Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android
Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 1.

Tôi đang đứng trong 1 tình huống vô cùng khó xử. Cách đây 2 tháng khi lần đầu tiên cầm chiếc Galaxy Note 7 trên tay, tôi đã định trong đầu mình rằng nhất định sẽ tậu 1 chiếc để thay cho chiếc Note 4 đã lê lết trong gần 2 năm và đang hoạt động tậm tịt. 

Khi Note 7 dính án cháy nổ thì giấc mộng của tôi cũng cháy rụi theo, trong khi S7 Edge không làm tôi mấy hứng thú vì màn hình cong nhiều của chiếc S7 Edge khiến tôi rất ác cảm. Gần 1 tháng trời loay hoay tìm 1 phương án thay thế cho chiếc Note 4 đã qua tuổi hưu trí là 1 tháng trời đau khổ. Dùng điện thoại Android là chấp nhận thỏa hiệp, hoặc là phải chịu thiết kế xấu, pin kém, màn hình bé hoặc camera lởm... Khi chọn dùng dòng Note của Samsung tôi tìm được 1 điểm cân bằng giữa thiết kế, phần mềm, pin và camera dù cũng phải chịu đựng phần mềm cập nhật chậm.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 2.

Đó chính là lý do vì sao khi chúng tôi nhận được mẫu thử của Google Pixel XL, tôi đã phải lọ mọ lên tận nơi để nhận máy về dùng thử dù rằng công việc cuối năm như núi đổ. Nhìn trên giấy tờ, Google Pixel XL có cấu hình khá thuyết phục với những tính năng rất hấp dẫn đối với tôi như Google Assistant, phần mềm nhận cập nhật trực tiếp từ Google...

Liệu Google Pixel XL có đủ tốt để thuyết phục 1 hard core fan của Samsung đổi màu cờ sắc áo? Liệu rằng Google Pixel XL với sự hà hơi tiếp sức trực tiếp của Google, có thể tạo nên một chiếc smartphone Android thuần chất, không còn bị các hãng sản xuất "đè đầu vít cổ" bằng những bản update phần mềm chậm cả năm trời? Liệu rằng Google Pixel XL có thể trở thành chiếc smartphone Android đầu tiên không đòi hỏi người dùng phải thỏa hiệp, và sánh vai được với iPhone khi lần đầu tiên điện thoại Android cũng có được sự đồng bộ tuyệt đối cả về phần mềm lẫn phần cứng?



Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 3.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 4.

Nếu như với các dòng Nexus trước đây, Google trao nhiệm vụ thiết kế vào tay các hãng sản xuất khiến các thiết bị cộp mác Nexus luôn mang DNA của hãng sản xuất: Galaxy Nexus giống 1 chiếc điện thoại của Samsung trong khi Nexus 4 thì y hệt đồ LG. Google Pixel XL được HTC sản xuất nhưng Google thiết kế sản phẩm này từ A-Z. Và mỉa mai thay, chiếc điện thoại đầu tiên mà Google tự thiết kế lại giống hệt... iPhone. Thoạt nhìn qua, có thể thấy rõ ràng cảm hứng của Google Pixel XL đến từ đâu. Mặt lưng nhôm nguyên khối với các dải nhựa chạy ở 2 đầu gợi nhớ về thiết kế của chiếc iPhone 6/6s.

Ngay cả cảm giác cầm nắm của Google Pixel XL cũng tương tự như iPhone 6 Plus dù gọn gàng hơn đôi chút. Nếu cách đây 3,4 năm có lẽ tôi sẽ mừng phát khóc khi nhìn thấy Pixel XL vì giấc mơ về 1 chiếc iPhone chạy Android luôn cháy bỏng trong tôi ngay từ ngày đầu Android ra đời. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Samsung đã có được 1 thiết kế khá hoàn thiện: đẹp với cảm giác cầm nắm thoải mái thì việc Google chọn hướng đi theo Apple ở Pixel XL không còn nhiều ý nghĩa. Cảm giác cầm nắm của Google Pixel XL không được thoải mái cho lắm, mặt lưng phẳng và thân máy to ngang khiến máy cho cảm giác khá cồng kềnh, có lẽ "phom" iPhone chỉ phù hợp với các sản phẩm cỡ màn hình dưới 5inch và có thể chiếc Google Pixel với màn 5 inch sẽ phù hợp hơn. Quyết định đưa mặt kính lên lưng của Pixel XL có lẽ chỉ là 1 cách để cố đưa máy thoát khỏi cái bóng của iPhone vì thực sự nó không phục vụ 1 mục đích thiết kế cụ thể nào hết (ăng ten của máy vẫn đặt vào các dải nhựa như iPhone). Tuy nhiên lưng kính có phần lạc lõng, cho cảm giác chắp vá, thiếu liền lạc.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 5.

Nói chung cá nhân tôi không thực sự thích thiết kế của Pixel XL. Công bằng mà nói, đây không phải là 1 thiết kế xấu nhưng tôi mong đợi một sự đột phá mở lối đi riêng của Google thay vì chắp nhặt những thiết kế đã khá cũ, có phần nhàm chán từ 1 sản phẩm gần 3 tuổi như iPhone 6/6s.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 6.

Bù đắp cho 1 thiết kế không gây ấn tượng, Pixel XL được hoàn thiện khá tỉ mỉ, cũng giống như các smartphone khác ra đời từ lò HTC. Các miền tiếp giáp nhôm-nhựa-kính được xử lý rất tốt, không có giáp lai và cho cảm giác trên tay rất dễ chịu. Và rất tiếc, một trong những tính năng nhỏ nhưng cũng rất quan trọng đó là khả năng chống nước, bụi cũng không được Google đưa lên Pixel XL. Nếu cách đây 1,2 năm thì có lẽ chẳng ai coi đây là yếu điểm, nhưng đến thời điểm hiện tại khi mà tất cả các đối thủ nặng ký nhất của Pixel XL như S7, S7 Edge, iPhone 7/7Plus đều đã có khả năng chống nước, bụi thì việc thiếu đi tính năng này thực sự khiến 1 người dùng hay quăng quật máy như tôi phải chùn tay. 

Có lẽ cầm Google Pixel trên tay, bạn sẽ khó lòng làm người đi đường phải ngoái nhìn như khi cầm Note 7 hay S7 Edge nhưng với những ai đang sử dụng iPhone 6s Plus và muốn đổi gió thì Google Pixel XL sẽ gây được cảm giác thân thuộc từ cái nhìn đầu tiên. Đây có lẽ cũng là 1 phần ý đồ của Google khi thiết kế nên Pixel XL.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 7.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 8.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 9.

Sử dụng màn AMOLED với độ phân giải 2K, Google Pixel XL cho chất lượng hiển thị trên cả tuyệt vời. Với kích thước 5.5 inch, độ sáng cao, màu sắc tươi tắn và độ tương phản tuyệt vời của màn AMOLED, có thể nói Pixel XL đang là sản phẩm cao cấp có màn hình tốt nhất năm 2016. Thậm chí tôi còn sẵn sàng chọn Pixel XL để xem phim thay cho Note 7 hoặc S7 Edge vì thật lòng mà nói màn hình cong tràn 2 cạnh nhìn thì đẹp nhưng để xem phim lại rất khó chịu do 2 cạnh bị crop. 

Tính năng Adaptive lightning của  màn hình Pixel XL cũng hoạt động rất nuột. Tôi đặc biệt thích việc có thể thiết lập độ sáng bằng thanh trượt sau đó màn hình vẫn tự điều chỉnh sáng tối theo môi trường xung quanh thay vì chỉ có 2 chế độ: Tự động và điều chỉnh bằng...cơm như ở các smartphone khác. Chế độ Nightlight cho phép màn hình chuyển sang tông vàng để không gây mất ngủ khi xem điện thoại buổi tối cũng là 1 bổ sung không mới nhưng cực kỳ đáng giá. Một tính năng nhỏ nhưng đem lại khác biệt rất lớn.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 10.

Màn hình của Pixel XL khi ra ngoài nắng vẫn đảm bảo được độ sáng cao, ít bóng lóa.

Về mảng màn hình có thể nói Pixel XL hoàn toàn đủ tự tin để sánh vai với S7, S7 Edge và thậm chí còn có đôi chút lợi thế khim xem phim, ảnh nhờ vào màn hình phẳng.  



Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 11.

Nhiều năm qua, bệnh lag, giật là một trong những căn bệnh kinh niên cố hữu của smartphone chạy Android. Các thế hệ thiết bị Android về sau này cố gắng "dìm chết" bệnh lag, trễ trên smartphone Android bằng cách đắp thêm RAM, sức mạnh xử lý. Nhưng một trong những căn nguyên của bệnh lag trên smartphone Android là do sự thiếu đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm. Google có thể đưa ra những thiết kế tham chiếu nhưng thế giới Android quá rộng lớn trải dài trên hàng ngàn cấu hình, hàng chục nhà sản xuất nên việc tối ưu phần mềm cho 1 phần cứng cụ thể là điều không tưởng. Độ "vênh" giữa Google và các hãng sản xuất phần cứng là lý do của những cái "ngần ngừ" của điện thoại Android sau khi bấm nút home hoặc cảm giác "giật giật" khi cuộn menu ngay cả ở 1 model cao cấp.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 12.

Apple có thể giải quyết rắc rối trên bằng cách xây dựng 1 hệ điều hành dành riêng cho phần cứng của mình. Và giờ đây Google cũng làm điều tương tự nhưng ngược lại: Xây dựng phần cứng trên nền tảng của phần mềm có sẵn. 

Và phải nói rằng đây cũng là lần đầu tiên tôi được cầm trên tay 1 chiếc smartphone chạy Android thực sự mượt mà, không có độ trễ giống như iPhone. Mặc dù sự khác biệt không lớn khi so sánh với các smartphone Android tốp đầu hiện nay nhưng sau khi trải qua 1 thời gian sử dụng Pixel XL trở lại với Galaxy S7 tôi cảm nhận rất rõ những thay đổi về độ trễ và cảm giác vuốt, trượt.

Sự gắn bó khăng khít giữa phần cứng và phần mềm còn giúp Pixel XL đạt thời lượng pin tuyệt vời. Mặc dù có dung lượng pin không phải là lớn (3450 mAh mà có màn tận 5.5 inch 2k) nhưng thời lượng pin của Pixel XL rõ ràng là tốt hơn nhiều so với chiếc Note 7 mà tôi từng dùng trước đây. Thậm chí chỉ với mức sạc 70% khi ra khỏi nhà vào 7h và cường độ sử dụng liên tục trong ngày tôi vẫn có được trọn 1 ngày sử dụng với khoảng 5% pin còn lại vào lúc 6h, trong suốt 5 ngày dùng thử Pixel XL tôi chưa 1 lần nào vắt được kiệt pin của máy sau 1 ngày sử dụng, điều chưa bao giờ có ở các smartphone khác, kể cả Note 7.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 13.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 14.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 15.

Có lẽ điểm sáng nhất của Google Pixel nằm ở phần mềm. Android 7.1 với lời khẳng định sẽ luôn nhận được bản cập nhật Android mới nhất vừa ra lò là lợi thế tuyệt vời của Pixel XL mà không 1 nhà sản xuất Android nào cạnh tranh được. Khi bài viết này ra lò, chỉ sau 3 ngày sử dụng tôi đã nhận ngay được bản cập nhật 7.1.1 qua airpush. Nhìn chung giao diện của Android 7.1 là giao diện trực quan, sạch sẽ và tiện dụng nhất trong thế giới hệ điều hành di động theo đánh giá của cá nhân tôi. 

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 16.

Cách tổ chức icon, app drawer lẫn các menu, text box của Pixel XL đều đem lại cảm giác trưởng thành, hiện đại và rất trang nhã. Có thể nói Android 7.1 đẹp từ trong ra ngoài, rất hi vọng các nhà sản xuất khác sẽ theo chân Google vứt bỏ skin truyền thống của mình để đem lại 1 trải nghiệm Android đồng nhất hơn.

Không chỉ đẹp mắt, Pixel XL còn được tích hợp nhiều shortcut rất tiện và trực quan, bấm giữ vào các app có hỗ trợ như Gmail, Calender sẽ nhảy ra 1 popup cho phép bạn thực hiện nhanh các tác vụ mà không cần vào trong apps, gần giống như Force Touch của iPhone mà không cần thêm phần cứng phức tạp.  

Bấm đúp nút nguồn giúp bật camera dù bạn đang ở màn hình nào, 1 mẹo vặt Pixel XL "mượn" từ Samsung, trên thực tế nút nguồn hơi nhỏ và cứng phần nào khiến thao tác bật camera theo cách này bị hạn chế.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 17.

Google Assistant là 1 sự mở rộng của Google Now. Thực tế tôi thấy Assistant không có gì nổi trội về tính năng hơn so với Google Now chỉ là có thêm 1 vài đoạn hội thoại tự nhiên so với dạng hỏi-đáp của Google Now. Khả năng bắt câu lệnh khởi động "Ok Google" của Pixel XL cũng tốt, theo đánh giá của tôi là tốt hơn các smartphone của Samsung rất nhiều: Thậm chí đầu này phòng nói Ok Google mà máy để ở tận bên kia phòng cũng nhảy Google Assistant. Tôi rất thường sử dụng Google Now để gọi điện, nhắn tin, tìm chỉ đường khi đang lái xe nên việc Google Assistant nhận dạng giọng nói tốt hơn, nhanh hơn là 1 sự bổ sung rất đáng giá. Tuy nhiên với người dùng Việt Nam thì những gì mà Assistant làm được hầu như chỉ dừng lại ở các tác vụ đã kể trên, hi vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều câu lệnh dùng được trên lãnh thổ Việt Nam.

Phần mềm của Pixel XL còn tận dụng nhiều dịch vụ, công nghệ của Google để đem lại những sự tiện dụng dù nhỏ nhưng cực kỳ đáng giá. Đơn cử như khả năng tự nhận dạng số điện thoại người gọi thông qua Google Business List: Rất nhiều cửa hàng, cá nhân gọi cho tôi mà tôi không lưu số điện thoại Pixel XL đều hiển thị tên người gọi,thậm chí còn nhận dạng đúng mấy số điện thoại telemarketer hay gọi điện bán bảo hiểm với giới thiệu dự án để tôi có thể chủ động từ chối đỡ mất thời gian.



Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 18.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 19.

Hệ thống phần cứng camera của Pixel khá tốt, nhưng chưa hoàn hảo

Một trong những điều đầu tiên tôi muốn làm khi được trên tay chiếc Google Pixel chính là thử nghiệm hệ thống camera của nó. Năm nay, Pixel cho thấy một thái độ nghiêm túc hơn từ Google, khi hãng chính thức tham gia quá trình thiết kế phần cứng cho máy. Điều này đồng nghĩa với việc hãng có toàn quyền kiểm soát khả năng tương tác giữa phần cứng và phần mềm - một điều mà Google trước đây không thể làm được với Nexus khi mảng phần cứng được giao phó cho các đối tác như Huawei hay LG, không phải Google.  

Camera là thành phần thể hiện rất rõ sự tương tác này. Tôi đã được chứng kiến nhiều smartphone có hệ thống phần cứng rất tốt, sở hữu cảm biến độ phân giải cao, ống kính khẩu độ lớn, công nghệ lấy nét laser... nhưng vẫn cho ra ảnh không ưng ý vì thuật toán xử lý quá tệ. Trong khi đó, một số dòng máy Nexus trước đây như Nexus 6, Nexus 5 tuy có phần mềm tốt, nhưng lại gặp hạn chế bởi phần cứng. Liệu năm nay, khi mà Pixel đã được chăm chút ở cả hai phương diện, kết quả sẽ ra sao? 

Trước hết hãy cùng điểm lại một vài thông số về camera của máy. Pixel và Pixel XL có hệ thống camera giống nhau hoàn toàn, đều sử dụng cảm biến Sony IMX378 độ phân giải 12MP, ống kính khẩu độ f/2.0, hỗ trợ lấy nét theo pha và laser. Một thiếu sót khá lớn của Pixel là nó không hỗ trợ chống rung quang học (OIS), một tính năng mà đa số các flagship hiện nay đều đã có.  

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 20.

Ứng dụng chụp ảnh mặc định Google Camera​

Ứng dụng chụp ảnh mặc định Google Camera có giao diện khá đơn giản, bao gồm một số tính năng chính là chụp ảnh thông thường, Panorama, Photo Sphere (ảnh 360), Lens Blur (xóa phông), và quay phim Slow-motion. Người dùng có thể gạt qua lại để chuyển giữa chế độ chụp ảnh và quay phim. Rất tiếc, Google không tích hợp cho Pixel khả năng chỉnh tay chuyên nghiệp.  

5 ngày là một quãng thời gian ít ỏi để có thể đưa đến kết luận cuối cùng, nhưng camera của Pixel đã để lại trong tôi ấn tượng rất tốt. Những tấm ảnh mà nó đem lại có độ chi tiết cao, màu sắc có vẻ như được đẩy độ bão hòa (Saturation) nhưng vẫn giữ được sự tự nhiên chứ không "quá đà" như một số hãng khác. Đặc biệt, khi chụp ảnh tối, ảnh của Pixel hiếm khi gặp tình trạng bệt màu do thuật toán của xử lý ảnh không lạm dụng việc khử noise.  

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 21.

Những hình ảnh đời thường được tôi chụp ngẫu nhiên trong 5 ngày đầu sử dụng Google Pixel

Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra những bức ảnh như thế này thì khá vô nghĩa. Để đánh giá được chất lượng đích thực mà camera của Pixel đem lại, hãy cùng so sánh nó với Galaxy S7 edge - chiếc smartphone được đánh giá là có camera tốt nhất hiện nay.  

Có thể thấy mặc dù Pixel sở hữu thông số camera thua thiệt so với S7 edge (khẩu độ f/2.0 nhỏ hơn f/1.7, không hỗ trợ OIS), nhưng ảnh của Pixel vẫn hoàn toàn ngang ngửa so với S7 edge, thậm chí trong một số trường hợp còn tốt hơn. Theo tôi đánh giá, lợi thế chính của Pixel chủ yếu nằm ở phần mềm - thuật toán xử lý ảnh của Google giữ lại chi tiết rất tốt chứ không bị bệt như Samsung. Ngoài ra, mặc dù không hỗ trợ OIS, nhưng khả năng ổn định hình ảnh của Pixel cũng rất tốt. 

 Một vài so sánh với Galaxy S7 Edge

Nói nhiều về camera chính, nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua chiếc camera selfie nằm ở phía còn lại của máy. Camera selfie của Pixel có độ phân giải 8MP, khẩu độ f/2.4. Trong khi đó với Galaxy S7 edge, hai con số này lần lượt là 5MP và f/1.7. Nếu so sánh một cách tương quan, nhiều người cho rằng camera selfie của S7 edge chắc chắn sẽ tốt hơn - vì rõ ràng khẩu độ lớn sẽ giúp tạo ra những bức ảnh selfie "ảo diệu" hơn trong điều kiện thiếu sáng.

Tuy nhiên, tôi đánh giá camera selfie của Pixel cao hơn vượt bậc so với S7 edge. Và lý do, một lần nữa, đến từ phần mềm. Galaxy S7 edge sở hữu bộ công cụ làm đẹp (mịn da, mắt to, bóp thon mặt...), nhưng chính việc xử lý quá đà đã khiến hình ảnh mất đi tính tự nhiên vốn có. Trong khi đó với Pixel, ảnh selfie cũng được xử lý theo phương hướng giữ lại nhiều chi tiết nhất có thể. Điều này theo tôi đánh giá là rất có lợi, đặc biệt là với các bạn nữ thường sử dụng các ứng dụng selfie như Camera360/Snow..., vốn đã được tích hợp sẵn các công cụ "tút tát" lại khuôn mặt và đem lại hiệu quả tốt hơn những gì Samsung tích hợp trong ứng dụng camera của S7 edge.  

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 25.

Khả năng selfie vượt bậc của Pixel so với Galaxy S7

Mặc dù mới chỉ 24 giờ đầu tiên trôi qua, nhưng tôi đã có thể khẳng định rằng Pixel chắc chắn sẽ lọt vào top 3 chiếc smartphone chụp ảnh tốt nhất trong năm 2016, bên cạnh Apple iPhone 7 Plus và Samsung Galaxy S7/S7 edge. Điều mà tôi ấn tượng ở Pixel không phải là ở phần cứng, mà là phần mềm - khi Google có vẻ như đã tìm được một công thức hoàn hảo để có thể tận dụng tối đa khả năng phần cứng. Đây cũng chính là thành quả mà hãng đã đạt được từ sự gắn kết chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm - một điều mà tôi mong muốn nhiều hơn từ các nhà sản xuất Android.  



Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 26.

Mặc dù có rất nhiều điểm tuyệt vời, Pixel XL không phải là 1 chiếc smartphone hoàn hảo. Và rất đáng buồn, nhiều yếu điểm của Pixel XL lại rất khó tha thứ đối với tôi. Có thể kể ra 2 trong số đó ngay dưới đấy:

Một là thiếu hỗ trợ thẻ nhớ ngoài, việc máy không hỗ trợ thẻ nhớ ngoài khiến tôi không thể review nhanh được các clip quay từ flycam, một sở thích ngoài lề của tôi. Cái này hơi khó chấp nhận. Mà ngay cả trong trường hợp bạn không có nhu cầu cắm, tháo thẻ nhớ vì mục đích giống tôi thì có lẽ bạn cũng sẽ đồng ý rằng với giá bán gần 17 triệu mà bộ nhớ trong chỉ có 32GB là quá "hẻo". Với tôi, có lẽ chỉ cần 1 tuần kéo torrent là tôi sẽ phải nâng lên đặt xuống xem cái gì nên xóa, cái gì nên giữ trên máy.

Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 27.

Hai là cảm biến vân tay của máy hoạt động khá tậm tịt. Cái này thì tôi không chắc là do tay của tôi ra mồ hôi nhiều hay vì lý do nào khác nhưng sự thực là tôi dùng Note 7 và iPhone 7 không gặp vấn đề gì với cảm biến vân tay nhưng sang Google Pixel XL là y như rằng lúc được lúc không đến phát bực mình, cảm biến vân tay là 1 trong những tính năng mà nếu chỉ cần không hoạt động được khoảng 30% số lần thử là người ta đã muốn tắt béng nó đi rồi. Vị trí đặt cảm biến vân tay của Pixel XL cũng hơi khó chịu vì tôi hay cắm điện thoại trên dock khi lái xe, nhưng đây cũng chỉ là "thù hằn cá nhân" vì để cảm biến ở mặt sau cũng có cái hay của nó, cầm máy vững hơn rất nhiều.



Đánh giá Google Pixel: với cú đấm đầu tiên, Google đã làm rung chuyển thế giới Android - Ảnh 28.

Nếu bạn cần 1 chiếc điện thoại Android với pin trâu, màn đẹp, cam ngon, phần mềm ổn mà không muốn phải kè kè theo cái bình chữa cháy hoặc lo ngay ngáy có ngày cháy nhà thì Pixel XL là 1 sự lựa chọn sáng giá. Tuy nhiên lựa chọn Google Pixel đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chấp nhận những "va vấp đầu đời" của Google khi chập chững bước chân vào ngành sản xuất phần cứng. Cũng dễ hiểu thôi vì Samsung mất đến 6 năm mới cho ra được 1 sản phẩm không tì vết. Google tỏ ra khá am hiểu người dùng, những thứ cần được đầu tư để đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng như pin, cam,màn, cấu hình đều được Google quan tâm đúng mức. Với sản phẩm "chuột bạch" đầu tiên mà Pixel XL đã đủ sức sánh vai với tất cả các ông lớn từ những hãng sản xuất già dặn nhất thị trường là một tín hiệu rất đáng mừng và cho chúng ta quyền kỳ vọng vào 1 Google Pixel XL 2 với thiết kế tốt hơn, riêng hơn, đột phá hơn.

Trở lực lớn nhất của người dùng Việt Nam đối với Google Pixel XL có lẽ là giá bán, 17.1 triệu cho bản 32GB không phải là mức giá dễ chịu. Thực sự hi vọng trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào hơn mức giá có thể trở nên dễ thở hơn đôi chút. 

Trong thời gian đó có lẽ tôi cũng sẽ chờ xem Samsung sẽ "múa may" như thế nào với Galaxy S8.

Xin cảm ơn cửa hàng Huca mobile đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!

Minh Lết
TOM
Theo Trí Thức Trẻ11/01/2016