Đây là RK-61, bàn phím cơ bỏ túi, giá rẻ và có Bluetooth, hãy như RK-61

    Dee Tee,  

    Cực rẻ, cực nhỏ, cực tiện dụng lại còn không dây.

    Ngày hôm qua, tôi dành hơn 10 tiếng đồng hồ cho chiếc bàn phím cơ trong bức hình dưới đây. Tôi mệt mỏi, thất vọng vì điều tôi chờ đợi đã không xuất hiện. Hơn nửa ngày gõ phím, với tất cả những công việc tôi vẫn thường làm như viết bài hay chơi game cùng bạn bè, nhưng sử dụng RK-61 ở chế độ không dây, trải nghiệm và nhiệm vụ lớn nhất là kiểm chứng thời gian sử dụng của viên pin trong chiếc bàn phím cơ này.

    Tới cuối ngày, khi mà 10 đầu ngòn tay đã mệt mỏi, iPad chỉ còn chưa tới 10% pin, bàn phím của tôi vẫn sáng đèn. May mắn, tôi là một người nghiện phím cơ, đặc biệt là tiếng bấm của nó, nên cũng khá thoải mái.

    Trước khi giới thiệu và đánh giá chi tiết về sản phẩm này, cần biết rằng bàn phím cơ này được sản xuất bởi Trung Quốc, rất rẻ, tiện lợi, dùng ngon và vô cùng bền bỉ. Có 2 ưu điểm cần phải nhấn mạnh đó là giá thành và sự tiện dụng. Bạn chỉ phải bỏ ra 1,5 triệu đồng cho một chiếc phím cơ có bluetooth, có led và sử dụng switch Kailh, có mặt trên các mẫu bàn phím cao cấp nhất của hãng Razer.

     Logo của sản phẩm được in ở cạnh phía sau.

    Logo của sản phẩm được in ở cạnh phía sau.

    Ấn tượng đầu tiên, ngay từ vỏ chiếc vỏ, tôi nhận thấy rõ những điểm đặc trưng của một sản phẩm phím cơ "vô danh" do Trung Quốc sản xuất. Vỏ hộp đơn giản, nhiều chữ Trung Quốc và khá ọp ẹp. Nhưng nên nhớ, đây là một sản phẩm giá rẻ, và điều bất ngờ vẫn còn nằm ở bên trong.

     Biểu tượng cho thấy sản phẩm này sử dụng switch của Kailh và có kết nối Bluetooth.

    Biểu tượng cho thấy sản phẩm này sử dụng switch của Kailh và có kết nối Bluetooth.

    Tiếc rằng, bên trong hộp chẳng có điều bất ngờ nào... Tất cả tôi nhận được chỉ là một chiếc phím cơ nhỏ gọn, vốn đã xuất hiện phía bên ngoài, kèm theo đó là đoạn cáp kết nối buộc phải có. Nó không thật sự đẹp, không thật sự nhẹ như kích thước của nó, với chỉ 61 phím bấm(lý do tại sao được gọi là RK-61). Với những ai chưa biết, thiết kế nhỏ gọn này của các sản phẩm phím cơ được gọi là "bàn phím 60%", khi nhà sản xuất loại bỏ đi nhiều thành phần trên bàn phím, bao gồm phần phím Number bên phải, cụm phím điều hướng, cụm phím chức năng từ F1-F12 cùng với các phím chức năng khác.

     Chỉ có 5 hàng phím, không có các phím F1-F12 quen thuộc trên kích thước phím thông thường.

    Chỉ có 5 hàng phím, không có các phím F1-F12 quen thuộc trên kích thước phím thông thường.

    Kích thước nhỏ gọn này có thể lạ lẫm với những ai ít tiếp xúc với bàn phím cơ, nhưng với những người đam mê món đồ này, bàn phím 60% có rất nhiều fan trung thành. Nó nổi bật, gọn nhẹ, tiện dụng và đòi hỏi người dùng một chút thời gian để làm quen với sự "thiếu thốn" phím bấm, đó gọi cũng là cái thú.

    Quay trở lại với sản phẩm RK-61, các đặc điểm ngoại hình khác của sản phẩm này khiến tôi không thể đánh giá cao nó. Màu LED chưa được đẹp, quá lòe loẹt khi 5 hàng phím được lắp 5 màu LED khác nhau. Cùng với đó, font chữ in trên các phím bấm lại một lần nữa "tố cáo" đây là một sản phẩm do người Trung Quốc sản xuất, thiếu đi sự tinh tế và hiện đại, đó là còn chưa xét tới chất lượng hay độ bền của các phím bấm này. Đáng thất vọng nhất, có lẽ là sự cẩu thả của nhà sản xuất khi để chữ "ON" (Bật phím) lộn ngược ở mặt sau, chúng ta có chữ "NO" (Không).

     OFF và NO !?

    "OFF" và "NO" !?

    Một lần nữa tôi lại phải sử dụng câu thần chú "Đây là một sản phẩm giá rẻ" để định thần và quay trở lại đánh giá các khía cạnh khác của RK-61. Rất may, phần còn lại này chỉ có khen và khen. Những thứ chúng ta nhận được là một bàn phím gõ tốt, cảm giác không tệ, hơi nặng một chút nếu bạn chưa quen nhưng độ phản hồi của các phím bấm sử dụng Kailh switch là hoàn toàn chấp nhận được.

     Các switch bấm mà RK-61 sử dụng là Blue Switch do Kailh sản xuất.

    Các switch bấm mà RK-61 sử dụng là Blue Switch do Kailh sản xuất.

    Một lần nữa phải nhắc lại, các switch bấm mà RK-61 sử dụng do Kailh sản xuất. Các mẫu phím cơ cao cấp có giá từ 2 - 4 triệu đồng của nhiều thương hiệu khác như Razer, SteelSeries, TTesport cũng dùng switch bấm tương tự. Không được đánh giá cao về độ bền nếu so sánh với Cherry switch, nhưng switch do Kailh sản xuất cũng tự tin khi quảng cáo về tuổi thọ 50 triệu lần bấm. Tôi nghĩ, đây là một ưu điểm, bởi các sản phẩm giá rẻ tới từ Trung Quốc như thế này thường chỉ được trang bị các switch bấm "hàng nhái" ít tên tuổi.

    Sản phẩm mà có trên tay sử dụng blue switch Kailh, với các đặc điểm gần như giống hệt với blue switch của Cherry. Cảm giác bấm phím ổn, tiếng bấm vẫn ồn như vậy, hơn hết là sướng và khá đầm tay. Khó có thể dòi hỏi gì hơn ở một sản phẩm trong tầm giá này.

     Quá nhỏ gọn!

    Quá nhỏ gọn!

    Điểm cần lưu tâm thứ 2, chính là khả năng kết nối không dây thông qua Bluetooth 4.0 mà RK-61 được trang bị. Trên thị trường phím cơ trong nước, rất khó để bắt gặp các sản phẩm có tính năng này. Để tìm được một sản phẩm có khả năng tương tự, đi kèm với yếu tố tên tuổi, bạn sẽ phải ngước lên mức giá hơn hơn 3 triệu đồng là Filco Majestouch Minila Air. Nhưng của rẻ có phải là của ôi?

    Tôi không thể khẳng định một chiếc bàn phím cơ Trung Quốc 1,5 triệu đồng sẽ mang lại trải nghiệm ngang ngửa với sản phẩm do ông lớn Filco sản xuất, nó kém xa trong nhiều yếu tố, nhưng riêng khoản kết nối không dây thì RK-61 xứng đáng là "một viên ngọc quý". Đảm bảo khả năng "bắt sóng" cực nhanh, cả trên laptop Windows cho tới các thiết bị di động chạy Android hay iOS mà tôi có làm video thử nghiệm dưới đây. Chỉ cần kích hoạt chế độ nhận tín hiệu trên bàn phím, đồng thời tìm thiết bị Bluetooth trên máy tính, RK-61 sẵn sàng để phục vụ bạn.

    Video thử kết nối bluetooth của RK-61.

    Nếu như sản phẩm của Filco có thể ghi nhớ kết nối với 4 thiết bị khác nhau, RK-61 giá rẻ hơn một nửa có thể kết nối 3 thiết bị khác nhau. Được in rõ ràng trên bàn phím, người dùng sẽ dễ dàng chuyển đổi qua lại các thiết bị như smartphone hay máy tính bảng chỉ với tổ hợp phím Fn Q/W/E. Quá trình chuyển đổi chỉ vỏn vẹn 2 giây, nhanh không kém khi bạn kết nối. Cuối cùng, nếu muốn tắt hẳn bluetooth và quay trở lại sử dụng bàn phím thông qua dây cáp đi kèm, bạn chỉ cần nhấn Fn Tab để chuyển chế độ. Trong nhiều trường hợp, việc chuyển đổi này diễn ra không thật sự thuận lợi, bạn có thể phải tắt đi bật lại bàn phím ở công tắc phí sau.

     Dùng phím Fn P để nhận tín hiệu Bluetooth từ các thiết bị khác.

    Dùng phím Fn P để nhận tín hiệu Bluetooth từ các thiết bị khác.

    Câu hỏi đặt ra, sử dụng kết nối không dây có độ trễ khi sử dụng hay không? Chắc chắn là có, nhưng rất khó để nhận ra được điều này nếu bạn chỉ sử dụng nó để gõ văn bản. Sự khó chịu xuất hiện khi tôi thử dùng RK-61 để chơi game qua kết nối bluetooth, có một chút độ trễ, khoảng 0,5 giây khiến một số thao tác trong game diễn ra không như ý muốn, nhưng đây là đặc điểm chung của hầu hết các bàn phím bluetooth giá rẻ trên thị trường. Dù sao, cũng nên ngợi khen khả năng kết nối không dây của bàn phím cơ này, đặc biệt khi nó có thể hoạt động bền bì trong cả một ngày dài làm việc.

    Trong một số yếu tố bên lề khác, RK-61 đáng chê ở vài điểm. Bàn phím này được trang bị khả năng khóa phím Windows để tránh bấm nhầm khi chơi game, đây là một chức năng khá cơ bản trên các bàn phím cơ. Nhưng bù lại, dù nhìn rất màu mè nhưng sản phẩm này chẳng có nhiều tính năng đa phương tiện theo kèm , ngoài 2 phím bấm tăng giảm độ sáng đèn LED, bạn không có thêm tổ hợp phím tăng giảm âm lượng hay chuyển bài. Bù lại, bàn phím này có layout là ASCII, khá thông dụng và dễ dàng để chọn mua một bộ keycap (phím bấm) cao cấp hơn thay thế cho bộ keycap gốc xấu xí.

    Về việc chơi game, tôi thực sự không thực hiện một bài test nghiêm chỉnh nào. Bởi đơn giản, một chiếc bàn phím 60% giá rẻ như RK-61 thật khó để hỗ trợ đối tượng là game thủ, đặc biệt các game Moba như Liên Minh Huyền Thoại hay Dota 2, khi mà nó không có hàng phím chức năng F1-F12. Mặt khác, RK-61 cũng không có khả năng chuyển đổi chức năng phím bấm, hay thiết lập cụm phím macro như các bàn phím gaming.

    Sau cùng, tôi sẵn sàng chấm 8/10 điểm cho RK-61 nếu không có những lỗi cẩu thả trong khâu sản xuất, tôi chỉ có thể để 6/10 điểm cho sản phẩm này. Dù sao nó vẫn là một bàn phím đáng tiền và đáng để tham khảo nếu bạn đang tìm cho mình một bàn phím cơ sánh đôi cùng máy tính bảng.

    Ưu điểm:

    - Giá rẻ
    - Nhỏ gọn, dễ dàng cho vào túi xách mang theo người
    - Bluetooth kết nối dễ dàng và tiện dụng, hoạt động ổn định với thời lượng pin đủ dài cho công việc
    - Cảm giác gõ ở mức khá

    Nhược điểm:

    - Chất lượng gia công chưa tốt
    - Keycap font chữ xấu, LED hơi quá màu mè
    - Khó làm quen với những ai chưa từng sử dụng loại bàn phím 60% này
    - Không có các phím đa phương tiện

    Sản phẩm hiện đang có giá tham khảo là 1,5 triệu đồng. Cảm ơn công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Doanh đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ