Đánh giá SSD Apacer Armor 480Gb: Chẳng thấy danh tiếng nhưng thực lực khôn lường

    Durian,  

    Apacer - cái tên quen mà lạ, lạ mà quen trên thị trường thiết bị lưu trữ bấy lâu nay. Với dòng sản phẩm SSD Armor, liệu "người xưa" có lấy lòng được những vị khách khó tính bây giờ trong khi trên thị trường đã có vô vàn đối thủ nặng ký này.

    Nhiều năm về trước, Apacer – một nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu khu vực, với những chiếc Flash Disk USB quen thuộc nhiều tính năng và dải sản phẩm hấp dẫn và trở thành một trong những biểu tượng về bộ nhớ lúc bấy giờ. Thời gian vài năm trở lại đây, do đường lối chính sách phát triển của hãng chưa được tốt, các sản phẩm của hãng tuy đã được cập nhật nhưng vẫn chưa có tiếng vang như những năm về trước khi bóng dáng của những thiết bị lưu trữ trên kệ hàng của các shop vi tính. Với cơ hội được trải nghiệm chiếc SSD Apacer Armor dung lượng lớn 480Gb này của hãng, hi vọng nó sẽ khiến tôi có cái nhìn đúng đắn hơn về thương hiệu vang bóng một thời này.

    Đập hộp sản phẩm:

    Phần vỏ hộp của Armor được thiết kế tone đen với nội dung màu trắng nhìn khá ngầu với họa tiết theo dạng hình tròn đồng tâm trông bắt mắt và gợi lên những thứ liên quan đến công nghệ. Sản phẩm được bảo vệ ở bên trong bằng một khay nhựa mỏng có nắp đậy trong suốt có thể nhìn được vào bên trong. Ngoài chiếc SSD và một vài tờ giấy hướng dẫn sử dụng thì không có điều gì khác biệt.

    Thiết kế:

    Giống như những chiếc SSD khác, Armor khoác trên mình một lớp vỏ nhựa rất nhẹ và mỏng. Được phủ bằng lớp sơn màu bạc khiến Armor trông rực rỡ hơn những chiếc SSD màu đen khác bên trên lại là những họa tiết tròn như tôi đã đề cập ở phần trước, mặt sau là thông tin về bộ nhớ cũng như thương hiệu.

    Kết nối:

    Armor sử dụng kết nối SATA III băng thông 6Gb/s không có điểm gì đặc biệt.

    Hiệu năng:

    Sự khác biệt của hầu hết các loại SSD không phải nằm ở thiết kế. Giá trị của chúng được quyết định bởi hiệu năng bên trong và những thứ công nghệ làm ra chiếc SSD này. Hãy cùng tìm hiểu xem chiếc Armor này có thể làm được gì.

    Hệ thống thử nghiệm:

    Main: Asus Z170 Pro Gaming

    CPU: Intel Core i5 6600k

    RAM: Kingston HyperX Fury 3x8Gb bus 2666MHz

    Một chút thông tin về sản phẩm trên Crystal Disk Info

    Bài test 1: Crystal Disk Mark 5.2.1

    Ở bài test này Armor thực hiện với tốc độ đọc/ghi khá tốt.

    Đọc/ghi đa kênh với các file lớn có tốc độ tối đa lần lượt là 557.6 và 535.7 MB/s đây là con số mà không phải chiếc SSD nào cũng có thể đáp ứng được. Tương tự với tốc độ đọc/ghi file 4k đa kênh cũng cho kết quả vô cùng khả quan với 340.1 MB/s đọc và 360.2 MB/s ghi. Ở chế độ đọc ghi đơn kênh thì Crystal Disk Mark ghi nhận được là 501.7 MB/s đọc và 518.6 MB/s ghi khá ấn tượng.

    Bài test 2: AS SSD Benchmark

    Ở bài test này, tốc độ đọc/ghi các file lớn của Armor dừng ở mức 500,99 MB/s và 473.59 MB/s. Tốc độ đọc ghi file 4k ở mức 36.25 MB/s đọc và 101,96 MB/s ghi. Cả 2 kết quả trên đều khá sát với bài test trước.

    Bài test 3: Anvil’s Storage Ultilities 1.1.0

    Ở bài test cực chi tiết này, tốc độ đọc ghi được phân tích ra nhiều loại file khác nhau, IOPS và thời gian phản hồi. Với những kết quả về tốc độ chính cho thấy cũng không có gì khác biệt so với những tool ở trên. Vậy kết quả mà chúng ta thu nhận được là đã khá chính xác rồi.

    Bài test 4: ATTO Disk Benchmark

    ATTO cho phép chúng tôi thực hiện bài test với các mẫu file từ 512B cho đến 64MB. Kết quả thu được ở từng mẫu file khá chi tiết đi từ 25 Mb/s đến 537MB/s đọc và 64 Mb/s đến 564 Mb/s cho tốc độ ghi. Các kết quả thật sự tương đồng với một tốc độ khá ổn và khả quan.

    Bài test 5: HD Tune Pro

    Ở bài test cuối này chúng ta sẽ đi dọc theo dung lượng ổ cứng để thấy được tốc độ của Armor trong các trường hợp lưu trữ khác nhau. Cũng khá lâu rồi tôi chưa nhìn thấy một ổ cứng có tốc đô đọc ổn định như thế. Trừ các mức truy nhập dữ liệu (các chấm vàng) ở các điểm khác nhau. Tốc độ của Armor không bị giảm sút khi dung lượng ổ cứng tăng lên mà duy trì trong khoảng từ 328.9 MB/s cho đến 414.4 MB/s

    Tổng kết:

    Với mặt bằng chung của SSD hiện nay thì với những gì mà Apacer Armor thể hiện, đây vẫn là một chiếc SSD tốt và đáng được chọn lựa nếu như chiếc PC của bạn cần một chiếc SSD màu bạc thay vì màu đen như hầu hết các SSD khác để hợp tone hơn. Khi mà nhu cầu chơi game ngày càng cao cấp thì những chiếc HDD dù cho mang dung lượng lớn nhưng cũng không thể đáp ứng được khả năng ghi đọc mà phần mềm yêu cầu. Vì thế Apacer Armor với các lựa chọn dung lượng lớn như 480Gb và 960Gb trở thành những lựa chọn vừa tiết kiệm vừa thỏa mãn nhu cầu của các hệ thống Gaming hay cả những laptop nữa.

    Ưu điểm:

    - Tốc độ đọc/ghi khá cao.

    - Màu sắc thiết kế nổi bật

    - Dung lượng lớn.

    Nhược điểm:

    - Ít hình ảnh trên thị trường.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày