Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid

    Nút Chuối,  

    Tai nghe hybrid, cụ thể hơn là Cowon EH2 có gì hơn những tai nghe thông thường?

    Nhiều năm trở về trước, khi tôi vẫn còn là một cậu học sinh cấp 2, cái tên Cowon của Hàn Quốc đã bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam với những mẫu máy nghe nhạc mp3 vốn đang là trào lưu thời bấy giờ. Nếu so sánh với những chiếc máy nghe nhạc đến từ Trung Quốc có giá chỉ vài trăm nghìn vào thời điểm bấy giờ, thì việc bỏ cả triệu Đồng để sở hữu một chiếc máy nghe nhạc Cowon là cả một ước mơ đối với bất kỳ ai.

    Chiêm ngưỡng tai nghe "độc" Cowon EH2

    Thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta có thể mặc định xếp Cowon vào hàng ngũ những cái tên cao cấp tại thị trường Việt Nam. Những mẫu máy nghe nhạc cũng như tai nghe của Cowon đang xuất hiện tại thị trường trong nước hiện nay đều đánh vào thị trường người tiêu dùng trẻ tuổi, với mức giá không tới 1 triệu Đồng, rất dễ đầu tư và sở hữu chất âm nằm ở mức tương xứng với tầm giá.

    Chiêm ngưỡng tai nghe "độc" Cowon EH2

    Chính vì lẽ đó, khi mẫu IEM mang tên EH2 của thương hiệu này ra mắt, tôi đã vô cùng ngạc nhiên, từ mức giá có thể coi EH2 trở thành flagship (tạm gọi là sản phẩm cao cấp nhất) trong bộ sưu tập tai nghe của Cowon, đến lời quảng cáo “mẫu tai nghe hybrid đầu tiên có mặt tại Việt Nam”. Trí tò mò luôn là bạn đồng hành của con người, vì thế tôi đã không bỏ lỡ cơ hội được thử nghiệm chiếc tai nghe in ear với 2 driver như thế này.

    Tai nghe Hybrid?

    Không chỉ đối với các bạn mà với chính bản thân tôi, tai nghe hybrid cũng là một khái niệm vô cùng mới mẻ. Thông thường, những mẫu tai nghe in ear sẽ được trang bị một trong ba loại driver (dân dã gọi là ‘loa’): Bình dân nhất là Dynamic driver, được sử dụng trong đa số tai nghe hiện nay, không riêng gì tai nghe in ear. Tai nghe sử dụng dynamic driver có cái giá từ vài chục nghìn đến cả chục triệu phụ thuộc chất lượng và thương hiệu.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Đắt tiền hơn chúng ta có Balanced armature. Những tai nghe như thế này có khả năng trình diễn hai dải âm mid và high vô cùng chi tiết, nhưng lại thiếu đi độ sâu và sức mạnh của bass. Cuối cùng, cao cấp nhất có lẽ phải kể đến những mẫu tai nghe sử dụng màng loa tĩnh điện (electrostatic). Trong nhiều trường hợp, tai nghe như thế này được xếp vào hàng “cực phẩm” đối với giới chơi âm thanh. Một cặp tai nghe Stax đôi khi có mức giá bằng cả một gia tài.

    Loanh quanh một hồi với những chiếc tai nghe, vậy tai nghe hybrid là gì? Nhận thấy ưu, nhược điểm của những loại driver sử dụng trong tai nghe, một số thương hiệu đã kết hợp hai hoặc nhiều loại driver vào chung một chiếc tai nghe để đem lại trải nghiệm âm thanh như ý muốn.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Trong trường hợp của Cowon EH2, nha sản xuất Hàn Quốc trang bị cho chúng ta mỗi bên 1 driver dynamic và một driver balanced armature. Trong đó dải bass sẽ được đảm nhận bởi driver dynamic, và driver còn lại chịu trách nhiệm tái tạo âm thanh của hai dải mid, high.

    Thiết kế “sang”

    EH2 được đi kèm với một hộp đựng không mấy bắt mắt, thế nhưng ngoại hình của EH2 khiến cho nó rất thu hút người xem (chưa nói đến chuyện nghe thử). Toàn bộ housing của hai bên tai nghe cũng như phần bỏ jack cắm được chế tác bằng kim loại nên sở hữu khối lượng nằm ở mức tương đối, không tạo cảm giác quá lỏng lẻo nhưng cũng không quá nặng khi thưởng thức âm nhạc. Hai phần ba đoạn cáp nối của EH2 được bọc vải, chống cắt cũng như làm tăng độ bền của cáp, phù hợp hơn với những người sử dụng không mấy giữ gìn tai.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Với mức giá hơn 4 triệu Đồng, thì việc mạ vàng jack cắm cũng như khá hào phóng trong phụ kiện hoàn toàn không phải là điều đáng ngạc nhiên ở mẫu tai nghe đến từ xứ sở Kim chi này. Bên cạnh chiếc tai nghe, nhà sản xuất còn tặng thêm 7 cặp eartip dành cho những người với kích cỡ tai khác nhau, một jack chuyển từ 3,5 sang 6,3mm mạ vàng, phục vụ nhu cầu thưởng thức âm nhạc trên những hệ thống HiFi hay thông qua những headamp cao cấp.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Thêm vào đó, để tiện cho việc di chuyển, Cowon còn tặng kèm EH2 một túi đựng tai nghe nhỏ hai lớp với khả năng chống nước (thú thật là tôi cũng chưa dám liều thử khả năng này của chiếc túi).

    Thử nghiệm theo “sách vở”

    Đối với những đôi tai nghe mới, chưa được thử nghiệm bao giờ, tôi luôn mắc một căn bênh nghề nghiệp đó là nghe thử chúng qua một tập hợp những bản nhạc cố định để kiểm tra khả năng trình diễn cả 3 dải âm bass, mid và high, cũng như âm trường của mỗi mẫu tai nghe. Chưa dừng lại ở đó, tôi cũng không có thói quen burn in một chiếc tai nghe trước khi sử dụng.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Bản nhạc đầu tiên tôi thử nghiệm với Cowon EH2 là Can’t Hold Us Down của Christina Aguilera, với mục đích thử nghiệm hai dải bass và high từ nhịp beat và giọng ca của nữ ca sỹ nổi danh. Hậu quả của việc quên mất EH2 có một driver dynamic là khi bản nhạc cất lên, tôi đã giật mình vì lực bass mạnh, gọn và sâu của chiếc tai nghe này. Không kém cạnh chính là giọng ca của Aguilera, chất giọng cao vút của nữ diva này hoàn toàn không bị đè chút nào bởi nhịp bass của bản nhạc mà vẫn nổi bật lên. Hai driver đã bắt đầu phát huy những tác dụng ban đầu nếu so với những headphone 1 driver tôi từng thử nghiệm.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Bản nhạc thứ hai dùng để kiểm tra hai dải âm mid và high mang tên Let’s Stay Together của Al Green. Không giống với nhịp beat dồn dập, mạnh mẽ của bản nhạc đầu tiên, nhịp trống của bản nhạc này được hạ xuống một chút, nhường chỗ cho tiếng trumpet và giọng ca của nam ca sỹ.

    Dải bass trong bản nhạc này có vẻ hơi quá khi khiến cho dải mid, với sự hiện diện của tiếng trumpet và nhóm bè bị chìm hẳn xuống so với nhịp trống và giọng nam chính. Có thể nhận định dải âm của EH2 tập trung nhiều vào bass và high, cả hai đều trình diễn tốt nên người nghe có cảm giác chiếc tai nghe rất cân bằng, không quá tối vì nhiều bass, và cũng không quá khô.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Tiếp đến là việc thử nghiệm âm trường với album Stax CD1, vốn được tao ra để mô phỏng tiếng động thực như khi đôi tai chúng ta hoạt động vậy. Ở track thứ 3, When A Man Loves A Woman, cùng lúc âm trường khá rộng và âm hình của EH2 đã được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Người nghe hoàn toàn có thể xác định được vị trí của giọng nam chính vừa cất tiếng hát vừa di chuyển quanh căn phòng, vị trí của tiếng vỗ tay xa gần, cũng như vị trí của cả nhóm bè.

    Với những bản nhạc thường ngày

    Dĩ nhiên chẳng ai mua một chiếc tai nghe về chỉ để nghe những bản nhạc mang giá trị nhận định trên đây cả. Vì thế công việc tiếp theo của tôi là thử nghiệm với những bản nhạc với chất lượng FLAC thường ngày vẫn thưởng thức để có được trải nghiệm toàn diện nhất về Cowon EH2.

    Vẫn ấn tượng với dải high bật hẳn ra khỏi nhịp bass mạnh mẽ, tôi bật bản This I Love của Guns n’ Roses. Không ngoài dự đoán, giọng hát cao (dĩ nhiên đã qua chỉnh sửa) của Axl Rose lấn át hoàn toàn tiếng violin làm nền, và thậm chí là có phần át cả tiếng piano nửa đầu bản nhạc. Đến lúc đoạn guitar solo với những nốt cao được cất lên, tôi mới biết được chính xác khả năng trình diễn dải high của Cowon EH2 lớn tới đâu.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Gu âm nhạc của tôi khá “tạp”, với nhiều thể loại như pop, rock, acoustic, jazz, trance hay thậm chí là cả hip hop. Sau rock, Suit & Tie của Justin Timberlake là lựa chọn tiếp theo của tôi. Gần một phút đầu tiên, dải mid xuất hiện có phần mờ nhạt khi nhịp beat đều, sâu thế chỗ. Sau đó khi nhịp beat cũng như giọng rap của Jay Z đã không còn, EH2 mới trở thành màn trình diễn của dải mid và high, với phần phối khí và giọng hát của Justin.

    Độ chi tiết của âm thanh cũng là một điểm sáng của Cowon EH2, với bản nhạc Sweet Memories của nữ ca sỹ Singapore Olivia Ong, giọng hát mộc đầy tình cảm của cô được diễn tả lại gần như đầy đủ sắc thái. Sang đến bản cover Close To You cũng của cô, tiếng acoustic guitar trong vắt đầu bản nhạc, tiếp ngay sau là tiếng hát cất lên. Tiếng bè vốn nằm ở dải mid vẫn phần nào thiếu hụt.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Hai bản nhạc Việt được thử nghiệm với EH2 là Thao Thức Vì Em của Bằng Kiều và Cỏ Và Mưa của Tùng Dương. Cả hai bản nhạc đều được dùng để nhận định độ chi tiết trong âm thanh của chiếc tai nghe, khi vốn dĩ hai dải bass và high đã là thế mạnh của EH2. Tiếng cymbal, tiếng trống hay cả tiếng bass đều rất rõ ràng nhưng vẫn hòa quyện chặt chẽ với bản nhạc.

    Đối với jazz, bản cover La Vie en Rose của Judith Nijland được tôi lựa chọn, một phần vì muốn thưởng thức tiếng contrabass trên EH2, thứ tôi cảm thấy khá thiếu ở những tai nghe in ear sử dụng driver Balanced armature, phần khác là bớt đi lo lắng dải mid, nơi có tiếng hát của nữ ca sĩ và tiếng piano sẽ bị át đi. Trải nghiệm bass vẫn vậy, nhưng bản nhạc bớt tối đi rất nhiều nếu so sánh với những tai nghe dynamic khác.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Cuối cùng, “đã thử thì thử cho trót”, tôi lựa chọn dubstep. Với dải bass mạnh, trải nghiệm dubstep, house hoặc trance trên EH2 vẫn rất thỏa mãn với track Robot Race của producer Senbei. Có thể khẳng định, Cowon EH2 có thể trị được nhiều thể loại nhạc khác nhau.

    Tạm kết

    Với mức giá hơn 4 triệu Đồng, rõ ràng Cowon EH2 không phải là lựa chọn cho tất cả những người ưa thích âm nhạc tại Việt Nam khi tìm kiếm một cặp tai nghe in ear về phục vụ đam mê. Thêm vào đó, việc hơi thiếu hụt dải mid và việc âm bass đôi khi hơi quá nhiều là hai khuyết điểm đáng kể đến nhất trên EH2.

    Cowon EH2 – Trải nghiệm lạ với tai nghe hybrid
     

    Tuy nhiên với chất lượng âm thanh mà mẫu tai nghe này mang lại, tập trung nhiều vào bass và high để tạo cảm giác cân bằng nhờ vào việc cùng lúc sử dụng hai driver khác nhau, Cowon EH2 là một trải nghiệm tai nghe hybrid lạ và cuốn hút đối với bất kỳ ai.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ