Đánh giá ASUS ROG Strix RX 570 OC: Cùng là Rename nhưng tiền nào của nấy!

    Master Dùi,  

    Rename nhưng những cải tiến về hiệu năng trên Strix RX 570 vẫn là đáng ghi nhận.

    Sau một năm được đón nhận nồng nhiệt bởi cả game thủ lẫn dân cày bitcoin, series Radeon RX 400 đã được AMD thay thế bằng RX 500 được nâng cấp nhẹ nhưng vẫn sử dụng GPU Polaris cũ. Đây là một truyền thống không có gì là lạ của AMD từ trước đến nay. Hôm nay, trên tay tôi đang là chiếc ROG Strix RX 570 OC đến từ ASUS. Đây là chiếc RX 570 cao cấp nhất hiện nay của ASUS.

    Mở hộp

    Phần vỏ hộp không có mấy khác biệt so với phiên bản trước bởi chính thiết kế card cũng gần như được giữ nguyên. Các thông tin chính như tên GPU, hình ảnh sản phẩm, dung lượng bộ nhớ RAM hay các tính năng nổi trội của sản phẩm được chia đều ra trước và sau hộp.

    Phía trong hộp khá đơn giản với nhân vật chính được bọc trong túi chống tĩnh điện. Phụ kiện cũng khá đơn giản với 2 miếng sticker để dán lên card, 2 dây buộc cáp ROG, hướng dẫn sử dụng và đĩa driver.

    Phía trên card là logo Strix cũng như logo ROG. Tuy nhiên, chỉ logo ROG là được tích hợp đèn LED với công nghệ AURA Sync mà tôi sẽ trình diễn hiệu ứng ở phía dưới. Strix RX 570 được thiết kế nguồn 8pin đưa tổng điện năng tiêu thụ có thể lên tới 225W. Con số thực tế sẽ không cao như thế nhưng sẽ giúp người dùng có thể thoải mái ép xung. Một bổ sung khá đáng giá là phần giàn đỡ card giúp card không bị xệ. Đây có vẻ là một xu hướng mới trên card dòng card cao cấp của các nhà sản xuất.

    Cạnh phải của Strix RX 570 được trang bị chân nguồn quạt 4 pin để gắn quạt case. Quạt này sẽ được tùy chỉnh tốc độ tùy theo nhu cầu làm mát của RX 570.

    Phía sau card là 4 cổng kết nối gồm 2 DVI-D, 1 cổng DisplayPort và 1 cổng HDMI.

    Mổ xẻ

    Mặt sau của Strix RX 570 không được trang bị backplate. Tuy chỉ có tác dụng trang trí, nhiều fan AMD và ASUS sẽ cảm thấy có phần hụt hẫng. Cũng không thể trách ASUS bởi với một chiếc card ở tầm giá này, việc trang bị backplate sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của họ. Phần tản nhiệt và PCB được cố định bằng 4 vít lò xo và 2 vít thường.

    Sau khi bóc tách, phần quạt gắn ngoài hiện ra rõ hơn. Phía dưới là các cổng kết nối cho quạt tản nhiệt card. bên trái là chân LED RGB cho logo ROG trong khi chân kết nối còn lại dành cho 2 quạt tản nhiệt 9mm.

    ASUS có vẻ khá tiết kiệm với keo tản nhiệt. Với tôi thì đây là việc nên làm bởi khi mở ra mà thấy keo tản nhiệt nhoe nhoét thì không được thẩm mỹ cho lắm. Trung tâm của card vẫn là GPU Polaris 20 Pro (rename và cải tiến một chút của Polaris 10 rút gọn) với 2048 nhân xử lý với đế silicon bóng loáng phản chiếu cực đã mắt. Bao quanh là 8 chip nhớ Elpida GDDR5 dung lượng 512MB giao thức 256-bit. Phía bên phải là phần nguồn 6 pha, khá là thoải mái về điện đóm cho một GPU tầm trung như RX 570 kể cả khi ép xung.

    Phần tản nhiệt của Strix RX 570 khá đơn giản với 2 ống đồng dẫn nhiệt. Phần tiếp xúc trực tiếp với GPU là đồng nguyên chất trong khi phần còn lại được mạ nickel bóng loáng tăng vẻ cao cấp cho card. Một điều tôi hơi quan ngại là phần VRM không được tản nhiệt nhưng hi vọng với nguồn 6 pha, chiếc RX 570 này sẽ không gặp phải vấn đề gì về tản nhiệt.

    Giờ là phần đánh giá hiệu năng. Hiệu năng của Strix RX 570 không chênh lệch quá nhiều với tiền nhiệm RX 470. Tuy nhiên, chênh lệch giữa RX 570 của các hãng cũng là điều cần xem xét vì những chiếc card đắt tiền và rẻ tiền dùng chung GPU có thể chênh lệch hiệu năng lên tới 10% hoặc hơn. Và nạn nhân hôm nay của tôi là chiếc HIS RX 570 IceQ X2 vốn đã được tôi đánh giá trước đây khá lâu. Mức xung nhịp chênh lệch tới 100MHz có thực sự tạo ra khác biệt, hãy cùng tôi tìm hiểu nhé.

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: AMD Ryzen 7 1700X

    -Bo mạch chủ: X370

    -RAM: Corsair Vengance RGB 2x8GB @ 3200MHz

    -Card đồ hoạ: ASUS ROG Strix RX 570 OC

    -NVMe: Samsung SM961 256GB

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Thử nghiệm hiệu năng

    3DMark TimeSpy là công cụ quá quen thuộc để đánh giá hiệu năng của một card đồ họa. Với mức xung nhịp cao hơn 100MHz, 1300MHz so với 1200MHz, điểm số của chiếc ASUS RX 570 có phần lấn lướt đối thủ, ở mức khoảng 10%.

    Ashes of the Singularity: Escalation là một trong những tựa game chiến thuật DirectX 12 tận dụng rất tốt sức mạnh phần cứng. Trong bài thử GPU-focus, Strix RX 570 lại nhỉnh hơn đối thủ đôi chút, khoảng 2% nhưng không thực sự ảnh hưởng tới trải nghiệm game bởi cả 2 đều chưa đạt được đến mức 60 FPS để game mượt mà hơn hẳn.

    BF1, một tựa game DirectX 12 rất được ưa chuộng để thử nghiệm card đồ họa. Dù hơn một chút so với đối thủ, Strix RX 570 vẫn chưa mang lại một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt về độ mượt mà của game.

    Deus Ex: Mankind Divided có lẽ sắp được tôi trao giải "Tựa game không để chơi chỉ để benchmark của năm". Chạy trên thư viện đồ họa DirectX 12, đây cũng là một tựa game tận dụng phần cứng rất tốt. Lần này, Strix RX 570 đã tỏa sáng khi số FPS tối thiểu đã đạt mốc 60, giúp đảm bảo một trải nghiệm game mượt mà.

    Với tôi, GTA V là tựa game DirectX 11 được tối ưu cho phần cứng tốt nhất hiện nay dù đã 2 năm tuổi. Rockstar thực sự đã có một bản port hoàn hảo mà tất nhà các nhà sản xuất khác phải ngước nhìn. Một lần nữa, chiếc RX 570 của ASUS đã vượt qua đối thủ và thậm chí còn nâng tầm trải nghiệm game lên mức trên 60 FPS.

    Hitman, tựa game hành động lén lút của Square Enix cũng rất được yêu thích khi đánh giá card đồ họa nhờ công cụ benchmark tích hợp trả kết quả khá chi tiết. lần này, dù FPS có cao hơn, ASUS RX 570 lại không thể giúp người dùng có một trải nghiệm game mượt mà vượt trội. 60 FPS thực sự là một mốc vô cùng quan trọng của card đồ họa.

    Cuối cùng là Wildlands, tựa game AAA hành động thế giới mở của Ubisoft. Dù chỉ chạy trên thư viện đồ họa DirectX 11, tựa game này vẫn được đánh giá là sát thủ phần cứng đương đại khi kể cả GTX 1080 Ti cũng không thể max settings 60 FPS ở độ phân giải 1080p. Ở bài thử này, 2 chiếc card đồ họa của chúng ta có thể được coi là ngang phân.

    Tính năng phụ trợ

    Đầu tiên có thể kể đến đèn LED báo nguồn. Đây là một tính năng nhỏ nhưng rất hữu ích để đảm bảo rằng người dùng cắm chặt dây nguồn.

    Phần đèn logo ROG của Strix RX 570 có thể được điều khiển bởi công cụ tải từ trang chủ của ASUS. Có tổng cộng 6 hiệu ứng và bạn có thể chiêm ngưỡng trong video dưới đây.

    Hiệu ứng LED RGB của ASUS ROG Strix RX 570 OC

    Tính năng 0db fan, quạt tản nhiệt không quay cho đến khi nhiệt độ GPU vượt mức 55 độ C cũng là một bổ sung đáng giá. Nhờ vậy, khi chỉ lướt web hay làm các tác vụ nhẹ, PC của bạn sẽ gây ra ít tiếng ồn hơn rất nhiều.

    Nhiệt độ và điện năng tiêu thụ

    Nhiệt độ của chiếc Strix RX 570 này rất ấn tượng khi chỉ ở mức 38 độ C ở nhiệt độ phòng 28 độ. Sau 10 phút chạy Furmark, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ 74 độ C. Tuy nhiên, VRM có nhiệt độ khá cao, tới 85 độ C. Kể ra ASUS làm tản nhiệt cho phần này thì sẽ hoàn hảo hơn.

    Điện năng tiêu thụ cao nhất của chiếc card đồ họa này cũng chỉ ở mức 150W, khá lí tưởng và vẫn còn khá nhiều điện để ép xung. Một điều cần lưu ý là nếu kết nối quạt 12V vào card, điện năng dành cho GPU có thể sẽ giảm xuống đôi chút và có thể ảnh hưởng tới khả năng ép xung. Thực tế, một chiếc card cao cấp như Strix RX 570 đã được nhà sản xuất đẩy xung nhịp tới mức cao nhất mà vẫn trong hệ số an toàn nên việc ép xung không thực sự giúp ích nhiều.

    Kết luận

    ASUS ROG Strix RX 570 OC là một chiếc card đồ họa tốt với những công nghệ phụ trợ thú vị, hướng tới người dùng. Nhờ mức xung nhịp khá cao, Strix RX 570 có đôi phần lấn lướt so với những chiếc RX 570 khác. Có thể giá bán hơi cao so với mặt bằng chung sẽ khiến bạn chùn tay nhưng nó sẽ là một khoản đầu tư đáng tiền. Ở ngưỡng trên dưới 60 FPS trên các tựa game AAA của Polaris 20 Pro, việc đầu tư thêm một chút để chạm mốc 60 FPS giúp đảm bảo một trải nghiệm game mượt mà hơn cho bạn. Chưa kể, các linh kiện cao cấp và thương hiệu ROG Strix không chỉ giúp bạn yên tâm về chất lượng sản phẩm mà còn tăng tính thẩm mỹ tổng thể cho dàn máy của bạn. Các cụ vẫn dạy "tiền nào của nấy" quả thực không sai.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ