Dịch phụ đề phim mà không được chủ bản quyền phim cho phép có thể bị coi là phạm pháp

    Nguyễn Hải,  

    Giờ đây không chỉ những trang web chia sẻ phụ đề phim, mà ngay cả những người dịch phụ đề phim cũng bị xem như những kẻ tội phạm.

    Mix là phóng viên người Hà Lan của trang The Next Web. Cũng giống như nhiều người, anh chọn tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai cho mình. Và để làm được điều đó, anh tận dụng mọi cơ hội có thể để tự học tiếng Anh: chơi game, đọc các tạp chí bằng tiếng Anh và đặc biệt là xem phim.

    Không giống như chơi game hay xem tạp chí, điều làm các bộ phim tiếng Anh trở nên đặc biệt quan trọng với người tự học tiếng Anh là nó đi kèm với các phụ đề bằng tiếng mẹ đẻ. Bằng cách này khi xem phim, người học có thể nắm bắt được cách dùng từ, các thành ngữ, trong nhiều tình huống khác nhau, mà không cần mất nhiều công sức.

    Nhưng theo một phán quyết mới đây của tòa án tại Thụy Điển, cách học hiệu quả này sẽ không còn được dùng nữa. Theo báo cáo từ TorrentFreak, một tòa àn tại Thụy Điển đã kết án người sáng lập trang web chia sẻ phụ đề do Fan tự làm. Undertexter.se, vì vi phạm bản quyền.

    Trước đó vào tháng 4 năm 2017, một tòa án tại Hà Lan cũng ra một phán quyết tương tự trong vụ kiện giữa nhóm dịch phụ đề Free Subtitles Foundation với BREIN - Hiệp hội các nhà làm phim Hà Lan. Theo đó, hành vi dịch phụ đề phim mà chưa có sự cho phép của người nắm giữ bản quyền phim sẽ bị coi là bất hợp pháp.

    Không thể tin nổi việc mình là bất hợp pháp

    Undertexter là một trong những trang web về phụ đề phim nổi tiếng nhất tại Thụy Điển trong gần một thập kỷ nay, với sự đóng góp từ một số lượng lớn dịch giả hàng ngày đăng tải lên đó các phụ đề phim. Tuy nhiên, đến mùa hè năm 2013, trang web đột ngột bị đóng cửa.

    Trong khi các phụ đề trên trang Undertexter thường được phân phối miễn phí, chúng cũng được sử dụng kết hợp với các nội dung vi phạm bản quyền. Vì vậy, đối mặt với sức ép từ các công ty phim tại Hollywood, cảnh sát Thụy Điển đã tấn công trang web và chiếm giữ các máy chủ của nó.

    Đây là điều mà người sáng lập trang web, Eugen Archy, ngờ tới. Trên thực tế, anh còn không tin rằng công việc của mình bị xem là hoạt động bất hợp pháp. “Mọi người đóng góp cho trang web này, không xem việc phiên dịch các đoạn hội thoại là điều gì đó bất hợp pháp, đặc biệt là khi chúng tôi đang phân phối các bản dịch đó miễn phí.” Anh cho biết.

    Nhưng đó không phải cách nhìn nhận của những người làm luật. Nhà sáng lập Undertexter bị bắt và sau đó bị truy tố vì phân phát các tài liệu vi phạm bản quyền – một lời cáo buộc có thể đưa anh này vào tù.

    Tuy nhiên, trong khi Archy may mắn tránh được phán quyết này, tòa án quận Attunda đã kết án nhà sáng lập trang web phải chịu quản chế và nộp phạt 217.000 Kroner Thụy Điển (khoảng 27.000 USD), số tiền sẽ bị thu giữ lại từ việc quảng cáo và các khoản đóng góp thông qua trang web này.

    Cũng theo TorrentFreak, trong số hàng triệu phụ đề lưu trữ trên Undertexter, bên khởi tố đã dựa vào việc lựa chọn 74 tựa phim để phục vụ cho vụ án này. Phần lớn trong số các tựa phim đó không được sử dụng cho mục đích thương mại tại Thụy Điển trong thời gian đó.

    Tranh cãi cho cáo buộc vô lý này, bên bị lập luận rằng, trong khi các bộ phim được tạo nên từ âm thanh và hình ảnh, các phụ đề chỉ là yếu tố bổ sung cho nó. Nhưng tòa án đã không đồng ý với lập luận trên.

    Tác hại cho cộng đồng

    Nhiều điều đáng nói hơn cả là phán quyết này của tòa án đã mở ra một cánh cửa cho việc lập luận rằng, các phụ đề do những người hâm mộ tự dịch sẽ bị xem là tài liệu vi phạm bản quyền ở các nước khác trên thế giới.

    Về cơ bản, điều này đặt các nhà phân phối phụ đề đó vào khung hình phạt giống như những kẻ tội phạm. Tiếp sau đó, rất có thể chính những người tham gia biên dịch các phụ đề đó cũng sẽ bị xem là những kẻ vi phạm bản quyền. Và thực ra, phán quyết này đã cho phép những người nắm giữ bản quyền đã bắt đầu tìm đến những người đó rồi đấy.

    Từ lâu nay, các nhóm dịch phụ đề đã hoạt động như một trung tâm học ngoại ngữ thu nhỏ, nơi mọi người có thể nghe thấy các tiếng lóng cũng như các cụm từ khó hiểu khác mà giáo viên thường không bao giờ nói với bạn.

    Đó còn là nơi mọi người có thể tranh luận về các cách giải thích chính xác, các cụm từ luyến láy đôi khi bị bỏ qua trong khi dịch, hoặc về việc chuyển thể trung thành các thuật ngữ. Không chỉ trong các sự kiện hiếm hoi nào đó, mà việc đó gần như diễn ra hàng ngày.

    Nhưng với phán quyết này, rất có thể những hoạt động như vậy của các nhóm dịch phụ đề phim sẽ không còn nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng những người muốn tự học tiếng Anh, cả với những người muốn đóng góp cho cộng đồng các bản dịch của mình, cũng như những người mong muốn các bản dịch chất lượng để hiểu rõ ý nghĩa các cụm từ khó hiểu mà họ gặp phải.

    Tham khảo The Next Web

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ