Custom Art Music One: Trải nghiệm thú chơi xa xỉ với giá mềm

    Yến Thanh,  

    Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua những nét cơ bản về một trong những mẫu tai nghe custom rẻ nhất mà bạn có thể sở hữu tại thời điểm hiện tại: Custom Art Music One.

    Tại Việt Nam, cộng đồng dân chơi âm thanh nói chung cũng như người hâm mộ tai nghe tại Việt Nam nói riêng đã chẳng còn xa lạ gì với những thương hiệu đình đám như JH Audio, Noble, Ultimate Ears hay FitEar. Điểm chung của những cái tên này là gì? Đó là bên cạnh những sản phẩm universal phù hợp với mọi đối tượng người sử dụng (đương nhiên phải có đủ tiền), họ còn có những dịch vụ sản xuất tai nghe custom chỉ dành cho một người sử dụng, được chế tác chính xác từ khuôn đúc tai của khách hàng.

    Tại Việt Nam, trước đây có một số dịch vụ làm tai nghe custom như Soranik, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, để sở hữu một chiếc tai nghe custom, một thứ độc đáo mà bạn chỉ sở hữu cho riêng bản thân mình, bạn buộc phải đặt hàng từ những thương hiệu nước ngoài.

    Bản thân tôi cũng có sở thích với những chiếc tai nghe custom, đơn giản vì chúng là những món đồ độc nhất vô nhị xét về hình thù, kết cấu và cả khả năng sử dụng. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm qua những nét cơ bản về một trong những mẫu tai nghe custom rẻ nhất mà bạn có thể sở hữu tại thời điểm hiện tại: Custom Art Music One.

    Giá mềm, nhưng không rẻ

    Thông thường, khi đánh giá chi tiết một sản phẩm âm thanh, đôi lúc tôi sẽ mượn các sản phẩm đang được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam. Hoặc nếu món đồ chơi đó thu hút sự chú ý của tôi một cách thực sự, tôi sẽ nhờ một vài người bạn ship về nước để đánh giá một cách khách quan và chi tiết. Custom Art Music One được xếp vào dạng thứ hai.

    Chẳng có ai đủ khả năng cho tôi mượn một sản phẩm như thế này để đánh giá cả, hoặc nếu có thì bài đánh giá cũng chẳng thể nào có chất lượng, đơn giản vì chính kết cấu sản phẩm. Nếu nó không thuộc về tôi, dành riêng cho tôi sử dụng, thì review cũng chỉ mang tính chất cưỡi ngựa xem hoa vì sẽ chẳng có chút đánh giá nào về chất âm và khả năng fit chính xác được.

    Vậy là, “người nông dân” đành tự giác đến đặt hàng và tự lấy khuôn tai để sở hữu một chiếc Music One. Tổng chi phí mà tôi phải bỏ ra, kể cả phí ship lẫn những lựa chọn faceplate gỗ đi kèm cũng như phí ship về Việt Nam rơi vào khoảng 8,5 triệu Đồng. Xét về một chiếc tai nghe 1 driver Balanced armature, cái giá này không hề hợp lý chút nào nếu xét về P/P, và tôi mới chỉ thấy 1 sản phẩm tương tự duy nhất sở hữu cái giá ở tầm đó, Grado GR10.

    Còn lại, những sản phẩm như Sony XBA1, Etymotic HF5 hay ER4 hoặc Phonak Audeo series đều chỉ có cái giá dao động từ 4 đến 5 triệu đổ xuống. Thế nhưng đó đều là những sản phẩm sử dụng eartip rời, bằng silicone hoặc bọt biển, và đôi khi, chỉ cần thay tip, âm thanh của cả chiếc tai nghe sẽ khác biệt hoàn toàn, chứ chưa nói đến những nâng cấp cao hơn như thay dây cáp.

    Music One có giá không hề rẻ, nhưng nếu so sánh với những tượng đài như Ultimate Ears, Noble hay Jerry Harvey, với những sản phẩm có giá không thể dưới 8 chữ số tiền Việt, thì từ 7 đến 8,5 triệu tùy option lựa chọn lại là một con số khá hấp dẫn nếu bạn đang có nhu cầu đổi gió, sử dụng thử những sản phẩm mới lạ như tai nghe custom.

    Thú chơi công phu

    Ưu điểm và cũng là nhược điểm đầu tiên của CIEM (custom in ear monitor) nói chung và Music One nói riêng chính là ở thiết kế của tai nghe. Với việc lấy mẫu khuôn tai người sử dụng, sẽ chỉ có mình bạn được thưởng thức nó, không ai khác. Thế nhưng xét về mức độ fit và cảm giác thoải mái, thì chẳng có chiếc in ear nào hay ear tip nào trên thị trường có thể so bì được.

    Đó cũng chính là lý do CIEM bản chất vốn được tạo ra để phục vụ cộng đồng nghệ sỹ, những ca sỹ hát trên sân khấu, nơi âm nhạc to tới ngưỡng họ không thể nghe được giọng của chính bản thân mình. Hẳn các bạn cũng đã từng thấy những “cục tai nghe” màu be trên tai các nghệ sỹ khi họ hát live. Đó chính là CIEM. Đó là thứ cho phép họ có thể điều chỉnh được tiếng hát của mình hoặc kiểm soát sân khấu tốt hơn.

    Tuy nhiên để tạo ra trải nghiệm tốt nhất, thì những CIEM dành riêng cho giới nghệ sỹ lại chỉ chú trọng vào dải mid, nơi âm thanh giọng hát thường ngự trị. Vì thế ban đầu CIEM không được coi là sản phẩm dành cho người mê âm nhạc. Về sau, nhận thấy nhu cầu thị trường, các thương hiệu lớn như cũng bắt đầu tạo ra những CIEM dành riêng cho nhu cầu nghe nhạc cũng như cho giới audiophile.

    Quay trở lại với Music One. Như các bạn có thể thấy, chiếc tai nghe nằm lọt thỏm một cách vô cùng gọn gàng trong tai tôi. Thế nhưng việc tai nghe có fit hay không hoàn toàn không phải là việc của nhà sản xuất, mà đó lại là trách nhiệm của người lấy mẫu khuôn tai. Thật may mắn cho tôi, khi người bạn lấy khuôn làm việc rất tận tâm, và khi sản phẩm về đến Việt Nam, tôi gần như chẳng có chút phàn nàn nào về khả năng fit của Music One.

    Custom Art, cái tên đến từ Ba Lan là một trong số rất ít những nhà sản xuất làm CIEM bằng chất liệu silicone thay vì nhựa acrylic. Về cơ bản, silicone mềm hơn so với acrylic và yêu cầu khả năng chế tác công phu hơn việc chỉ tạo lớp vỏ, housing, sound tube và nhồi nhét driver BA vào bên trong.

    Chiếc tai nghe của tôi được đúc nguyên khối, với mọi thứ bên trong nằm cố định giữa lớp silicone bao bọc. Đối với nhiều người, CIEM silicone mềm mại và ít gây đau tai hơn so với acrylic. Thế nhưng nếu xét tổng thể, một CIEM silicone có cùng số lượng driver luôn đắt hơn phiên bản acrylic so chi phí sản xuất. So sánh trực tiếp: Noble 4C có giá 700 USD, thế nhưng 4S, phiên bản “mềm” lại có cái giá 1000 USD.

    Khi chiếc tai nghe của tôi cập bến, bên trong chỉ có hai chiếc hộp, một hộp Pelican chống ẩm, và 1 bao nhỏ để mang tai nghe theo trong những chuyến đi. Bên cạnh đó là một hộp hạt chống ẩm và chổi nhỏ vệ sinh tai nghe. Khá nghèo nàn về phụ kiện, thế nhưng người sử dụng chỉ cần có ngần đó, vì đơn giản họ chẳng cần thêm những phụ kiện phức tạp như filter hay eartip như những sản phẩm khác.

    Âm thanh

    Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã sở hữu Music One được tròn 3 tuần. Trong suốt thời gian đó, Music One đã được thử lửa với hàng loạt thiết bị khác nhau, từ iPhone 5S, AK120 II cho tới cả… Bphone của BKAV, chiếc smartphone đang gây bão tại mảnh đất hình chữ S.

    Quả thật, cụm từ chính xác nhất để mô tả thứ âm thanh mà Music One trình diễn chỉ có thể là “không thể tin nổi”. Từ trước tới nay tôi vẫn có quan niệm balanced armature chỉ phù hợp với những kết cấu multi-driver, mỗi driver chuyên trách một dải cố định. Đó là công thức tạo ra thành công cho những cái tên đình đám như Shure SE535, Noble Kaiser 10 hay JH Roxanne.

    Bass của Music One không nhiều như phiên bản 2 driver cũng của Custom Art, Music Two. Lý do là phiên bản cao cấp hơn có hẳn một driver “chuyên trị” dải âm trầm, vốn cần cả lực, độ dày và độ sâu. Trong khi đó, với Music One, bạn vẫn có thể thưởng thức những bản pop ballad đầy tình cảm hay dòng nhạc thính phòng với cảm xúc mãnh liệt, dù rằng bass của Music One chỉ được nhấn vào độ sâu, chứ texture và mức độ ấn tượng chưa thực sự khiến tôi “ưng cái bụng”. Quả thật khi tiếng những cây contrabass không đầy đủ, thì việc thưởng thức những bản nhạc jazz cũng mất đi phần nào cái “hứng”.

    Thế nhưng hai dải âm còn lại gần như khiến tôi choáng ngợp, ngay khi biết đây chỉ là mẫu tai nghe dùng 1 driver BA. Mid trung tính, hợp với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Nó có thể ấm áp với những bản nhạc của Leonard Cohen, nhưng cũng có thể là một thứ mid lanh lảnh, trong sáng trong những bản không lời hay vocal nữ mà tôi hay thưởng thức về ban đêm.

    Tiếng ở dải âm cao cũng không hề kém cạnh, khi bạn hoàn toàn có thể thấy nó chói chang, rực rỡ trong những cú riff guitar điện thần sầu của các rocker tài năng, hay tiếng nhạc cụ gõ được đưa tới giới hạn mà đôi khi nếu không nghe quen, bạn có thể cảm thấy hơi gắt. Ngay cả sự chi tiết của các dải âm, cũng như sự tách bạch trong âm trường cũng được thể hiện xuất sắc. Những tiếng “ting, ting” nhẹ nhàng không hề được đẩy cao đến sát tai người nghe. Chúng vẫn rõ ràng, vẫn hiện hữu, nhưng với mức độ khiến cho người nghe cảm nhận được vị trí của tay trống trong phòng thu hay trong dàn nhạc.

    Tổng kết ngắn gọn, so sánh với những sản phẩm tai nghe BA 1 driver khác, thì chất âm mà Music One sở hữu xứng đáng điểm 9/10 khi tái tạo được chất âm vô cùng tự nhiên, gần với sự cân bằng dù vẫn còn đó nhạc tính trong mỗi bài hát mà playlist của tôi lướt qua.

    Tạm kết

    Nếu bạn là một người quan tâm tới P/P của một sản phẩm âm thanh, thì có lẽ những thiết bị high end hay những CIEM hoàn toàn không phù hợp với bạn. Tuy nhiên đối với những người như chúng tôi, những kẻ bước chân vào “cuộc đua vũ trang” âm thanh hòng tìm kiếm cho mình trải nghiệm nghe ưng ý nhất, thì CIEM là một thú chơi tuy xa xỉ nhưng lại đáng với số tiền bỏ ra.

    Và trong số đó, Custom Art Music One/Two xứng đáng là những sản phẩm có mức giá mềm (hơn so với những sản phẩm khác) nhưng đem lại trải nghiệm nghe ưng ý nhất. Chúng rõ ràng là những món hời mà bất kỳ ai đang có sở thích với CIEM cũng cần phải thử qua.

    Xin chân thành cảm ơn HeadWorld Audio, nhà phân phối chính thức Custom Art tại Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này!

    >> "Toát mồ hôi hột" cùng tai nghe in-ear bluetooth SONY MDR-AS800BT

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ