Đánh giá HIS RX 570 IceQ X2: Giá hơn 5 triệu nhưng hiệu năng bằng GTX 1060 3GB

    Master Dùi,  

    Con đường tiệm cận game AAA vẫn còn gian nan.

    Trong không khí náo nhiệt của màn ra mắt Ryzen 5, series Radeon RX 500 của AMD cũng lặng lẽ ra mắt với RX 550, RX 570 và RX 580. Đợt bán ra có phần khiêm tốn này của RX 500 cũng không có gì lạ bởi đây chỉ là các phiên bản rename của RX 400. Tâm điểm chú ý về đồ hoạ của AMD năm nay đã, đang và sẽ đổ dồn về phía RX Vega với hứa hẹn hiệu năng cạnh tranh sòng phẳng ở phân khúc cao cấp với Nvidia.

    Dù vậy, được sự giúp đỡ của công ty Máy tính Hà Nội (Hanoicomputer), tôi vẫn có may mắn cầm trên tay chiếc HIS RX 570 IceQ X2, một trong những chiếc card đồ hoạ sử dụng GPU Polaris 20 xuất hiện sớm nhất. Chiếc card đồ hoạ này cũng đã được tôi trên tay cách đây vài ngày. Tuy nhiên, để sử dụng chiếc card đồ hoạ này, tôi đã phải đợi đến ngày 16/4 mới nhận được driver để card có thể hoạt động.

    Thiết kế và cấu hình cơ bản của chiếc RX 570 này không có gì quá đặc sắc do là một phiên bản tầm trung giá hấp dẫn. Chính giữa là GPU Polaris 20 với 2048 nhân xử lý đồ hoạ ở xung nhịp 1200 MHz. Xung quanh là 8 chip nhớ Elpida dung lượng 512MB, đưa tổng lượng GDDR5 lên 4GB. Cấp điện cho toàn bộ bảng mạch này là hệ thống VRM 5 pha với chân nguồn 8 pin kết hợp kết nối PCIe.

    Cấu hình thử nghiệm:

    -CPU: AMD Ryzen 7 1700X

    -Bo mạch chủ: MSI X370 Gaming Pro Carbon

    -RAM: G.Skill TridentZ RGB 2x8GB @ 3200MHz

    -Card đồ hoạ: HIS RX 570 IceQ X2

    -NVMe: Samsung SM961 256GB

    -SSD: SanDisk Ultra II 500GB

    -PSU: CoolerMaster Silent Pro 1000W

    -Case: Phanteks P400 Tempered Glass

    Hiệu năng đồ hoạ

    Vẫn như các bài thử nghiệm và đánh giá của mình, các thiết lập khi thử nghiệm game của tôi luôn hướng tới mức đồ hoạ đẹp nhất có thể. Với dòng card tầm trung như RX 570, việc bon chen FPS tầm cao là việc khá khó khăn. Vậy tội gì không thoả mãn thị giác trước đã. Chưa kể, độ phân giải 1080p là mức khuyến cáo cho chiếc card này.

    Đầu tiên là điểm thử nghiệm của 3DMark TimeSpy, một công cụ benchmark thường được sử dụng để do sức mạnh của card đồ hoạ. Là một phiên bản tầm trung với xung nhịp GPU chỉ 1200 MHz, điểm số của HIS RX 570 IceQ X2 gần như bằng với người tiền nhiệm RX470.

    Ở một tựa game với số lượng đơn vị xuất hiện cùng lúc trên màn hình ở số lượng lớn, FPS của RX570 chưa vượt được mức 60FPS. Chưa kể đây là phiên bản trước khi có bản mở rộng Escalation nên có thể FPS còn bị ảnh hưởng đôi chút do game chưa được tối ưu hoá cho Ryzen.

    Cũng là đề tài chiến tranh nhưng Battlefield 1 lại có cách tiếp cận khác khi tập trung vào hành độn. Dù vậy, môi trường trong game vẫn thuộc hàng rộng lớn đủ để vắt kiệt sức mạnh GPU. Ở bài thử này, Mức FPS trung bình của game khá khả quan, ở mức 84 FPS.

    For Honor, 1 trong 2 tựa game AAA mới nhất của Ubisoft sở hữu phong cách điều khiển chiến đấu cực mới lạ được ưa thích trên toàn thế giới. Bởi tập trung chính vào những màn chiến đấu tay đôi thay vì những trận chiến quy mô lớn, FPS của game đạt mức khá ổn dù thiết lập Ultra.

    Với DotA 2, tựa game ARTS con cưng của Valve, RX 570 có hiệu năng khá ổn định ở mức trung bình 74 FPS. Số khung hình tối thiểu 57 FPS là do chiếc card bị tôi đặt vào một hoàn cảnh cực kì ngặt nghèo khi Invoker được bật mã -wtf để thả Deafening Blast và Meteor liên tục. Thực ra để khiến RX 570 lê lết dưới mức 60 FPS ở điều kiện bình thường có lẽ là một điều gần như không tưởng.

    Overwatch, con gà đẻ trứng vàng với cách chơi kết hợp giữa FPS và MOBA của Blizzard cũng được tôi đưa vào thử nghiệm. Dù thiết lập Ultra, nền đồ hoạ có hơi hướng hoạt hình của Overwatch không phải là một trở ngại của RX 570 ở độ phân giải 1080p. Đáng tiếc là FPS trung bình của chiếc card này chưa thể tận dụng được các màn hình 144Hz. Cơ mà có tiền mua màn hình xịn chẳng lẽ lại tiếc tiền đầu tư một chiếc card mạnh mẽ hơn RX 570.

    Dù ra mắt từ 2015, tựa game hành động thế giới mở của Rockstar vẫn thường xuyên được lựa chọn để thử sức mạnh của cả GPU lẫn CPU. Ở thiết lập Very High và khử răng cưa MSAA x2, số khung hình xuất được từ RX 570 là khá tốt. Chỉ khi có quá nhiều cảnh cháy nổ, FPS mới tụt xuống dưới mức 60FPS một chút nhưng không đáng kể. Phần lớn thời gian, RX 570 vẫn hoạt động ngon lành với GTA V. Đây cũng là nhờ sự đầu tư vào tối ưu hoá của đội ngũ phát triển đến từ Rockstar, đến độ các iGPU cũng có thể chạy được game.

    Chạy bằng thư viện đồ hoạ Vulkan, Doom cho số khung hình rất đáng khen khi được chắp cánh bằng Ryzen 7 và RX 570. Nhân vật chính của chúng ta có thể bay nhảy càn lướt qua hàng tá quái vật trên màn hình mà không sợ bị card đồ hoạ "bóp" FPS. Một khi đã là sân nhà thì bất chấp tất cả.

    Trong khi đó, Deus Ex: Mankind Divided là một trong những tựa game ít ỏi trên thị trường hỗ trợ DirectX 12. Nhờ vậy, dù có nền đồ hoạ nặng nề, công việc được san sẻ giữa cả CPU và GPU, giúp số khung hình của game vẫn có thể coi là thuộc hạng chơi được.

    Hitman, một tựa game DirectX 12 khác cho số khung hình tương đối ổn định. Ở các tựa game AAA này, RX 570 luôn phải làm việc ở mức 100%. Tuy nặng nhọc nhưng chúng ta có thể thấy được sức mạnh tiềm tàng của chiếc card đồ hoạ nhỏ bé này.

    Cuối cùng là Ghost Recon: Wildlands, tựa game đang được coi là chuẩn mực mới của sát phần cứng. Mức thiết lập Very High vẫn được tôi thường sử dụng ở các bài thử nghiệm có vẻ là mức hơi quá sức cho RX 570. Nhưng tôi tin rằng nếu giảm xuống mức High hoặc Medium, số FPS sẽ là rất khả quan. Tất nhiên mức High vẫn là mức tối thiểu tôi khuyến cáo bởi nếu bỏ lỡ khung cảnh hùng vĩ của Bolivia trong game sẽ là một tội ác.

    Hiệu năng làm mát và điện năng tiêu thụ

    Định kiến AMD nóng và tốn điện từ lâu đã được dòng RX 400 đập tan. RX 500 lại tiếp bước đàn anh để giữ truyền thống mới.

    Với điều kiện sử dụng và chơi game bình thường, hiệu năng làm mát của HIS RX 570 IceQ X2 là khá tốt dù chỉ có 2 quạt. Khi chạy không tải, nhiệt độ thấp nhất của GPU chỉ 33 độ C. Khi hoạt động nặng, hết 100% công suất, chiếc RX 570 này cũng chỉ có nhiệt độ cao nhất là 74 độ C. Không những thế, dù được trang bị nguồn 8 pin tương đương với công suất tổng có thể lên đến 225W, RX 570 chỉ ăn khoảng 130W mỗi giờ, khá nhẹ nhàng và kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc là nếu thích hí hoáy, bạn còn thừa khá nhiều điện để ép xung card.

    Hoàn cảnh khủng khiếp nhất mà một chiếc card đồ hoạ có thể gặp phải khi sử dụng bình thường có lẽ là phải chạy Furmark, phần mềm vắt kiệt sức mạnh của GPU. Sau khi chạy khoảng 10 phút, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được của RX 570 IceQ X2 là 82 độ C, cao hơn 8 độ so với mức sử dụng thông thường. Tuy vậy, đây vẫn là một con số đáng khen ngợi nếu so với định kiến nóng, tốn điện của AMD trước kia.

    Một điểm đáng khen nữa của HIS RX 570 IceQ X2 là tính năng ngừng hoạt động của quạt khi nhiệt độ thấp. Theo ghi nhận của tôi, quạt chỉ quay khi nhiệt độ GPU ở mức 60 độ trở lên. Trong điều kiện sử dụng thông thường như lướt web, xem film hay làm văn phòng, chiếc quạt này sẽ không gây tiếng ồn bởi quạt không chạy. Tính năng thường chỉ xuất hiện trên những chiếc card đồ hoạ đắt tiền này đã nâng tầm chiếc card đồ hoạ đến từ HIS một chút.

    Tổng kết lại, HIS RX 570 IceQ X2 là một chiếc card đồ hoạ thú vị, có thể thoải mái chiến các game ở độ phân giải 1080p một cách mượt mà, đẹp mà chỉ cần giảm thiết lập một chút. Tuy chỉ là phiên bản rename với hiệu năng gần như không khác biệt với RX 470, đây vẫn là một lựa chọn tốt cho phân khúc card đồ hoạ bình dân. Hiện HIS RX 570 IceQ X2 đang được bán với mức giá dự kiến 5.200.000 VNĐ.

    Xin cảm ơn công ty Máy tính Hà Nội (Hanoicomputer) đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ