Để củng cố vị thế trước Samsung, Xiaomi dự định tăng gấp 10 lần số cửa hàng tại Ấn Độ

    Nguyễn Hải,  

    Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng e ngại rằng, đây có thể con dao hai lưỡi đối với khả năng cạnh tranh về giá của Xiaomi.

    Để củng cố ngôi vị dẫn đầu của mình trước đối thủ Samsung Electronics tại Ấn Độ, hãng Xiaomi đang tiến sâu hơn vào các khu vực nông thôn và thị trấn nhỏ của quốc gia này bằng một chuỗi cửa hàng khi tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến của họ đang chững lại. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, việc mở rộng bán lẻ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá đối với thị trường có độ nhạy cao về chi phí như Ấn Độ.

    Mặc dù đã có hơn 500 cửa hàng Mi Stores hàng đầu trên khắp các thị trấn nhỏ và các thành phố ở 14 bang của Ấn Độ, Manu Jain, giám đốc điều hành của Xiaomi Ấn Độ, cho biết công ty dự định sẽ mở thêm 5.000 cửa hàng như vậy đến cuối năm tới.

    Để củng cố vị thế trước Samsung, Xiaomi dự định tăng gấp 10 lần số cửa hàng tại Ấn Độ - Ảnh 1.

    "Chúng tôi đang sử dụng các nhà phân phối của riêng mình, những người sẽ làm việc để đảm bảo phân phối thông suốt các sản phẩm của chúng tôi tới tất cả các cửa hàng Mi Stores và cũng sẽ giúp tối thiểu hóa chi phí hoạt động." Ông Jain cho biết. "Chúng tôi cố gắng định giá sản phẩm gần nhất có thể với chi phí sản xuất, bằng cách giảm chi phí vận hành, phân phối và tiếp thị."

    Nhà sản xuất thiết bị này đã gia nhập thị trường Ấn Độ từ năm 2014 bằng cách bán điện thoại độc quyền qua internet. Nhờ vào mức giá hợp lý, thị phần của Xiaomi tại Ấn Độ đã tăng trưởng không ngừng. Ngoài ra thành công của công ty còn nhờ vào sự bùng nổ thương mại điện tử tại Ấn Độ với sự dẫn đầu của Flipkart và Amazon. Smartphone là một trong các sản phẩm được người mua hàng online Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất.

    Theo dữ liệu của Counterpoint Research, vào cuối năm ngoái, Xiaomi đã vượt qua Samsung để lần đầu tiên vươn lên đứng đầu thị trường smartphone Ấn Độ. Đến cuối tháng Chín năm nay, Xiaomi đã chiếm 27% thị phần Ấn Độ, trong khi Samsung đứng thứ hai với 22% thị phần. Tuy nhiên, tăng trưởng bán hàng trực tuyến đang chững lại.

    "Xiaomi đã đạt tới điểm nếu họ muốn tăng trưởng tiếp trong năm 2019, họ sẽ phải thâm nhập vào thị trường sâu hơn." Jaipal Singh, phó giám đốc nghiên cứu tại IDC cho biết. "Bán lẻ trực tuyến là một kênh có nhiều điểm giới hạn."

    Để củng cố vị thế trước Samsung, Xiaomi dự định tăng gấp 10 lần số cửa hàng tại Ấn Độ - Ảnh 2.

    Vào đầu năm nay, Xiaomi đã hợp tác với một số công ty phân phối để bán sản phẩm thông qua các cửa hàng thực và mở các cửa hàng bán lẻ độc quyền có tên Mi Homes trên khắp Ấn Độ.

    Chiến lược mới đã giúp công ty đánh vào sở trường của Samsung, tạo ra một mạng lưới các nhà phân phối trên khắp các thị trấn nhỏ và thành phố. Cho dù vậy, theo các nhà phân tích, nhiều lớp nhà phân phối cũng có nghĩa là gia tăng thêm chi phí và sẽ ăn vào phần lợi nhuận vốn mỏng manh của Xiaomi, và có thể làm mất cân bằng giá giữa kênh bán lẻ online và offline.

    "Nếu Xiaomi bán hàng trên Amazon với một mức giá cụ thể và các đại lý địa phương lại không nhận được mức giá đó, điều đó sẽ gây ra phản ứng dữ dội." Neil Shah, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint cho biết.

    Tham khảo Nikkei Asian Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ