Định làm điện thoại nhưng thất bại, mảng máy tính, phần mềm trầm lắng, cổ phiếu đình trệ suốt 1 thập kỷ, điều gì đưa Microsoft lặng lẽ giành lại ngôi công ty giá trị nhất thế giới sau 15 năm?

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Azure – mảng kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft là yếu tố then chốt với doanh thu tăng hơn 76% mỗi quý kể từ khi công ty bắt đầu báo cáo vào tháng 10/2015.

    Suốt nhiều năm qua, Microsoft đã cố gắng cạnh tranh trong nhiều mảng kinh doanh tiêu dùng nhưng chỉ đến khi tập trung của CEO Satya Nadella hướng đến bán những dịch vụ nhàm chán nhưng đang phát triển nhanh cho các khách hàng doanh nghiệp mới khiến họ giành lại được ngôi vị công ty giá trị nhất thế giới.

    Cụ thể đóng cửa phiên giao dịch vào ngày thứ 6 vừa qua, Microsoft đã vượt Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới với vốn hóa lên tới 851,36 tỷ USD, cao hơn 4 tỷ USD so với nhà sản xuất iPhone. Đến được cột mốc này, Microsoft cũng đã vượt mặt cả những tên tuổi lớn gồm có Amazon, Facebook, rồi Alphabet.

    Định làm điện thoại nhưng thất bại, mảng máy tính, phần mềm trầm lắng, cổ phiếu đình trệ suốt 1 thập kỷ, điều gì đưa Microsoft lặng lẽ giành lại ngôi công ty giá trị nhất thế giới sau 15 năm? - Ảnh 1.

    Trước đó, Microsoft cũng từng một lần vinh hạnh có được ngôi vị này là vào năm 2003. Nhưng sự trở lại lần này, sau 15 năm phải kể đến tầm nhìn, sự quyết tâm theo đuổi mạnh mẽ của CEO Nadella với dịch vụ điện toán đám mây – thứ đã đe dọa hủy hoại những mảng kinh doanh của chính Microsoft.

    "Họ đã xây dựng được một chiến lược cho điện toán đám mây khi lĩnh vực này vừa thực sự bắt đầu nổi lên. Các doanh nghiệp bắt đầu đón nhận đám mây ngay khi Microsoft vừa bắt đầu nhảy vào", Theo Matt McIlwain – Giám đốc Quỹ Madrona Ventures.

    Lần đầu tiên được leo lên đỉnh về vốn hóa thị trường, Microsoft dựa vào hệ điều hành Windows quá đỗi phổ biến của họ và phần mềm Office cùng tài lãnh đạo của Bill Gates. Vị CEO này đã tận dụng lợi thế độc quyền Windows để thâm nhập vào các thị trường mới – một chiến lược khiến cuộc chiến với các nhà chức trách ở Mỹ và nước ngoài nổi lên.

    Việc giải quyết những vấn đề này dẫn tới những quy định mới cho sản phẩm của Microsoft và hiển nhiên nó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của công ty. Cổ phiếu của họ đã gần như đình trệ trong suốt 1 thập kỷ. Kể từ khi Nadella đảm nhận cương vị CEO từ 5 năm trước, cổ phiếu Microsoft đã tăng gấp 3 lần – làm vững chắc thêm những thành tựu của Gates và cựu CEO Steve Ballmer – hiện vẫn là 2 cổ đông lớn nhất của Microsoft – cũng là những người giàu có nhất thế giới.

    Tại một hội nghị vào tháng 11, Ballmer nói rằng mảng kinh doanh cho các doanh nghiệp đã hình thành nên Microsoft như hiện nay. Nadella đã đưa công ty có dòng lợi nhuận tốt và đẩy công nghệ của họ "tới một cấp độ hoàn toàn mới".

    Định làm điện thoại nhưng thất bại, mảng máy tính, phần mềm trầm lắng, cổ phiếu đình trệ suốt 1 thập kỷ, điều gì đưa Microsoft lặng lẽ giành lại ngôi công ty giá trị nhất thế giới sau 15 năm? - Ảnh 2.

    Azure – mảng kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft là yếu tố then chốt với doanh thu tăng hơn 76% mỗi quý kể từ khi công ty bắt đầu báo cáo vào tháng 10/2015.

    "Tôi nghĩ Satya đã làm rất tốt công việc của mình. Điều đó thật tuyệt vời và là một cổ đông tôi nghĩ điều tuyệt vời đó còn gấp 2, gấp 3 lần".

    Nadella đã nỗ lực thay đổi văn hóa của Microsoft. Ông quyết rút khỏi một số canh bạc mà Ballmer đặt cược trước đó, từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại của công ty và ưu tiên làm việc với các đối tác về điện toán đám mây và bất kỳ thứ gì, đưa những ứng dụng phổ biến của Microsoft vào iOS của Apple và phần mềm Android của Google.

    "Microsoft thành công dưới thời Satya bởi họ đã phát triển một tư cách khác biệt", theo Bob Muglia – một cựu lãnh đạo Microsoft nói.

    Amazon vẫn thống trị trong mảng điện toán đám mây. Năm ngoái, hãng bán lẻ này đã chiếm 51,8% thị phần cơ sở hạ tầng điện toán đám mây toàn thế giới. Microsoft đứng vị trí số 2 với 13,3% thị phần.

    Phố Wall vẫn kỳ vọng điện toán đám mây sẽ tiếp tục bùng nổ. Gartner dự đoán rằng thị trường toàn thế giới cho dịch vụ cơ sở hạ tầng điện toán đám mây như những gì Microsoft và Amazon bán sẽ tăng lên mức 63 tỷ USD vào năm 2021 từ mức 23,6 tỷ USD vào năm ngoái.

    Amazon đã nhận thức được sự hiện diện của Microsoft. Tại hội nghị diễn ra ở Las Vegas vào thứ 4 vừa qua, giám đốc mảng điện toán đám mây của Amazon là Andy Jassy nói rằng Amazon đang thu hút được nhiều tiền thật hơn Microsoft dù tốc độ tăng trưởng có chậm hơn.

    Đóng góp cho sự bùng nổ của Microsoft còn có mảng phần mềm năng suất. Phiên bản thương mại của Office 365 – phiên bản thuê bao dựa trên điện toán đám mây của phần mềm văn phòng truyền thống hiện là một trong những thứ phát triển nhanh nhất trong phân khúc, chiếm gần 1/3 doanh thu của Microsoft.

    Hiện Microsoft cũng không gây chú ý nhiều với các nhà chức trách. Họ chưa bao giờ xây dựng được một mạng xã hội thành công như Facebook để nảy sinh những lo ngại về an toàn dữ liệu và sai thông tin. Họ cũng kém xa Google về công cụ tìm kiếm web, vì thế không bị chú ý tới việc thu thập dữ liệu thông tin. Chiếc máy tính Surface của họ và game Xbox chỉ là một phần quá nhỏ trong mảng kinh doanh, không đáng để quan ngại một khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh diễn ra.

    Việc bán smartphone của Microsoft đã thất bại – họ đã phải mất 9,4 tỷ USD cho sai lầm mua Nokia. Tuy nhiên, chi phí khổng lồ này xảy ra từ vài năm trước, còn bây giờ Microsoft đã hoàn toàn "thoát" ra được trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh đang sụt giảm và ảnh hưởng tới những đơn vị chủ chốt như Apple.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ