Đánh giá chi tiết HTC One: Phong Hậu lúc tàn cờ

    Minh Lết,  

    Với HTC One, hãng sản xuất Đài Bắc quyết tâm giành lại những gì đã mất. Liệu 1 smartphone được HTC gửi gắm hi vọng "Đông sơn tái khởi" có giành lại cho hãng vinh quang của những ngày xưa cũ?

    Đã gần 5 năm trôi qua kể từ khi HTC hoàn toàn từ bỏ vị trí của 1 hãng sản xuất thầm lặng chuyên làm ra những sản phẩm được đóng những cái tên lớn như HP, O2, Palm... để bước ra trở thành 1 thương hiệu độc lập.

    Trong 5 năm trời, công cuộc tự mình chinh phục thị trường của HTC là 1 câu chuyện vui buồn lẫn lộn khi đã có lúc HTC đứng ở vị trí dẫn đầu binh đoàn Android với những model rất xuất sắc như Legend, Desire rồi sau đó lại dần tụt hạng khi Samsung nổi lên quá mạnh mẽ.

    Với HTC One, hãng sản xuất Đài Bắc quyết tâm giành lại những gì đã mất. Liệu 1 smartphone được HTC gửi gắm hi vọng "Đông sơn tái khởi" có giành lại cho hãng vinh quang của những ngày xưa cũ?

    HTC One

    One, chiếc smartphone được HTC ký thác nhiều hi vọng và trách nhiệm liệu có làm nên chuyện trong 1 thị trường đang ngày càng chật hẹp?

    Bài đánh giá được thực hiện trên sản phẩm HTC One phiên bản thương mại của cửa hàng The Phone 206 Kim Mã.

    Thiết kế

    Cú trượt dốc không phanh của HTC trong 2 năm trở lại đây trên thị trường toàn cầu được đổ lỗi cho nhiều lý do. Tuy nhiên Thiết Kế chưa bao giờ được liệt kê trong số những lý do đó. Rõ ràng HTC luôn biết cách làm ra những sản phẩm khiến người dùng phải xuýt xoa khi cầm trên tay.

    HTC One là sự phối hợp rất hài hòa giữa nét góc cạnh khỏe khoắn với sự mềm mại và uyển chuyển từ mặt lưng bo tròn và các mép vuốt cong cùng cảm giác tinh tế sắc sảo đến từ 2 dải loa vi khoan ở 2 đầu máy. Ở chiếc One màu trắng mà tôi sử dụng, việc phối hợp giữa 2 tông tương phản đen-trắng ở phần trước mặt máy mang đậm hơi thở của thiết kế đương đại. Cầm HTC One trên tay, bạn dễ dàng lôi kéo rất nhiều ánh nhìn và lời trầm trồ của bạn bè xung quanh.

    HTC One

    HTC One là sản phẩm của phong cách thiết kế tối giản mang đậm hơi thở đương đại. Đặc biệt ở sản phẩm màu trắng, cách sử dụng 2 tông đen trắng tương phản khiến One trở nên không lẫn lộn giữa 1 rừng smartphone Android đang ngày càng có xu hướng đồng hóa về thiết kế.

    Tôi cũng thích cách HTC trung thành với thiết kế nguyên khối chắc chắn và mặt lưng vuốt cong đem lại cảm giác cầm nắm thoải mái trên One. Vật liệu nhôm trên One được HTC phát huy tất cả những ưu điểm của nó: không chỉ đem lại cảm giác chắc chắn, cao cấp, nhôm còn giúp One khá "nhẹ nhõm", nhất là khi so sánh với các smartphone có kích thước tương đương, phần viền máy được HTC đánh bóng giống như cách Apple làm trên iPhone 5.

    Chất lượng gia công cũng là 1 điểm sáng trên HTC One: tiêu chí "no-gap" (không có gờ) trên One đem lại cảm giác liền lạc giữa các thành phần, loại bỏ hoàn toàn cảm giác chắp vá ngay cả ở những vị trí tiếp giáp nhựa-nhôm-kính.

    HTC One

    Mặt lưng nhôm của HTC One được vuốt cong ôm sát vào lòng bàn tay người dùng, một phong cách HTC đã theo đuổi từ các sản phẩm trước đây như Desire HD, Sensation... Phần phía lưng của One đẹp khi ngắm và thoải mái khi cầm.

    Thử 1 lần "săm soi" phần vạch nhựa trên mặt lưng nhôm kín khít không chút gợn bạn sẽ hiểu HTC đã tỉ mỉ như thế nào trên sản phẩm của mình. Những lỗ khoan ở phần loa cũng được chăm chút kĩ càng. Rất may là dù các nút bấm của HTC One cũng tuân thủ theo nguyên tắc "no-gap": hoàn toàn chìm vào thân máy nhưng hành trình của các phím cứng như nút nguồn, âm lượng vẫn khá sâu và nảy, hoàn toàn không gây khó chịu cho người sử dụng. Kích thước của HTC One cũng không gây nhiều khó khăn cho người dùng mặc dù nếu so sánh với Galaxy S4, HTC One thậm chí còn cho cảm giác vướng víu hơn 1 chút dù rằng màn hình của máy nhỏ hơn 0.3 inch.

    HTC One

    Tất cả các phần tiếp giáp giữa nhựa và nhôm đều được HTC gia công tỉ mỉ, không để lại bất kỳ 1 kẽ hở, gợn nào.

    Tuy nhiên trên đời không có gì là hoàn hảo, và thiết kế của HTC One cũng vậy. Điều đầu tiên đáng phàn nàn, rất tiếc, lại chính là vật liệu nhôm. Bất chấp những ưu điểm rất đáng khen kể trên, vật liệu nhôm trên One cũng có những điểm nhược khá khó chịu. Đầu tiên cần kể tới là việc vỏ của One khá dễ móp, méo, một cú tiếp đất dù cực nhẹ cũng dễ dàng đánh dấu vĩnh viễn trên vỏ máy bằng những vết méo móp rất khó nhìn. Thiết kế nguyên khối đồng nghĩa với việc thay thế vỏ cho One hầu như là bất khả thi. Vì vậy với những người hậu đậu sử dụng HTC One, lời khuyên ở đây là nên dùng vỏ bao chống sốc cho máy ngay khi lấy ra khỏi hộp.

    HTC One

    Các nút bấm của One nằm hầu như phẳng so với viền máy nhưng vẫn đảm bảo được hành trình phím khá tốt.

    Tiếp theo đó mặt lưng được đánh nhám của One giúp cho cảm giác cầm máy chắc chắn hơn nhưng đồng thời cũng làm máy khó lau chùi hơn. Bài học thứ 2 ở đây là nếu bạn thường xuyên ra mồ hôi tay thì hãy lau chùi máy ngay khi vỏ máy còn ướt bằng khăn mềm, nếu để mồ hôi trên vỏ máy khô đi bạn sẽ phải rất vất vả để chùi sạch. Và điểm cuối cùng tôi muốn phàn nàn về HTC One là phần nắp camera của máy. Tôi đã có quá nhiều bài học đau buồn về việc nắp camera nhựa trên smartphone sau 1 thời gian sử dụng bị xước khiến ảnh chụp từ máy lúc nào cũng có cảm giác khói mờ nhìn rất khó chịu. Phần che camera của HTC One cũng làm từ nhựa và rõ ràng là không phải nhựa cường độ cao, trong khi thiết kế camera nằm hầu như phẳng với mặt lưng khiến nó càng dễ xước xát. Dù chỉ là 1 điểm bất hợp lý rất nhỏ nhưng có thể đến 1 ngày nào đó nó sẽ làm "què quặt" tính năng chụp ảnh của One. Những hạt sạn khó nuốt như thế này đáng lẽ ra không nên tồn tại với kinh nghiệm của HTC.

    HTC One
     

    Nhìn chung có thể nói HTC One là chiếc smartphone Android đầu tiên tôi cảm thấy thực sự sánh ngang và thậm chí là vượt qua iPhone 5 về độ bắt mắt cũng như chất lượng gia công. Nếu những gì bạn cần chỉ đơn thuần là 1 chiếc smartphone kiêm đồ trang sức, bạn sẽ không tìm được sản phẩm nào qua mặt được HTC One ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, One vẫn là 1 sản phẩm khá "mỏng manh" và bất kỳ 1 sai lầm nào khi dùng máy đều có thể sẽ phải trả giá (rất) đắt nên hãy có kế hoạch nâng niu máy ngay từ khi đập hộp để tránh những sự cố đáng tiếc.

    Màn hình

    Không cần phải tranh cãi, HTC One sở hữu một trong những màn hình cân bằng nhất của làng smartphone hiện tại. Với màn hình 4.7 inch, phân giải Full HD, HTC One đem lại chất lượng hình ảnh không thể phàn nàn được.

    HTC One
     

    Nếu như đối thủ chính của One, chiếc Galaxy S4 giành được lợi thế về độ "rực" của màu sắc thì HTC One lại thuyết phục hơn nhờ khả năng tái tạo màu sắc tương đối chính xác và độ sáng cao của màn hình, đảm bảo khả năng vận hành linh hoạt trong cả môi trường tối lẫn ngoài nắng gắt nơi Galaxy S4 tỏ ra đuối sức. Sự chênh lệch 0.3 inch giữa 2 màn hình thực tình là không lớn và không đem lại cho Galaxy S4 1 lợi thế cạnh tranh đáng kể.

    HTC One

    Từ trái qua: Xperia Z, One, Galaxy S4, Lumia 920. HTC One vẫn là smartphone cho màu trắng ưa nhìn nhất cũng như có độ sáng cao nhất trong số 4 sản phẩm.

    Cầm chiếc One trên tay, tìm cách "săm soi" điểm ảnh trên màn hình là 1 việc làm vô ích. Tất cả ảnh, text hiển thị trên màn hình của One đều cực kỳ sắc sảo và mịn màng. Xem phim, duyệt web và chơi game trên HTC One thực sự là những trải nghiệm rất phấn khích. Dù vậy cá nhân tôi là 1 người dùng trung thành của dòng Galaxy Note vẫn hi vọng màn hình của HTC One có thể lớn hơn 1 chút. Cảm giác sử dụng bàn phím ảo trên màn hình của HTC One vẫn hơi "líu ríu" với 1 người đã quen với những màn hình có kích thước tới 5.5 inch như tôi. Dù vậy nếu bạn là người nâng cấp lên từ các smartphone có cỡ màn dưới 4,3 inch thì bạn vẫn sẽ dễ bị "ngợp" trước kích thước "bao la" của màn hình HTC One.

    HTC One
     

    Việc HTC bỏ mất phím Menu trên One là 1 điểm tôi thấy khá khó chịu. Phím Menu vật lý bị "cắt hộ khẩu" vẫn xuất hiện dưới dạng 1 thanh ngang hiển thị trên màn hình tự nhiên choán mất 1 phần không gian quý báu trên màn hình 4.7 inch vốn dĩ không quá dư dả.

    HTC One

    Phím Menu chiếm dụng 1 phần không gian phía dưới của màn hình One đôi khi trở nên rất khó chịu.

    Ở 1 số apps như khi xem phim trên HDViet, Facebook chơi 1 số game... thanh ngang giữ chức năng phím Menu còn gây ra cảm giác mất tập trung, khó chịu cho người sử dụng. HTC có lẽ đã quá vội vã khi quyết định bỏ đi phím Menu vật lý vốn được sử dụng rất nhiều trên smartphone Android.

    Phần mềm

    Từng coi phần mềm là 1 trong những nhân tố chính tạo nên sự khác biệt trên các sản phẩm của mình, đã có thời gian HTC đầu tư rất nhiều cho giao diện HTC Sense. Và ở các phiên bản Android 2.x, đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Giao diện gốc của Android 2.x vẫn còn khá thô kệch và thiếu nhiều tính năng bổ trợ. Nhưng cú lột xác lên Android 4.x đã khiến gió đổi chiều, giao diện gốc của Android 4.x lại trở thành giao diện mượt mà, sáng sủa và nhẹ nhàng nhất trong số các giao diện hiện có trên thị trường. Sense của HTC dần mất đi tính cạnh tranh do việc HTC vẫn đầu tư mạnh cho 1 giao diện bóng bẩy, nhiều tính năng khiến Sense trở nên nặng nề và là nhân tố "ăn pin". Đến HTC One X, HTC đã đưa Sense xuống hàng thứ yếu và ở HTC One, Sense 1 lần nữa lại được tinh giản theo hướng nhẹ hơn, nhanh hơn, mượt mà hơn.

    HTC One
     

    Thay đổi dễ thấy nhất trên giao diện của One so với các sản phẩm tiền nhiệm là sự đơn giản. Vứt bỏ các hiệu ứng đổ bóng, 3D phức tạp, nặng nề HTC One sử dụng 1 giao diện "phẳng" hơn. Từ 1 màn hình khóa đơn giản tới trang Blinkfeed mang hơi hướm Windows Phone nhờ các "Live Tiles" đầy ắp thông tin cập nhật từ nguồn tin do người dùng tự chọn hoặc từ Facebook. Cho tới các icon được thiết kế lại theo hướng đơn giản hóa, sử dụng tông màu trung tính đem lại cảm giác rất trưởng thành và hài hòa cho HTC One.

    HTC One
     

    Có thể nói ở One, HTC lại 1 lần nữa tái sinh một giao diện Sense đẹp theo xu hướng mới. Tuy nhiên sự đơn giản hóa trên giao diện mới cũng đem lại những bất cập. Cụ thể như việc cắt bỏ các biểu tượng bật tắt nhanh kết nối trên Notification Center khiến người dùng khá khó chịu.

    HTC One
     

    Bên cạnh đó dường như phương thức mở khóa màn hình của HTC One bằng cách trượt từ mép dưới màn hình lên phía trên hơi đơn giản và dễ bị mở khóa màn hình nhầm khi nhét máy trong túi vì bản thân người viết đã bị 4 cuộc máy tự quay số khi để trong túi quần chỉ sau vài ngày sử dụng.

    HTC One
     

    Tính năng Blinkfeed dù khá bắt mắt và hoạt động ổn định nhưng hầu như chỉ để... làm cảnh vì tốc độ cập nhật tin tương đối chậm, ô hiển thị thông tin quá nhỏ và ít tùy chọn điều chỉnh nguồn tin.

    Có thể nói Sense trên HTC One mang lại những thay đổi vừa tốt vừa xấu nhưng không có gì quá đặc sắc trừ việc được thiết kế khá bắt mắt.

    Hiệu năng

    Có lẽ tại thời điểm này, hiệu năng xuất sắc đã là 1 yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các smartphone ở tầm giá 12 triệu đổ lên. Nhìn chung HTC One hoạt động đúng như mong đợi của tôi: Trơn tru mượt mà và không "ngán" bất kỳ game hay ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao nào. Thậm chí khi so sánh cảm giác vuốt trang web trên HTC One và Galaxy S4 tôi còn nhận thấy One mượt mà hơn khá nhiều. Có lẽ 1 phần do dung lượng RAM trống của HTC One thường cao hơn Galaxy S4 bị giao diện UX Nature 2 chiếm dụng quá nhiều tài nguyên.

    Một điểm cần phàn nàn về hiệu năng của HTC One là việc máy tỏa nhiệt khá nhiều khi sử dụng. Khác với Galaxy S4 chỉ tỏa nhiệt ở xung quanh phân Camera, HTC One "phát sốt" trên toàn bộ mặt lưng khi máy phải xử lý các tác vụ nặng như gaming, xem film hoặc kéo torrent qua Wifi. Nhiệt độ trên mặt lưng không đến mức "rát tay", tuy nhiên vẫn gây cảm giác không thoải mái khi sử dụng lâu. Nhìn chung bệnh nóng hiện tại là bệnh chung của tất cả các smartphone cao cấp với vi xử lý đa lõi chạy ở xung nhịp cao. Nếu bạn muốn 1 smartphone vừa mạnh vừa mát có lẽ bạn nên tìm đến chiếc smartphone có tản nhiệt nước mới ra mắt của NEC.

    Camera

    "Camera tuyệt vời, Âm thanh sống động, Thiết kế mẫu mực" được HTC coi là 3 tiêu chí cạnh tranh chủ lực trong các sản phẩm của hãng kể từ hồi đầu 2012 đến nay. Và Camera luôn là mắt xích yếu nhất trong thế trận liên hoàn của HTC. Với One, HTC áp dụng triệt để triết lý "Nếu muốn là kẻ dẫn đầu thì đừng theo đuôi người khác" và rời bỏ cuộc chạy đua số "chấm" để đưa ra thị trường 1 khái niệm mới "Camera ít Pixel nhưng Pixel to". Kết quả của sự thay đổi 180* này là cái mà HTC gọi là camera UltraPixel. Với phân giải cực đại chỉ 4MPx, mỗi điểm ảnh trên camera HTC One lớn hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh dẫn tới khả năng thu nhận nhiều ánh sáng hơn, cải thiện khả năng chụp tối của One.

    HTC One

    Phần mềm chụp ảnh của One có khá nhiều tùy chọn và tinh chỉnh. Tuy nhiên HTC quảng bá cho tính năng Zoe khá rầm rộ dù cá nhân tôi không cảm thấy Zoe có gì đặc sắc.

    Đó là lý thuyết. Trên thực tế, rất tiếc phải nói rằng Camera vẫn là mắt xích yếu nhất của HTC One. Trước hết nói về ảnh trong môi trường đủ sáng, thiết bị tôi sử dụng đã được cập nhật bản vá phần mềm cải thiện chất lượng ảnh từ HTC. Tuy nhiên ảnh trong môi trường đủ sáng đặc biệt ở các vùng hơi chói vẫn có cảm giác bị "cháy" với tương phản khá thấp và nhợt nhạt khiến hình ảnh mất cảm giác về chiều sâu. Một điểm tôi hài lòng về camera của One là khả năng đo sáng chính xác và nơi người chụp lấy nét, các đối thủ khác của One như Galaxy S4, Xperia Z không có được khả năng này.

     Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Ảnh trong điều kiện đủ sáng của One thường có xu hướng bị cháy, tạo cảm giác mờ khói khá khó chịu. Phiên bản tôi sử dụng để đánh giá đã cập nhật phần mềm mới nhất cải thiện chất lượng ảnh chụp. Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    HTC One tái tạo màu da người với xu hướng làm hồng và tăng đậm màu da khá nhiều khiến ảnh chụp có vẻ ưa nhìn hơn thực tế. 1 điểm cộng là Camera của One bắt ảnh khá nhanh, ít nhòe có lẽ do hệ thống ổn định quang học trang bị trên camera của máy. Tuy nhiên tiếng lấy nét và chụp ảnh của One nghe rất khó chịu, tôi phải tắt ngay âm thanh chụp chỉ sau 1 vài "pô".

     Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    HTC One tái tạo màu da khá hồng hào và ưa nhìn. Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Ảnh close-up là 1 trong những tình huống độ phân giải thấp của One "phô" ra yếu điểm của mình. Mặc dù ảnh vẫn tương đối nét nhưng phân giải thấp khiến bức ảnh của One khá "bết" khi zoom lớn và bỏ lỡ nhiều chi tiết mà các camera phân giải cao hơn bắt được.

     Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Độ chi tiết là thứ mà Camera của One còn phải cải thiện rất nhiều. Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

     Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

     Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Click chuột phải vào ảnh và chọn Open image in new tab để xem ảnh lớn.

    Ảnh trong tối của HTC One tạm chấp nhận được tuy nhiên không hề xuất sắc như những gì HTC quảng cáo. Ảnh vẫn rất nhiều nhiễu với độ sáng không thực sự vượt trội so với các đối thủ đồng cấp. Nhìn chung tính năng đáng ra HTC One phải cực kỳ xuất sắc thì những gì máy thể hiện gây cho tôi nhiều thất vọng. Những điểm cộng duy nhất của One ở mảng chụp đêm là khả năng cân bằng trắng tốt và tốc độ bắt ảnh nhanh, ít nhòe.

    Không có gì nhiều để nói về video quay từ One ngoại trừ việc tính năng ổn định hình ảnh hoạt động có vẻ thiếu hiệu quả khi đem đoạn phim vẫn bị rung lắc khá nhiều khi người quay đi lại.

    Âm thanh

    undefined
    undefined

    HTC One là chiếc điện thoại duy nhất từ trước tới nay tôi dành riêng ra 1 phần để nói về mảng âm thanh. Được coi là 1 trong 3 mũi nhọn của HTC, mảng âm thanh được HTC đầu tư rất kỹ lưỡng. Ngoài việc trang bị 1 tai nghe dây không rối cùng giải pháp xử lý âm thanh của Beat Audio quen thuộc, HTC One còn có 1 "vũ khí bí mật" khác mà tôi muốn nhắc tới: hệ thống loa ngoài BoomSound. 2 dải loa đặt ở phần trước màn hình của máy hướng thẳng về phía người nghe đem lại trải nghiệm vô cùng thuyết phục. Với 2 loa, One có khả năng tái tạo âm thanh vòm như 1 bộ loa stereo thực thụ, chỉ từ 1 vài tiếng trống dạo đầu của "Rolling in the deep" tôi đã cảm thấy ngay sự phấn khích khi nghe rõ ràng được tách bạch kênh trái-phải cũng như tiếng bass chắc nịch, có độ hẳn hoi. Thực sự Boom Sound là 1 nước cờ rất đúng đắn của HTC, đặc biệt với những ai thích xem phim trên điện thoại thì HTC One với dàn loa của mình sẽ là 1 máy chiếu film mini mà bạn có thể mang theo tới bất cứ nơi đâu.

    Thời lượng pin

    Luôn là tính năng được tôi nhắc tới cuối cùng, nhưng pin lại là yếu tố tôi có những đòi hỏi rất khắt khe. Nói cho cùng, 1 chiếc điện thoại hết pin giữa ngày làm việc cũng tai hại như 1 chiếc xe hết xăng giữa đường. Khi mà chúng ta phụ thuộc càng ngày càng nhiều vào smartphone để quản lý công việc, liên lạc, giải trí, tìm kiếm thông tin thì việc 1 chiếc điện thoại "bỏ rơi" chủ nhân giữa ngày vì hết pin là 1 điều khó chấp nhận. HTC chưa bao giờ được đánh giá cao về mảng pin và rất tiếc HTC One cũng vẫn lặp lại vấn đề này.

    HTC One

    Thời lượng pin của One chỉ có thể miêu tả bằng 1 chữ: "Xoàng".

    Với cường độ sử dụng 1 tiếng Youtube qua WiFi, 1h15p duyệt web, 25p Asphalt7, 30p nghe nhạc qua tai nghe, gọi điện thoại khoảng 20p với kết nối 3G, WiFi, push mail, Viber luôn bật, màn hình để sáng tự động, HTC One tụt từ 100% sạc xuống 25% sạc sau gần 6 tiếng sử dụng (từ rút sạc 7h sáng đến 13h chiều) và đầu hàng hoàn toàn vào lúc 4h30 chiều, giữa lúc tôi vẫn còn nhiều cú điện thoại cần gọi.

    Có lẽ HTC cũng ý thức được thời lượng pin khiêm tốn của HTC One khi "thửa" sẵn 1 chế độ tiết kiệm điện năng kích hoạt ngay trên Notification Center. Dù rằng kích hoạt chế độ này khiến tính năng Push mail cũng như Viber bỗng hoạt động chập chờn, nhưng nó sẽ giúp bạn có thêm 1 vài tiếng sử dụng nữa.

    Tuy nhiên cần lưu ý rằng hầu hết bạn đọc sẽ không sử dụng smartphone với cường độ như tôi. Nhìn chung với mức sử dụng của 1 người bình thường, HTC One vẫn dư sức gánh hết 1 ngày làm việc công sở: rút sạc 7h đến 8h tối. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên la cà quán xá buổi tối hoặc có nhu cầu sử dụng nhiều đến điện thoại thì lời khuyên là bạn nên tập thói quen sạc giữa ngày hoặc thủ theo 1 bộ pin sạc ngoài dự phòng.

    Kết luận

    HTC One là 1 chiếc smartphone khá mâu thuẫn: Trong khi có những mặt nó xứng đáng là "ông vua không ngai" như Thiết kế, màn hình, âm thanh thì lại có những mảng One gây thất vọng cho người viết như Camera và thời lượng pin. Rất tiếc là những yếu điểm của One lại là những yếu điểm rất "khó nuốt": Bạn sẽ luôn cảm thấy bực bội khi máy hết pin giữa ngày mà không tìm được chỗ sạc, hoặc luôn cảm thấy khao khát 1 camera chất lượng cao hơn. Trong khi 1 thiết kế bắt mắt hay 1 màn hình xuất sắc sẽ chỉ đem lại sự phấn khích trong 1 vài lần đầu sử dụng máy.

    Dù vậy, nếu như bạn không quá khắt khe về chất lượng camera và thời lượng pin, hoặc chỉ đơn giản bạn đang kiếm chiếc smartphone đẹp nhất trên thị trường vào thời điểm hiện tại thì 1 chiếc HTC One màu trắng sẽ là gợi ý của tôi.

    Với One, HTC đã "phong" thêm được 1 quân Vương Hậu đúng vào giây phút ván cờ smartphone tưởng như đã ngã ngũ. Với doanh số hơn 5 triệu máy bán được từ sau khi lên kệ, rõ ràng One là 1 nước đi đúng của hãng sản xuất Đài loan. Nhưng liệu quân Hậu của HTC có thể tạo ra được diễn biến bất ngờ trong bàn cờ đã vốn gần về thế tàn? Câu hỏi ấy sẽ cần thêm thời gian để trả lời. Tuy nhiên chắc chắn nếu HTC muốn lật ngược ván cờ thì hãng sẽ phải tìm cách khắc phục những gì One còn thiếu sót. Dù vậy, HTC One có thể được coi là nhân tố tạo bất ngờ lớn nhất mà chúng ta được thấy trong gần 2 năm trở lại đây, từ sau chiếc Galaxy S2 của Samsung. Và với những gì chúng ta được chứng kiến ở One có thể khẳng định 1 điều : HTC vẫn còn cửa để quay về với vinh quang của những ngày xưa cũ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ