Đánh giá Ozone Exon F60 Origen: thách thức những tên tuổi lớn

    Steve,  

    Chuột gaming cao cấp đến từ Ozone đem lại chất lượng tương xứng số tiền bạn bỏ ra cho nó.

    Nếu bạn từng chơi LoL hoặc chỉ đơn giản là fan của thể loại game MOBA, có lẽ bạn đã từng nghe đến cái tên xPeke với pha backdoor làm nên tên tuổi của anh trong màu áo Fnatic. Hiện anh đã tự lập team mới của mình - team Origen cùng với người đồng đội cũ của mình là sOAZ.

    Không như những team lớn khác thường lựa chọn Steelseries hay Razer để bán bản quyền thương hiệu lên gaming gear, một team mới như Origen là hoàn hảo để kết hợp với một thương hiệu cũng mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường chuột gaming, đó là Ozone. Và cũng không giống như các team khác, xPeke trực tiếp tham gia thiết kế và thử nghiệm sản phẩm chuột chính thức cho team Origen của mình. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng mở hộp và đánh giá chuột gaming Ozone Exon F60 Origen.

    Hình render 360 độ của Ozone Exon F60 Origen

    Mở hộp và đánh giá thiết kế:

    Trái với tông màu màu đỏ-đen truyền thống của Ozone, sản phẩm phối hợp với xPeke này có tông màu tổng thể đen-xanh theo đúng màu của team Origen. Chúng ta có thể thấy điều đó ngay trên thiết kế vỏ hộp. Bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh của huyền thoại LoL xPeke trên vỏ hộp, khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa Ozone và Origen trong việc sản xuất Exon F60 Origen.

    Nhân vật chính của chúng ta ngày hôm nay đây. Chúng ta có thể nhận ra ngay Ozone Exon F60 Origen có thiết kế tay thuận, dành cho người sử dụng chuột bằng tay phải. Toàn bộ thân chuột được phủ một lớp cao su nhám chống trơn trượt, thế nhưng theo kinh nghiệm của tôi, sau thời gian dài sử dụng lớp nhám này cũng sẽ trở nên bóng do tiếp xúc với mồ hôi tay, nhất là khi cầm chuột theo kiểu Palm Grip (mà bạn chỉ có thể cầm kiểu Palm Grip với F60 Origen, tôi sẽ đề cập phần này bên dưới).

    Do được thiết kế theo kiểu tay thuận, nên 2 cạnh chuột có sự khác biệt khá lớn. Phần cạnh trái được thiết kế vát sâu để vừa vặn ngón tay cái với 2 nút function ở vị trí rất thuận tiện còn cạnh phải thì vát vào ít hơn, chủ yếu phục vụ việc đặt ngón áp út thoải mái.

    Điểm nhấn thiết kế trên Exon F60 Origen đó là 4 điểm LED RGB 16 triệu màu, bao gồm: nút cuộn, logo Origen ở mặt trên, 2 điểm trang trí ở cạnh trái và mặt trước chuột. Cần chú ý là hiện tại bạn chỉ có thể chỉnh tối đa cùng lúc 2 màu trên chuột, do quy định của Ozone là màu logo Origen và 2 điểm trang trí phải tương đồng. Hiện vẫn chưa biết trong tương lai với các bản driver mới Ozone có cho phép người dùng tùy chỉnh nhiều hơn không.

    Phần feet chuột trên Exon F60 Origen khá lớn, gồm 2 miếng teflon gần như bao quanh toàn bộ mặt đáy của con chuột. Theo cảm quan của tôi, phần feet này khá dày so với nhiều sản phẩm chuột gaming khác từng được trải nghiệm. Chỉ có chút không hài lòng là khe nhỏ ở viền feet rất dễ bám bụi bẩn.

    Cũng như nhiều chuột gaming khác, Ozone cũng trang bị cho sản phẩm dòng cao cấp của mình chân cắm USB mạ vàng cùng với dây dù chống nhiễu. Phần dây dù này khá cứng chắc và nặng so với một số sản phẩm khác, ngay cả khi so với người anh em Neon 3K cũng đã có sự khác biệt.

    Đánh giá sử dụng:

    Có thể nhận thấy ngay, Exon F60 Origen là sản phẩm thuộc dạng cao cấp hàng đầu, được Ozone đầu tư rất nhiều công sức, thế nên “cấu hình” của con chuột này dù không ở dạng đỉnh cao nhưng cũng tương đối khủng.

    Cấu hình chi tiết Ozone Exon F60 Origen:

    - Cảm biến: Pixart PMW3310

    - DPI tối đa: 7000dpi

    - Nút bấm: switch Omron

    - LED: 4 LED RGB 16,8 triệu màu

    - Polling rate: 125/250/500/1000 Hz

    - Kích thước: 128.20 x 79.70 x 42.75 mm

    - Cân nặng: 94g (riêng thân chuột), 131g (cả dây cáp)

    - 6 nút lập trình được, có hỗ trợ Macro

    Tiếp nối truyền thống các sản phẩm từ Ozone, Exon F60 Origen tuy nhìn từ bên ngoài thì khá to nhưng khi cầm trên tay lại rất vừa vặn, có lẽ sẽ hợp với đại đa số tay người dùng châu Á. Tay tôi hơi to một chút nhưng cũng cảm nhận được sự thoải mái ngay cả khi sử dụng trong một thời gian dài.

    Có thể thấy, rõ ràng với thiết kế cho tay thuận thì bạn chỉ nên cầm theo kiểu Palm Grip, chứ kiểu Claw Grip có lẽ không hợp lắm. Hơn thế, khi tôi thử cố cầm theo kiểu Claw Grip thì chuột có thể tuột ra rất dễ dàng do điểm tiếp xúc được vát dọc. Bạn có thể thấy trong hình so sánh dưới đây.

    Bù lại, khi cầm “đúng kiểu” cảm giác sử dụng lại là rất tuyệt vời. Không chỉ với các nút chuột trái, phải ở đúng điểm đầu ngón tay và cho phản hồi nhanh, nhạy, nảy mà tôi cũng có thể dễ dàng bấm được các nút function bên hông khi cần một cách thoải mái. Switch Omron vẫn luôn là sản phẩm khẳng định được thương hiệu trong những năm vừa qua.

    Khi cắm Exon F60 Origen vào máy, chuột sẽ mặc định ở mức 800/1600 dpi (tuỳ chỉnh thông qua nút DPI) và màu LED xanh nhạt theo màu áo team Origen. Để sử dụng một cách đầy đủ, bạn cần phải tải driver của nó tại đây. Giao diện phần mềm của Ozone tương đối dễ sử dụng và làm quen. Bạn có thể thay đổi từ DPI, polling rate (4 mức: 125/250/500/1000 Hz) cho đến function cho từng thao tác sử dụng, thậm chí kể cả Macro.

    Ở đây xin nói kĩ về 2 phần mà nhiều bạn sẽ quan tâm. Trước tiên là màu LED, bạn có thể để đồng bộ màu LED tại cả 4 điểm, chỉ cần nhấn vào ô màu, hệ thống sẽ hiện ra bảng chọn, còn nếu không chỉ cần bỏ chọn ô đồng bộ màu, bạn sẽ có option 2 màu LED khác biệt trên nút cuộn và 3 điểm còn lại. Phần thứ hai là điều chỉnh khoảng cách lift-off: Ozone đưa ra 5 mức lift-off cho bạn lựa chọn - và có lẽ bạn cũng không cần nhiều hơn. Khoảng cách lift-off tại mức 1 là cực kì ấn tượng, xứng đáng với phân khúc cao cấp của sản phẩm. Bạn cũng có thể thử mức 5 một cách vui vẻ, khi đó bạn vẫn có thể sử dụng chuột dù đã nhấc hẳn lên kha khá.

    Một điểm cộng của Exon F60 Origen đó là việc sử dụng mắt quang PixArt PMW3310 - một trong những mắt quang tốt nhất hiện nay. Với game thủ CS:GO thì càng không cần phải nói nhiều về mắt quang này: nó đã luôn được coi là một trong những lựa chọn hàng đầu khi không có gia tốc phần cứng cũng như Auto Correction, cho phép việc tracking khi sử dụng hoàn toàn ổn định và chính xác tuyệt đối.

    Tôi thử kiểm tra với phần mềm Enotus Mouse Test thì kết quả không ngoài mong đợi: Exon F60 Origen cho độ chính xác cao luôn đạt từ 96% trở lên sau vài lần thử nghiệm. Hơn thế nữa, tốc độ của cảm biến PMW3310 cũng là điều mà game thủ CS:GO luôn ưa thích: 210 IPS. Con số này đảm bảo những cú flick hoàn hảo đấy chứ?

    Khi thử nghiệm trực tiếp với tựa game CS:GO, có vài điểm tôi chưa quen lắm, mà có lẽ nhiều bạn có ý định mua cũng nên lưu ý. Thứ nhất là tương quan trọng lượng với form chuột, một số chuột theo kiểu dáng ergonomic mà tôi từng sử dụng có trọng lượng tương đối lớn, thậm chí có kèm tạ, nhưng F60 Origen thì không. Kích cỡ không nhỏ kết hợp với trọng lượng 94g tạo cho tôi cảm giác “hẫng” nhẹ mỗi khi cố aim shot. Thứ hai, hai nút function bên hông mà tôi tưởng là thuận tiện bên trên, lại có vẻ nhô ra hơi nhiều, khiến cho tôi khó có thể quen ngay được khi cần phản ứng nhanh. Những chuột CS:GO điển hình thường có dàn nút hông cực kì thuận tiện khi sử dụng, giúp cho ngón cái của bạn gần như không phải di chuyển.

    Bù lại, khi thử nghiệm với 2 tựa game MOBA là Dota 2 và LoL, Ozone Exon F60 Origen thể hiện rất tốt. Các nút bấm nhanh, nhạy làm cho mọi thao tác di chuyển, last hit cũng như sử dụng item của tôi không hề gặp chút trục trặc nào. Có lẽ tốc độ cao của dòng game FPS yêu cầu phải có thói quen sử dụng lâu dài với con chuột, còn tôi chỉ đơn giản chưa quen với F60 Origen mà thôi.

    Tóm lại, với giá thành 1.790.000 đồng, không thể phủ nhận Ozone đã làm tốt trong việc hoàn thiện sản phẩm thuộc dòng cao cấp của mình. Tuy còn vài điểm chưa thực sự làm tôi hài lòng lắm, thế nhưng Ozone Exon F60 Origen chắc chắn là một sản phẩm đáng tiền, xứng đáng làm đối thủ của các sản phẩm cùng tầm giá đến từ Razer hay SteelSeries. Có thể nói, đây là một nỗ lực đáng khen từ “người mới” trong lĩnh vực chuột gaming như Ozone.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ