Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh

    M.Đức thiết kế: Tom,  

    Cặp tai nghe không dây đầu tiên của Grado thể hiện đúng tôn chỉ sản xuất sản phẩm của hãng: đặt chất lượng âm thanh lên hàng đầu!

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 1.
    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 2.

    Những người chơi âm thanh cầm tay gạo cội chắc chắn sẽ không quên cái tên Grado Labs, một hãng âm thanh của Mỹ đã được thành lập vào năm 1953. Hãng nổi tiếng với những sản phẩm mang dáng vẻ cổ điển, giản dị hay nói một cách đơn giản là 'cũ', nhưng đem lại chất âm mà cả những cặp tai nghe có giá bán cao cấp hơn cũng phải nhún nhường. Dân Việt Nam chắc chắn vẫn không quên các sản phẩm dòng Prestige SR125i, SR225i hay SE325i/is hay Reference RS1i, RS1e đã từng làm mưa làm sóng thị trường, và vẫn đang tiếp tục phục vụ các Grado fan tới tận nay.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 3.

    Nhưng không phải vì vậy mà hãng âm thanh này luôn hoàn hảo. Nhắc tới Grado, ta nhắc tới những chiếc hộp đựng được làm bằng giấy mà mọi người gọi một cách thân thương là 'hộp Pizza'. Các cặp tai nghe của hãng có kiểu dáng hoài cổ, và chất lượng hoàn thiện cũng...hoài cổ luôn, với những dòng sản phẩm tầm thấp hay bị chê là quá 'nhựa'. Dây của các cặp tai nghe này cũng được thiết kế khá...lạ, chúng dày như một sợi dây điện vậy, gây khó khăn trong quá trình sử dụng.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 4.
    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 5.

    Hơn nữa, gần như tất cả các cặp tai nghe của Grado đều được thiết kế theo dạng On-ear, kèm theo đó là lực ép quá mạnh nên tạo ra sự khó chịu, nóng nực cho người dùng trong mùa hè. Nhưng vượt qua tất cả những nhược điểm đó, những người cuồng Grado vẫn tiếp tục mua, tiếp tục sử dụng các sản phẩm của hãng để được tận hưởng chất âm Audiophile mà chúng đem lại. Có những người quá mê thích chất âm của các cặp tai nghe Grado tới mức chỉ có thể nghe được các cặp tai nghe của hãng, và không bao giờ có thể chuyển qua được các dòng sản phẩm khác.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 6.

    Sau khi Apple quyết định từ bỏ cổng nghe nhạc 3.5mm, và rồi các hãng điện thoại Android khác cũng từ đó mà 'bắt chước', các hãng âm thanh đã phải 'nháo nhào' chuyển sang sản xuất các sản phẩm không dây để đáp ứng. Những hãng âm thanh lâu đời, có chỗ đứng vẫn tiếp tục sản xuất tai nghe có dây chất lượng cao, nhưng chắc chắn họ cũng không thể bỏ qua 'miếng bánh' quá ngon ngọt là thị trường tai không dây. Grado cũng nhìn thấy cơ hội này để làm mới, thay đổi bản thân và ra mắt cặp tai nghe Bluetooth đầu tiên của mình mang tên Grado GW100 vào đầu tháng 9 năm nay.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 7.

    Ngay cả khi chưa mở hộp, ta đã có thể nhận ra đây là một cặp tai nghe của Grado với chiếc hộp Pizza giấy quen thuộc. Nhưng trái ngược với các sản phẩm cũ, GW100 có hộp nhỏ gọn và ít họa tiết thừa thãi hơn.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 8.

    Ngay cả trước khi mở hộp, hãng đã nhắc nhở người dùng rằng Grado là một hãng lâu đời, 'sự truyền thống vẫn có chỗ đứng'!

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 9.

    Mở hộp, ta lại được...nhắc thêm một lần nữa rằng hãng đã đi vào sản xuất các thiết bị âm thanh từ năm 1953!

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 10.


    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 11.

    Sợi dây của GW100 khác '360 độ' so với những chiếc dây của dòng Prestige trước đây, có vẻ mỏng và tiện lợi hơn, nhưng đã không được gia cố chắc chắn bằng. Theo mình thì đây là một yếu điểm, nhưng là yếu điểm nhỏ vì 99.99% người dùng mua cặp tai nghe này là để nghe nhạc không dây!

    Trong hộp, ngoài tai nghe ta có thêm một bức thư 'thân ái', cảm ơn người dùng đã mua sản phẩm của Grado với chữ kí của cả 3 thế hệ gia đình Grado đã điều hành công ty trong suốt 65 năm qua, một sợi dây sạc micro USB và dây cắm 3.5mm để nghe nhạc những lúc hết pin.


    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 12.

    Phát triển một cặp tai nghe không dây, Grado hoàn toàn có thể làm mới mình bằng cách sử dụng một thiết kế mới, nhưng hãng vẫn tiếp tục sử dụng kiểu dáng giống y hệt với các dòng sản phẩm trước đây. Đây là một con dao 2 lưỡi, vì những fan 'cứng' của hãng chắc chắn sẽ thích, nhưng hãng sẽ khó thu hút được những khách hàng mới. Khi so sánh GW100 và cặp Sony WH-1000x, mình cá là đa phần mọi người sẽ chọn cặp tai nghe đến từ đến từ Sony, đơn giản vì nó sở hữu thiết kế hiện đại, chắc chắn và đơn giản là đẹp hơn!

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 13.

    Thiết kế tổng thể không thay đổi, nhưng khi cầm trên tay ta vẫn nhận ra những nâng cấp nhỏ mà hãng đã trang bị cho tai nghe. GW100 có chất lượng nhựa tốt hơn, với các khớp nối có vẻ cũng được đúc chuẩn hơn nên đã đỡ 'ọp ẹp' hơn SR60 hay SR80 nhiều.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 14.

    Điểm yếu lớn và cũng cố hữu của các cặp tai nghe đến từ Grado nói riêng và các cặp tai dạng mở (Open-back) nói chung là khả năng cách âm kém, cũng như bị hiện tượng lọt tiếng ra ngoài, nên nếu như bạn nghe nhạc thì tất cả những người dùng quanh cũng 'được' (hoặc 'phải) nghe nhạc cùng bạn. Chất lượng cách âm của GW100 gần như không khác gì, đây vẫn  là một cặp tai nghe sử dụng trong nhà hoặc những nơi yên tĩnh, nhưng khả năng chống lọt tiếng đã được cải thiện phần nào vì hãng đã có những biện pháp tán âm tốt hơn, giảm được đa phần âm nhạc tới tai những người xung quanh.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 15.

    Trên thân tai có thêm các nút bấm để điều khiển, bao gồm nút nguồn, chỉnh âm lượng...

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 16.

    ...cùng với đó là cổng nghe nhạc 3.5mm và cổng sạc micro USB. Cổng sạc micro USB này được che chắn bằng một cửa cao su, nhưng cũng chỉ để chống bụi mà thôi, GW100 không có chuẩn chống nước nào cả đơn giản vì mặt sau 'rộng mở', rơi xuống nước rất có thể sẽ 'đi' ngay. Thời lượng pin của cặp tai nghe này rơi vào khoảng 14 - 15 tiếng tùy vào âm lượng, có thể nói là tiêu chuẩn cho một cặp tai nghe On-ear. Trong 2 tuần trải nghiệm, mình chỉ sạc GW100 một lần duy nhất, nên pin cũng không phải là vấn đề lớn trong quá trình sử dụng, và tất nhiên khi hết pin người dùng vẫn có thể cắm dây 3.5mm để nghe.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 17.
    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 18.

    Cặp tai nghe này vẫn đi theo hướng dạng thiết kế On-ear quen thuộc, đã làm nên tên tuổi của Grado. Nhưng đây lại là một nâng cấp nhỏ nữa của cặp tai nghe không dây này: phần đệm tai được làm dày dặn hơn, cũng như lực ép đã được giảm thiểu nhiều nên cảm giác đeo đã thoải mái hơn. Nhưng tất nhiên, kiểu đeo này vẫn sẽ làm cho người đeo cảm thấy nóng trong mùa hè, nên cũng vẫn sẽ phải bỏ ra để nghỉ sau khoảng nửa tiếng sử dụng.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 19.

    Phần thiết kế 'sang' nhất của tai nghe có lẽ nằm ở dải đệm đầu, được bọc bằng đệm với vỏ ngoài bằng giả da mềm mại. Như đã đề cập, thì lực ép của tai nghe không quá lớn nên hãng cũng không cần phải bọc phần đệm đầu quá dày để không bị cấn.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 20.

    Đọc tới đây, chắc chắn bạn đọc sẽ nghĩ rằng đây là một cặp tai nghe tầm trung, với thiết kế 'cổ đại' và khó dùng vì không có khả năng cách âm, vậy thì tại sao không mua những cặp tai nghe từ các hãng khác chứ? Câu trả lời đó là người dùng không mua GW100 để tận dụng những tính năng mới nhất, hay để có thiết kế 'lòe người', mà là vì cách tai nghe tái tạo âm thanh.

    Gần như tất cả các hãng âm thanh đang làm tai nghe không dây hiện nay đều đi theo một hướng âm thanh giống hệt nhau: một chất âm nghe tạp, với tất cả các dải âm đồng đều và nhẹ nhàng để dễ phối nhạc. Đây là một chất âm 'an toàn', khó có thể chê nhưng cũng khó tìm ra một điểm nổi bật để khen. Grado GW100 đi theo hướng hoàn toàn khác, không muốn thỏa hiệp bất cứ một dải nào, từ đó tạo nên một chất âm thú vị, nổi bật và không bị nhàm chán.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 21.

    Âm trầm của cặp GW100 có lượng dồi dào hơn một chút so với dòng Prestige, cũng như có âm lượng cao hơn so với trước, cũng có thể nói là đã được 'hiện đại hóa'. Song, cách hãng tinh chỉnh âm trầm này đã làm cho cặp tai nghe này nổi bật so với các sản phẩm không dây khác trên thị trường. Thử bài Too hip to retire trong album Whiplash, âm trống xuống tới được đoạn siêu trầm (sub-bass), cân bằng được sự mềm mại và punchy nên tuy cho cảm giác lực rất tốt nhưng lại không dồn ứ. Độ chi tiết trong dải trầm được thể hiện tuyệt vời, từ đó tạo ra những nhịp trống hoặc âm bật bộ dây mang tính thực, tròn trịa và tránh được hiện tượng 'làm phẳng' (flat) của các cặp tai nghe nghe tạp.

    Âm trầm của Grado từ trước tới nay vẫn được khen, nhưng khen vì có tốc độ ngắt nhanh nên phù hợp với nhạc có tiết tấu cao, nhưng trên GW100 theo mình kể cả đã thêm lượng và cho tốc độ tan chậm hơn, vẫn là một dải có tính kĩ thuật cao. Điểm yếu của âm trầm này là bị ảnh hưởng bởi các tạp âm bên ngoài, ở những nơi ồn ào âm trầm bị yếu đi, lại một lần nữa khẳng định đây là một cặp tai nghe dùng để thưởng thức ở những nơi yên tĩnh.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 22.

    Cách GW100 thể hiện dải âm trung chắc chắn sẽ gây tranh cãi giữa những người nghe nhạc. Trong thời gian trải nghiệm cặp tai nghe này, mình có cho một người bạn là fan Grado chính hiệu nghe thử, và đi đến kết luận là dải trung này khá 'lạ'. Nó lùi nhẹ về phía sau, trái ngược với kiểu âm trung rất tiến, thậm chí có phần 'bạo lực' của dòng sản phẩm Prestige. Kiểu thể hiện giọng ca sĩ mạnh mẽ và táo bạo đó là một trong những yếu tố làm cho các cặp tai nghe của Grado nổi bật khi nghe nhạc Rock và Metal. Cậu bạn này cuối cùng cảm thấy không thích GW100 vì dải trung này.

    Nhưng với mình thì ngược lại hoàn toàn, mình cho đây là một trong những cách thể hiện âm trung mang tính toàn diện. Giọng Cécile Corbel trong Les Capitaines hơi ngả tối nhẹ, ấm áp và luôn cho cảm giác thân mật mặc dù không tiến gần tới người nghe như các cặp tai có dây cùng hãng. Lên gần tới phần trung cao (high-mid), GW100 vẫn không bị 'đuối' và vẫn giữ âm lượng, nên tạo ra điểm sáng cho giọng của người hát. Cái làm dải trung này 'toàn diện' không chỉ nằm ở độ sáng tối, hay điểm đặt ở đâu mà còn là âm hình tốt. Tiếng guitar trong bản Up Close của nhạc sĩ Ottmar Liebert gần như 'bật' ra và đập thẳng vào người nghe. Đây là một đặc điểm của những cặp tai nghe cao cấp, và khó kiếm ở những sản phẩm không dây.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 23.

    Dải âm thể hiện được quyết tâm tạo ra một cặp tai nghe khác biệt của Grado trên GW100 đó là dải cao. Dải âm này có lượng rất nhiều, không bao giờ là thiếu dù là những bài nhạc Pop Rock như Paradise của Coldplay hay Jazz nhẹ nhàng như St Judy's Comet qua sự thể hiện của nữ ca sĩ Alexis Cole. GW100 đạt tới được những âm tần cao nhất, và thể hiện trọn vẹn chúng nên âm cao luôn luôn sáng, có tính kim khí cao và thậm chí bị sibalance. Chính cái sibalance này lại làm cho chất âm của GW100 hay, nó đối nghịch với âm trầm đậm đà tạo nên một tổng thể có năng lượng, có sự tương phản cao làm cho trải nghiệm nghe nhạc trở nên thú vị.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 24.

    Đa phần âm thanh của GW100 được đặt ở giữa đầu người nghe, nhưng không phải vì thế mà tai có âm trường hẹp. Ở những bài có các âm thanh ở rìa, tai nghe vẫn đủ sức đưa những âm thanh ra ngoài để tạo cảm giác không gian âm thanh thoáng đãng. Đây là một kiểu âm trường không 'khoe mẽ', không dồn hết tất cả mọi thứ ra xa người nghe để rồi làm mọi thứ trở nên quá mông lung và 'ảo'. Rất có thể nhiều người sẽ không hợp với kiểu đặt âm như thế này và muốn có một chất âm rộng mở hơn nữa, nhưng theo mình một âm trường vừa phải và tạo ra sự thân mật sẽ tốt hơn cho kiểu âm của GW100.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 25.

     Trước khi sản phẩm này về tới Việt Nam, đa phần mọi người tỏ thái độ thất vọng về Grado. Họ cho rằng Grado đã 'mất chất' khi bỏ con đường đi tìm chất âm tuyệt hảo ở các cặp tai nghe có dây và đi theo 'xu hướng' không dây như các hãng khác. Nhưng sau 2 tuần 'ăn nằm' với GW100, mình cho rằng đây lại là một cặp tai nghe đậm chất Grado, từ cách đóng hộp, thiết kế, tới khả năng tái tạo âm thanh.

    Đánh giá tai nghe không dây Grado GW100: Sự trở lại ấn tượng của một tượng đài âm thanh - Ảnh 26.

    Chất âm của cặp tai nghe này đã có sự khác biệt, có chút 'hiện đại hóa' so với dòng Prestige hay Reference, nhưng vậy thì sao chứ? Hãng vẫn không ngừng đẩy giới hạn của âm thanh, khi cố gắng làm tất cả các dải đều nổi bật, nhưng vẫn có âm trường thoáng mà rất nhiều cặp tai dạng đóng phải chào thua. Nhưng ngược lại, ta không thể phủ nhận những điểm yếu cố hữu của một cặp tai nghe Grado, như việc thiếu đi những công nghệ mới như chống ồn, khả năng chống nước hay...một thiết kế của những năm 2000. Tuy vậy, theo đánh giá cá nhân mình cho đây vẫn cho đây là một sản phẩm đáng mua, đơn giản vì nó táo bạo, nó khác biệt, dám đi theo một hướng đi đã định trước.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ