Đánh giá Moto G: Màn ảo thuật khó tin của Motorola

    H.A,  

    (GenK.vn) - Moto G được phát hành ở Mỹ với mức giá cực kỳ hấp dẫn, 179 USD cho phiên bản 8 GB và 199 USD cho bản 16 GB.

    Vừa qua, chiếc điện thoại giá rẻ Moto G đã có mặt tại Brazil và một số nước ở châu Âu ngay sau ngày ra mắt. Tiếp đó, máy sẽ lên kệ tại một số nước châu Á và tương lai hứa hẹn sẽ được phát hành trên diện rộng ở 60 quốc gia vào năm 2014, đồng thời cả ở khu vực Đông Nam Á.

     

    Rõ ràng, với mức giá 179 USD, Moto G đang tạo nên một cơn sốt mới trên thị trường di động bình dân. Sau đây, chúng tôi xin điểm lại một số thông tin về cấu hình phần cứng của máy. Theo đó, Moto G được trang bị cấu hình tầm trung bao gồm vi xử lý lõi tứ Qualcomm Snapdragon 400 tốc độ 1,2 GHz cùng 1 GB RAM và màn hình 4,5 inch cho độ phân giải 720x1.280 pixel. Sở hữu màn hình đạt mật độ điểm ảnh 329 ppi, Motorola tin rằng smartphone mới của mình có chất lượng hiển thị sắc nét không thua kém iPhone 5 hay bất cứ một smartphone tầm trung hoặc cao cấp nào khác. Tuy thuộc phân khúc giá rẻ nhưng Moto G vẫn được trang bị cả 2 camera có độ phân giải là 5 megapixel và 1,3 megapixel cùng viên pin dung lượng 2.070 mAh. Điều đáng tiếc là smartphone này lại không chạy Android 4.4 ngay từ đầu mà chỉ được cài đặt Android 4.3. Tuy nhiên, giao diện Android nguyên bản lại đem đến hiệu năng ấn tượng dành cho Moto X. Smartphone giá rẻ này thậm chí còn chiến thắng Galaxy S4 ở một số màn đua tốc độ cho vài tác vụ cơ bản như quay cuộc gọi, khởi động máy.

    Thiết kế

    Ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với Moto G là máy có rất nhiều nét hao hao giống người anh em Moto X. Chỉ có điều bộ vỏ của Moto G được làm hoàn toàn bằng nhựa, chúng ta khó có thể hy vọng vào một chất liệu cao cấp hơn như nhôm hay Kevlar trên một mẫu smartphone giá rẻ. Về cơ bản, các thông số về kích thước cho thấy Moto G khá dày và nặng so với những sản phẩm cùng có màn hình 4,5 inch. Thiết bị dày tới 11,6 mm nhưng trên thực tế, điều này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm sử dụng.

     
     

    Do mặt lưng được làm bằng nhựa pha cao su có khả năng chống trơn trượt tốt đồng thời Motorola thiết kế máy với nhiều đường cong nên cầm Moto G bằng một tay cho cảm giác khá chắc chắn và thoải mái. Đặc biệt, chiếc ốp lưng cao su ôm sát “body” đã được kết hợp cùng với lớp phủ chống thấm nước phần nào giúp máy không bị đoản mạch khi người dùng đi dưới mưa. Tuy vậy, khả năng kháng nước này hoàn toàn không liên quan đến việc máy có thể chụp ảnh dưới nước hay bơi tung tăng trong bồn rửa mặt.

    Phần cạnh phải của Moto G được bố trí cụm phím chỉnh âm lượng và nút nguồn. Máy không được hỗ trợ nút chụp ảnh nhanh.
    Cạnh đáy là cổng microUSB.
    Phần đỉnh máy gồm jack tai nghe 3.5 và microphone.
    Khay SIM và viên pin có thể tháo rời được bố trí bên dưới nắp lưng bằng nhựa.
    Mặt sau của Moto G gần như được mô phỏng lại từ chiếc Moto X, đơn giản nhưng khá hợp lý.
     
     
     
    Moto G được trang bị tới 19 màu nắp lưng khác nhau, quá đủ để người dùng có thể tìm ra gam màu ưng ý cho mình
     
    Ngoài ra, Motorola cũng cung cấp kèm một Flip Cover bảo vệ cho máy.

    Màn hình

    Moto G được trang bị màn hình 4,5 inch, độ phân giải chuẩn HD 720x1.280 pixels cho mật độ điểm ảnh 329 ppi. Đây là những con số không hề tệ một chút nào đối với một smartphone giá rẻ bởi thông thường, các hãng sản xuất điện thoại bình dân thường cắt giảm độ phân giải màn hình của thiết bị gần như không thương tiếc. Nhờ đó, so với các mẫu điện thoại giá rẻ như Nokia Lumia 625, Samsung Galaxy Core Duos, LG Optimus L7 hay HTC Desire V thì chất lượng màn hình của Moto G được đánh giá cao hơn hẳn, đặc biệt khi bạn so sánh khả năng hiển thị văn bản hay lướt web. Gần như ở khoảng cách thông thường, chúng ta khó có thể cảm nhận sự rỗ hạt trên màn hình của G.

     

    Bên cạnh đó, Moto G sử dụng tấm nền IPS, tương tự iPhone 5s và HTC One nên cũng có những lợi thế nhất định. So với giá bán khá bèo thì chất lượng màu sắc mang lại là rất tốt, sống động, độ tương phản mạnh. Ngoài ra, thêm một điểm cộng cho Moto G là máy sử dụng kính bảo vệ Gorilla Glass 3 với khả năng chống trầy xước ấn tượng. Song xét về độ sáng thì Moto G khó có thể so bì với các dòng điện thoại cao cấp vốn được đầu tư khá nhiều cho linh kiện màn hình.

     

    Hiệu năng

    Ngoài màn hình HD, Moto G được trang bị vi xử lý lõi tứ Snapdragon 400 tốc độ 1,2 GHz và kết hợp cùng dung lượng RAM 1GB. Bên cạnh đó, máy chạy trên nền hệ điều hành Android 4.3 Jelly Bean với giao diện gần tương tự bộ khung gốc của Google kể cả đến tông màu nền có phần trẻ trung và sặc sỡ.

     

    Con chip Snapdragon 400 của Moto G mang kiến trúc Cortex-A7 mạnh hơn khá nhiều so với kiến trúc Cortex- A5 dùng trên nhiều smartphone có giá bán thậm chí còn đắt hơn. Ngoài ra, chiếc điện thoại mới của Motorola cũng sở hữu tiềm lực cao hơn hẳn khi đặt cạnh LG L7 II hay Sony Xperia M, thậm chí không thua kém là bao so với những mẫu điện thoại có giá bán xấp xỉ chục triệu đồng như HTC One Mini và Galaxy S4 Mini. Trên thực tế, 2 smartphone mini này cũng trang bị chip Snapdragon 400 nhưng tích hợp nhân Krait lõi kép nên cho hiệu suất benchmark tốt hơn Moto G.

    Bạn lo lắng dung lượng RAM 1 GB sẽ là cái nút nghẽn cổ chai khi phải chạy quá nhiều ứng dụng đồng thời. Nhưng thực tế không hề xảy ra chuyện đó trên Moto G, máy vẫn chạy mượt, không có dấu hiệu lag rõ rệt khi cùng lúc chạy ngầm nhiều ứng dụng. Các trải nghiệm giải trí của Moto G cũng không hề đem lại cảm giác thất vọng. Tỷ lệ khung hình khi chơi game đua xe Real Racing 3 thậm chí còn ổn định hơn khi chúng tôi thử nghiệm trên smartphone Sony Xperia Z. Có lẽ hệ điều hành Android 4.3 đã được tối ưu khá nhiều về các tính năng đồ họa so với các phiên bản Android Jelly Bean trước đó. Dù vậy, với nhân đồ họa Adreno 305 tầm trung và con chip Cortex-A7, tốc độ nạp màn của Moto G không thể nhanh như các flagship chạy vi xử lý Snapdragon 800 chúng ta thấy trên thị trường hiện nay.

     

    Camera

    Moto G được trang bị camera 5 megapixel phía sau và camera trước 1,3 megapixel. Song, dù là dòng thiết bị giá rẻ nhưng camera của Moto G vẫn được tích hợp một số tính năng đáng chú ý như khả năng chụp toàn cảnh panorama, chế độ HDR, chế độ chụp nhanh cũng như khả năng quay phim tốc độ chậm slow-motion. Nhìn chung chất lượng ảnh chụp dừng ở mức trung bình và bạn đọc có thể tham khảo loạt ảnh chụp thực tế của máy qua bài viết này.

     
    Còn đây là phần so sánh ảnh chụp của Moto G khi crop 100% với một số dòng smartphone tầm trung như LG L7 II, Nexus 4 hay Lumia 625.

    Thời lượng pin

    Giống như với camera, dung lượng pin không phải là thế mạnh hàng đầu mà Motorola muốn ưu tiên cho Moto G. Máy chỉ sở hữu nguồn pin dung lượng 2.070 mAh nhưng do kích thước màn hình không quá lớn đi kèm độ phân giải vừa phải nên Moto G đủ sức đáp ứng thời gian sử dụng trên dưới 1 ngày mới cần sạc lại pin. Máy có thể lướt web 3G liên tục trong 3 giờ hoặc phát video 6 tiếng.

    Kết luận

    Rõ ràng, không giấu diếm tham vọng đánh chiếm phân khúc giá rẻ, những gì mà Motorola đã làm với Moto G thực sự đáng khen, giống như một màn ảo thuật khó tin mà chúng ta đã chờ đợi nhưng rồi lại thất vọng khi đặt niềm tin vào Sony, HTC hay Samsung. Không đặt lợi nhuận lên quá cao, hãng điện thoại của Mỹ vẫn chăm chút kỹ càng cho con cưng của mình với sự đầu tư trọng điểm vào màn hình cũng như hiệu năng hoạt động, các yếu tố chính quyết định chất lượng máy. Với tầm giá khoảng 4 triệu đồng, hiện nay không có một smartphone Android nào xứng đáng lựa chọn hơn Moto G.

    - Ưu điểm:

    Giá rẻ

    Chất lượng màn hình và vi xử lý tốt trong tầm giá

    Hệ điều hành hoạt động mượt mà

    - Nhược điểm:

    Chỉ hỗ trợ bộ nhớ trong 8/16GB (không có thẻ nhớ ngoài)

    Máy dày

    Thời lượng pin tạm đủ dùng và có phần hơi eo hẹp

    Tham khảo: Cnet.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ