Đánh giá Dlink AC1900 MU-MIMO Wifi Router (DIR-878): Băng tần kép, sóng ổn định, giá phải chăng

    Durian,  

    Với mức giá khoảng 3 triệu đồng, Dlink AC1900 MU-MIMO Wifi Router nằm trong phân khúc trung cao cấp. Điều đó có nghĩa là chúng ta mong đợi một sức mạnh đủ để cung cấp cho những gia đình hiện đại có nhiều thiết bị sử dụng internet hay những khu vực công cộng có mật độ người sử dụng trung bình.

    DIR-878 là một chiếc router được thiết kế khá hiện đại. Toàn bộ phần vỏ được làm bằng nhựa nên router khá nhẹ nhàng. Nhìn chung thì cấu tạo của nó cũng tương tự như hầu hết các router khác trên thị trường. Phần mạch, các cổng kết nối và antenna thực tế thì cũng khá là nhỏ gọn. Chỉ có điều là thiết kế có phần to lớn này sẽ tạo cảm giác đắt tiền hơn cho chiếc router mà thôi nên sẽ có khá nhiều chi tiết thừa thãi. Dù sao thì trong một số trường hợp nhất định, chiếc router cùng với những sản phẩm công nghệ khác sẽ đóng vai trò là nội thất trong gia đình chứ không chỉ mang trong mình nhiệm vụ cơ bản của một bộ định tuyến.

    2/3 Mặt trên của chiếc router được phủ khá mịn màng, 1/3 còn lại là lớp nhựa bóng điểm lên những đường kẻ sọc nhỏ làm điểm nhấn cùng với logo Dlink được in chìm khó nhận ra trong điều kiện ánh sáng không tốt. Ở trên mặt này chúng ta có cụm 4 đèn LED báo đơn giản theo thứ tự từ trái qua: Nguồn điện, Internet, sóng 2.4G và sóng 5G.

    Ở mặt sau, như thường lệ là 1 cổng WAN và 4 cổng Gigabit LAN, 1 cổng cấp nguồn và các nút bấm cơ bản như On/Off, WPS và Reset. Tuy nhiên có một nút bấm khá thú vị ở đây như đã từng xuất hiện trên một vài dòng router cao cấp khác của D-Link đó là nút Wifi. Với nút này thì chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát khả năng phát sóng của Wifi như ý muốn. Đối với các gia đình thì nút này hiếm khi được sử dụng. Tuy nhiên với các doanh nghiệp thì nút bấm này sẽ tránh được khá nhiều truy cập không dây vào hệ thống mạng ngoài ý muốn. Một tính năng mà không phải router nào cũng có được.

    Thay vì sử dụng antenna rời như trên các router khác thì DIR-878 tuy có 4 “râu” nhưng lại được gắn cố định không thể tháo được. Đặc điểm này của router vừa có những cái lợi nhưng cũng đồng thời là bất lợi. Sự linh hoạt khi di chuyển router sẽ bị hạn chế, ngoài ra khả năng thay thế nếu antenna gặp vấn đề trong quá trình sử dụng gần như là bằng con số 0. Tuy nhiên thì với việc gắn thẳng antenna vào thân router thì cũng không thể có chuyện mất đi linh kiện cực quan trọng này. Dù sao Router wifi gần như là vật đứng im trong nhà nên chúng ta cũng không phải quá lo lắng về sự thiếu linh hoạt kể trên

    Mặt đáy luôn là nơi chứa những thông tin quan trọng như tên và password ban đầu của wifi. Ngoài ra chúng cũng cung cấp thông tin đăng nhập vào hệ thống của router nữa. Đây cũng là nơi cung cấp lượng khí đối lưu để làm mát hệ thống bên trong. Mặc dù nó không thực sự hiệu quả như việc đặt khe đối lưu ở mặt hông hay mặt trên của sản phẩm.

    Việc đầu tiên mỗi khi bạn mua một chiếc router về thì luôn phải qua bước cài đặt ban đầu. Đối với DIR-878 cũng như vậy, phần cài đặt nhanh sẽ hiện ra tự động ngay lần truy cập hệ thống đầu tiên. Người dùng sẽ trải qua các cửa sổ cài đặt khá đơn giản dành cho những ai có chút kiến thức về tiếng Anh hay đã từng làm trên các router khác. Giao diện hệ thống của DIR-878 thoáng và thân thiện với người dùng. Toàn bộ quá trình setup chỉ diễn ra trong 5 phút là router sẵn sàng để phủ sóng internet cho cả phòng.

    Cấu hình thử nghiệm:

    Mainboard: Asus TUF Z270 Mark 1

    CPU: Intel Core i5-7600k

    VGA: Nvidia GeForce GTX 1080

    RAM: G.Skill TridentZ 2x8Gb bus 3000Mhz

    PSU: Seasonic Prime 1000W Gold

    Case: Inwin 305

    Test 1: Tốc độ truyền dữ liệu qua cổng LAN

    Thật kì lạ khi DIR-878 lại dẫn trước cả 2 chiếc router cao cấp đến từ Linksys và Asus. Tuy chỉ thua kém TpLink C5400V2 một chút thôi nhưng xét cho cùng đó là một chiếc router cũng đến từ phân khúc cao cấp nên kết quả của DIR-878 hoàn toàn chấp nhận được

    Test 2: Tốc đồ truyền dữ liệu qua mạng không dây

    Có vẻ như không dây lại không phải là thế mạnh của DLink nói chung và DIR-878 nói riêng. Kết quả của sóng 2.4G ở điều kiện lý tưởng nhất thì khá ổn so với các router khác. Nhưng với sóng 5G tốc độ cao thì lại là chuyện khác, DIR-878 tỏ ra thua kém hơn hẳn so với những chiếc router cao cấp. Suy cho cùng thì router tầm trung cao vẫn phải có gì đó kém hơn là điều hiển nhiên và chúng ta cho phép nó như vậy.

     Kết quả đo tốc độ trên băng tần 2.4G

    Kết quả đo tốc độ trên băng tần 2.4G

     Kết quả đo tốc độ trên băng tần 5G

    Kết quả đo tốc độ trên băng tần 5G

    Về tầm phát sóng thì khả năng của DIR-878 cũng thua kém hẳn những vị “bề trên” của nó. Tuy nhiên tốc độ được duy trì khá ổn định chứ không lao dốc như Asus ROG Rapture. Ở loại sóng 2.4G, khoảng cách 7-9m so với router thì DIR-878 có tốc độ còn tốt hơn cả chiếc Router trị giá 10 triệu đồng. Vậy điều này có ý nghĩa như nào? Đó chính là khả năng truy cập ở tầm xa hoặc khi mà sóng wifi còn phải vượt chướng ngại vật thì DIR-878 vẫn có thể hoạt động khá tốt mà không quá bị ảnh hưởng đến hiệu năng. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn của nó. Tầm phát sóng của DIR-878 thực sự không tốt sau khoảng cách 10m hoặc 6m nếu phải xuyên qua 2 lớp cửa gỗ.

    Tổng kết:

    Ở phân khúc trung cao cấp, DLink AC1900 MU-MIMO Wifi Router thể hiện đúng bản chất của mình. Tốc độ cao, trải nghiệm người dùng tốt tuy nhiên vẫn còn những điểm trừ để khiến nó không thể sánh ngang hàng với các router thuộc phân khúc cao cấp hơn nó. Với những gia đình được trang bị nhiều thiết bị cá nhân truy cập Internet hay là Smart home đi nữa thì DIR-878 hoàn toàn xứng đáng để nằm trong giỏ hàng của họ. Đối với văn phòng có nhiều luồng truy cập yêu cầu tốc độ cao thì DIR-878 cũng đáng để cân nhắc.

    Ưu điểm:

    - Hiệu năng tốt so với tầm giá

    - Tốc độ ổn kể cả trong khoảng cách xa

    - Thiết kế tương đối hiện đại

    Nhược điểm:

    - Antenna cố định không thể nâng cấp

    - Đèn báo tín hiệu còn hơi sơ sài

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ