Hệ điều hành di động: Mảng tối phía sau iOS và Android

    Tùng Phạm,  

    Đó là những hệ điều hành di động tiềm năng nhưng chưa thể cất cánh.

    Nếu phần cứng được ví là thân xác của một thiết bị di động thì phần hồn chính là hệ điều hành. Giống như phần cứng, hệ điều hành cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, trải nghiệm người dùng tốt đến đâu mới là điều đáng nói. 

    1. Firefox OS 

    Đây là hệ điều hành nguồn mở do Mozilla, ông chủ của trình duyệt Firefox xây dựng riêng cho smartphone cũng như máy tính bảng. Điểm đặc biệt của Firefox OS là khả năng hoạt động dựa trên các chuẩn web mở như HTML5, JavaScript ... Mục tiêu của Firefox không phải để đối đầu với iOS hay Android. Thay vào đó, hệ điều hành di động này hướng tới việc chinh phục người dùng cấp thấp bằng các sản phẩm đáp ứng tốt các nhu cầu đơn giản và già thành rẻ. Đó cũng được coi là thị trường tiềm năng mà nhiều nhà sản xuất đang hướng tới hiện nay trong bối cảnh phân khúc cao cấp đang dần trở nên bão hòa.

     

     

    Do sự ảnh hưởng quá lớn của Android với hàng loạt các sản phẩm từ cấp thấp, tầm trung cho đến cao cấp mà Firefox OS vẫn chưa có cơ hội phát triển. Giờ đây, người dùng có rất nhiều tùy chọn khi muốn mua một chiếc điện thoại giá rẻ và họ thường chọn nền tảng Android vốn thân thuộc và có nhiều ứng dụng hơn so với Firefox. 

    2. Tizen

    Hệ điều hành Tizen là kết quả của sự hợp tác giữa Samsung, Intel, Linux cùng một số tên tuổi khác nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Android của Google. Tizen thừa hưởng công nghệ của Nokia và Intel thông qua dự án Meego chết yểu, cũng như của Samsung, Verizon và Vodaphone. Hiện nay, Tizen thuộc kiểm soát trực tiếp của Samsung và Intel. Hiệp hội Tizen là một nhóm các thành viên đóng góp mã và đưa ra gợi ý, nhưng việc phát triển chính vẫn nằm dưới sự hướng dẫn của Samsung và Intel. Intel và Samsung có nhiệm vụ giám sát lẫn nhau. Intel sẽ đảm bảo Samsung không tìm cách nhúng toàn bộ công nghệ của họ vào Tizen để chiếm lĩnh hệ điều hành này và gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất khác, trong khi Samsung phải đảm bảo Tizen có thể hoạt động với mọi loại chip di động chứ không chỉ chip của Intel.

    Số phận của Tizen vẫn đang là dấu hỏi lớn. Hệ điều hành này đối mặt với nhiều khó khăn như phải tranh giành sự hỗ trợ của các nhà phát triển ứng dụng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng... Mặc dù được hậu thuẩn bởi nhiều tên tuổi lớn nhưng nền tảng di động này vẫn chưa thể cất cánh ở thời điểm hiện tại.

    3. Ubuntu

    Tiềm năng của Ubuntu là không phải bàn cãi ngay khi chiếc smartphone Ubuntu Edge ra mắt. Về lý thuyết,  Edge có thể chạy hệ điều hành Ubuntu Phone OS (hoặc Android, tùy thuộc vào sự lựa chọn của người dùng). Sau đó, khi bạn kết nối Edge với một màn hình máy tính qua cổng HDMI với các phụ kiện quen thuộc gồm chuột và bàn phím qua Bluetooth, Edge sẽ tự động chuyển sang chạy một phiên bản hệ điều hành Ubuntu Desktop OS dành cho máy bàn. Khi bạn di chuyển, Edge là một smartphone bình thường, nhưng ở nhà hay trong văn phòng, nó sẽ trở thành máy tính để bàn của bạn. Tất cả các tập tin cũng như các thiết lập riêng của người dùng đều được đồng bộ hóa giữa hệ điều hành di động và hệ điều hành desktop. Thậm chí khi đang dùng Edge với chức năng của hệ điều hành PC thì người dùng vẫn có thể gọi điện hoặc trả lời tin nhắn. 

     

     

     

    Nếu như tablet Windows có thể dần xóa nhòa ranh giới giữa tablet và laptop thì điện thoại Ubuntu Edge lại gần như dung hòa smartphone cùng với PC. Tuy nhiên, ngoài việc huy động đủ nguồn tài trợ thì các thách thức về giới hạn phần cứng cũng như khả năng hoạt động của phần mềm trên Edge vẫn đang được đặt một dấu hỏi lớn.

    4. Sailfish 

    Sailfish là hệ điều hành mã nguồn mở được xây dựng dựa trên Mer, một nhánh của hệ điều hành MeeGo và sử dụng framework Nemo với giao diện người dùng đã được tùy biến. Giống với các hệ điều hành nền Linux khác, Sailfish hỗ trợ cả thiết bị dùng chip ARM lẫn x86. Hệ điều hành này phát triển dưới bàn tay của Jolla, công ty do các nhân viên cũ Nokia tụ họp. Chính vì bởi nguồn lực quá bé mà đến này hệ điều này này vẫn không được biết đến dù rằng những trải nghiệm ban đầu cho thấy đây thực sự là một nền tảng đầy hứa hẹn, đơn giản và dễ sử dụng. Không chỉ bởi sự mượt mà hay khả năng điều khiển theo cử chỉ tay mà quan trọng hơn hết là khả năng chạy các ứng dụng được từ Android giúp cho Sailfish không lâm vào tình cảnh thiếu ứng dụng như Windows Phone gặp phải ở giai đoạn đầu.

    Kết

    Khi cái bóng của iOS và Android đã quá lớn, việc những cái tên kể trên vẫn chưa thể thăng hoa không phải là điều khó hiểu bất chấp việc chúng cũng có cái hay, nét dở riêng. Tuy nhiên, để thành công trước 2 tên tuổi đã được khẳng định, chúng cần phải tạo được sự đột phá, thứ không hề dễ dàng tạo ra trong môi trường công nghệ đầy cạnh tranh. Do đó, thiết nghĩ những Firefox, Tizen .... cũng nên mạnh dạn áp dụng những ý tưởng mới thay vì đi theo lối mòn của những người đi trước.

    >>  iOS không còn an toàn trước phần mềm độc hại

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ