Điều ít ai biết về một nhà sáng lập khác của ông trùm bán dẫn Nvidia: Sống ẩn dật, có gần 200 bằng sáng chế, đáng lẽ có thể sở hữu khối tài sản 70 tỷ USD

    Yến Nguyễn ,  

    Nếu giữ lại toàn bộ số cổ phần của mình thì nhà sáng lập Nvidia sẽ là người giàu thứ 16 ở Mỹ.


      Curtis Priem đi thơ thẩn trên một sân khấu bằng gỗ trước khi dừng lại ở giữa phòng hòa nhạc 1.165 chỗ ngồi của Học viện Bách khoa Rensselaer (RPI). Nhà đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc công nghệ đầu tiên của hãng thiết kế chip lớn nhất thế giới hiện giờ là Nvidia đã quyên góp 40 triệu USD để xây dựng căn phòng từ năm 2003 đến 2008.

      Đây một phần trong cam kết của Curtis Priem đối với trường cũ của mình. Gần đây nhất, ông đã giúp học viện trở thành trường đại học đầu tiên trên thế giới trang bị máy tính IBM Quantum System One, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào mùa xuân tới.

      Kể từ năm 2001, Priem đã trao tặng 275 triệu USD cho học viện và đã cam kết thêm khoảng 80 triệu USD nữa. Nhưng chỉ một nửa số tiền quyên góp được công khai là của Priem.

      Điều thậm chí còn ít được biết đến hơn là câu chuyện của chính nhà đồng sáng lập Nvidia. Là một nhà phát minh có gần 200 bằng sáng chế, ông đã giúp thiết kế bộ xử lý đồ họa đầu tiên cho PC vào đầu những năm 1980. Sau đó ông đồng sáng lập công ty bán dẫn Nvidia và trở thành giám đốc công nghệ đầu tiên của công ty trong vòng một thập kỷ.

      Sau đợt IPO năm 1999 của Nvidia, Curtis Priem đã chuyển phần lớn cổ phần của mình cho một quỹ từ thiện vì cho rằng đó là một “số tiền quá lớn” đối với mình. Vài năm sau, Priem rời công ty, một phần là do cuộc hôn nhân đầu tiên đầy tranh cãi kiện tụng dẫn đến ly hôn. Đến năm 2006, ông đã bán hết số cổ phần còn lại của mình. Và nếu vẫn nắm giữ toàn bộ cổ phần của mình, Priem có thể sẽ sở hữu khối tài sản trị giá 70 tỷ USD, so với con số gần 30 triệu USD hiện nay theo ước tính của Forbes.

      Priem hiện đang sống trong một ngôi nhà trị giá 6 triệu USD gần Fremont, California, và ngắt kết nối với các số điện thoại lạ. Priem thường liên lạc bằng các cung cấp các địa chỉ email duy nhất - chuỗi số gồm 16 chữ số để tránh thư rác. Ông cũng sở hữu một chiếc máy bay riêng Gulfstream G450 tên là Snoopy, thường được sử dụng để bay đến RPI bốn lần một năm.

      Priem tốt nghiệp RPI với bằng kỹ sư điện và máy tính vào năm 1982, trở thành kỹ sư cho công ty máy tính Vermont Microsystems, và tiếp đến làm kỹ sư phần cứng tại GenRad. Sau đó, ông chuyển đến California để làm việc tại Sun Microsystems trong bảy năm.

      Ý tưởng về Nvidia được ấp ủ vào năm 1993 tại quán rượu Denny’s ở Thung lũng Silicon. Tại đây, ông cùng đồng nghiệp Chris Malachowsky tại Sun Microsystems và người bạn Jensen Huang – lúc ấy là kỹ sư tại LSI Logic, gặp nhau để thảo luận cách tạo ra một con chip tốt hơn. Priem mô tả công việc của mình là tạo ra bản thiết kế cơ bản cho phép các kỹ sư thiết kế thuật toán chip của Nvidia và chủ yếu làm việc ở phần hậu trường. Priem chia sẻ hài hước rằng: “Có một câu nói ở Nvidia là không bao giờ đặt Curtis trước máy quay và máy ảnh.”

      Năm 1999, Nvidia có hai bước đột phá lớn: IPO với giá trị vốn hóa thị trường là 1,1 tỷ USD và phát minh ra bộ xử lý đồ họa (GPU) – vốn ban đầu được sử dụng để chỉnh sửa video và phát triển trò chơi điện tử nhưng sau này đã định hình lại ngành công nghiệp máy tính.

      Tháng 7 năm đó, Priem cũng kết hôn với người vợ đầu tiên, Veronica. Hai tháng sau, ông thành lập quỹ Priem Family Foundation và trao hơn 3/4 trong số 12,8% cổ phần mình nắm giữ tại Nvidia lúc bấy giờ cho quỹ.

      Đó cũng là khoảng thời gian Priem xem xét cổ phần của mình và nghĩ rằng cuối cùng mình sẽ có khoảng 50 triệu USD. Nói chuyện với Forbes, Priem nói cũng có phần tiếc nuối về quyết định bán bớt cổ phần của Nvidia – hiện có giá trị vốn hóa khoảng 1.200 tỷ USD.

      Trong khi đó, mọi việc ở Nvidia lại không suôn sẻ. Theo Priem, ông bị phân tâm bởi các vấn đề cá nhân ở nhà và không đóng góp được cho công ty như mong muốn ở nên đã ra đi.

      Quỹ Priem Family Foundation hiện có giá trị 160 triệu USD và sẽ ngừng hoạt động vào năm 2031. Tuy vậy, Priem cho biết ông không chắc số tiền này sẽ còn giữ được đến lúc ấy vì sẽ tiếp tục tài trợ các sáng kiến mới tại RPI. “Khi quỹ hết tiền, tôi sẽ nghỉ hưu,” Priem nói.

      Tham khảo: Forbes

      Tin cùng chuyên mục
      Xem theo ngày