Để bảo vệ môi trường, các nhà khoa học đã làm được điều không tưởng: biến khí thải CO2 thành đá

    Dink,  

    Kĩ thuật này đã mở ra cánh cửa mới cho việc bảo vệ môi trường và bầu khí quyển.

    Khí thải CO2 vẫn là vấn nạn với môi trường bấy lâu nay. Lượng khí này thải ra môi trường từ các nhà máy và từ các loại phương tiện giao thông đang dần làm hành tinh của chúng ta gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Và để khắc phục điều đó, đã có những biện pháp để “hút bớt” lượng CO2 từ khí quyển hay từ các nhà máy công nghiệp.

    Hai rào cản lớn nhất với công nghệ này đó là giá thành rất cao, và một nơi để chứa lượng CO2 hút được đó. Nhưng giờ, bài toán đó đã giải được một nửa, khi mà các nhà khoa học đã tìm ra cách để “đông đặc” chỗ CO2 đó lại, biến chúng thành những tảng CO2 cứng.

    Một đội ngũ các nhà khoa học thuộc nhiều nước đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công việc đông đặc CO2 lại, bằng cách bơm chúng xuống lòng đất và thêm thắt đôi chút hóa học vào lượng CO2 đó. Việc giữ carbon trong lòng đất không phải là mới, nhưng không ai nghĩ rằng quá trình xử lý lại nhanh chóng và hiệu quả như vậy.

    Trong một nghiên cứu mà các nhà khoa học đã công bố, họ giải thích rằng phương pháp biến khí carbon thành thể rắn chỉ mất vài tháng, điều này sẽ giúp cho việc hút và lưu trữ carbon dễ dàng hơn nhiều, sẽ biến chúng thành một biện pháp có thể sử dụng được.

     Tiến hành thử nghiệm tại nhà máy năng lượng Hellisheidi.

    Tiến hành thử nghiệm tại nhà máy năng lượng Hellisheidi.

    “Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể hút một lượng CO2 rất lớn, lưu trữ chúng một cách an toàn trong một khoảng thời gian rất ngắn”, theo như lời giáo sư Martin Stute từ Đại học Columbia.

    Dự án có tên CarbFix, được các nhà khoa học thực hiện tại nhà máy năng lượng Hellisheidi, cơ sở địa nhiệt lớn nhất thế giới. Tại đây, họ tiến hành trộn carbon dioxide và hydro sulphide (hydro sulfur) với nước, sau đó bơm chúng vào vỉa đá bazan núi lửa ở dưới nhà máy năng lượng này.

    Khi đá bazan gặp CO2 và nước, carbon sẽ kết tủa thành một khối trắng và rắn chắc. Dù vậy, không ai rõ được rằng thời gian để kết tủa hết lượng hợp chất đưa xuống là bao lâu. Những tính toán ban đầu được đưa ra làm nản lòng mọi người: có thể tốn 8 tới 12 năm. Nhưng thật bất ngờ, việc biến đổi chỉ diễn ra trong vòng vài tháng.

    “Kết quả thử nghiệm cho thấy 95 tới 98% lượng CO2 bơm xuống đã được khoáng chất hóa chỉ trong khoảng thời gian ngắn hơn 2 năm, quá nhanh so với tính toán của chúng tôi”, trưởng ban nghiên cứu Juerg Matter từ Đại Học Southampton nói.

    Mẫu đá lấy từ những khu vực chứa carbon được khoáng chất hóa trong lòng đất.
    Mẫu đá lấy từ những khu vực chứa carbon được khoáng chất hóa trong lòng đất.

    Sau buổi thử nghiệm đầu tiên năm 2012, tại nhà máy năng lượng này, lượng carbon dioxide vẫn liên tục được bơm xuống. Việc khoáng chất hóa CO2 này vẫn đều đặn diễn ra và hoàn toàn an toàn, nó làm lắng xuống mọi lo sợ trong dư luận về sự nguy hiểm của việc lưu trữ CO2 trong lòng đất.

    Những khoáng chất carbon đó không thể rò rỉ ra khỏi lòng đất được, vì vậy những nghiên cứu này của chúng tôi là hoàn toàn an toàn cho con người cũng như cho môi trường”, giáo sư Matter nói, “Mặt khác, đá bazan là một trong những loại đá có số lượng nhiều nhất trên thế giới, ta có thể sử dụng chúng như là một kho chứa khổng lồ cho lượng CO2 được khoáng chất hóa theo cách này”.

    Đang có những thử nghiệm về việc sử dụng chúng như là nhiên liệu nhân tạo tại Canada, hay biến chúng thành phân bón sử dụng trong nông nghiệp tại Thụy Sĩ, nhưng tất cả đều trong giai đoạn thử nghiệm.

    Đang có nhiều cách khác để xử lý những khối carbon đó đang được nghiên cứu, hơn là chỉ chứa chúng ở dưới lòng đất và phòng trừ việc lưu trữ đó không thành công về lâu về dài. Nhưng hiện tại, phương pháp mới này sẽ cho phép ta xử lý các vấn đề môi trường tốt hơn, khi mà có thể rút và lưu trữ khí CO2 trong không khí một cách an toàn.

    Dù vậy, đội ngũ các nhà khoa học không thể ngủ quên trên chiến thắng tạm thời và ngắn hạn này được, cần thêm nhiều nghiên cứu được triển khai. Đơn cử như việc khoáng chất hóa CO2 sẽ cần tới một lượng nước rất lớn, nước biển đang là một giải pháp được đưa ra nghiên cứu.

    Kế hoạch nghiên cứu này vẫn còn ở những giai đoạn đầu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho Trái Đất.

    Theo TechInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ