Cơn bão khẩn cấp Windows 8: Hệ điều hành thực sự khác biệt

    PV, Lê Vũ Lâm 

    Windows 8 được coi là vụ đánh cược lớn nhất của Microsoft, và có vẻ như điều đó chẳng hề sai.

    Cho đến hiện tại, vẫn chỉ có Microsoft biết chính xác những gì sẽ đến cùng với hệ điều hành Windows 8 của họ. Tuy nhiên, theo như những gì vừa công bố tại triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2011cách đây không lâu, Windows mới sẽ hỗ trợ cả nền tảng chip ARM bên cạnh x86 quen thuộc. Đúng vậy, Windows 8 sẽ không chỉ dành riêng cho máy tính nữa.
     

    “Sản phẩm này sẽ dành cho các lớp phần cứng mới, và tìm kiếm các đối tác silicon mới cho Windows để có thể phục vụ rộng rãi cho thị trường.” – Trích lời Steve Ballmer, CEO của Microsoft.
     
    Như vậy, hỗ trợ ARM là thông tin chính thức duy nhất của gã khổng lồ phần mềm khi nói về Windows 8. Theo đó, các công ty như Nvidia, Qualcomm và Texas Instruments có thể là “đối tác silicon” phù hợp. Và cũng có nghĩa là hệ điều hành Windows sẵn sàng cho các nền tảng điện áp thấp. Trong một diễn biến khác, tại hội nghị diễn ra ở London năm ngoái, Microsoft cũng khuyến khích các ý tưởng ảo hóa Windows nhiều hơn, với khả năng lưu trữ dữ liệu, ứng dụng, cài đặt hệ thống và cả một bộ phận của hệ điều hành trên “đám mây”.
     
    Trở lại với vấn đề, tin đồn xoay xung quanh Windows 8 luôn nhiều vô kể. Và hầu hết đều được gắn cái mác “rò rỉ từ tổng bộ của Microsoft”. Có thể kể đến thông tin cho hay người dùng trong tương lai sẽ sở hữu một hệ điều hành di động, nơi khách hàng ứng dụng trên bất cứ thiết bị nào mình muốn và ở bất cứ đâu, tức là không còn phụ thuộc vào phần cứng của họ thêm nữa.
     
     
    Một phiên bản khác có vẻ khả quan hơn khi khẳng định Windows 8 sẽ được trang bị thiết lập hỗ trợ phục hồi lại các ứng dụng và cài đặt khi chúng bị virus tấn công. Thật vậy, với điện toán đám mây, điều này không phải là không có khả năng.
     
    Tuy nhiên, khía cạnh được quan tâm nhiều nhất là Microsoft ứng xử ra sao để Windows vừa vặn hơn cho dòng thiết bị như máy tính bảng và smartphone. Câu trả lời được Paul Thurrot tiết lộ rằng giao diện đặc trưng Mosh sẽ giải quyết vấn đề. Đi kèm với đó là hệ thống ứng dụng mới Jupiter có khả năng tạo ra một môi trường làm việc tốt cho nhà phát triển, mục đích tối ưu hóa hoạt động của phần mềm trên cả hai nền chip ARM và x86 mà không cần phải lập trình lại.
     
     
    Tóm lại, chắc chắn Windows 8 sẽ thực sự rất khác, mà như Microsoft trình bày “hệ thống sẽ thay đổi suy nghĩ của mọi người về máy tính và cả cái cách họ sử dụng chúng. Đó là tương lai của PC”. Được biết, hiện gã khổng lồ đang đặt mục tiêu ra mắt hệ điều hành kế tiếp vào năm 2012.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày