Danh sách card đồ họa chơi game đáng mua nhất từng mức giá (Phần 1)

    PV, Nội Tâm 

    Danh sách này được cập nhất mới nhất và phù hợp nhất với tình hình trong nước.

    Ngày nay, việc lựa chọn card đồ họa chơi game có vẻ dễ dàng hơn trước kia rất nhiều. Khác với cách đây vài năm – khi mà nguồn tư vấn duy nhất của game thủ là… người bán hàng (chả khác nào đưa đầu vào miệng cọp) – hiện nay các website công nghệ mọc lên rất nhiều, cung cấp cho người dùng những review đánh giá cực kì chi tiết về mọi sản phẩm. Tuy vậy, công nghệ luôn thay đổi hàng ngày, và việc ngồi đọc hàng đống review chưa bao giờ là một công việc thú vị - đặc biệt đối với những người ít hứng thú công nghệ hoặc thiếu thời gian.

    Trong bài viết này, GenK sẽ giúp bạn đọc liệt kê danh sách các card đồ họa đáng mua nhất trong từng mức giá. Hi vọng nó sẽ ít nhiều giúp cho các bạn khỏi hoang mang khi lạc giữa một rừng sản phẩm…

    Bài viết Danh sách card đồ họa đáng mua nhất trước đã được đăng lên khá lâu. Do vậy đầu tiên người viết xin được tóm tắt vài thay đổi đáng chú ý trong thời gian qua.

     
    Một số lưu ý:

    - Các card đồ họa được chọn theo tiêu chí phục vụ game offline đòi hỏi cấu hình cao như Batman, BattleField… Nếu chỉ có nhu cầu game online hoặc giải trí thông thường, bạn có thể không cần những chiếc card đắt tiền đến thế.
    - Các thông tin dưới đây (đặc biệt là giá cả) chỉ đúng nhất ở thị trường Việt Nam. Đối với bạn đọc ở nước ngoài có thể không chính xác.
    - Giá cả đưa ra chỉ mang tính tham khảo, có thể thay đổi theo thời gian và tùy nơi bán.
    - Chỉ số p/p (performance/price – hiệu năng/giá thành) của các card đồ họa tăng dần từ phổ thông tới trung cấp, sau đó lại giảm khi tiến lên cao cấp. Vì vậy đối với người dùng ở các phân khúc phía dưới, “cố thêm một chút” là điều nên làm.
     
    GTS 250 – huyền thoại p/p “tuyệt chủng”
     
    Hiệu năng tốt, giá phải chăng – 2 yếu tố này đã giúp GTS 250 làm mưa làm gió một thời gian khá dài. Dù hơi nóng và ngốn điện, chiếc card vẫn được ưa chuộng trong rất nhiều cấu hình hiệu năng khá. Đáng tiếc Nvidia đã chính thức khai tử con gà một thời đẻ trứng vàng này. Ở Việt Nam, những sản phẩm rơi vãi cuối cùng cũng đã biến mất khỏi kệ. Giờ bạn chỉ có thể tìm GTS 250 trên thị trường hàng hóa trao tay second-hand.
     
    HD 7000 đang ra mắt: quá hot!
     
    Sự ra mắt ấn tượng của 2 GPU mã Tahiti (HD 7970 và 7950) đã hâm nóng phân khúc siêu cao cấp trong tháng qua. Tiến trình và kiến trúc mới cho phép AMD sản xuất ra GPU mới ưu việt hơn đối thủ GTX 580 về mọi mặt: hiệu năng, nhiệt độ và cả điện năng tiêu thụ. Số nhân vượt trội cũng khiến Tahiti trở thành món hàng “thơm” trong mắt các dân cày Bitcoin (cho thuê khả năng tính toán của GPU qua đường truyền Internet để lấy tiền).


    Ngoài ra vào giữa tháng 2 vừa rồi, HD 7770 và 7750 cũng chính thức lên sàn với hiệu năng và điện năng tiêu thụ ấn tượng. Theo đúng truyền thống thì cũng phải ít nhất 1 tháng thì các phiên bản với tản nhiệt và bo mạch custom của các hãng VGA như MSI, Asus, Gigabyte mới được giới thiệu, và chắc cũng phải 1 tháng sau mới lên kệ tại Việt Nam với giá ổn định.

    Nối tiếp theo 79xx và 77xx, dòng 78xx chắc chắn sẽ mang hiệu năng ấn tượng. Nếu nhu cầu không quá cấp bách, tôi cho rằng người dùng tầm cao cấp trở lên nên chờ đợi một chút.
     
    Phân biệt bộ nhớ DDR3 và GDDR5
     
    Cùng một GPU nhưng khác bộ nhớ, 2 chiếc card đồ họa sẽ có hiệu năng khác nhau hoàn toàn. Rất nhiều người dùng không để tâm đến điều này, đến lúc phát hiện ra thì đã muộn. Các card đồ họa hiện có 2 phiên bản sử dụng bộ nhớ khác nhau là GT 240, HD 5670, HD 6670 và GTS 450. Các bản DDR3 có giá rẻ hơn nhưng đổi lại hiệu năng cũng kém đi nhiều. Hãy kiểm tra kĩ trước khi nhận hàng.
     
    HIS & Sparkle: rẻ mà chất – tại sao không?
     
    Với tâm lý “hàng lạ không chơi” của đa số người Việt, những cái tên nào khác ngoài MSI, Gigabyte và Asus rất dễ bị gạch khỏi danh sách ngay từ vòng gửi xe. Thế nhưng bạn không biết đến không có nghĩa nó không tốt. Sparkle là hãng card đồ họa ít nhiều tên tuổi trên thế giới. Nhằm đáp ứng các tiêu chí “ngon-bổ-rẻ” của nhiều game thủ không dư dả, các sản phẩm giá tốt của họ đã đổ bộ vào Việt Nam cách đây không lâu.

    Các sản phẩm của Sparkle ở Việt Nam chủ yếu sử dụng bo mạch ref của Nvidia. Ngoài ra hãng cũng cắt giảm phần tản nhiệt để giảm giá thành. Do vậy các card đồ họa Sparkle ở Việt Nam không sở hữu khả năng ép xung ấn tượng như MSI, Gigabyte hay Asus. Bù lại giá của chúng thì “mềm” hơn rất nhiều. Nếu không phải dân chơi thích hầm hố hay ép xung mạnh, Sparkle là sự lựa chọn hợp lý. Nếu bạn không quá coi trọng việc ép xung, hãy để tâm đến 2 thương hiệu này để đạt được hiệu năng cao nhất với số tiền bỏ ra.

    Một sản phẩm của Sparkle với tản nhiệt cắt giảm.

    Giả dụ, nếu phải lựa chọn giữa Sparkle GTX 560 Ti và một chiếc GTX 560 của hãng khác (giá tương đương), đương nhiên tôi sẽ “chấm” chiếc card Sparkle bởi hiệu năng cao hơn là chắc. Tuy nhiên có 1 điểm cần lưu ý là hiện ở miền Bắc chưa có đại lý nào bán sản phẩm của Sparkle, nên khách hàng buộc phải ship hàng từ TP Hồ Chí Minh ra.

    Khác với Sparkle, HIS manh mún xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn, nhưng hãng ít quảng cáo nên nhiều người không biết đến. HIS có cả hàng bình dân lẫn hàng “chiến”. Ngay cả các chiếc card thiết kế bo mạch và tản nhiệt tốt của họ cũng có giá tương đối mềm. Mặt hàng của HIS hiện nay tương đối đa dạng, chất lượng không kém gì Gigabyte hay Asus. Do vậy đây sẽ là cái tên xuất hiện khá nhiều trong bài viết này.

    Card của HIS có tản nhiệt khá tốt.

    Ngoài ra, còn một cái tên XFX cũng là thương hiệu cực kì tin cậy giờ cũng đã chính thức có mặt tại Việt Nam (trước đây rất được dân chơi card đồ họa ưa chuộng qua kênh xách tay).
     
    Tầm giá dưới 2.000.000 VNĐ
     
    Đề cử: Nvidia GT 440 và AMD HD 5670 DDR3

    Sparkle GT 440 512MB GDDR5 (xung nhịp 810 MHz) – 1.650.000 VNĐ.

    HIS HD 5670 iceQ 1GB DDR3 (xung nhịp 775/800 MHz) - 1.850.000 VNĐ.

    2 card đồ họa này có khả năng chơi hầu hết các game ở độ phân giải 1280 x 1024, tất nhiên là với thiết lập thấp và trung bình. Đây là chi phí thấp nhất bạn nên bỏ ra cho card đồ họa chơi game, bởi các card đồ họa rẻ hơn đều có hiệu năng rất bèo nhèo, hầu như chỉ có tác dụng xuất hình ảnh, xem film và chơi tạm mini game.

    Bạn đọc lưu ý chiếc HD 5670 tôi đang đề cập ở đây là bản DDR3 rẻ và yếu hơn bản GDDR5. Về tương quan sức mạnh, 2 chiếc card mà người viết đưa ra ở trên gần như ngang nhau.
     
    Tầm giá 2.000.000 đến 2.500.000 VNĐ
     
    Đề cử: Nvidia GTS 450 và AMD HD 5670 GDDR5, HD 6670 GDDR5, HD 6750
    Trong tầm này nên tránh HD 5670 DDR3, HD 6670 DDR3.

    HIS HD 6670 Fan 1GB GDDR5 (xung nhịp 800/1000 MHz) – 2.290.000 VNĐ.

    HD 6670 sinh ra để thay thế đàn anh 5670, trở thành card đồ họa không nguồn phụ mạnh nhất hiện nay (không kể đến thế hệ HD 7000 đang ra mắt). Có giá khá gần với HD 6750 mạnh mẽ hơn nhiều, yếu tố “ăn tiền” giúp HD 6670 lọt được vào danh sách này là điện năng tiêu thụ thấp, phù hợp với những ai không thể “bóp nặn” thêm để đầu tư cho bộ nguồn nữa. Còn trong trường hợp bạn đang hoặc sẽ sở hữu bộ nguồn công suất thực cỡ 400W trở lên, có 2 lựa chọn khác mạnh hơn rất nhiều, chỉ chênh lệch 300.000 VNĐ.
     
    HIS HD 6670 1GB GDDR5 có thể chơi tốt các game mới ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập từ trung bình tới cao tùy game.

    HIS HD 6750 Fan 1GB GDDR5 (xung nhịp 700/1150 MHz) – 2.590.000 VNĐ.

    Kì thực, HD 6750 chính là HD 5750 đổi tên với hiệu năng và công nghệ y hệt người cũ. (HD 5750 cũng xuất hiện trong danh sách card đồ họa tốt nhất phần trước)                
    HD 6750 là một trong những card đồ họa có hiệu năng/giá thành tốt nhất thời điểm hiện nay. Với bản driver mới nhất, hiệu năng HD 6750 đã ngang ngửa với GTS 450 của Nvidia. Chiếc card yêu cầu một nguồn phụ 6-pin và bộ nguồn công suất thực 400W trở lên. Nếu đáp ứng được yêu cầu này, HIS HD 6750 1GB GDDR5 xứng đáng hơn HD 6670 rất nhiều với hiệu năng cao gấp rưỡi!
    Chiếc card có thể chơi tốt các game mới ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập cao.

    Sparkle GTS 450 1GB GDDR5 (xung nhịp 783/902 MHz) – 2.400.000 VNĐ.

    Một sản phẩm giá tốt nữa của Sparkle. Như tôi đã nói ở trên, GTS 450 có hiệu năng bằng HD 6750! Với giá thấp hơn HIS HD 6750 một chút, Sparkle GTS 450 đương nhiên có chỗ đứng trong danh sách này. Có điều tiền nào của nấy, chiếc GTS 450 này sử dụng tản nhiệt nhôm khối và bo mạch đơn giản. Dù sao GPU GTS 450 cũng rất mát, và giá của chiếc card đã là quá tốt so với các chiếc GTS 450 khác.

    GTS 450 yêu cầu 1 nguồn phụ 6-pin và bộ nguồn công suất thực 400W trở lên. Chiếc card chơi tốt các game mới hiện nay ở độ phân giải 1600 x 900 với thiết lập cao.
     
    MSI HD 5670 1GB GDDR5 (xung nhịp 775/1010 MHz) – 2.320.000 VNĐ.

    Asus HD 5670 1GB GDDR5 (xung nhịp 775/1000 MHz) – 2.540.000 VNĐ.

    Nếu không thích Sparkle và HIS thì đây là 2 sản phẩm phù hợp nhất trong tầm giá này. So với các lựa chọn tôi đưa ra ở trên, HD 5670 yếu hơn HD 6670 20%, kém GTS 450 và HD 6750 tới 50%. Nếu bạn là người kĩ tính và cảm thấy không yên tâm về thương hiệu lạ, hãy lựa chọn 2 chiếc card này. Tuy nhiên riêng trường hợp này, quan điểm cá nhân tôi nghiêng về 3 chiếc VGA ở trên.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ