4 bí kíp "gối đầu" cho bức ảnh kỷ yếu đáng nhớ

    Tuấn Lê,  

    Cùng GenK điểm qua một số "đồ chơi" hữu ích và không thể thiếu khi chụp ảnh thể loại này.

    Mùa hè sắp đến cũng là lúc nhiều bạn trẻ rời xa mái trường yêu dấu. Để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp ở tuổi học trò, không ít các bạn học sinh và sinh viên đã chọn cách ký tên lên áo, lên sách vở, hoặc chụp ảnh selfie, "we-fie" cùng nhau...Tuy nhiên, vẫn còn một cách truyền thống khác mà đến nay vẫn nhiều bạn học sinh và sinh viên áp dụng: chụp ảnh kỷ yếu. Nào hãy cùng GenK điểm qua một số "đồ chơi" hữu ích và không thể thiếu khi chụp ảnh thể loại này nhé.

    Ảnh được cung cấp bởi bạn Nguyễn Việt Hưng

    Ảnh kỷ yếu "phá cách" của các sinh viên lớp EC701 trường Đại Học FPT. (Ảnh: bạn đọc Nguyễn Việt Hưng)

    1. Máy chụp ảnh kỹ thuật số DSLR hoặc compact

    Khi được hỏi dùng thiết bị nào để chụp ảnh kỷ yếu thì tất nhiên lựa chọn của nhiều người sẽ là máy ảnh kỹ thuật số DSLR. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một lớp học sẽ có rất đông học sinh nên việc sử dụng các ống kính có góc hẹp hoặc ống tele là hoàn toàn không nên.

    Ảnh sưu tầm

    Nên sử dụng ống kính góc rộng để lấy trọn hết các thành viên trong lớp. (Ảnh: Youngstyle)

    Trong trường hợp này, người chụp cần sử dụng một ống kính góc rộng để có thể lấy trọn toàn bộ học sinh/sinh viên và cũng như có đủ không gian hậu cảnh sân trường hoặc lớp học trong khung hình. Khoảng tiêu cự ống kính cỡ 24mm hoặc 28mm sẽ là lý tưởng, hoặc người chụp có thể chọn ống kính có hiệu ứng mắt cá (fisheye lens, ví dụ ống kính Canon EF 8-15mm f/4 L) để tạo ra được góc ảnh độc đáo hơn.

    (Sưu Tầm) Ảnh được chụp bởi một thành viên trong Group Blend & Retouch

    Hiệu ứng "mắt cá" độc đáo. (Ảnh được chụp bởi một thành viên trong Group Blend & Retouch)

    Hoặc để kinh tế hơn, người chụp có thể sử dụng ống kính đa dụng cơ bản như Canon EF-S 18-55mm, Canon EF-S 18-135mm hay tương tự ở các dòng máy khác nhằm sử dụng góc rộng nhất có thể.

    Lựa chọn máy ảnh dạng Compact hoặc Point and Shoot cũng là một ý khá hay vì hầu như đa số các gia đình đều có sẵn dòng máy này và các học sinh/sinh viên có thể dễ dàng mang theo để chụp ảnh thỏa thích mà không lo ngại quá nhiều đến các tùy chỉnh. Điểm mạnh của dòng máy này nằm ở tính phổ biến, đơn giản, dễ sử dụng và điều quan trọng là trang bị ống kính đa dụng có thể chụp được góc rộng lẫn chụp gần.

    Một số máy ảnh Compact

    Một số mẫu máy ảnh Compact.

    2. Điện thoại di động

    Với công nghệ ngày càng phát triển, cảm biến camera trên di động cũng được nâng cao để cho ra những tấm ảnh đẹp hơn và làm hài lòng những người dùng khó tính. Đây cũng là một lựa chọn kinh tế, tiện dụng và phổ biến. Kinh tế và phổ biến vì hầu như đa số đều sở hữu một chiếc smartphone có khả năng chụp ảnh, và không cần phải sắm đến máy chụp ảnh kỹ thuật số DSLR hay Compact đắt tiền. Tiện dụng vì có thể mang theo mọi nơi và có ống kính góc rộng phù hợp cho chụp kỷ yếu.

    Sử dụng một số ống kính phụ kiện tạo thêm hiệu ứng cho camera điện thoại cũng là một ý tưởng hay

    Sử dụng một số ống kính phụ kiện tạo thêm hiệu ứng cho camera điện thoại cũng là một ý tưởng hay.

    Ngoài ra, smartphone có vô vàn các ứng dụng vui nhộn để thêm vào ảnh giúp cho người chụp tạo ra được nhiều kiểu ảnh sáng tạo hơn, hoặc cũng có thể sử dụng tính năng chụp Panorama để lấy góc siêu rộng hay toàn cảnh sân trường.

    Một ví dụ về ảnh Panorama trên smartphone. Ảnh chụp bởi thiết bị Samsung Galaxy S6
    Một ví dụ về ảnh Panorama trên smartphone. Ảnh chụp bởi thiết bị Samsung Galaxy S6

    3. Flycam

    Một ý tưởng mới xuất hiện gần đây và làm rộ lên phong trào “độc - lạ” trong việc chụp kỷ yếu: sử dụng flycam. Điểm mạnh của flycam là lấy được góc chụp từ trên cao và tạo được nhiều góc ảnh hoặc góc quay cực kỳ sáng tạo không kém phần lạ mắt, tạo một luồng gió mới mẻ trong thể loại chụp kỷ yếu này. Tuy nhiên chi phí để sử dụng flycam chụp ảnh là không hề rẻ và có nguy cơ rơi rớt nếu không cẩn thận.

    Thiết bị flycam chụp ảnh trên không
    Thiết bị flycam chụp ảnh trên không
    Một góc ảnh kỷ yếu của học sinh trường Amsterdam quay bằng Flycam (Sưu tầm)

    Một góc ảnh kỷ yếu của học sinh trường Amsterdam quay bằng flycam (Ảnh: sưu tầm)

    4. Lựa chọn khác

    Bên cạnh các lựa chọn phía trên, RE Camera của HTC cũng là một ứng viên khác nằm trong danh sách các thiết bị chụp kỷ yếu. Lý do GenK chọn thiết bị này vì tính tiện dụng cũng như cho góc chụp khá rộng (146 độ) với độ phân giải 16MP, sử dụng cảm biến của Sony. Với góc chụp này, RE Camera sẽ tạo nên hiệu ứng mắt cá, dù khiến khung hình bị méo nhưng vẫn rất lạ mắt.

    HTC RE Camera

    HTC RE Camera

    HTC RE Camera cho góc rộng

    HTC RE Camera cho góc rộng đến 146 độ tạo hiệu ứng "mắt cá" thú vị

    Lưu ý chung:Nếu chụp ngoài trời thì tốt nhất nên chọn khung giờ sáng sớm hoặc chiều, tức khoảng 7h đến 9h sáng hoặc 15h đến 17h chiều, thời điểm này có nắng xiên sẽ cho ra màu ảnh đẹp hơn. Tránh chọn khung giờ trưa vì nắng sẽ rất gắt, gương mặt của các học sinh / sinh viên sẽ không còn được tươi do nắng nóng hoặc bị chói, dẫn đến kết quả ảnh sẽ không được như ý muốn.

    Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn phần nào để trang bị cho chụp ảnh kỷ yếu và hãy nhớ rằng: thiết bị nào cũng có điểm mạnh riêng, hãy tận dụng những gì có sẵn bên mình và sáng tạo ra những khung ảnh đẹp nhất để lưu giữ khoảnh khắc thời học trò.

    Một kiểu ảnh sáng tạo của lớp EC701, sử dụng kỹ thuật Light Painting

    Một kiểu ảnh sáng tạo của lớp EC701, sử dụng kỹ thuật Light Painting.

    >> Lily Camera - Chiếc Flycam tự bay theo chủ nhân để quay phim

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ