiện đáng kể về môi trường đang khiến những minimum setting trở nên ngày càng trầy trật để có thể bắt kịp với những nâng cấp này. Chưa dùng lại ở đó, những game eSports thế hệ mới như Overwatch với cấu hình cao chót vót so với cách đây 1-2 năm đang là xu hướng mới của ngành thể thao điện tử vì thế nên để có thể trải nghiệm và tập luyện những game như thế này đòi hòi người chơi phải đầu tư thêm vào CPU cũng như VGA để đáp ứng được đòi hỏi về cấu hình ngày một cao cấp hơn.

    Việc ra mắt dòng GTX 1050 và GTX 1050Ti của Nvidia giống như một chiếc phao cứu cánh cho những game thủ đam mê các bộ môn eSports có thể thỏa sức trải nghiệm mượt mà ở những cấu hình game cao cấp mà không phải bỏ ra quá nhiều hầu bao cho những chiếc VGA đắt tiền khác. Như chúng ta đã biết trong những bài review trước về GTX 1050Ti thì GPU mang mã GP107 do Samsung sản xuất trên tiến trình 14nm FinFET thay vì tiến trình 16nm của Nvidia do vậy điện năng tiêu thụ trên VGA là khá thấp, nhiệt lượng sản sinh trong quá trình vận hành cũng không quá cao. Và với GTX 1050, một phiên bản nhỏ gọn hơn nữa của GTX 1050Ti thì chúng ta sẽ lại có một dòng VGA cực mát nhưng mang lại hiệu năng ổn áp cho những trò chơi có cấu hình tầm trung.

    Bên cạnh những dòng sản phẩm cao cấp đã trở thành thương hiệu riêng của Asus như Strix, ROG thì Dual cũng là một trong những cái tên riêng dành cho những VGA với thiết kế hoàn toàn khác so với những tên tuổi kia. Hiệu năng thì không cao bằng nhưng giá thành của Dual cũng mềm mại hơn so với những đầu tàu của Asus hơn một chút. Một phiên bản nhỏ gọn và tối giản dành cho những fan của Asus với túi tiền vừa phải.

    Đập hộp sản phẩm:

    Tuy là sản phẩm tầm trung nhưng hộp của GTX 1050 Dual vẫn khá chỉn chu. Có phần nhỏ nhắn về kích thước nhưng thông tin trên vỏ vẫn đầy đủ với những màn khoe giải pháp tản nhiệt bằng hình ảnh trực quan đầy tính mê hoặc người sử dụng. Và để nhấn mạnh hơn nữa về sức mạnh của dòng sản phẩm Dual, hổ trắng được lựa chọn để minh họa cho sức mạnh của những card đồ họa mà chỉ cần nhìn là game thủ đã thấy nhanh và mạnh mẽ rồi.

    Không biết có phải để phân biệt với các dòng sản phẩm cao cấp hay không mà Asus có cách cố định card bằng bìa các-tông thay thì mouse như những thương hiệu khác trên thị trường nên tuy nhìn bên ngoài có ngầu thật nhưng mở hộp ở bên trong thì hơi thất vọng một tý. Đi kèm với sản phẩm chính như thường lệ là một đĩa driver, một quyển sách hướng dẫn sử dụng. Vì đang là trong đợt tặng code game World of Warships nên tất nhiên sẽ là một tờ hướng dẫn sử dụng code cũng được đi kèm.

    Thiết kế:

    Nhìn tổng quan thì GTX 1050 Dual khá bắt mắt với thiết kế không có gì khác biệt quá lớn so với GTX 1060, 1070 Dual với lớp giáp sử dụng tone màu trắng làm chủ đạo điểm thêm những nét xám và xanh. Được thiết kế theo trục dọc, pha trộn giữa các khối lại tạo thành hình dáng khá giống phi thuyền , xe đua nhưng nhìn xa thì đúng là tựa như cặp mắt của chú hổ ở bên phía ngoài vỏ hộp.

    Mạch của GTX 1050 là mạch do Asus thiết kế riêng chứ không phải là nguyên bản của Nvidia nên mạch dài tương đương GTX 1060. Bản mạch màu đen nhìn gọn và đẹp nên cho dù không có backplate nhưng khi cắm lên hệ thống vẫn thấy đẹp như thường. Thông qua phía sau của mạch thì chúng ta có thể thấy được là phiên bản này hoàn toàn không có nguồn phụ cũng giống như EXPEDITION và vẫn có phần đầu chờ dành cho nguồn phụ nên có thể GTX 1050 Dual sử dụng chung mạch với các phiên bản có nguồn phụ khác.

    Xét về cấu hình chi tiết thì GTX 1050 sử dụng nhân GP 107 như GTX 1050Ti nhưng chỉ có 640 nhân Cuda và bộ nhớ GDDR5 2Gb thay vì 4Gb như GTX 1050Ti tuy nhiên mức xung cơ bản được đưa ra của GTX 1050 lại khá cao, xung cơ bản/ xung cực đại của dòng card đồ họa này lần lượt là 1,354MHz và 1,455MHz vì thế nên nếu xét về hiệu năng của 2 dòng card này thì cũng kẻ tám lạng người nửa cân chứ không có quá nhiều chênh lệch.

    Hệ thống tản nhiệt của GTX 1050 khá đơn giản chỉ sử dụng tản nhiệt cho GPU chứ không tản nhiệt cho mosfet trên phase nguồn hay bất cứ phần linh kiện nào khác. Vì thế cấu trúc phiến trông cực kì đơn giản với số lượng rãnh và độ sâu của rãnh không lớn và phức tạp như những chiếc card đồ họa cao hơn. Để làm mát cho cục tản này, Dual được trang bị 2 quạt 80mm đẩy khí lạnh từ ngoài vào trong phiến tản thổi khí nóng đi ra hông của VGA. Đó cũng là lý do mà trên mặt nạ nhựa của GTX 1050 có những lỗ hổng nhỏ giúp việc thoát khí dễ hon.

    Kết nối:

    Các kết nối phổ thông của màn hình hiện nay đều được trang bị trên GTX 1050 Dual, một cổng HDMI 2.0, một cổng Display Port 1.4 và một cổng Dual link DVI-D nên game thủ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng tính hiệu hình ảnh xuất ra những loại màn hình thông dụng đang có trên thị trường.

    Hiệu năng:

    Cấu hình thử nghiệm:

    Main: Asrock Z270 Gaming K4

    CPU: Intel Core i5 6600K @ 3.5GHz

    RAM: Avexir Core Series 2 x 4Gb bus 2400Mhz

    Bài test 1: Ép xung Furmark Burn-in

    GTX 1050 Dual có mức xung tương đương mức xung nhịp mặc định được Nvdia đưa ra vì vậy nên đây không phải là một phiên bản được ép xung sẵn, tuy nhiên người sử dụng hoàn toàn có thể ép xung thông qua các phần mềm tinh chỉnh VGA như GPU Tweak II do chính Asus thiết kế.

    Nhiệt độ phòng 20oC. Ở chế độ OC Mode của phần mềm đến từ Asus, mức xung nhịp mà chúng tôi đạt được lần lượt là 1392 MHz base clock và 1493 MHz boost clock. Quạt quay ở mức 61% với nhiệt độ card ở mức 59oC cao nhất và khi đẩy tốc độ quạt lên đến 100% thì nhiệt độ card giảm xuống . Với bài test FurMark Burn-in Stress test ở độ phân giẩn 720p nhiệt độ card giữ nguyên đỉnh với số khung hình trung bình đạt 58fps còn với độ phân giải 1080p thì số khung hình chỉ đạt 35fps.

    Bài test 2: Raise of Tomb Raider, Very High Setting, 1080p

    Với một game sử dụng DirectX 12 như Raise of Tomb Raider thì cũng không có gì khó hiểu khi GTX 1050 Dual chỉ đạt mức khung hình chỉ 22 fps trong khi đó GTX 1050Ti thì nhỉnh hơn một chút với 29fps khá là giật. Vì vây nên chúng tôi khuyến cáo các bạn chọn mức setting thấp hơn và cả độ phân giải nữa thì sẽ cải thiện được số khung hình lên kha khá tùy theo cấu hình.

    Bài test 3: Battlefield 1, Ultra Setting, 1080p

    Lần này thì bài test có vẻ dễ thở hơn với tựa game bắn súng mới ra lò của Origins. GTX 1050 Dual đạt mức 47 fps trong khi GTX 1050Ti thì có thể đẩy mức này lên 55fps. Tuy chưa đạt được mức độ mượt mà 60 fps nhưng đây là kết quả tạm chấp nhận được. Nếu giảm đi một vài hiệu ứng thì kết quả có thể khả quan hơn và hoàn toàn có thể chơi mượt hơn

    Bài test 4: Far Cry Primal, Very High Setting, 1080p

    Bài test này thì GTX 1050 Dual cũng có kết quả khá hài lòng với fps rơi vào tầm 46 kém một chút so với GTX 1050Ti ở mức 53 fps. Cũng giống như những tựa game trên, chúng tôi vẫn khuyến cáo với người sử dụng rằng những tựa game nặng phổ biến trong cuối năm 2015 và năm 2016 thì không nên để max setting để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất.

    Tổng kết:

    Hổ trắng Asus GTX 1050 Dual là một sự lựa chọn đáng đồng tiền bát gạo với hầu hết những tựa game eSports nhưng vẫn còn khá xa vời để có thể đạt được mức của những game offline nặng nề khác. Đây cũng là một sự phân hóa khá rõ ràng ở từng phân khúc để người sử dụng có thể lựa chọn những mức cấu hình phù hợp với nhu cầu cũng như mức tiền bỏ ra cho các linh kiện.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ