Chiến lược ra mắt TV của Apple có thể đang đi chệch hướng

    Tuấn Việt, Tuấn Việt 

    Apple nên bớt chú trọng đến những công nghệ tương tác đặc biệt để đầu tư hơn vào phát triển nội dung?

    Steve Jobs từng nói: “Cuộc cách mạng trên thị trường TV không phải là công nghệ hay chuyện tầm nhìn mà nó chủ yếu phụ thuộc vào chiến lược thị trường”. Theo quan điểm của Wired, có vẻ như chúng ta đã xem nhẹ vấn đề thị trường khi đang nói tới tương lai của TV và công nghệ giải trí ngay trong gia đình bạn.


    Giải pháp tiếp cận thị trường TV tốt nhất từ trước tới nay theo Wired chính là sản phẩm Xbox 360 của Microsoft. Bài viết sẽ giải thích vì sao Microsoft lại có thể đánh bại và sẽ tiếp tục đánh bại Apple trong lĩnh vực này. Ngược lại, cũng Apple vẫn có thể phản công lại Microsoft, Sony, Google hay mọi hãng khác trong lĩnh vực công nghệ giải trí ngay trong phòng khách.


    Xbox bán chạy nhờ nội dung, chứ không phải Kinect


    Trên thực tế, con số sản phẩm bán được trong "Ngày thứ 6 đen tối" của Microsoft đối với Xbox 360 và Kinect ở Mỹ nằm ở mức 960.000 bộ Xbox 360 và 750.000 bộ cảm biến Kinect bao gồm cả mua lẻ và mua cùng Xbox. Đây là tuần lễ lớn nhất của Xbox từ trước đến nay đối với một thiết bị chơi game đã 6 năm tuổi. Tuy nhiên, sự chênh lệch về doanh số 2 thiết bị này cho thấy có ít nhất khoảng 200.000 người và có thể vài trăm nghìn người nữa mua bộ Xbox 360 mới mà không bao gồm Kinect.


    Có thể cho rằng sự phát triển của Xbox không liên quan nhiều đến Kinect nhiều như chúng ta vẫn nghĩ. Thị trường mới nổi này không bị ảnh hưởng bởi các giao diện người dùng mới - thứ mà nhiều người luôn cho rằng sẽ quyết định lớn đến thành công của các sản phẩm TV trong tương lai. Thực tế, nó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi yếu tố giá cả và quan trọng hơn là yếu tố nội dung, bao gồm cả game và phim ảnh.


    Xbox đang bán được nhiều sản phẩm hơn vì số lượng nội dung cho máy đã gia tăng một cách đáng kể. Trên Twitter, Chris Grant của Joystiq đã viết: “6 năm sau khi chính thức ra mắt Xbox 360, chúng ta có thể thấy chính những tựa game đã phát triển rất mạnh như Gear (of War) 3, Rage, Crysis 2. Chúng chơi rất tuyệt”. Và bây giờ, các phần mềm nâng cấp còn tích hợp cả các chương trình tường thuật trực tiếp và phát sóng theo yêu cầu trên TV với sự cung cấp từ những kênh truyền hình cáp như HBO, Comcast và Verizon cùng một số các hãng nhỏ khác.


    Sự sai lầm của Apple hay sự thổi phồng của các chuyên gia công nghệ?


    Sai lầm lớn nhất mà nhiều phóng viên công nghệ đều mắc phải là kéo smartphone và TV thông minh lại gần nhau quá mức. Họ cho rằng thế hệ tiếp theo của TV sẽ có giao diện người dùng long lanh và màn hình cảm ứng như smartphone. Mỗi lần các tính năng mới này đưa ra, dù cho đó là từ Kinect của Microsoft hay Siri của Apple, chúng ta đều tranh luận rằng đây chính là tương lai của TV. Như một hệ quả tất yếu, các nhận định này khiến mọi người đều nhầm lẫn về các tính năng cần thiết của một chiếc TV tương lai. Đây không phải là vấn đề về việc có quá nhiều dây cáp hay quá nhiều phím điều khiển mặc dù điều này mang đến khá nhiều khó chịu. Vấn đề thực sự ở đây là TV phải có một giao diện người dùng hợp lý.


    Điều này đồng nghĩa với việc tối đa hóa các chức năng có thể chứ không phải tối giản chúng đi. Điều này đồng nghĩa với việc các thiết bị điều khiển từ xa và các thiết bị chơi game cùng các nút bấm không cần thiết phải bị thay thế bởi vì nó đã đảm nhận khá tốt nhiệm vụ. Các giao diện điều khiển bằng giọng nói, tương tác qua cử chỉ... nếu có hãy xem là yếu tổ bổ sung cần thiết, mới lạ.


    Apple sẽ làm gì?


    Không ai rõ Apple định làm gì trong tương lai. Theo quan điểm cá nhân, những điều Apple sẽ làm có thể đi chệch hướng. Như vậy, có thể đây sẽ là chiến lược sai lầm để giới thiệu sản phẩm ra thị trường của Apple. Liệu rằng Apple có làm theo cách đó?


    Chuyên gian phân tích Gene Munsterm của hãng Piper Jaffray, người vô cùng háo hức với Apple TV từ đầu năm 2009 cho rằng anh ta biết Apple sẽ định làm gì tiếp theo và đã nói ở hội nghị Ignition rằng mọi người nên chờ đến khi Apple chính thức cho ra mắt TV vào năm 2012. Vào năm 2009, Munster nghĩ rằng Apple TV sẽ là một TV HD cỡ lớn với thẻ cáp tích hợp sẵn bên trong cùng DVR, thay thế cho cả hộp cáp và TiVo. Bây giờ, ông cho rằng nó sẽ ra mắt với nhiều kích cỡ mặc dù vẫn cần một hộp cáp những sẽ được điều khiển bởi giọng nói bằng phần mềm Siri của Apple.


    Munster cũng nghĩ rằng Apple TV sẽ có giá gấp đôi những chiếc TV thông thường khác, ví dụ một chiếc LCD TV 40 inch có giá khoảng 1.000 USD thì Apple TV 40 inch sẽ có giá khoảng 2.000 USD. Theo cách này, Apple có thể gói gọn các công nghệ hiện đại vào trong một chiếc TV


    Tuy nhiên, có thể nói phát ngôn này có phần không đúng cho lắm, với một vài lý do sau:
     
    Đây là một cái giá không phù hợp với thị trường. Những người mua TV vô cùng nhạy cảm với giá cả. Những người mua điện thoại di động cũng vậy, nhưng thứ nhất, mọi người thay đổi điện thoại nhiều hơn là thay đổi TV, thứ hai, iPhone chỉ bán hết veo khi nó giảm xuống giá 200 USD. Tương tự như vậy, có thể nói nếu như Apple TV có giá gấp đôi các sản phẩm cùng loại, lượng khách hàng mua sẽ không nhiều.
     
    Không phù hợp với chiến lược của Apple. Hiện tại, có thể một chiếc TV cao cấp sẽ là một sản phẩm mạnh mẽ, thu lợi nhuận. Apple có thể đưa ra giá khởi điểm cao, sau đó giảm giá dần để thu hút nhiều khách hàng hơn, như họ làm với iPod, iPhone hay MacBook Air. Tuy nhiên, mọi thứ Apple làm trong 3 năm gần đây đang đi theo hướng ngược lại. Thị trường HDTV cũng vậy. Nếu Apple muốn thành công trong thị trường TV, hãy làm như những gì họ làm với iPad: một sản phẩm tuyệt hảo với giá cả vô cùng tốt, rẻ hơn so với nhiều người đoán. Điều này sẽ làm Apple vượt trội hơn Google, Sony, Samsung…
     
    Phải xây dựng một "hệ sinh thái" hoàn chỉnh. iPad thành công bởi vì nó được hậu thuẫn bởi iPhone, iPod Touch và App Store. Về điểm này, Microsoft đang đi theo hướng khác, mượn những yếu tố thành công ở Xbox để thu hút khách hàng vào Windows Phone và Windows 8. Để thành công, TV của Apple sẽ phải làm tương tự. Họ nên tích hợp những tính năng cao cấp nhất mình có vào sản phẩm, tính năng của iPod, của Mac mini… để người dùng có thể thấy một hệ thống hoàn chỉnh các sản phẩm hỗ trợ cho nhau của Apple.
     
    Một giao diện tốt là chưa đủ. Siri hoạt động khá ổn, theo thời gian, giao diện điều khiển bằng giọng nói sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm và sử dụng TV. Tuy nhiên, giống như Kinect, mình Siri không thể làm nên thành công. Giao diện phải tích hợp những phím điều khiển, cả bằng giọng nói lẫn cử chỉ chạm. Vấn đề nằm ở chỗ nó không hỗ trợ tốt các ứng dụng giải trí như chơi game. Bạn có thể sử dụng iPhone hay iPod để điều khiển TV như Wiimote, hoặc chơi Angry Birds trên màn hình rộng. Tuy nhiên, bạn vẫn phải cần đến PS3 hay Xbox cho những trải nghiệm game đúng nghĩa. Apple đã bán được rất nhiều trò chơi trên App Store, họ cần phải tận dụng lợi thế này, tận dụng vào thị trường game cho các thiết bị di động đang phát triển.
     
    Sản phẩm phải cung cấp nội dung hấp dẫn. Google cố gắng sản xuất ra một TV điều khiển bằng phần mềm với giao diện đẹp, kết nối với một hộp cáp. Google TV ra đời, và công ty đang tiến dần vào thị trường truyền hình cáp. Apple luôn luôn giỏi hơn Google trong việc bắt tay với ngành công nghiệp giải trí. Tuy nhiên, chiến lược của Apple không rõ ràng như Microsoft làm với Xbox. Microsoft chấp nhận ký kết với bất kỳ công ty nào, miễn là họ cung cấp phim, chương trình truyền hình, trò chơi và ứng dụng cho Xbox. Trái lại, Apple đang gặp phải 2 vấn đề mà Steve Jobs đã chỉ ra trong năm 2010. Nếu như bạn liên kết với một nhà cung cấp dịch vụ, chưa thực sự có một nhà cung cấp toàn quốc nào. Nếu như bạn không sử dụng cáp, TV của bạn sẽ phải kết nối với vô số dây rợ phức tạp cùng với các phím điều khiển thừa thãi. Quả thật tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, Apple có thể sẽ có cách của riêng họ.


    Microsoft đã thành công trong việc bắt tay với các nhà cung cấp viễn thông như Comcast và Verizon bởi hãng đã có nền tảng mạnh mẽ về phần cứng, không chỉ giới hạn ở thị trường trong nước mà còn liên kết với toàn thế giới. Steve Jobs chắc hẳn cũng có những tầm nhìn của riêng mình khi ông nghiên cứu Apple TV. Apple sẽ biết cách để đáp ứng nhu cầu thị trường, đây không phải là vấn đề về công nghệ, không phải vấn đề về tầm nhìn, mà là vấn đề của thị trường.

    Có 2 cách để phân tích câu nói của Steve Jobs về Apple TV: “Tôi đã tìm ra rồi”. Thứ nhất, đây có thể là một lời hứa trong tương lai Apple sẽ mang lại cho người dùng một sản phẩm chất lượng. Thứ hai, có thể Jobs giờ mới nhận ra chính xác ông phải làm gì, tuy nhiên ông đã không đủ thời gian để hoàn thành nó, mãi mãi.
     
    Tham khảo: Wired
    Tags: