Đánh mất niềm tin vào vắc-xin, dịch sởi tăng 1.000% ở Manila, Philippines

    zknight,  

    Tổng thống Duterte đã phải lên sóng truyền hình kêu gọi người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng.

    Philippines đang phải hứng chịu một dịch sởi bùng phát mạnh với hàng ngàn người nhiễm bệnh và ít nhất 136 người đã tử vong. Hãng tin AP dẫn nguồn từ cơ quan y tế nước này cho biết: Một nửa các nạn nhân tử vong là trẻ em từ 1-4 tuổi, đa số không được tiêm phòng.

    Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque III báo cáo khoảng 8.400 trường hợp mắc bệnh sởi đã được xác nhận. Tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Đây có thể là hậu quả của 1 scandal năm 2017 liên quan đến vắc-xin Dengvaxia, khi chính phủ Philippines đánh mất niềm tin của người dân vào loại vắc-xin này nói riêng và chương trình tiêm chủng nói chung.

    Trước đó năm 2010, Philippines đã gần như loại bỏ hoàn toàn được bệnh sởi. Nhưng hiện tại, Tổng thống Rodrigo Duterte đã phải lên sóng truyền hình quốc gia để cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh sởi, đồng thời kêu gọi người dân đưa trẻ em đi tiêm chủng.

    Đánh mất niềm tin vào vắc-xin, dịch sởi tăng 1.000% ở Manila, Philippines - Ảnh 1.

    Đánh mất niềm tin vào vắc-xin, dịch sởi tăng 1.000% ở Manila, Philippines

    Scandal năm 2017 ở Philippines liên quan đến vắc-xin Dengvaxia phòng sốt xuất huyết, được sản xuất bởi công ty dược phẩm Sanofi. Loại vắc-xin này được chấp thuận tiêm chủng từ năm 2015 ở Philippines.

    Vào tháng 2 năm 2016, khi chương trình tiêm chủng vẫn đang được tiến hành ở nước này thì Scott B Halstead, một bác sĩ người Mỹ có kinh nghiệm nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết gần 50 năm, phát hiện Dengvaxia không phải một loại vắc-xin an toàn.

    Ông xuất bản một bài báo khoa học cho thấy vắc-xin Dengvaxia của Sanofi có thể gây phản ứng miễn dịch nguy hiểm cho những ai chưa từng mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em dưới 9 tuổi.

    Phát hiện mới này đã khiến Sanofi ra quyết định hạn chế độ tuổi tiêm vắc-xin này. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo Dengvaxia chỉ nên được sử dụng ở những nơi có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao.

    Philippines dừng chương trình Dengvaxia vào năm 2017. Nhưng nó đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong người dân khi tới hơn 830.000 trẻ đã được tiêm chủng.

    Làn sóng phẫn nộ này đã lan sang cả các vắc-xin chống bệnh sởi và là một phần nguyên nhân dịch bệnh nguy hiểm này đang quay trở lại.

    Đánh mất niềm tin vào vắc-xin, dịch sởi tăng 1.000% ở Manila, Philippines - Ảnh 2.

    Một cuộc biểu tình trong bê bối vắc-xin Dengvaxia ở Philippines

    Chính phủ Philippines hiện đang phải tích cực khôi phục niềm tin của công chúng vào các loại vắc-xin an toàn.

    Trong khi Tổng thống Duterte phát đi một thông điệp truyền hình kêu gọi người dân đi tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế nước này cũng nhấn mạnh một thông điệp rằng: "Đừng nếu, đừng nhưng, đừng phó mặc, bạn chỉ cần mang con mình [đến cơ sở y tế] và đặt niềm tin vào vắc-xin …sẽ cứu sống con bạn".

    Ông cũng cho biết rằng tình hình đang diễn biến khả quan dần lên, khi niềm tin của công chúng đang được khôi phục. Trong 1 tuần gần đây, khoảng 130.000 mũi tiêm phòng sởi đã được triển khai ở Manila, trên mục tiêu tổng cộng 450.000 mũi.

    Sởi là một bệnh hô hấp rất dễ lây lan do virus có thể lan truyền qua hắt hơi, ho và tiếp xúc với người bệnh. Các biến chứng của căn bệnh hết sức nguy hiểm, từ tiêu chảy, nhiễm trùng tai, viêm phổi, viêm não cho đến tử vong.

    Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines nhấn mạnh, câu trả lời tuyệt đối cho sự bùng phát dịch sởi ở nước này hiện nay là tiêm chủng đầy đủ.

    Tham khảo Gizmodo, Apnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày