Tản mạn 10 năm Google và những đổi thay đáng nhớ

    Minh Lết,  

    (GenK.vn) -Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Google IPO, hãy cùng nhìn lại những đóng góp của Google cho 1 thế giới thay đổi từng ngày quanh ta.

    Cách đây hơn 1 tuần là cột mốc đánh dấu 10 năm Google phát hành cổ phiếu đại chúng lần đầu (IPO - 19/08/2004 - 19/08/2014 theo giờ Mỹ). Sinh ra trong bong bóng dotcom, trưởng thành cùng với sự phát triển của Internet, Google dần trở thành một thế lực định hình cuộc sống công nghệ của chúng ta. Kỷ niệm 10 năm IPO, một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của gã khổng lồ tìm kiếm, hãy cùng hồi tưởng những đóng góp quan trọng nhất của Google đối với nhân loại nói chung và người dùng Việt Nam nói riêng.

    1. Google Search: Cứu tinh của Internet

    Năm 1999 là năm đầu tiên tôi biết thế nào là Internet. Ngày ấy vật bất ly thân mỗi khi ra cafe internet của tôi là 1 cuốn sổ tay ghi chép địa chỉ web. Mục giới thiệu địa chỉ web hay trên báo chí công nghệ hồi ấy là mục tôi thường xuyên cập nhật nhất. Với 1 người còn rất bỡ ngỡ với Internet, việc tìm đúng thứ mình cần giữa 1 biển thông tin mênh mông quả thực quá khó khăn.

    Tản mạn 10 năm Google và những đổi thay đáng nhớ

    Các danh bạ web kiểu này là "kim chỉ nam" của Internet những năm 90.

    Có lần muốn tìm 1 bài viết hướng dẫn về Autocad, tôi phải lần mò trên Yahoo! Directory, tìm vào mục Architecture sau đó lê la khắp các site được lập chỉ mục để tìm thứ mình cần, toát mồ hôi hàng tiếng vẫn không tìm được thứ mình cần.

    Lúc ấy, mạng Internet với tôi hầu như chỉ là chat chit trên Yahoo! Messenger và 1 vài diễn đàn Việt Nam thuở sơ khai như VNN, TTVN... Quyển danh bạ web của tôi cứ mỗi ngày 1 chi chít thêm đến nỗi dần dần tìm kiếm trong bản thân quyển sổ đó đã là 1 cực hình. Internet trở thành 1 thế giới xa lạ, bí ẩn và thù địch, nhất là khi mò mẫm trên mạng quá lâu mấy lần khiến tôi méo mặt vì hoá đơn điện thoại.

    Mấy năm sau biết tới Yahoo! Search nhưng công cuộc tìm kiếm thông tin trên mạng của tôi vẫn không khả quan hơn vì kết quả tìm kiếm của Yahoo! Search lúc đó thường tràn ngập các liên kết rác, quảng cáo với những kết quả hữu ích thường chìm ở tận đâu. Bên cạnh đó không hỗ trợ tiếng Việt nên Yahoo! Search hoàn toàn vô dụng ở Việt Nam.

    Google Search không chỉ cung cấp 1 nền tảng cho người dùng Internet định hướng trong biển thông tin mà còn giúp người kiến tạo nội dung nhận được tưởng thưởng cho công sức của mình.

    Google Search không chỉ cung cấp 1 nền tảng cho người dùng Internet định hướng trong biển thông tin mà còn giúp người kiến tạo nội dung nhận được tưởng thưởng cho công sức của mình.

    Năm 2004 là lần đầu tiên tôi dùng thử Google Search sau khi công cụ này được "Việt Nam hoá". Đến tận giờ tôi vẫn nhớ cảm giác phấn khích khi nhìn thấy các kết quả tìm kiếm "gãi đúng chỗ ngứa" trải ra ngay trước mắt. Sự ra đời của Google Search có lẽ cũng giống như việc phát minh ra la bàn với người đi biển, nó thay đổi căn bản cách sử dụng Internet của con người, từ chỗ là 1 công cụ thông tin liên lạc, Internet trở thành 1 cuốn bách khoa toàn thư có thể truy cập chỉ trong tích tắc. Kỷ nguyên hậu-PC đặt Google Search vào túi quần của từng người dùng thông qua smartphone làm thế giới đã phẳng càng trở nên phẳng hơn.

    Trước Google Search, cách làm nội dung của người dùng Internet Việt còn khá sơ khai. Chủ yếu là tìm đủ mọi cách để lên các trang chỉ mục web lớn như Yahoo!, MSN... Google Search với thuật toán xếp hạng kết quả tìm kiếm siêu hạng khiến cả những website không mấy tên tuổi cũng có thể dễ dàng lên đầu danh sách kết quả chỉ cần họ có nội dung thực sự tốt. Chính điều này đã thúc đẩy người làm nội dung đầu tư hơn giúp Internet Việt Nam phát triển có chiều sâu và mang diện mạo như ngày hôm nay.

    2. Android và cuộc cách mạng phổ cập smartphone

    Năm 2004 cũng là lần đầu tiên tôi dùng smartphone, hoặc nói đúng hơn, là tiền thân của smartphone: chiếc HP iPAQ 5555 (Vâng, có chữ i ở đầu nhưng là không phải đồ của Apple!). Lúc ấy chiếc PDA to đùng, nặng chịch, bị rò điện ở vỏ nhôm và có màn hình cảm ứng điện trở "phập phồng", không gọi được điện thoại bán với giá 6 triệu. 6 triệu đồng lúc đó bằng 2 tháng lương của 1 kỹ sư loại cứng.

    Trong suốt nhiều năm trời, smartphone luôn là sân chơi xa xỉ chỉ dành cho người dùng với hầu bao dư dả.

    Trong suốt nhiều năm trời, smartphone luôn là sân chơi xa xỉ chỉ dành cho người dùng với hầu bao dư dả.

    6 năm sau smartphone vẫn là thứ xa xỉ phẩm, những thiết bị "bèo" nhất cũng được bán với giá 3-4 triệu đồng mà có chất lượng ở mức hết sức xoàng xĩnh. Nếu muốn có 1 chiếc smartphone dùng được, người dùng buộc phải móc túi hơn chục triệu đồng, trong 6 năm trời cuộc chạy đua smartphone dù rất quyết liệt với sự có mặt của iPhone vẫn bỏ quên phân khúc giá rẻ. Tua nhanh thêm 3 năm nữa, hiện tại chỉ với dưới 3 triệu đồng chúng ta hoàn toàn có thể tìm mua được 1 model không đến nỗi nào. Chịu chi thêm 1 chút với 5-7 triệu và chấp nhận dùng đồ của các hãng SX Trung Quốc chúng ta đã có trong tay 1 cỗ máy đủ sức sánh ngang với các sản phẩm trên chục triệu. Trong 3 năm, người ta làm được điều mà trước đó mất 6 năm cũng không có chút tiến triển nào: phổ cập smartphone cho cả người tiêu dùng bình dân.

    Tản mạn 10 năm Google và những đổi thay đáng nhớ

    Một phần lớn công trạng của cuộc cách mạng giá rẻ phải tính cho Android. Trước khi Android ra mắt, 1 hãng sản xuất có 2 lựa chọn: Mua HĐH của bên thứ 3 như cách mà HTC, Samsung từng làm với Windows Mobile và chịu những đòi hỏi rất ngặt nghèo từ phía cung cấp phần mềm. Các hãng cung cấp HĐH lớn như Microsoft, liên minh Symbian thường "chọn bạn mà chơi", chỉ làm việc với các hãng sản xuất có tên tuổi và phớt lờ tất cả các xưởng sản xuất nhỏ lẻ, giới hạn sân chơi trong 1 số ít các ông lớn.

    Lựa chọn thứ 2 là tự đứng ra xây dựng 1 HĐH của bản thân mình. Để có được 1 HĐH đủ sức hấp dẫn người dùng đòi hỏi tiềm lực tài chính, kỹ thuật khổng lồ. Hãy nhìn cách cả những ông lớn như Nokia cũng ngậm ngùi khai tử Symbian rồi MeeGo, HP điêu đứng với WebOS, Samsung lặng lẽ chôn cất Bada và ngay cả 1 ông lớn già dặn kinh nghiệm như Microsoft cũng chật vật với Windows Phone đủ hiểu việc tạo ra 1 HĐH đủ sức cạnh tranh trên thị trường khó khăn, tốn kém như thế nào.

    Không có Android, những sản phẩm như thế này sẽ không

    Không có Android, những sản phẩm như thế này sẽ không thể ra đời.

    Nếu không có Android và sự đài thọ của Google về mặt phần mềm, có lẽ cuộc cách mạng phổ cập smartphone giá rẻ sẽ không bùng nổ. Thiếu Android có thể các hãng sản xuất Trung Quốc, lực lượng chính góp vai trò kéo tụt mặt bằng giá smartphone trên toàn cầu, sẽ không bao giờ sản xuất được 1 chiếc smartphone tử tế.

    3. Gmail và email nhanh hơn, dễ hơn, tiện lợi hơn

    5 năm đầu sử dụng Internet, tôi gắn bó với dịch vụ email duy nhất là Yahoo! Mail, chủ yếu do tôi cũng dùng Yahoo! Messenger. Cuối 2004, chật vật lắm tôi mới tìm được 1 cái Invitation để đăng ký Gmail. Thời gian đầu Google bắt phải có thư mời của người đang sử dụng gmail thì mới tạo được tài khoản Gmail, số lượng thư mời 1 người được gửi cũng rất giới hạn vì thế Gmail invitation trở thành "hàng hot" được săn lùng quyết liệt trên mạng.

    Tản mạn 10 năm Google và những đổi thay đáng nhớ

    Choáng ngợp vì dung lượng lớn (1GB so với 4MB của Yahoo! Mail), giao diện AJAX nhanh, nhẹ, cách thức quản lý email theo thread tiện lợi của Gmail đã thay đổi hoàn toàn cách tôi liên lạc bằng email. Mấy năm về sau khi có thêm tính năng push và smartphone, email từ chỗ là 1 công cụ bổ trợ đã trở thành phương tiện liên lạc chính của tôi trong cả công việc lẫn cuộc sống.

    4. Youtube và những thế hệ Việt Nam không sợ thể hiện mình

    Đã có thời kỳ tôi mò mẫm trên VNN1268 đường truyền nội địa rồi "bật tường" proxy để ra mạng nước ngoài. Cách làm lách luật này tiết kiệm nhiều chi phí nhưng khiến đường truyền Dial-up đã chậm càng thêm rùa bò.

    Với đường truyền tậm tịt như thế, việc download 1 file video bé như con tem dài 1p cũng là cả 1 cực hình với hàng tiếng đồng hồ chờ đợi. Về sau này khi ADSL phổ cập hơn nhưng băng thông ra quốc tế của Việt Nam vẫn còn nhỏ nên thường việc xem video trực tuyến thường xuyên gặp tình trạng ngồi chờ đệm dữ liệu "dài răng". Chính vì thế, nhiều hàng internet cafe tích trữ 1 kho phim, clip vui offline trong máy để khách hàng xem thay vì xem online "cắn" vào băng thông vốn rất hạn hẹp. Cảnh khách ngồi quán net, tai đeo headphone, mắt dán vào màn hình xem clip hài offline, thi thoảng cười khùng khục là điều không hề hiếm gặp cách đây vài năm.

    Khoảng 2008, Youtube bắt đầu được "nội địa hoá" với các máy chủ cấp phát dữ liệu đặt gần Việt Nam giúp cải thiện chất lượng video. Tình trạng xem video online dính buffering "quay đều quay đều" thưa thớt dần. Người dùng Việt lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác xem video thực sự trực tuyến, tức thời.

    1 thế hệ trẻ năng động hơn, mạnh dạn hơn phần nào gián tiếp có công của Youtube.

    1 thế hệ trẻ năng động hơn, mạnh dạn hơn phần nào gián tiếp có công của Youtube.

    Phong trào Vlogger, các kênh truyền thông phi chính thống dựa trên Youtube dần dần làm thay đổi diện mạo của netizen Việt. Thế hệ chúng tôi phần nhiều ngại thể hiện mình trước đám đông, đứng trước vài chục người nói to còn ngại chứ nói gì đến chuyện ghi hình mình pha trò phát lên Internet cho thiên hạ bàn tán. 9x và các thế hệ sau phần nào phải cảm ơn Youtube vì 1 công cụ thể hiện cái tôi rất rõ ràng và đắc lực khiến sự tự ti thâm căn cố đế của người Việt dần lui vào dĩ vãng.

    Kết luận

    Khó có thể kể hết những gì Google đã làm để thay đổi cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Không phải thay đổi nào trong số đó cũng là tích cực. Vẫn còn đó những lo ngại về việc Google đang kiểm soát quá nhiều thứ trong tay và có quá ít chế tài để hạn chế gã khổng lồ này, hoặc những lo ngại về quyền riêng tư, "quyền được lãng quên" của người dùng đang bị Google "nuốt chửng".

    Cái gì cũng có 2 mặt của 1 vấn đề, cá nhân tôi cho rằng những thay đổi Google mang lại tích cực nhiều hơn tiêu cực. Nó góp phần tạo ra 1 thế giới công nghệ như chúng ta đang sống ngày hôm nay, không hoàn hảo, nhưng chắc chắn là tốt đẹp hơn cách đây 10 năm.

    10 năm từ ngày IPO là 1 quãng đường không ngắn với 1 doanh nghiệp công nghệ. Có những doanh nghiệp sinh ra, lớn mạnh và chết đi trong khoảng thời gian ngắn hơn thế. Rất mong Google sẽ còn được thấy thêm vài cái 10 năm nữa. Và tôi cũng rất háo hức được xem những thay đổi nào Google sẽ mang lại cho chúng ta trong 5 năm, 10 năm nữa.

    >> 11 sự thật ít biết về Google

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày