Chiến dịch "I Choose" và cú lội ngược dòng ngoạn mục của Uber tại VN

    Tuấn Anh,  

    Tuy gặp nhiều vướng mắc và "cáo buộc" về an toàn phương tiện cũng như thuế doanh nghiệp, nhưng Uber vẫn lấy lòng được đa số người dùng tại Việt Nam.

    Sáng sớm tỉnh dậy ngồi đọc báo chúng ta thấy Uber, ra quán cafe mọi người cũng nói về Uber, thậm chí nhiều người bạn của tôi còn nói đùa với nhau rằng hiện tại "Uber everywhere". Cũng không khó hiểu khi đây là dịch vụ mang tới nhiều lợi ích cho người dùng nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp tới các hãng taxi lớn tại Việt Nam, và "cuộc chiến" xảy ra là điều khó tránh khỏi.

    Khi thông tin 5 chiếc xe đầu tiên của Uber bị Thanh tra Giao thông xử phạt, nhiều thông tin trái chiều đã xuất hiện và kèm theo đó là những lo ngại của người dùng như việc Uber có đóng thuế kinh doanh hay không, nếu trong trường hợp gặp tai nạn, trách nhiệm của Uber tới đâu?... Toàn bộ câu hỏi tương tự được đưa ra cùng việc tài xế lo lắng bị xử phạt đã khiến doanh nghiệp này như đứng bên bờ "vực thẳm" khi triển khai dịch vụ tại Việt Nam.

    Làm thế nào để Uber có được sự đồng tình của đa số người dùng?

    Với kinh nghiệm phát triển tại rất nhiều thị trường khó tính trên toàn thế giới, đội ngũ truyền thông của Uber đã rất nhanh nhạy khi chạy chiến dịch "I Choose" giúp họ đảo ngược tình thế.

    Cụ thể, Uber Team đã đăng tải trên trang blog của mình một bài viết nhằm định hướng người dùng rằng Uber sẽ cùng với TP.HCM (nơi đầu tiên triển khai Uber tại Việt Nam) hướng tới những điều tích cực, nhấn mạnh vào mục tiêu: an toàn, hiệu quả, giảm thiểu ùn tắc giao thông.

    Trong blog, Uber có nói: "Chúng tôi không sở hữu, vận hành xe hoặc thuê tài xế. Nền tảng của chúng tôi chỉ đơn giản là kết nối yêu cầu của hành khách với những công ty vận tải dịch vụ đã được cấp phép. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật giao thông vận tải được công nhận và áp dụng bởi chính quyền địa phương".

    Tuyên bố trên đồng nghĩa với việc khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Uber đã chấp nhận "nhập gia tùy tục" vì vốn dĩ ở nhiều nước trên thế giới, Uber liên kết giữa người có xe và người có nhu cầu đi xe. Còn ở nước ta, để dễ dàng hơn cho các cơ quan quản lý và tạo được lòng tin ở cộng đồng, họ chỉ sử dụng xe của các công ty vận tải có giấy phép, đảm bảo an toàn.

    Bên cạnh đó, họ cũng nhấn mạnh những lợi thế của mình như giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông, giúp các chủ phương tiện sử dụng xe hiệu quả hơn, cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải. Đặc biệt, Uber đã sử dụng tính năng #hashtag trên mạng xã hội để thông tin tích cực có thể lan truyền và lưu ý người dùng về việc giá cước của họ rất cạnh tranh so với phương tiện vận chuyển truyền thống.

    Nhiều ý kiến được chia sẻ thông qua chiến dịch Tôi chọn Uber.

    Nhiều ý kiến được chia sẻ thông qua chiến dịch "Tôi chọn Uber" - "I Choose Uber".

    Xe "xịn" cùng giá cước thấp hơn taxi truyền thống là hai yếu tố then chốt giúp Uber nhanh chóng nhận được ủng hộ của người dùng các mạng xã hội. Trên Facebook chúng ta có thể thấy những chia sẻ về dịch vụ này cùng hashtag #ToiChonUber hoặc #IchooseUber.

    Một người dùng tên Phương cho biết: "Mình đã hỏi nhiều tài xế Uber tất cả đều chia sẻ rằng cuộc sống họ đã tốt hơn nhiều so với hồi họ chạy taxi. Họ được lương cứng chứ không phải chạy theo doanh số, nếu được feedback tốt sẽ được thưởng thêm nên thu nhập ổn định. Họ không phải tranh giành khách, khách nào gần vị trí mình hơn thì nhận chạy tới đón, chạy xe thoải mái, thanh thản, an toàn. Một mô hình quản lý gọn nhẹ giúp cho người lao động có công ăn việc làm không bị chèn ép, người tiêu dùng chúng ta có 1 dịch vụ giá trị gia tăng tốt, thị trường thêm lựa chọn, người kinh doanh xe có thêm lợi nhuận, nhiêu đó lợi ích theo bạn có nên khuyến khích không?".

    Chúng tôi còn nhận thấy rất nhiều câu chuyện thú vị được cộng đồng chia sẻ khi sử dụng dịch vụ mới mẻ này. Bên cạnh chiến dịch trên, thông tin về Uber xuất hiện dày đặc cũng khiến lượng tìm kiếm trên Google tăng tới chóng mặt, đa phần đều tò mò và muốn biết Uber là gì.

    Xu hướng tìm kiếm Uber trên Google tại Việt Nam tăng theo chiều thẳng đứng.

    Xu hướng tìm kiếm Uber trên Google tại Việt Nam tăng theo chiều thẳng đứng.

    Trao đổi với tài xế Đào Q. - một lái xe tham gia mạng lưới Uber, anh cho biết: "Những ngày gần đây lượng khách bỗng tăng vọt, nhiều người tò mò đi thử vì nghe người khác nói là giá rẻ và không có biển taxi, xe đẹp. Nếu làm liên tục thì cả ngày tôi có rất ít thời gian nghỉ ngơi, có khách phàn nàn gọi xe khó nhưng cũng phải chịu vì xe hiện có hạn nhưng nhu cầu đột nhiên tăng cao".

    Khi được hỏi về phản hồi của khách hàng sử dụng Uber, anh chia sẻ: "Đa phần khách đi xong đều vui vẻ, chúng tôi khi tham gia cũng đều ý thức được dịch vụ này có phần "cao cấp" hơn taxi truyền thống, khách xuống và lên xe đều mở cửa đón tiếp, khi khách xuống không thấy phàn nàn gì. Có chuyến tôi đi, khách còn gọi điện cho bạn của họ và giới thiệu về dịch vụ này".

    Với sự ủng hộ hiện có của người dùng trong nước, hơn nữa là sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, hi vọng trong tương lai Uber, các cơ quan quản lý và hãng taxi sẽ tìm được tiếng nói chung để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

    >> Kinh nghiệm quản lý ứng dụng taxi Uber của Singapore

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ