"Điện toán sương mù" và giấc mơ trở lại của 2 cựu vương Cisco & Microsoft

    Lê Hoàng,  

    Khái niệm có tên gọi tưởng như... đùa này lại đóng vai trò quyết định tới "bộ não" của điện toán toàn cầu trong tương lai.

    Có lẽ bạn đã quen với khái niệm điện toán đám mây (cloud computing). Trong mô hình cloud, các công ty sẽ "thuê" phần mềm, sức mạnh xử lý hoặc dung lượng lưu trữ thay vì phải tự mua phần cứng và cài đặt các dịch vụ cần dùng. Các khoản phí cho điện toán đám mây sẽ được chi trả theo từng tháng tùy thuộc vào mức độ sử dụng thực tế, và Internet sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp với dịch vụ nội bộ của chính họ.

    Dù không còn là một khái niệm mới mẻ, điện toán đám mây vẫn đang tăng trưởng vũ bão. Năm 2016, mảng kinh doanh cloud của Amazon sẽ đạt trị giá 10 tỷ USD. Microsoft bám đuổi quyết liệt đằng sau với mục tiêu đạt doanh thu dự phóng 20 tỷ USD vào năm 2018. Google khẳng định mảng này sẽ còn quan trọng hơn cả miếng ăn chính của công ty - quảng cáo trực tuyến.

    Vậy tiếp theo đám mây sẽ là gì? Không phải là "điện toán ánh nắng" như bạn nghĩ, mà là một mô hình do Cisco tiên phong có tên gọi "điện toán sương mù" ("fog computing).

    Vào tháng trước, Cisco đã cùng với một loạt các tên tuổi hàng đầu thế giới như Microsoft, ARM và Intel cùng tham gia vào một liên hiệp phát triển fog computing có tên gọi OpenFog. Đến tháng này, OpenFog sẽ tổ chức một hội thảo về mô hình điện toán mới tại Đại học Princton, một trong những tổ chức đi đầu về nghiên cứu "điện toán sương mù".

    "Điện toán sương mù" là gì?

    Để hiểu được fog computing, đầu tiên bạn cần hiểu được thế nào là điện toán đám mây. Nói một cách dễ hiểu nhất, với đám mây thì phần lớn những thứ bạn cần sẽ được đưa lên mây. Bạn đang sử dụng một ứng dụng web trên máy tính ở nhà, nhưng toàn bộ khâu xử lý dữ liệu sẽ được thực hiện tại một trung tâm dữ liệu khổng lồ nào đó đặt tại Mỹ, Ai-Len hoặc một khu công nghệ cao nào khác.

    Nhưng với điện toán sương mù thì các máy tính xử lý sẽ nằm rải rác khắp nơi thay vì tập trung vào một vài trung tâm dữ liệu khổng lồ. Rất có thể các máy tính "não bộ" này sẽ được đặt tại vị trí gần với nơi ở của bạn để giảm thời gian chờ. Nhưng bạn sẽ không bao giờ biết được điều đó, bởi chỉ duy nhất hệ thống "sương mù" là biết được dữ liệu đang được lưu trữ ở vị trí chính xác nào.

    Mục đích của Cisco được thể hiện rõ ràng: phần quan trọng nhất của điện toán sương mù không phải là một hệ thống máy tính tập trung mà là một mạng (siêu) máy tính nằm rải rác. Khi số lượng trung tâm dữ liệu gia tăng, các sản phẩm cốt lõi của Cisco là thiết bị mạng sẽ gia tăng doanh số.

    Trước đó, Cisco đã bị bỏ lại phía sau khi thế giới dần dần tiến lên mây. Khi khách hàng của Cisco chuyển hạ tầng của mình lên đám mây, họ cũng sẽ dành ít tiền hơn để mua thiết bị mạng. Một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Microsoft hay thậm chí là cả các công ty có đám mây riêng lớn như Facebook đã tự sáng chế ra các giải pháp trang thiết bị mạng giá thành rẻ để không phải phụ thuộc vào các công ty như Cisco.

    Ngay cả Microsoft dù có thể coi là địch thủ nghiêm túc duy nhất của Amazon trên thị trường cloud computing hiện thời cũng đã từng bị ảnh hưởng xấu của đám mây. Hãy nhớ rằng cho đến tận gần đây Microsoft mới thực sự đẩy mạnh được được dịch vụ như Office 365 và Azure, khi ngay cả đối thủ non trẻ như Salesforce cũng đã có chỗ đứng trên thị trường. Và kể cả với vị trí thứ 2 thì mức doanh thu dự phóng (đem doanh thu 1 thời điểm nhân rộng ra) 10 tỷ USD của Microsoft cũng chẳng là gì so với mức doanh thu thực tế của Amazon Web Services trên một thị trường có doanh thu liên tục thay đổi theo nhu cầu khách hàng như thị trường đám mây.

    Khái niệm có tên gọi tưởng như... đùa này lại đóng vai trò quyết định tới bộ não của điện toán toàn cầu trong tương lai.

    Với các nhà cung cấp dịch vụ IT truyền thống như Intel, ARM, Dell và Microsoft, quá trình dịch chuyển từ đám mây lớn sang các trung tâm dữ liệu "sương mù" (nhỏ, rải rác) cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Khi các trung tâm dữ liệu nhỏ trở nên phổ biến, doanh số chip hay bản quyền dịch vụ cũng sẽ gia tăng, đồng thời sự phụ thuộc vào các khách hàng cỡ lớn cũng được giảm thiểu.

    Đường dài đến thành công

    Sự hậu thuẫn của các tên tuổi hàng đầu như Cisco hay Intel không đảm bảo rằng fog computing sẽ sớm trở nên phổ biến trong tương lai. Thực tế, cái tên "điện toán sương mù" còn khá mới lạ, nhưng khái niệm "điện toán phân tán" thì đã có từ rất lâu rồi.

    Nhiều năm trước, một tập đoàn lớn có tên Sun Microsystems đã từng đưa ra khẩu hiệu rằng "mạng kết nối là chiếc máy tính". Đến năm 2010, Sun bị bán lại cho Oracle, một công ty cho tới giờ vẫn nằm ở top cuối trong cuộc đua lên đám mây.

    Những người làm việc trong lĩnh vực điện toán đám mây sẽ khẳng định với bạn rằng lĩnh vực này vẫn còn rất non trẻ và sẽ tồn tại vĩnh viễn. Điều đó là sự thật. Nhiều người tin rằng các đám mây sẽ ngày một phình to và quan trọng hơn trước.

    Nhưng ngành điện toán không hoạt động theo cách tuyến tính như vậy. Đây là một vòng tròn lặp đi lặp lại: máy tính khởi đầu là các thiết bị tập trung (máy đục lỗ) trở thành phân tán (PC và máy chủ), đến giờ lại trở nên tập trung (đám mây). Xu hướng tiếp theo sẽ là phân tán.

    Tại sao điều này lại xảy ra? Mỗi mô hình điện toán mới sẽ góp phần giải quyết vấn đề của mô hình cũ. Đám mây của ngày nay giúp các công ty không phải duy trì các vấn đề chi phí phần cứng gắn liền với máy chủ riêng biệt, nhờ đó tiết kiệm được chi phí dữ liệu. Nhưng đến thời điểm nhu cầu điện toán gia tăng, ví dụ như vào kỳ nghỉ lễ cuối năm, hiện tượng thắt cổ chai hoàn toàn có thể xuất hiện. Việc một số ít các trung tâm dữ liệu hoặc một số ít các nhà cung cấp nắm giữ các phần quá lớn của đám mây cũng có thể gây ra hiện tượng độc quyền.

    Khi chia nhỏ và phân tán các trung tâm dữ liệu, các vấn đề này không chỉ được giải quyết tốt hơn mà chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện, do khoảng cách vật lý từ người dùng đến máy chủ sẽ được giảm thiểu.

    Đây sẽ là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong thời đại Internet of Things – khi chúng ta sẽ có hàng trăm tỷ thiết bị từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản tới phức tạp tham gia vào "mạng Internet dành cho vạn vật". Dĩ nhiên, hướng đi mới cũng mang lại những vấn đề mới, và các ông lớn như Cisco hay Microsoft sẽ phải đi đầu giải quyết vấn đề đó.

    Nhưng công nghệ luôn luôn vượt qua những khó khăn không tưởng, và điện toán sương mù rất có thể là xu hướng tiếp theo của thế giới số. Ngược lại, chính công nghệ này cũng có thể không bắt kịp với các công nghệ mới lạ thậm chí còn siêu việt hơn nữa, ví dụ như điện toán lượng tử chẳng hạn.

    Dù sao, cũng giống như tên gọi, xu hướng điện toán sương mù vẫn còn rất nhiều điều ẩn giấu. Người ta có thể chỉ ra "sương mù" là điều nối tiếp "đám mây", nhưng gần như tất cả mọi người đều đang "mù mờ" về xu hướng này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày