Một số khái niệm ban đầu về tai nghe di động – portable headphone (kì I)

    Vốt Ca,  

    Để chuẩn bị cho buổi offline tai nghe đầu tiên vào chiều Chủ nhật 18/3 này, GenK xin được tổng hợp và gửi đến bạn đọc một số kiến thức cần thiết cho người mới bắt đầu chơi – hoặc tìm hiểu về tai nghe, để có thể dễ dàng hòa nhập và chia sẻ với những người khác trong buổi offline tới.

    Để chuẩn bị cho buổi offline tai nghe đầu tiên vào chiều Chủ nhật 18/3 này, GenK xin được tổng hợp và gửi đến bạn đọc một số kiến thức cần thiết cho người mới bắt đầu chơi – hoặc tìm hiểu về tai nghe, để có thể dễ dàng hòa nhập và chia sẻ với những người khác trong buổi offline tới. Các khái niệm được nêu ra dưới đây hầu hết đều là rất cơ bản, và sẽ được sử dụng thường xuyên giữa những người chơi; mục đích của bài này là để cho các bạn mới không bị “lạc lõng” khi lắng nghe hay chia sẻ cảm nhận của mình trong buổi offline.

    A.    Các loại tai nghe:

    Mỗi loại tai nghe được tạo ra đều dựa trên một mục đích sử dụng riêng, và chính nhu cầu của người dùng mới quyết định anh ta chọn chiếc tai nghe nào, chứ không phải chất lượng hay mức giá của chúng. Do vậy, nếu hiểu đúng đắn về các loại tai nghe, bạn sẽ không bao giờ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi lỡ mua 1 cặp earbud giá vài triệu (mà được cậu bạn giới thiệu là “đỉnh cao, tuyệt vời”) trong khi bạn thích nhạc nhiều bass; hơn nữa phần lớn thời gian bạn nghe nhạc lại ở ngoài đường hay giữa giờ nghỉ ồn ào; thì earbud lại ít bass và thiếu đi chức năng cách âm, có thể khiến bạn thất vọng cảm giác nó không hơn gì 1 chiếc tai nghe in-ear "Tàu" trước đây vẫn dùng.

    Sau đây là tóm tắt 1 số loại tai nghe phổ biến nhất trên thị trường:

    1.    Ear-bud


    Earbud là các tai nghe nhỏ và được đeo vừa khít vào phần khoang tai, nhưng không nhét vào ống lỗ tai. Đây là loại phổ biến nhất, xuất hiện nhiều nhất, thường đi kèm với iPod, iPhone cũng như các máy nghe nhạc Sony.

    Ưu:

    -    Cực kì nhỏ gọn, nhẹ, dễ dàng mang theo mọi lúc mọi nơi.
    -    Cảm giác đeo khá dễ chịu, có thể đeo trong thời gian dài, không bị nóng. (nếu vừa tai)
    -    Không vướng vào gọng kính, mũ, hoa tai,…

    Nhược:

    -    Dây dễ bị rối, phần mút tai dễ bị rách.
    -    Nếu lỗ tai to hơn bình thường thì dễ bị tuột, nhỏ hơn thì sẽ đau tai.
    -    Cách âm không tốt, thường phải để volume to khi ở nơi ồn ào => dễ tổn thương & ảnh hưởng đến khả năng nghe.
    -    Dải âm trầm thường yếu hơn và thiếu chi tiết so với các loại khác.

    Đại diện: Sennheiser MX980, MX880, Yuin PK1, Sony E484, stock iPod.

    2.    In-ear


    In-ear hay IEM, canal,… là các tai nghe nhỏ, thường có đầu cao su và được nhét vào phần ống lỗ tai. In-ear cũng nhỏ gọn cơ động như earbud, nhưng có một số ưu điểm hơn.

    Ưu:

    -    Nhỏ gọn, nhẹ, dễ dàng mang theo mọi lúc mọi nơi.
    -    Có thể thay đổi kích thước núm cao su (và có thể mua núm cao su xịn, mềm) để phù hợp với tai, đem lại cảm giác vừa vặn, chắc chắn hơn earbud.
    -    Không vướng vào gọng kính, mũ, hoa tai,…
    -    Cách âm khá tốt, có thể nghe nhạc ở nơi công cộng.

    Nhược:

    -    Đối với 1 số người, việc nhét tai có thể gây nóng, bí, đau tai,…
    -    Khó nghe âm thanh từ bên ngoài, có thể nguy hiểm (khi tham gia giao thông,…)
    -    Dây dễ bị rối , có thể bị rơi mất núm cao su khi nhét trong túi (đặc biệt với một số loại chất lượng thấp)
    -    Thường khó có được âm thanh bass sâu như các full-size; âm trường tạo ra thường không được rộng.

    Đại diện: Sennheiser IE80, CX980, CX400-II, Shure 530, JH16.

    3.    Earpad


    Earpad là loại tai nghe úp lên trên, bao phủ vành tai; và có 2 loại: open (không cách âm) và closed (cách âm). Tuy tính cơ động không cao như in-ear hay ear-bud, earpad cũng là một lựa chọn theo sở thích và cảm giác thoải mái của mỗi người.

    Ưu:

    -    Cảm giác thoải mái khi dùng.
    -    Âm thanh khá tốt.
    -    Gọn gàng và tiện dụng hơn so với full-size.

    Nhược:

    -    Về tính di động không thể bằng in-ear và ear-bud.
    -    Cách âm kém hơn in-ear và fullsize.

    Đại diện: Sennheiser HD25-II, PX200-II, PX100-II, SR225i, Ultrasone Edition 8

    4.    Clip-on


    Clip-on có thể là earbud, in-ear hoặc earpad, nhưng có gọng để đeo vào tai.
    Đại diện: Sennheiser OMX980, OMX180, Koss KSC75, KSC35, Yuin G1A

    5.    Full-size, Head-set & Wireless


    Full-size là những tai nghe lớn, thường chỉ sử dụng tại nhà hơn là di động. Có chất lượng cao, một số dòng phải cần đến amply mới đủ công suất kéo, và làm cho tiếng hay được.

    Ưu:

    -    Kích thước pad lớn, có khả năng cho ra tiếng tốt nhất và có thể cách âm khá nhất (đối với các dòng close-back)
    Nhược:
    -    Tính di động kém.
    -    Không phải tai nghe nào cũng có kích thước ôm vừa hết tai, hay vướng vào gọng kính, hoa tai, …
    -    Một số dòng khó kéo, cần có AMP, DAC tốt.

    Đại diện: Sennheiser HD800, HD650, Denon D7000, Beyerdynamic DT 990.

    B.    Một số khái niệm cần biết:

    DAP: Viết tắt của Digital Audio Player, là các thiết bị lưu trữ và chơi nhạc như các dòng iPod, Zune, Sansa, Cowon, các điện thoại chơi nhạc, …

    NuForce uDAC2.

    DAC: Viết tắt của Digital-to-Analog Converter, là thiết bị chuyển đổi tín hiệu số thành analog như đầu đĩa CD, Soundcard, USB Soundcard (NuForce DAC9, uDAC2-SE, Onkyo SE,…)


    AMP của FiiO.

    AMP: Viết tắt của Amplifier, là các thiết bị được dùng để tăng âm lượng, cải thiện chất lượng của loa hoặc tai nghe. Các loại AMP dành cho tai nghe còn được gọi là head-amp hay portable-amp. Đại diện: Mini3, Corda 3 move, Fiio E10, … (các sản phẩm Nuforce vừa là DAC, cũng vừa là AMP.)

    (Còn tiếp)