Điểm lại 9 đời iOS trước khi phiên bản 10 ra mắt

    NPQM,  

    Có khi nào bạn tự hỏi, để có được một hệ sinh thái toàn diện đi kèm với những thành tựu đáng nể như hiện nay, đội ngũ phát triển của Apple đã phải trải qua những gì hay không? Nếu vẫn còn đang băn khoăn thắc mắc thì dưới đây chính là lời giải đáp mà bạn đang đang tìm kiếm cho câu hỏi trên.

    Ngày 29/6 năm 2007 đánh dấu một khởi đầu mang tính chất lịch sử, tạo tiền đề cho một cuộc cách mạng công nghệ khi Apple cho ra đời hệ điều hành iOS, tương thích với thiết bị điện thoại thông minh iPhone đột phá của mình. Kể từ đó đến nay, công ty công nghệ xứ Cupertino đã từng bước trải qua những đợt nâng cấp, cải thiện đáng kể nền tảng trên, vốn là lựa chọn ưa thích của một bộ phận đông đảo fan trung thành.

    Tất nhiên, làm vừa lòng một cộng đồng lớn người hâm mộ lớn như vậy chưa bao giờ là điều dễ dàng và tiêu tốn ít mồ hôi công sức. Vì vậy, chỉ vào mùa hè mỗi năm, một phiên bản iOS tiếp theo mới được ra mắt, thỏa lòng mong ước của hàng triệu tín đồ công nghệ về những sửa đổi đáng giá, đem lại hiệu năng và trải nghiệm mượt mà cho mọi thiết bị của Apple.

    Mới đây nhất, hàng loạt những thông tin đã nổi lên rầm rộ, xen lẫn với sự háo hức của người dùng trên toàn thế giới khi sắp tới thời điểm “đứa con thứ 10” của Apple được “sinh ra”. Nhưng trước khi hòa chung vào không khí sôi nổi của buổi ra mắt sẽ diễn ra tại sân khấu nhà hát Bill Graham tới đây, dù là tận mắt chứng kiến hay theo dõi qua các phương tiện truyền thông, hãy dành ra vài phút để nhìn lại quá khứ huy hoàng, bâng khuâng hồi tưởng về tất cả những thiết kế, sản phẩm phi thường cùng cách mà Apple đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của thế giới về các thiết bị công nghệ trong suốt những năm qua.


    iPhone OS 1

    - Khái quát chung: Vào năm 2007, Steve Jobs giới thiệu đồng thời cả hai sản phẩm iPhone và hệ điều hành độc tôn với tên gọi iPhone OS 1 đi kèm với dòng điện thoại trên. Trong buổi họp báo sau đó, Jobs ban đầu cho biết tên hiệu sẽ là OS X vì nó bắt nguồn và có chung lõi nền tảng như phiên bản tương đương trên máy tính. Một năm sau đó, cùng thời điểm Apple hoàn thiện bộ công cụ phát triển phần mềm iPhone SDK, cái tên iPhone OS chính thức được khẳng định, gắn liền với thương hiệu đình đám này từ đó đến nay.

    - Ý nghĩa: Thiết kế ra mắt iPhone là một trong những thành tựu đáng chú ý nhất trong lịch sử thiết bị công nghệ, không chỉ kế thừa những đặc tính nổi trội nhất của những “đàn anh đàn chị” mà còn được cải tiến, đạt đến khía cạnh hoàn toàn mới mẻ và độc nhất trong lĩnh vực di động, khiến khách hàng cảm thấy bị mê hoặc bởi sức cuốn hút mãnh liệt ấy.

    Với kích cỡ nhỏ gọn vừa tay, Apple đã thiết lập nên một tiêu chuẩn thiết kế cho hình dáng, phong cách của nền công nghiệp smartphone suốt một thời gian dài sau đó (xin chia buồn với BlackBerry). Hơn nữa, concept hiển thị danh sách ứng dụng dưới dạng hệ thống kẻ ô/mắt lưới cũng trở thành một tượng đài trong suốt 9 năm qua, được hầu hết các “ông lớn” khác trong ngành công nghệ học tập và áp dụng theo.

    Bên cạnh đó, không thể không kể tới phát minh cảm ứng đa điểm cùng những ý tưởng rường cột, tạo tiền đề phát triển cho rất nhiều đột phá khác liên quan tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh và toàn diện. Tất cả tính năng của một chiếc máy ảnh, iPod, điện thoại hay thậm chí chức năng truy xuất và tìm kiếm thông tin như một chiếc máy tính thực thụ, nay đã được gói gọn trong một thiết bị với kích thước vỏn vẹn chỉ bằng túi quần của bạn!


    iPhone OS 2

    - Khái quát chung: Ngày 11/7 năm 2008, Apple chính thức mở rộng, cải thiện khả năng và hiệu suất của hệ điều hành di động vẫn đang nắm giữ một vị thế chắc chắn trên đầu bảng xếp hạng. Điểm nổi bật nhất là sự xuất hiện của các ứng dụng từ những nhà phát triển thứ ba (nay đã tích hợp thông qua AppStore), cũng như thiết lập dịch vụ xác định vị trí GPS dành riêng cho mẫu iPhone 3G. Nền tảng điện toán dữ liệu đám mây MobileMe cũng thuộc một trong những dự án mới của Apple nhằm tiến sâu hơn vào làm chủ thị trường di động, nhưng thành quả thu được lại không mấy khởi sắc và nhanh chóng bị quên lãng.

    - Ý nghĩa: Nếu coi iOS là nền móng cơ bản cho bước chuyển mình cách mạng của lĩnh vực smartphone, thì iPhone OS 2 là chất xúc tác hiệu quả cho một giai đoạn lột xác ấn tượng hơn nữa. Trước đó, chiếc iPhone thực chất lại vô tình bị xem như một “Biển quảng cáo di động” cho Apple vì một điều khoản cứng nhắc yêu cầu mọi ứng dụng hoạt động phải được phát triển bởi chính Apple. Nhưng kể từ khi công cụ dành riêng cho các nhà lập trình app di động – iPhone SDK – được đưa ra, tiến đến thời điểm ra mắt bản nâng cấp thứ 2, Apple đã thực sự thực hiện một nước cờ vô cùng đúng đắn và đắt giá, góp phần cạnh tranh mạnh mẽ với Google và hệ điều hành Android (ra mắt 1 tháng ngay sau đó).


    iPhone OS 3

    - Khái quát chung: Sau thành công cùng với AppStore, Apple vẫn chưa chịu dừng lại mà muốn tiến xa hơn nữa, mở rộng và nâng tầm vị thế của mình. Điều này cũng gắn liền với hàng loạt phát kiến sáng giá được lãnh đạo bởi Steve Jobs như cài đặt copy/paste, hỗ trợ MMS, giao thức ghép đôi giữa 2 máy và cả thông báo nhanh cho các app của bên thứ 3.

    - Ý nghĩa: Sau một quá trình tập trung hoàn toàn trọng tâm vào thúc đẩy và hoàn thiện những nền tảng sẵn có, Apple cuối cùng cũng nắm giữ được sự ổn định cho riêng mình. iPhone OS 3 đi kèm với ít sửa đổi đáng kể hơn so với 2 phiên bản tiền nhiệm, nhưng thay vào đó là những cập nhật đắt giá liên quan tới sự phong phú, đa dạng của thị trường ứng dụng, cùng tính năng mà nay đã trở nên không thể thiếu cho một chiếc smartphone cơ bản – thông báo nhanh.

    Ngoài ra, đây cũng là thời gian dấy lên những nghi vấn, tin đồn liên quan đến sự ra đời của chiếc iPad đầu tiên và “skeuomorphism” – phong cách và ngôn ngữ thiết kế khiến cho các icon như được “thực tế hóa” như những vật tương ứng trong cuộc sống, cùng với hiệu ứng tương tác thích hợp, tạo nên một trải nghiệm mới lạ và thích thú cho người dùng. Điều này cũng có nghĩa những app như Newsstand và Notes sẽ được “cải tiến” lại sao cho giống với một tủ, quầy sách hay bản ghi chú thực sự. Tuy nhiên, bước biến chuyển trên chỉ có cơ hội trở thành hiện thực 4 năm sau đó.


    iOS 4

    - Khái quát chung: Trước tiên và trên hết, điểm khác biệt rõ nhất là công ty công nghệ xứ Cupertino đã chính thức loại bỏ chữ “Phone” trong mã tên của hệ điều hành, như một lẽ thường tình khi giờ đây đã có thêm iPad là thành viên mới gia nhập vào hệ sinh thái thiết bị của Apple. Về mặt phần mềm, hai gương mặt mới nhưng cũng đầy hứa hẹn được ra mắt: FaceTime và tính năng đa tác vụ.

    - Ý nghĩa: Ở iOS 4, Apple đã tự tìm ra một lộ trình thích hợp cho mình, không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài trong nhiều năm sau đó. Cụ thể, FaceTime là một minh chứng rõ ràng nhất khi tạo ra một phương thức giao tiếp mới, đầy tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu biến động của khách hàng theo dòng phát triển của thế giới, nhất là khi đó chưa có hãng sản xuất công nghệ nào đứng ra áp dụng phương pháp truyền thông liên lạc độc đáo này lên điện thoại di động. Ngay cả ứng dụng nổi tiếng Skype trên nền tảng máy tính cũng phải mất vài năm sau đó để trở nên phổ biến hoàn toàn trên smartphone.

    Hơn thế nữa, ý tưởng phát triển đa nhiệm trên hệ điều hành cũng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trực tiếp đối với sức hấp dẫn của Apple mà còn gián tiếp tác động, ảnh hưởng đến các nhà phát hành công nghệ khác như Google và động thái của họ khi áp dụng, cập nhật hình thức tương tự, đặc biệt là giao diện “thẻ” đa tác vụ trên web lên toàn bộ thiết bị Android.


    iOS 5

    - Khái quát chung: Càng ngày iOS càng khẳng định vị thế của mình khi tích hợp thêm 3 đặc điểm, chức năng nữa mà có lẽ cho tới hiện nay vẫn khó có thể bị thay thế hay đánh giá thấp tầm quan trọng của chúng: Trung tâm thông báo, iMessage và Siri. Ngoài ra, không thể bỏ qua sự góp mặt của iCloud cùng những tính năng bảo mật đi kèm trong phiên bản này.

    - Ý nghĩa: Apple thời điểm bấy giờ đang tập trung hướng đến những lợi ích gắn bó mật thiết với những dịch vụ công nghệ của thời đại hiện này, đặc biệt là các hình thức liên lạc tiện dụng như SMS/MMS và thông báo nhanh. Với tốc độ phổ biến và hội nhập nhanh chóng của iMessage, trong cộng đồng người sử dụng, Apple có thể tự hào cạnh tranh với những đối thủ như Whatsapp, thậm chí thay đổi hoàn toàn diện mạo thị phần ứng dụng nhắn tin trên thế giới.

    Xét về hiện tại, có lẽ không thể sánh được với sự ấn tượng và mức độ ưa chuộng của fan dành cho trợ lý ảo của Google. Tuy nhiên, trở lại 5 năm trước đó, Siri mới thực sự là một phát kiến đột phá khi mà không ai nghĩ đến việc sẽ có sự xuất hiện của một trợ lý AI riêng trên điện thoại, hỗ trợ mọi thứ trên đặc quyền của bạn. Thậm chí khả năng của nó còn cho phép giao tiếp cơ bản như giữa con người với con người. Chắc chắn không thể phủ nhận đây là bước tiến vượt xa so với tính năng Voice Control đơn giản trước đó, nhưng dù sao Siri vẫn cần thêm nhiều cải tiến đáng kể để phù hợp hơn với xu hướng công nghệ toàn cầu.


    iOS 6

    - Khái quát chung: Một vài dịch vụ mới tiếp tục được mở ra, song hành với những nhu cầu cấp thiết nổi lên trong cuộc sống. Apple cũng không vì một lí do gì mà chịu đứng ngoài cuộc chơi với sự xuất hiện của ứng dụng bản đồ “chính chủ” Apple Maps và Passbook – cho phép lưu trữ dữ liệu các loại vé máy bay, thẻ giảm giá hoặc những phiếu ưu đãi có hạn. Hơn nữa, Siri nay đã nhận thêm nhiều ưu điểm vượt trội, việc ứng dụng YouTube “chướng tai gai mắt” đối với fan hâm mộ cuối cùng đã được loại bỏ, thể theo nguyện vọng của đa số phản hồi trước đó.

    - Ý nghĩa: Việc ra mắt iOS 6 và những cập nhật trên cũng đồng nghĩa với việc đưa ra một thông điệp rằng: Apple và Google nay đã không còn coi nhau là đối tác hiệp lực, thúc đẩy lẫn nhau. Trở lại năm 2012, Google Maps tự hào nắm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những dịch vụ bản đồ trực tuyến được yêu thích nhất. Nhưng sau đó Steve Jobs thậm chí đã mời chính quản lý cấp cao của Google – Eric Schmidt – đến cùng tham gia quá trình phát triển nền tảng dịch vụ trên iPhone, từ đó đã dẫn đến mối hiềm khích giữa 2 “ông trùm công nghệ”, đặc biệt là khi Apple đã sẵn sàng, nắm lấy nhiều cơ hội ưu thế hơn trong việc thu hút khách hàng đến với sản phẩm của mình.

    Tuy vậy, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để giúp Apple bứt phá lên toàn bộ, bằng chứng là việc họ vô tình bỏ qua trải nghiệm trọn vẹn của người dùng mà chỉ tập trung phần lớn vào khía cạnh mở rộng tầm ảnh hưởng và phổ biến của ứng dụng, khiến “gậy ông đập lưng ông”, tạo nên một bước đi sai lầm không đáng có, vốn đã không đáp ứng được chính những chuẩn mực cơ bản theo kế hoạch họ đề ra ban đầu.

    Bù lại, niềm an ủi, khích lệ cho Apple lại đến từ những nâng cấp của Siri – trợ lý ảo mạnh mẽ với nhiều chức năng đa dạng và thú vị. Hơn nữa, Apple cũng đã nhẹ tay hơn khi “nới lỏng” những đặc tính cố hữu của một hệ điều hành mã nguồn đóng, cho phép phát triển giao diện Widget thông báo độc lập cho các mạng xã hội như Facebook và Twitter.


    iOS 7

    - Khái quát chung: iOS 7 nay hoàn toàn được gói gọn trong thiết kế mang phong cách phẳng và đơn giản, có xu hướng cụ thể hóa trực tiếp vai trò của các icon, cùng phông chữ mới Helvetica. Đã ứng dụng được thêm nhiều tính năng tương tác độc đáo qua những cử chỉ kéo, vuốt, thả từ bên cạnh màn hình, đồng thời ý tưởng màn hình chính mô phỏng không gian với chiều sâu 3D cũng được đưa vào áp dụng. Một điểm đáng chú ý nữa là Trung tâm điều khiển (Control Center) có khả năng truy cập nhanh những công cụ điều chỉnh hệ thống như Bluetooth, đèn flash và một tính năng mới: AirDrop. Giao diện ứng dụng Photos, iTunes Radio và thẻ đa tác vụ cũng trở thành một điểm nhấn riêng biệt, cũng như công nghệ TouchID cảm biến vân tay (chỉ dành cho phiên bản iPhone 5S trở lên).

    Trải nghiệm tính năng mới trên iOS 7

    - Ý nghĩa: Tim Cook – CEO của Apple đã phát biểu trong Hội nghị dành cho các nhà phát triển toàn cầu WWDC, đánh giá iOS 7 là “một trong những thay đổi toàn diện và tuyệt vời nhất kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời”. Mặc dù không thể tránh khỏi một số lời chỉ trích và không nhất trí với quan điểm trên, iOS 7 vẫn trở thành một biểu tượng đã đi vào lịch sử phát triển của iPhone.


    iOS 8

    - Khái quát chung: Với diện mạo ngày càng mới mẻ, Apple đã tỏ rõ cho cộng đồng fan “táo khuyết” thấy rằng họ đang trở lại trọng tâm trong việc tối ứu hóa mọi chức năng của iOSS, đồng thời cung cấp thêm nhiều nền tảng hỗ trợ các nhà lập trình tham gia phát triển trên nhiều khía cạnh liên quan hơn nữa: Xuất hiện ứng dụng bàn phím từ các bên thứ 3, hệ thống Widget mới mẻ và chức năng chia sẻ dữ liệu thông qua nhiều dịch vụ khác nhau.

    Bên cạnh đó, công cụ Testflight cũng được mở ra, đồng nghĩa với một phương pháp tiện lợi cho các nhà phát triển thử nghiệm dự án mới của mình; cùng với ứng dụng Sức khỏe và bộ sưu tập “Kits” như Health Kit, Research Kit và Home Kit cũng được ra mắt. Ngoài ra Apple còn “nhăm nhe” tính đến việc xóa nhòa ranh giới giữa 2 cơ sở hệ điều hành điện thoại và máy tính – iOS và OS X – nhờ vào ý tưởng mang tên Continuity (tương tự như thành công của Continuum trên Windows 10 Mobile của Microsoft hiện nay).

    Đương nhiên, nếu đã là một người hâm mộ trung thành với dòng sản phẩm của Apple thì không thể bỏ qua những cập nhật đắt giá về cả phần cứng lẫn phần mềm trong thời điểm lúc bấy giờ, chẳng hạn như Apple Pay (iOS 8.1) song song với chức năng NFC trên iPhone 6 và Apple Music (iOS 8.4).

    - Ý nghĩa: Từ trước tới nay, Android đã nổi tiếng là hệ điều hành mở, cho phép can thiệp vào nhiều góc độ để tùy chỉnh tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng. Về phía iOS 8, Apple cũng rất thông thái và đúng đắn khi áp dụng điều tương tự, mở ra thêm nhiều con đường tùy biến hệ thống sâu hơn nữa.

    Còn Apple Pay thì sao? Dù không phải là ứng dụng đầu tiên khoác lên mình chức năng trên, nhưng xét về mọi mặt, Apple Pay là phần mềm được thiết kế toàn diện nhất ở thời điểm lúc đó. Sức thu hút của dịch vụ âm nhạc trực tuyến mới nổi Apple Music cũng ít nhiều đem đến sự hài lòng cho khách hàng, hơn nữa cách thức và đường lối của Apple cũng góp phần giúp cho trải nghiệm sản phẩm trọn vẹn hơn khi giờ đây Jailbreak không còn là cách duy nhất có khả năng điều chỉnh, can thiệp sâu vào một chiếc iPhone.


    iOS 9

    - Khái quát chung: iOS 9 đặc biệt tập trung vào 3 khía cạnh: Cải thiện Siri, nâng cấp Apple Music và tính năng 3D Touch. Cụ thể, “bộ não” của Siri được tích hợp thêm công nghệ Proactive, có vai trò quan trọng trong việc cạnh tranh với sức mạnh của Google Now. Ứng dụng thiết yếu như Notes, Transit và News, tất cả đều gắn liền với nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày, nhận được những sửa đổi tích cực. Tiếp đến, iPad nay đã có khả năng hoạt động với nhiều cửa sổ làm việc độc lập, riêng biệt. Thậm chí dung lượng trung bình của các ứng dụng, phần mềm đã giảm đi đáng kể mà vẫn giữ được hiệu quả như trước.

    Tính năng 3D Touch
    Tính năng 3D Touch

    - Ý nghĩa: iOS 9 thực sự là một bước chạy nước rút của Apple trong cuộc đua công nghệ trên toàn thế giới để bắt kịp với các đối thủ khác. Trước đó, nền tảng hỗ trợ đa cửa sổ đã được Samsung và Microsoft phát triển từ lâu, Spotify đã len lỏi vào trong và lên nắm giữ một vị trí đáng mơ ước trong thị trường dịch vụ âm nhạc trực tuyến Mỹ trong 4 năm liền, và Proactive vẫn còn một chút thiếu sót so với những gì Google Now làm được.

    Dù sao 3D Touch có thể được coi là một nét nhấn mới lạ và tích cực khi Apple là công ty đầu tiên tích hợp công nghệ này (vài mẫu smartphone Android cũng cố gắng áp dụng, mô phỏng thiết kế tương tự nhưng kết quả có vẻ không khả quan), cung cấp cho iPhone một cách thức tương tác với ứng dụng trên màn hình chính dựa trên cảm ứng lực, kết hợp nhiều chức năng tùy chỉnh hơn cho bàn phím và Mail. Cuối cùng, theo một vài tin đồn hiện nay, Apple đang tính toán cho một bước biến chuyển công nghệ đột phá tiếp theo đối với thế hệ iPhone 2017 của mình.

    Không thể phủ nhận rằng mức độ và những lần cải thiện, nâng cấp hệ thống của Apple phần lớn là học tập những nền tảng có sẵn từ trước, nhưng dù sao bấy nhiêu động thái trên đều hướng tới một mục đích tốt đẹp, một iOS ngày càng toàn diện hơn bao giờ, cũng như kế hoạch lâu dài của công ty công nghệ xứ Cupertino muốn hòa chung nhịp đập với xu hướng phát triển thiết bị thông minh trên toàn thế giới.


    iOS 10

    Vài luồng thông tin đã được úp mở đưa ra gần đây, nhưng trên hết, hãy dành toàn bộ tâm trí và sự mong chờ háo hức của mình cho buổi ra mắt phiên bản thứ 10 của iOS tại Hội thảo phát triển WWDC vào thứ Hai sắp tới.

    Tham khảo: Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ