Tháng 9, làng công nghệ thế giới được và mất những gì?

    Yến Thanh,  

    Tháng 9 cũng cho thấy những nốt thăng trầm liên quan tới tình hình kinh doanh của các ông lớn, kẻ được, người mất đều có...

    Có thể nói, tháng 9 là thời điểm nở rộ của làng di động thế giới với sự xuất hiện của hàng loạt những smartphone thế hệ mới, đồng thời, các tín đồ yêu công nghệ cũng có dịp chứng kiến hàng loạt cuộc soán ngôi từ các tên tuổi đình đám như Apple, Samsung hay Sony...

    Ngoài tin vui từ các sản phẩm phần cứng, tháng 9 cũng cho thấy những nốt thăng trầm liên quan tới tình hình kinh doanh của các ông lớn, kẻ được, người mất đều có... Nhưng nhìn chung, hầu hết các hãng sản xuất đều "hòa vốn" bởi đơn giản là cuộc sống luôn công bằng, không cho ai quá nhiều và cũng chẳng lấy của ai quá nhiều!

    Apple: Điểm 9 của những thiếu sót

    Là một trong những đầu tàu về công nghệ trong lĩnh vực di động, Apple đã không khiến người dùng phải thất vọng khi tung ra bộ đôi iPhone thế hệ mới là iPhone 6/6 Plus và thiết bị đeo tay đầu tiên Watch. Với thiết kế hoàn toàn mới, màn hình lớn, sắc nét hơn, camera có nhiều cải tiến, viên pin dung lượng cao (nổi bật là trên iPhone 6 Plus), iPhone 6/6 Plus thực sự xứng đáng là những thiết bị cầm tay đáng sở hữu nhất năm 2014.

    Báo chí công nghệ thế giới nói gì về iPhone 6 và iPhone 6 Plus?

    Thế nhưng, mọi chuyện sẽ thật hoàn hảo với con số 10 triệu máy trong 1 tuần đầu lên kệ, nếu như không có sự cố iPhone 6 Plus dễ dàng bị bẻ cong, iOS 8 sẽ được vinh danh nếu không xuất hiện lỗi hao pin, mất sóng... Với 1 chiến lược tương đối thành công, dường như Táo Khuyết lại thiếu đi 1 chút gì đó tỉ mỉ, chắc chắn - thứ mà hiếm khi hãng vấp phải dưới thời Steve Jobs.

    Và kết quả thì ai cũng biết, iPhone 6/6 Plus liên tục nhận những chỉ trích trong những ngày vừa qua, iOS 8 bị phàn nàn không thương tiếc và ngay lập tức phải tung ra các bản vá lỗi. Thậm chí, cổ phiếu của Apple giảm gần 4% xuống còn 97,87 USD vào ngày 25/9, khiến cho giá trị thị trường của hãng mất gần 23 tỷ USD.

    Có thể nói, đây là 1 đòn đau với hãng, khi chỉ 1 chút nữa thôi, kỉ lục doanh số của Tim Cook đã đi vào lịch sử, tuy nhiên, những gì mà Apple đã và đang đạt được cũng rất đáng khen ngợi, dù trước đó, người ta đã bàn tán rất nhiều về bộ đôi iPhone thế hệ mới - những sản phẩm chủ lực của Táo Khuyết trong năm 2014.

    Samsung: Vị thánh cứu rỗi mang tên Galaxy Note 4

    Dường như nỗi buồn tủi Galaxy S5 của Samsung vẫn chẳng thể nguôi ngoai khi doanh số của siêu phẩm dòng Galaxy S không thành công như những gì được kỳ vọng. Được đầu tư cả núi tiền cho công cuộc quảng bá hình ảnh, có hẳn 1 sân ga chăng đầy những dòng chữ và hình ảnh về S5, nhưng có lẽ, chính sự bảo thủ, nhu nhược trong khâu thiết kế của Samsung đã khiến chính hãng phải trả giá đắt.

    Cảm nhận nhanh Galaxy Note 4 tại Việt Nam: cuộc lột xác của Samsung

    Từ khi Galaxy S5 lên kệ cho tới cách đây ít ngày, liên tục có những tin xấu về tình hình kinh doanh của hãng sản xuất Hàn Quốc. Đỉnh điểm là vào ngày 24/09, cổ phiếu của Samsung đã giảm xuống thấp nhất trong 2 năm qua kể từ năm 2012, không lâu sau khi Apple đã bán được 10 triệu iPhone 6/6 Plus.

    Bên cạnh đó, các thống kê kỉ lục về đơn đặt hàng iPhone 6 cũng làm Samsung điêu đứng khiến hãng điện thoại Hàn Quốc phải giảm mức dự đoán lợi nhuận của mình tới hơn 1 nghìn tỉ won (960 triệu USD) từ mức 5,7 nghìn tỉ won (5,4 tỉ USD) xuống còn 4,7 nghìn tỉ won (4,5 tỉ USD). Khó khăn của Samsung không chỉ đến từ Apple mà còn do sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ.

    Dù cho đã nỗ lực tung ra các sản phẩm có tiếng vang như máy tính bảng Galaxy Tab S, smartwatch Gear Live, Gear S nhưng phải tới khi bộ đôi Galaxy Alpha và Galaxy Note 4 chính thức "xuất đầu lộ diện", các tín đồ của Samsung mới bất đầu nhìn thấy ánh sáng hy vọng cho nửa cuối năm 2014.

    Với khung nhôm mạnh mẽ, cấu hình chẳng thể chê vào đâu, Note 4 được coi là "con quái vật" của năm, nhưng cũng mang trong mình trọng trách vực dậy tình hình doanh số ảm đạm của nhà sản xuất Hàn Quốc trong thời gian qua. Tóm lại, thêm nhiều kim loại, làm đầy lỗ đục - chiến thuật mới của hãng đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng diện mạo thôi là chưa đủ, Samsung thực sự cần nhiều hơn thế nữa...

    Sony: Từ quá khứ huy hoàng tới những tháng ngày lạc lối

    Luôn được đặt ở chiếu trên trong làng công nghệ thế giới, Sony nổi danh với những sản phẩm như smartphone, laptop, máy chơi game, máy nghe nhạc, TV... Thế nhưng, đấy lại là những câu chuyện của lịch sử, cái thời mà khi nhắc tới Sony, người ta phải xuýt xoa về chất lượng của những thiết bị mang thương hiệu Nhật Bản đem lại. Hiện tại, hãng vẫn là 1 ông lớn đích thực, tuy nhiên, cái uy quyền ngày xưa nay còn đâu...

    Cùng xem màn mở hộp Sony Xperia Z3 ở dưới nước

    Minh chứng là Sony không còn sản xuất máy vi tính cá nhân nữa. Thương hiệu Vaio đã bị nhượng lại cho một công ty khác. Sony cũng sẽ không còn sản xuất các máy đọc sách điện tử. Công ty Nhật Bản cũng đang phải nghiêm túc nhìn nhận lại vị trí của mình trên thị trường TV, một thị trường mà Sony đã độc chiếm trong nhiều thập kỷ liên tiếp.

    Cổ phiếu của Sony đã lao dốc 13% sau khi đưa ra dự báo sẽ lỗ 2,14 tỷ USD trong năm nay. Với nguyên nhân là sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh điện thoại di động, Sony đã đưa ra mức lỗ cao hơn gấp 4 lần so với dự đoán trước đó.

    Đi kèm với dự báo thua lỗ, hãng cũng cho biết thêm sẽ cắt giảm 15% nhân sự trong bảng smartphone toàn cầu, tương đương với 1.000 việc làm. Sony cũng sẽ không chia cổ tức lần đầu tiên kể từ khi cổ phiếu của hãng bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Tokyo vào năm 1958.

    Về mặt thiết bị phần cứng, hãng vẫn trung thành với triết lí OmniBalance của dòng Xperia Z cao cấp. Điển hình là chiếc Z3 - smartphone thế hệ mới nhất của hãng đã được tăng kích thước so với người tiền nhiệm Z2, nâng cấp vi xử lý, camera... Nhưng đó đều chỉ là những cải tiến nhẹ, chưa thể chạm tới sự thèm khát cực độ của người dùng. Thậm chí, ngay cả bộ đôi Smartwatch 3 và Smartband Talk thế hệ mới cũng chẳng thể khiến hãng vui hơn.

    Trong thế giới công nghệ luôn thay đổi quá nhanh, câu trả lời về tương lai của hãng sản xuất Nhật Bản vẫn đang được bỏ ngỏ. Nokia, Motorola và BlackBerry đã không thể vực dậy sau khi đi xuống, Nintendo cho đến giờ vẫn khó khăn chồng chất. Do đó, nếu không nhanh chóng bỏ đi tư tưởng quá kiêu ngạo, nghĩ ngắn, hãng sẽ nhanh chóng đi vào vết xe đổ của những ông lớn nêu trên.

    HTC: Ánh lửa bập bùng trong đêm

    Có thể nói, việc hàng loạt những sản phẩm cao cấp hàng đầu từ các nhà sản xuất khác như Apple, Samsung hay Sony liên tục được tung ra vào tháng 9 này đang khiến HTC lạc lõng giữa dòng chảy hối hả của xã hội. Không ồn ào, màu mè, nhà sản xuất Đài Loan chọn cho mình phong cách kín tiếng, chậm mà chắc và chờ thời điểm để tỏa sáng.

    HTC M8 Eye camera kép 13MP ra mắt tháng 10

    Nói HTC chính là ánh lửa bập bùng cũng chẳng ngoa bởi với doanh số không quá ảm đạm nhưng cũng chẳng có gì nổi bật, tình hình tài chính của hãng tỏ ra "nhàm chán" tới mức khó chịu. Theo báo cáo mới nhất, quý 3/2014 vừa qua, doanh số của HTC đã đạt 522 triệu USD, tăng 3,2% so với quý 2 tuy nhiên vẫn là một sự tụt giảm lớn – giảm 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Sau cú hích mang tên HTC One M8 với hướng đi mới - đánh đâu chắc đó, không quá phô trương, hãng đã phần nào tìm lại được chính mình trên con đường vinh quang trước đây. Thế nhưng, căn bệnh muôn đời mà nhà sản xuất Đài Loan luôn vướng phải chính là giá bán "trên trời" thì vẫn mãi chẳng thể sửa được.

    Dù cho các sản phẩm thế hệ sau này như M8 hay loạt HTC Desire được tung ra trong thời gian vừa qua đã có nhiều cải tiến đáng kể, nhưng trong bối cảnh mà khâu định giá bán quyết định sự thành công của sản phẩm thì HTC lại tỏ ra thua kém so với đối thủ của mình. Minh chứng là ngay vào thời điểm lên kệ, HTC One M8 được chào bán với mức giá tương đương iPhone 6 vào thời điểm hiện tại, và đó là lý do tại sao, người dùng dè dặt trước sản phẩm của HTC.

    Có thể "sống chậm" là 1 phương châm tốt cho nhà sản xuất Đài Loan thay vì ồ ạt tung ra hàng tá sản phẩm như trước đây, nhưng sự nhàm chán có thể giết chết chính HTC. Hãng có thể là ánh lửa bập bùng trong đêm, có thể bùng cháy bất kì lúc nào nhưng cũng có thể liu riu rồi vụt tắt. Trước mắt, HTC đã bật mí về chiếc M8 Eye sử dụng công nghệ camera kép độc đáo và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng cho sản phẩm này, chứ không phải chữ "hoang tưởng" mà những người dùng vẫn thường gọi.

    LG: Ngư ông đắc lợi

    Ngoài HTC, một ông lớn cũng tỏ ra khá kín tiếng trong tháng 9 vừa qua chính là LG. Bất chấp sự kìm kẹp của những đối thủ như Apple, Samsung hay thậm chí là anh láng giềng Sony, nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn bon bon trên con đường gặt hái những thành công. Theo báo cáo kinh doanh của quý 3/2014 thì lợi nhuận của LG đã tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là một mức lợi nhuận tuyệt vời sau một thời gian dài kinh doanh không mấy hiệu quả.

    Tháng 9, làng công nghệ thế giới được và mất những gì?

    Bên cạnh bom tấn G3 với cấu hình khủng, camera lấy nét bằng laser, hãng còn tỏ ra thành công khi vẫn duy trì tốt doanh của những LG G2, G2 mini hay dòng điện thoại tầm trung và giá rẻ L và F. Thế nhưng, chỉ chăm chút cho các thiết bị cầm tay thôi vẫn chưa đủ, LG cũng bắt đầu quan tâm tới thị trường các thiết bị đeo trong năm 2014 - thời điểm mà Google đã "ngỏ lời" tới nhà sản xuất Hàn Quốc để tung ra bộ đôi G Watch và G Watch R.

    Cho tới thời điểm hiện tại, LG vẫn chưa có kế hoạch tung ra thêm smartphone nào ngoài chiếc smartwatch VC-100 như đồn đoán. Chắc hẳn sẽ có nhiều người dùng đặt ra câu hỏi rằng tung ra ít sản phẩm như vậy, LG không muốn trở thành bá chủ trong làng di động và chỉ muốn an phận ở vị trí thứ 2, thứ 3? Nhưng xét cho cùng, để thành "đại nghiệp", tốt thôi chưa đủ, mà tất cả đều cần tới thời cơ và có lẽ, đây chưa phải thời điểm quyết định để nhà sản xuất Hàn Quốc tung ra những cú đấm thực sự.

    BlackBerry: Nỗ lực của đế chế suy tàn

    Trong những ngày cuối tháng 9, giới công nghệ tiếp tục sục sôi với sự ra mắt của smartphone thiết kế dị mang tên BlackBerry PassPort. Với kiểu dáng vuông y hệt kích thước của một cuốn hộ chiếu, PassPort đã làm lay động không ít con tim của các fan "dâu đen" nói riêng cũng như người yêu công nghệ nói chung.

    Tháng 9, làng công nghệ thế giới được và mất những gì?

    Trong bối cảnh thiết kế điện thoại đang dần trở thành lối mòn thì sự xuất hiện của PassPort có thể coi là làn gió tươi mới cho làng công nghệ thế giới. Bên cạnh đó, bàn phím QWERTY kiểu mới của BlackBerry PassPort cũng là một điểm nhấn đáng chú ý tạo ra sự khác biệt so với những iPhone hay smartphone Android khác. Sau màn ra mắt đầy hứng khởi, những tín hiệu khả quan đã bắt đầu đến với hãng sản xuất Canada khi lượng đặt hàng của PassPort đã đạt con số 200.000 máy.

    Mặc dù vậy, con đường tìm lại ánh hào quang khi xưa của BlackBerry vẫn còn đầy rẫy những chông gai. Dẫu sao, xin được chúc mừng và thầm mong một ngày nào đó BlackBerry sẽ trở lại là chính mình.

    >>Samsung "dạy" Apple cách làm iPhone 7?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ