Chơi tai nghe, chọn “đóng” hay “mở”?

    TM,  

    Câu hỏi được đặt ra là, tai nghe “đóng” và “mở” hợp với những bộ phận người tiêu dùng nào?

    Đối với những người đam mê tai nghe nói chung và những “con nghiện” tai nghe full size nói riêng, việc lựa chọn giữa tai nghe “đóng” và “mở” cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi từ rất lâu. Dĩ nhiên mỗi loại tai nghe đều có những ưu, nhược điểm riêng có, phụ thuộc vào cách họ sử dụng và không gian xung quanh ra sao.

    Câu hỏi được đặt ra là, tai nghe “đóng” và “mở” hợp với những bộ phận người tiêu dùng nào? Bài viết ngày hôm nay mà chúng tôi gửi tới các bạn sẽ phần nào giải đáp được câu hỏi mà nhiều người chơi tai nghe, đặc biệt là những người mới bắt đầu hành trình âm thanh của mình còn chưa tìm được lời giải đáp.

    Thế nào là “đóng” và “mở”?

    Nghe qua có vẻ “đáng sợ”, thế nhưng việc phân biệt giữa tai nghe “đóng” và “mở” lại vô cùng đơn giản. Được định danh bằng hai cụm từ tiếng Anh là Closed Back và Open Back, hầu hết mọi tai nghe full size hay một số mẫu có kích thước nhỏ hơn như portable headphones đều được thiết kế dựa trên hai nguyên mẫu nói trên.

    Lấy ví dụ, chiếc tai nghe với vỏ gỗ đình đám một thời mang tên ATH W5000x của Audio Technica là một trong số những sản phẩm “đóng” điển hình. Điểm dễ nhận ra nhất chính là ở thiết kế earcup kín như bưng, gần như không có những vị trí để thoát dòng khí động bên trong tai nghe khi nó hoạt động. Hai sản phẩm khác cũng cực kỳ nổi tiếng trong làng âm thanh thế giới là ATH M50x và MDR V6 của Sony cũng được xếp vào dòng tai nghe closed back.

    Tương tự như vậy, một trong những cái tên được rất nhiều thanh thiếu niên không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới mơ ước cũng là một sản phẩm tai nghe “đóng”, đó chính là Beats by Dre.

    Trong khi đó, một chiếc tai nghe “mở” thì sở hữu thiết kế khác biệt hoàn toàn so với những ví dụ ở trên. Phía lưng của earcup trên những tai nghe như thế này thường được nhà sản xuất thiết kế sao cho dòng không khí lưu động bên trong tai nghe có thể di chuyển không chỉ vào thẳng tai người nghe mà còn… ra cả bên ngoài. Và kỳ thực những tấm lưới như thế này hầu hết chỉ để bảo vệ driver bên trong mà thôi.

    Mục đích của việc này sẽ được tôi phân tích trong phần tiếp của bài viết này.

    Nếu là một fan cuồng Grado, bạn sẽ thấy gần như không có bất kỳ chiếc tai nghe nào của nhà sản xuất tới từ nước Mỹ này sở hữu thiết kế đóng cả. Tất cả đều có lưới ở mặt ngoài, không bằng nhựa như ở những phiên bản phổ thông giá rẻ như SR125e thì cũng sẽ bằng kim loại như PS1000e chẳng hạn.

    Có thể liệt kê hàng loạt những chiếc tai nghe với thiết kế mở được xếp vào danh sách những chiếc tai nghe cao cấp dành cho dân audiophile: Audez’e LCD X, Sennheiser HD 800, Shure SRH 1840, hay là cả “huyền thoại” Koss PortaPro, v.v…

    Cái nào hơn?

    Đầu tiên, để chọn lựa chiếc tai nghe phù hợp với bản thân, người sử dụng cũng cần xác định được nhu cầu cụ thể của mình, nghĩa là họ sẽ dùng tai nghe vào việc gì. Lý do rất đơn giản là nếu chỉ dựa vào chất âm cũng như giá cả, mà quên đi việc sử dụng hàng ngày, thì ngay cả đó là một chiếc tai nghe được đánh giá rất cao trong cộng đồng vẫn sẽ trở thành vô dụng.

    Đầu tiên hãy nói về tai nghe dạng mở. Xét về âm thanh, đại đa số người chơi tai nghe đều đồng ý với nhau ở một điểm: Tuy chất lượng âm thanh có thể sai khác ở nhiều sản phẩm phụ thuộc vào tầm giá, cách tune âm cũng như gu nghe của mỗi người, thế nhưng tai nghe open back thường đem lại âm trường rộng rãi hơn, tạo ra trải nghiệm âm thanh tuyệt vời hơn cho những dân chơi khó tính.

    Lý do là nhờ vào thiết kế mở phía sau, âm thanh tái tạo sẽ không bị “nhồi” hết vào tai người nghe, tạo ra cảm giác bị ngợp. Đó cũng là lý do cho việc xuất hiện của cụm từ “airy”, ám chỉ sự thoáng đãng, trong trẻo, tự nhiên trong những bản nhạc trình tấu trên tai nghe mở.

    Cũng không phải tự nhiên mà những chiếc tai nghe nhạc cao cấp, được phần đông “dân trong ngành” đánh giá cao đều được thiết kế theo dạng này. Nói một cách ngắn gọn, tai nghe “mở” tập trung vào việc chiều lòng đôi tai của người nghe thông qua những màn trình diễn.

    Chính vì điều này, nhược điểm cơ bản và cũng là lớn nhất của những chiếc tai nghe như vậy chính là tình trạng âm thanh bị leak ra ngoài trong quá trình nghe. Những người ở gần người nghe đôi khi có thể nghe rõ mồn một những gì tai nghe đang trình diễn, không khác gì một chiếc loa ngoài mini, dĩ nhiên với chất âm khác hẳn so với lúc đeo tai nghe lên và trực tiếp thưởng thức.

    Headphones girl x2 for 1920x1080

    Ở khía cạnh thứ hai là những chiếc tai nghe dạng đóng. Khác hoàn toàn với tai nghe mở, những headphones như thế này tập trung chủ yếu vào việc “cách ly” đôi tai của chúng ta đối với thế giới bên ngoài. Khi nghe nhạc bằng tai nghe “đóng”, sẽ chỉ có bạn và âm nhạc, nhờ đó bạn có thể quên hết những thứ xung quanh.

    Ưu điểm của những chiếc tai nghe này hầu như cũng là mục tiêu ban đầu của những người tạo ra tai nghe: Không làm phiền những người xung quanh. Tuy nhiên nếu xét về chất âm, thì đa số trường hợp tai nghe “đóng” thường không sánh được với những sản phẩm open back về chất lượng. Lý do đã được tôi đề cập ở phía trên.

    Tuy nhiên không phải vì vậy mà có thể mặc định nhận xét rằng tai nghe closed back khó lòng cho phép người nghe “sống” cùng âm nhạc. Chưa từng có ai đánh giá V6 của Sony, M50x của Audio Technica hay mới đây nhất là LCD-XC của Audez’e là những sản phẩm tệ hại cả. Chúng ta đang đề cập vấn đề ở một mức độ tương đối, có nghĩa là vẫn sẽ có những sản phẩm vượt trội so với mặt bằng chung.

    Lựa chọn theo nhu cầu

    Kỳ thực, việc thưởng thức âm nhạc bằng tai nghe open back thường khá ấn tượng. Thế nhưng để đổi lấy sự ấn tượng, người nghe sẽ cần ghi nhớ vài điểm:

    Do thiết kế của mình, tai nghe “mở” sẽ để lọt khá nhiều tạp âm trong quá trình nghe vào tai người thưởng thức. Đó cũng là lý do khiến cho chúng thường phù hợp với việc thưởng thức âm thanh tại gia thay vì là một thiết bị phù hợp cho những người hay di chuyển, vốn sẽ lựa chọn tai nghe “đóng”, hoặc những chiếc in-ear monitor.

    Thêm một điều nữa, những người sở hữu tai nghe “mở” cũng sẽ cần lưu ý tới những người xung quanh, đặc biệt là vào ban đêm. Lúc này ở mức âm lượng lớn, tai nghe open back có thể trở thành một chiếc loa ngoài đích thực, gây ảnh hưởng tới những người khác.

    Trong khi đó, nếu bạn đang lựa chọn một chiếc tai nghe với khả năng cách âm tốt để thưởng thức âm nhạc nơi đông người hoặc ngoài đường phố, thì tai nghe closed back gần như là lựa chọn duy nhất. Đây cũng có thể coi như một lựa chọn dành cho những người muốn thưởng thức âm nhạc nơi làm việc, khi không muốn làm phiền người khác.

    Một lần nữa, chúng tôi xin chúc các bạn lựa chọn được mẫu tai nghe ưng ý, phục vụ đúng nhu cầu của bản thân.

    >> Cận cảnh 4 tai nghe IM - Series của Audio Technica

    NỔI BẬT TRANG CHỦ