Cầm đồ SIM đẹp, chủ thuê bao tự nguyện "nắm lưỡi dao"

    PV,  

    Khoảng 2 năm trước, lác đác xuất hiện dịch vụ cầm đồ SIM đẹp, nhưng thời gian gần đây hiện tượng này ngày càng nở rộ.

    Người sở hữu SIM số đẹp cần cẩn thận khi mang SIM đi cầm đồ để vay tiền, vì những thỏa thuận khi cầm đồ SIM khiến chủ thuê bao có nguy cơ bị mất SIM, trong khi cơ quan nhà nước hay nhà mạng khó có cơ sở bảo vệ được người dùng.

    Cầm đồ SIM đẹp, chủ thuê bao tự nguyện "nắm lưỡi dao"

    Một trong những trang web chuyên kinh doanh cầm đồ sim số đẹp.

     

    Khoảng 2 năm trước, lác đác xuất hiện dịch vụ cầm đồ SIM đẹp, nhưng thời gian gần đây hiện tượng này ngày càng nở rộ. Chỉ cần gõ từ khóa "cầm cố SIM đẹp" sẽ xuất hiện hàng chục các website chuyên cung cấp dịch vụ cầm cố SIM đẹp. Trên các trang web này hầu hết giới thiệu về cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến SIM số như: Cầm đồ SIM đẹp, bán SIM đẹp trả góp, bán SIM trả góp.

    Chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) đang sở hữu một số điện thoại Viettel có 4 số cuối là "tứ quý 6" cho biết, mỗi ngày chị nhận được hàng chục tin nhắn rao bán, rao mua SIM số đẹp và chào mời dịch vụ cầm đồ SIM đẹp. Giá lãi suất được quảng cáo dao động từ 1.500 đồng cho tới 2.000 đồng/ngày cho 1 triệu đồng tiền vay.

    Trao đổi với một người tên Hà chuyên cung cấp dịch vụ SIM số đẹp, anh này cho biết, số "tứ quý 6" có thể được vay tối đa 50 triệu đồng với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày. Như vậy, nếu cầm SIM này để vay 50 triệu đồng, mỗi ngày người vay phải trả lãi 75.000 đồng, 1 tháng nguyên tiền lãi khoảng trên dưới 2.250.000 đồng. Còn một SIM MobiFone có 4 số cuối là "tứ quý 3" chỉ được vay tối đa 12 triệu đồng.

    Cũng theo anh Hà, công ty anh có trụ sở tại phố Châu Long (Ba Đình, Hà Nội). Thủ tục cầm SIM cũng rất đơn giản, người vay đến công ty  ký hợp đồng cầm cố SIM, đồng thời làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu sang cho công ty cầm đồ, sau đó là được nhận tiền vay và vẫn giữ SIM dùng như bình thường. Thời gian trả lãi và gốc tuy theo thỏa thuận giữa 2 bên. Nếu quá hạn mà người vay chưa trả nợ, hai bên không có thỏa thuận gì khác thì công ty cầm đồ sẽ đi cắt liên lạc của SIM người vay đang sử dụng và lấy lại SIM mới để bán thu hồi vốn.

    Trên các trang web cầm cố SIM đẹp cũng có quy định về thủ tục vay tương tự. Anh Hà cho biết thêm, có những trường hợp SIM đã bị công ty thu hồi, nhưng người vay có thiện chí lấy lại SIM, công ty cầm đồ sẵn sàng tạo điều kiện, ưu tiên để người vay mua lại SIM cũ theo thỏa thuận mới giữa hai bên. Dịch vụ cầm đồ SIM khá phát triển trong thời gian gần đây, công ty anh Hà có những khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ này.

    Số tiền mà người có SIM có thể vay qua dịch vụ cầm cố SIM đẹp vào khoảng 50% giá trị SIM đang được rao bán trên thị trường. Theo lời rao bán trên các trang mạng hay qua tin nhắn rác, SIM 10 số có đuôi "tứ quý 6" giá dao động từ 100 đến 120 triệu đồng, SIM "tứ quý 3" từ 25 triệu - 30 triệu đồng. Do chênh lệch khá lớn, trong trường hợp người vay không có khả năng trả nợ, chủ tiệm cầm đồ SIM đẹp sẽ có tiềm năng hốt bạc.

    Giá bán một số SIM đẹp qua tin nhắn rác đến nhiều thuê bao di động trong ngày 14/8.

    Giá bán một số SIM đẹp qua tin nhắn rác đến nhiều thuê bao di động trong ngày 14/8.

     

    Trên thực tế chưa có vụ khiếu nại, tranh chấp nào phát sinh từ việc cầm cố SIM đẹp được phát hiện, nhưng người vay tiền có nguy cơ bị rủi ro chiếm đoạt mất SIM rất lớn. Bởi khi ký hợp đồng cầm đồ SIM, người vay tiền bắt buộc phải sang tên chính chủ SIM cho công ty cầm đồ. Do đó, nếu gặp phải những đối tượng làm ăn thiếu minh bạch, không đàng hoàng chiếc SIM điện thoại họ đang sử dụng có thể bị người khác chiếm dụng bất cứ lúc nào bởi đã thuộc sở hữu của người khác. Và nếu điều đó xảy ra kể cả nhà mạng hay cơ quan quản lý cũng khó có căn cứ để bảo vệ, bởi việc sang tên chính chủ cho người khác khiến người đi vay tiền đang "nắm dao đằng lưỡi".

    Theo Thanh tra Bộ TT&TT, cầm cố SIM đẹp là thỏa thuận dân sự giữa hai cá nhân với nhau, nên nếu phát sinh khiếu nại Thanh tra Bộ TT&TT không có căn cứ để xem xét, giải quyết.

    Còn đại diện MobiFone cho biết, nhà mạng chỉ bảo vệ những khách hàng là chính chủ SIM dựa vào hợp đồng sử dụng thuê bao trả sau hoặc đăng ký thông tin đối với thuê bao trả trước.

    >> Ứng dụng OTT sẽ “đàng hoàng” sống khi Việt Nam triển khai 4G?

    Theo IctNew

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ