Đầu năm mua máy ảnh nhái, tình cờ phát hiện hoá ra đó lại là Leica "núp bóng" có trị giá đến 800 USD

    Tuấn Lê,  

    Tâm lý khách hàng từ trước đến nay vẫn sợ nhất là đi mua hàng thật mà vớ phải hàng giả, nhưng có mấy ai ngờ một ngày đẹp trời bạn đi mua hàng nhái lại may mắn "trúng" được hàng xịn. Đó là câu chuyện có thật của Vitalijs Kezens, một tay sưu tầm đồ cổ mới đây đã chia sẻ trên trang USSRPhoto.

    Hôm 9/2 vừa qua, Kenzens đã đăng tải một bài trên trang USSRPhoto, theo đó cho biết anh mới tậu chiếc máy ảnh chụp phim Zorki-C với mức giá 12 Euro (gần 340.000 đồng). Được biết, Zorki là thương hiệu máy ảnh rangefinder được sản xuất dưới thời Liên Bang Xô Viết từ năm 1948 đến năm 1978 với mục tiêu nhái lại các sản phẩm đình đám của Leica đến từ Đức với mức giá rẻ hơn.

    Và tình cờ khi nhìn kỹ các chi tiết máy Zorki mình vừa mua về, anh phát hiện ra một số điểm không hề ổn ở nó, có gì đó không giống với các bộ phận thường thấy ở hãng này.

    Quyết định gỡ bỏ bớt phần cạnh trên của máy, Kenzens đã bất ngờ khi thấy đây là một chiếc Leica "chuẩn bài" và ống kính Elmar không lẫn đi đâu được.

     Ống kính Leica hóa ra được ngụy trang bởi một lớp kim loại bên ngoài, giả danh thành ống Industar của Xô Viết.

    Ống kính Leica hóa ra được ngụy trang bởi một lớp kim loại bên ngoài, giả danh thành ống Industar của Xô Viết.

    Được biết, combo máy ảnh Leica và lens Elmar này có giá cỡ 500 đến 800 USD (khoảng 11,2 đến 18 triệu đồng).

    Điểm thiếu sót duy nhất của chiếc máy ảnh này là không có khung ngắm (viewfinder), vì thế Kenzens phải bỏ ra vài ngày để tự làm một cái cho riêng mình.

    Anh thậm chí cũng tháo bỏ phần da cũ và thay thế với lớp da nâu mới.

    Và giờ đây anh đã có một chiếc máy Leica hoàn hảo, hoạt động được và đặc biệt là có giá trị lớn hơn nhiều so với số tiền ban đầu bỏ ra.

    Vậy tại sao lại có người đi ngụy trang chiếc máy ảnh hàng hiệu này thành một món đồ nhái? Câu trả lời cũng rất khó có lời giải, nhưng một phần nào đó, nếu nhìn sang một vài nhiếp ảnh gia ngày nay, họ cũng có xu hướng dán băng keo che lens và logo máy ảnh để tránh bị để ý, và biết đâu chủ cũ của chiếc máy này cũng có ý nghĩ tương tự?

    "Theo phỏng đoán của tôi, kể từ khi Zorki được sản xuất ở Liên Bang Xô Viết, có lẽ chủ cũ phải giấu chiếc Leica thật của mình đi bằng cách ngụy trang thành hàng nhái để tránh bị trộm cắp hoặc cũng có thể không muốn bị người ngoài nhìn vào và đánh giá mình là kẻ 'sang chảnh'", Kenzens chia sẻ.

    Tham khảo Petapixel

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày